Doanh nghiệp IT \"ngắm\" sinh viên trường nào?

Sinh viên các trường Đại học Bách Khoa, Công nghệ (thuộc Đại học Quốc gia), Ngoại thương, Kinh tế quốc dân đứng đầu bảng về sự tín nhiệm tuyển dụng của các doanh nghiệp Công nghệ thông tin (IT).

Các Doanh nghiệp IT tìm kiếm tài năng từ các trường đại học. AMH

Nhiều cơ hội mở ra cho sinh viên

Trao đổi với PV, bà Trịnh Thu Hồng, Trưởng ban Nhân sự của Tập đoàn FPT cho biết: Để đáp ứng nhu cầu củng cố và mở rộng hoạt động kinh doanh, hàng năm FPT đều có kế hoạch tuyển dụng. Năm 2012, FPT đã tuyển hơn 2.000 người, dự kiến năm 2013 con số tuyển mới sẽ là hơn 3.000 người. Các vị trí FPT cần tuyển rất đa dạng từ sinh viên thực tập tới những vị trí lãnh đạo cấp cao, từ khối kỹ thuật, công nghệ tới kinh tế.

“Chúng tôi không quan trọng ứng viên học trường nào, yếu tố hàng đầu là bạn đó có năng lực phù hợp với vị trí cần tuyển. Tuy nhiên, có một số trường mà các bạn sinh viên có lợi thế đó là Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia, Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh…”, bà Hồng nhấn mạnh.

Sinh viên các trường Bách khoa, Quốc gia, Kinh tế Quốc dân cũng nằm trong danh sách được Tập đoàn Công nghệ CMC quan tâm hơn các ứng viên đến từ những trường khác.

Theo ông Phùng Đức Việt,  Trưởng Ban Nhân sự - Tập đoàn Công nghệ CMC, lãnh đạo Tập đoàn luôn đánh giá cao những sinh viên vừa ra trường hoặc cử nhân mới đi làm 1 - 2 năm, có tư chất tốt, có khả năng về tiếng Anh, nghiêm túc trong công việc. Tập đoàn luôn có nhu cầu tuyển dụng cao cho các vị trí thuộc khối ngành CNTT - viễn thông và khối ngành quản trị kinh doanh, tài chính, marketing, nhân sự. Ở khối ngành thứ nhất, đối tượng sinh viên được đánh giá cao thuộc các trường như Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia), Đại học Bách khoa, Đại học Khoa học tự nhiên, Aptech, Đại học FPT,… Còn ở khối ngành thứ 2 thì  CMC có nhiều thiện cảm hơn cả với sinh viên các trường Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Quốc gia, Đại học Hà Nội, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn,…

Hiện tại, khoảng 25% cán bộ nhân viên tại CMC được tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệm Đại học. Mỗi năm thường có 50 - 70 sinh viên tham gia vào hoạt động của Tập đoàn với tư cách  nhân viên chính thức, thực tập sinh, cộng tác viên, nhân viên thời vụ…

Đặc biệt có cảm tình với sinh viên Đại học Bách khoa, ông Nguyễn Quang Hưng - Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Phần mềm Sao Mai giải thích lý do bởi sinh viên Bách khoa có đầu vào tốt hơn các trường khác, lại có ý thức tự học cao hơn.

Doanh nghiệp kết nối cung - cầu với trường Đại học

Vài năm gần đây, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, thị trường nhân lực sinh viên mới tốt nghiệp chưa được khai thác tối đa khi rất nhiều công ty giảm nhu cầu tuyển dụng và hướng đến các ứng viên có nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, cơ hội dành cho sinh viên vẫn còn rất lớn.

