\'Chiến tranh lạnh\' trong gia đình vì đỗ nhiều đại học

Thi đạt điểm cao, đỗ cả ĐH Y Hà Nội và Kinh tế Quốc dân nhưng chưa kịp vui, Nguyễn Mỹ Linh (Hà Nội) lại phải đối mặt với \'cuộc chiến\' chọn trường. Bố làm mặt lạnh với em, còn mẹ thì thở ngắn than dài kêu con gái bướng.

Từ nhỏ, Mỹ Linh đã thích làm bác sĩ nhưng điều đó không được cha mẹ ủng hộ. Bố Linh có công ty riêng nên muốn cô sau này trở thành doanh nhân hoặc chí ít cũng làm việc trong lĩnh vực kinh tế. Do vậy, trước kỳ thi đại học, Linh nộp hồ sơ đăng ký vào cả ĐH Kinh tế Quốc dân lẫn ĐH Y Hà Nội.

Mới đây, Linh sung sướng khi đạt điểm thi tuyển cao vào cả 2 đại học lớn. Nhưng cũng vì thế mà gia đình cô xảy ra cuộc chiến tranh lạnh. Linh tâm sự: "Bố mẹ nhất định muốn em học tài chính, em cũng thấy ngành đó rất hay nhưng trở thành bác sĩ là niềm đam mê từ nhỏ của em rồi".

Việc đỗ cùng lúc nhiều trường đại học mang lại niềm vui song cũng khiến không ít bạn trẻ băn khoăn khi lựa chọn, quyết định. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Linh cho biết, những lý lẽ mà bố mẹ đưa ra để thuyết phục cô hoàn toàn có cơ sở. Nếu chọn học kinh tế thi khi ra trường, Linh chắc chắn có việc làm ngay, thậm chí còn được thừa hưởng những mối quan hệ của bố để phát triển. Còn theo ngành Y, Linh phải học 6 năm, gia đình không có ai hoạt động trong lĩnh vực này để giúp đỡ cô. Chưa kể, riêng việc con gái sau này phải trực đêm đã khiến bố mẹ cô phản đối kịch liệt. "Vài ngày nay rồi, bố làm mặt lạnh với em. Còn mẹ thì thở ngắn than dài kêu em bướng khiến em khó xử quá", Linh tâm sự.

Không đến mức gay gắt như vậy, song Anh Quân, cựu học sinh THPT Thăng Long (Hà Nội) cũng đang đau đầu với việc chọn trường. May mắn đạt điểm cao trong kỳ tuyển sinh vừa qua vào ĐH Bách khoa Hà Nội và Kinh doanh & Công nghệ. Cha mẹ Quân cũng hoàn toàn tôn trọng vào quyết định của cậu. Nhưng điều khiến Quân băn khoăn là môi trường, học phí hiện tại và cơ hội đi du học diện trao đổi sinh viên trong 1- 2 năm tới.

"Nếu chỉ đỗ một trường thì sẽ dễ hơn nhiều. Khi nộp hồ sơ em đã rất băn khoăn, nhưng giờ quyết định còn khó hơn. Chắc em sẽ tìm kiếm thêm thông tin để có hướng đi chính xác nhất", Quân chia sẻ.

Thực tế, "cuộc chiến" chọn trường luôn là vấn đề lớn đối với các bạn trẻ thi đỗ cùng lúc vài trường đại học. Mặc dù việc theo ngành nào, học ở đâu đều vì lợi ích, tương lai của sĩ tử nhưng nó vẫn gây ra không ít tranh cãi giữa bố mẹ và con cái. Điều này thường chỉ được thừa nhận khi có kết quả thực sự.

Cách đây 4 năm, Tạ Đức Tùng (Hà Nội) từng trái ý bố mẹ, kiên quyết theo học ĐH FPT vì đam mê cá nhân và rất yêu thích môi trường năng động, đổi mới tại đó. Sinh ra ở Hưng Yên, thời gian dài theo gia đình công tác, Tùng học ở huyện vùng cao của tỉnh Lai Châu, và khi về Hà Nội cậu thi đỗ THPT chuyên Chu Văn An.

Bác Tạ Đức Toan (bố Tùng) tâm sự, khi con thi đại học, bác rất muốn con theo học những trường top trên như Bách khoa, Ngoại thương, Ngân hàng... Chính vì vậy, khi đỗ 2 trường, mặc dù Tùng chỉ muốn học ĐH FPT nhưng bác đã đem hồ sơ của cậu nộp vào trường Bách khoa với hy vọng Tùng sẽ đổi ý.

"Một tháng trời, Tùng không học ở Bách khoa buổi nào, tôi đành rút hồ sơ ra. Dần dần, thấy Tùng trường thành, chín chắn, lại được đi Nhật theo chương trình trao đổi sinh viên một năm, vào chung kết Rung chuông vàng, tôi bắt đầu thay đổi suy nghĩ. Giờ, ngay khi tốt nghiệp, Tùng còn nhận học bổng toàn phần của Panasonic đi học thạc sĩ ở nước ngoài, các bạn bè của Tùng đều dễ dàng tìm được việc làm với mức thu nhập tốt trước cả ngày tốt nghiệp khiến tôi tin quyết định khi đó của con là đúng", người cha thật thà chia sẻ.

