Đào tạo thạc sĩ: Tuyển sinh \"xô bồ\", chất lượng tụt dốc

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, số lượng đào tạo trình độ thạc sĩ đang gia tăng mạnh trong những năm trở lại đây. Có năm số tuyển mới còn gấp đôi số được cấp bằng.

Không phủ nhận những học viên thật sự xuất sắc, đạt đẳng cấp quốc tế, nhưng quả thật chất lượng đầu vào “tạp nham”, nhiều nguồn, nhiều trình độ đã khiến mỗi kỳ bảo vệ luận văn “lọc” ra không ít sản phẩm kém chất lượng.

Kiểu gì cũng... qua!

Trong kỳ bảo vệ luận văn thạc sĩ vừa qua, một học viên cao học ngành công nghệ thông tin thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội bảo vệ đề tài “sử dụng một mô hình để ứng dụng phân loại văn bản”. Tuy nhiên, cả trong đề tài thực hiện lẫn trong lúc thuyết trình, các kiến thức cơ bản của mô hình mà tác giả luận văn “đặt vấn đề” là cơ sở để ứng dụng phân loại văn bản thì chính tác giả cũng mù mờ, thậm chí hiểu sai. Nhiều câu hỏi của hội đồng dù rất cơ bản nhưng tác giả không trả lời được. Bất ngờ cho hết thảy đồng môn của học viên này khi luận văn vẫn điềm nhiên được thông qua với số điểm trên 7.

Sau những sự cố tương tự, một giảng viên kỳ cựu của trường đã gửi bức “tâm thư” đề nghị các giảng viên cùng họp bàn xây dựng chuẩn đánh giá luận văn và quy trình chấm điểm. Trong đó, vị giảng viên nhắc lại “luận văn viết rất tồi, có chỗ sai kiến thức cơ bản”, các câu hỏi rất cơ bản không trả lời được nhưng hội đồng cũng đành phải cho điểm trên 7 vì “thông lệ” trước nay là thế. “Tôi thấy 50% học viên đã bảo vệ không nắm được nội dung cơ bản của luận văn, đặc biệt là thực nghiệm ẩu”...

Một giảng viên của ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng hiện nay quy chuẩn về luận văn do Bộ GD-ĐT quy định mới chủ yếu dừng ở mặt hình thức, mà không phân rõ những yêu cầu về chất lượng chuẩn cần có đối với một luận văn.

Điều này dẫn đến có những người cầm bằng thạc sĩ dễ dàng mà luận văn chỉ đơn giản như khóa luận tốt nghiệp ĐH bình thường. Nhiều người học tại chức chuyên ngành khác, rồi học bổ sung vài ba môn theo yêu cầu từng trường, sau đó nghiễm nhiên vào lớp cao học, bảo vệ rồi nhận bằng chính quy.

PGS.TS Trương Đoàn Thể - phó viện trưởng Viện Đào tạo sau ĐH - kể khi tham gia hội đồng bảo vệ luận văn ở một số trường có hiện tượng luận văn kém, không đạt yêu cầu nhưng các thầy trong hội đồng vẫn được “đề nghị” thống nhất cho qua.

“Ở các trường hợp này, điểm số thường không được công bố mà hội đồng chỉ kết luận “qua”, “đỗ”. Nhưng sau đó học viên sẽ phải bổ sung hoàn thiện luận văn, nộp cho thư ký và chủ tịch hội đồng kiểm soát sau” - PGS Thể “bật mí”.

Số tuyển mới gấp đôi số cấp bằng

GS Phương Lựu - nhà nghiên cứu văn học hàng đầu - cho hay lý do dễ thấy là nhiều luận văn chất lượng kém khiến chất lượng đầu vào thấp, số lượng tuyển sinh quá đông. “Bộ môn lý luận văn học của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có năm hướng dẫn đến 40 luận văn thạc sĩ, trong khi số thầy cô cơ hữu đủ tiêu chuẩn hướng dẫn (có trình độ tiến sĩ) chỉ có năm người. Khoa văn có mấy trăm luận văn được bảo vệ/năm và cả trường thì con số đó là hàng nghìn” - GS Lựu nói.

Tuy nhiên, số lượng hàng nghìn thạc sĩ/năm không phải là con số riêng có của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Thống kê của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho thấy số lượng thạc sĩ đào tạo mỗi năm là hơn 2.000 người, Trường ĐH Kinh tế quốc dân là 1.500 thạc sĩ/năm... Cán bộ đào tạo của một trường ĐH kỹ thuật cho hay do nguồn thu của trường thấp nên phải tìm mọi cách để hút đối tượng sau ĐH, tăng nguồn thu.

Thậm chí Trường ĐH Kinh tế TP.HCM có hàng chục nghìn hồ sơ dự thi mỗi năm nên đang đề xuất Bộ GD-ĐT cho phép nhận... hồ sơ điện tử.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, số lượng đào tạo trình độ thạc sĩ đang gia tăng mạnh trong những năm trở lại đây. Có năm số tuyển mới còn gấp đôi số được cấp bằng. Trong năm 2009-2010, số thạc sĩ được cấp bằng trong các trường ĐH, học viện cả nước là 10.740 người, nhưng số tuyển mới là hơn 23.000 và quy mô đào tạo của trình độ này lên đến hơn 54.000 người.


Theo Thethaohangngay