Không chỉ trực tiếp làm việc và tuyển dụng với từng cá nhân sinh viên, không ít doanh nghiệp CNTT-TT, điển hình như Tập đoàn FPT đã lên kế hoạch kết nối cung - cầu nhân lực với các trường đại học mà mình có nhiều nhu cầu tuyển dụng. Hàng năm, FPT đều có những chương trình, hoạt động liên kết với các trường để giới thiệu và đưa những thông tin vị trí cần tuyển tới đông đảo sinh viên; tổ chức các chương trình để sinh viên được đến FPT thăm quan, tìm hiểu thực tế về môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ (ví dụ như Ngày hội hướng nghiệp và tuyển dụng của FPT Software thu hút được hơn 1.000 sinh viên, chương trình FPT Tour tổ chức liên tục…). Đặc biệt, FPT còn thường xuyên tổ chức khóa đào tạo hướng nghiệp miễn phí cho sinh viên các trường trước khi đi làm, dạy các kỹ năng cần thiết khi xin việc như kỹ năng trả lời phỏng vấn, viết hồ sơ…

Hiểu rõ nhược điểm của sinh viên sau khi ra trường là thiếu kinh nghiệm làm việc, một số doanh nghiệp như CMC vẫn luôn có những chương trình đặc biệt dành cho các bạn trẻ. Điển hình như chương trình CMC Talen Careers hướng tới mục đích phát hiện khả năng, tính cách, mức độ phù hợp với công việc của sinh viên mới vào làm thông qua các hoạt động nhóm, chia sẻ, trắc nghiệm…; đồng thời luôn dành thời gian cho việc đào tạo, vừa làm vừa học. CMC đang lên kế hoạch hợp tác triển khai CMC Talent Careers năm 2013 với 14 trường Đại học hàng đầu Việt Nam, chia thành các khối CNTT & Viễn thông, Quản trị Kinh doanh, Tài chính....

Các chính sách lương bổng dành cho sinh viên của CMC cũng rất rõ ràng và hấp dẫn: Sau 3 tháng làm việc, nếu đáp ứng yêu cầu của CMC và được ký hợp đồng chính thức thì sẽ được điều chỉnh lương lần 1 = 10% so với mức mới vào; sau 1 năm, nếu đáp ứng tốt yêu cầu công việc thì được xem xét điều chỉnh 20-30%; sau 5 năm kinh nghiệm, trở thành chuyên gia thì lương có thể tính đến hàng nghìn USD/năm.

Xuân Bách (ICT)

 

  • Nghề công nghệ thông tin hút giới trẻ

    Hàng loạt trường đào tạo nghề đang mở những khóa đào tạo nghề ngắn hạn với những nghề đang hot trong thời kỳ bùng nổ công nghệ thông tin (CNTT). Học viên sau 3 đến 6 tháng học có thể đi làm kiếm thu nhập khá.

  • Tư vấn hướng nghiệp: Con gái có nên học công nghệ thông tin?

    Em sinh năm 1993. Năm ngoái em học kế toán tại 1 trường ĐH, sau đó em thi lại và hiện đang học công nghệ thông tin (CNTT) hệ cao đẳng chính quy.Gần đây có người nói với em là nữ học IT rất khó và dễ thất nghiệp vì không trội bằng nam, chưa kể bằng của em là bằng cao đẳng. Em thấy hoang mang quá.

  • Chọn Đại học hay trường nghề?

    Học đại học để có tấm bằng ra trường hay học một nghề thành thạo giúp mình có cuộc sống ổn định, làm lợi cho xã hội?

  • Kiếm 7 học bổng, chàng trai Đà Nẵng du học khắp Á Âu

    Sinh năm 1993, Nguyễn Hoàng Duy Phương đã sở hữu một tấm bằng cử nhân ở Nhật Bản và hiện đang theo học chương trình thạc sĩ hai văn bằng ở Đan Mạch. Điều đáng nể là suốt 6 năm học tập ở xứ người, Phương đều nhận đạt được nhiều thành tích xuất sắc và những suất học bổng giá trị.

  • Những cạm bẫy phòng trọ đối với tân sinh viên

    Đầu năm học là thời điểm có rất nhiều tân sinh viên nhập học. Đây cũng chính là cơ hội cho những kẻ xấu lợi dụng.