Ông Nguyễn Xuân Phong, Phó hiệu trưởng ĐH FPT cho rằng, chọn ngành nghề, môi trường học tập là một việc khó và không có phương pháp duy nhất phù hợp cho tất cả mọi trường hợp. Tuy nhiên, trước khi quyết định, phụ huynh và sĩ tử nên tìm hiểu kỹ thông tin, trực tiếp đến tham quan, lắng nghe ý kiến của sinh viên đang học trong ngôi trường đó, không nên chỉ tham khảo bên ngoài.

"Mô hình lý tưởng nhất khi chọn trường, chọn ngành theo tôi là phụ huynh quyết định cuối cùng với sự cân nhắc cả đến những hạn chế có thể có và tôn trọng tối đa sở thích, đam mê của các em", lãnh đạo ĐH FPT nói.

Còn ông Nguyễn Tùng Lâm, Phó giám đốc điều hành Trung tâm hỗ trợ giáo dục Thanh thiếu niên Việt Nam (Trung ương hội Khuyến học) cho rằng, các bạn trẻ nên chọn trường và ngành học theo sở thích của bản thân bởi chỉ khi có đam mê, mới có thể "nuốt trôi" quãng thời gian đại học. Sau khi ra trường, công việc đúng sở thích sẽ giúp bạn trẻ dễ phát triển hơn.

Theo ông Lâm, thông thường trong mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái khi chọn trường, sở thích của ai mạnh hơn sẽ chiến thắng. "Nếu sĩ tử xác định rõ đam mê thì sẽ thuyết phục được cha mẹ. Phụ huynh cũng vậy, khi chắc chắn về 'miếng bánh ngon' thì cũng tìm cách hướng dẫn cho con. Vì bản chất, cả 2 phía đều hướng đến lợi ích và tương lai của bạn trẻ", ông Lâm nói.

Song, hiện, mảng hướng nghiệp ở Việt Nam còn khá yếu, đa phần giới trẻ không được trải nghiệm đủ khi chọn nghề mà chỉ là xem qua tivi, nghe người khác nói. Điều này khiến nhiều bạn băn khoăn, mông lung khi định hướng cho tương lai. Ông Lâm cho rằng, việc hướng nghiệp cần thực hiện ngay khi các em còn nhỏ, để mỗi người có đủ thời gian trải nghiệm, chọn trường thiết thực hơn theo năng lực cá nhân, đam mê, bên cạnh nhu cầu xã hội và kinh nghiệm của cha mẹ.

Đồng quan điểm, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Phượng cho rằng, ngày nay, ít trường hợp bố mẹ thích trường nào là con sẽ thi trường đó. Nhưng khi các em đỗ 2 - 3 trường cùng lúc thì cả gia đình thường sẽ bàn bạc, phân tích để tìm ra sự đồng thuận cuối cùng, định hướng cho sĩ tử.

Theo bà Phượng, để chọn trường bạn trẻ nên cân nhắc trước hết đến truyền thống gia đình bởi họ sẽ được thừa hưởng một bề dày văn hóa và chuyên môn. Ưu tiên thứ 2 là năng lực, sở trường cá nhân, và thứ 3 là xu thế xã hội. Dù không thể bỏ qua ý kiến của phụ huynh nhưng các bạn trẻ cũng phải phân tích để cha mẹ hiểu, làm gì cũng phải có sở thích, sở trường thì mới phát huy, phát triển được.

Theo VnExpress

 

NẮM CHẮC KIẾN THỨC, BỨT PHÁ ĐIỂM 9,10 LỚP 1 - LỚP 12 CÙNG TUYENSINH247!

Nếu em đang: 

  • Mong muốn bứt phá điểm số học tập nhanh chóng
  • Tìm kiếm một lộ trình học tập để luyện thi: TN THPT, ĐGNL, ĐGTD, Vào lớp 10
  • Được học tập với Top giáo viên hàng đầu cả nước

Tuyensinh247 giúp em: 

  • Đạt mục tiêu điểm số chỉ sau 3 tháng học tập với Top giáo viên giỏi
  • Học tập với chi phí tiết kiệm, đầy đủ theo ba đầu sách
  • Luyện thi bám sát cấu trúc từng kì thi theo định hướng của BGD&ĐT

Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY



  • Chọn Đại học hay trường nghề?

    Học đại học để có tấm bằng ra trường hay học một nghề thành thạo giúp mình có cuộc sống ổn định, làm lợi cho xã hội?

  • Kiếm 7 học bổng, chàng trai Đà Nẵng du học khắp Á Âu

    Sinh năm 1993, Nguyễn Hoàng Duy Phương đã sở hữu một tấm bằng cử nhân ở Nhật Bản và hiện đang theo học chương trình thạc sĩ hai văn bằng ở Đan Mạch. Điều đáng nể là suốt 6 năm học tập ở xứ người, Phương đều nhận đạt được nhiều thành tích xuất sắc và những suất học bổng giá trị.

  • Những cạm bẫy phòng trọ đối với tân sinh viên

    Đầu năm học là thời điểm có rất nhiều tân sinh viên nhập học. Đây cũng chính là cơ hội cho những kẻ xấu lợi dụng.

  • Bạn có phải là người thông minh hơn mình nghĩ?

    Thông minh không chỉ gói gọn trong việc hiểu biết kiến thức sách vở hay thông thạo một lĩnh vực học thuật nào đó. Vì vậy kể cả khi bạn không cảm thấy mình thông minh, hãy đọc những dấu hiệu dưới đây để thấy rằng bạn có thể thông minh hơn mình nghĩ!