Quay lại với 2 kỳ thi tốt nghiệp và thi đại học?

Dựa vào đánh giá về kỳ thi 2 trong 1 tổ chức năm 2015 vừa qua, đề xuất quay lại với 2 kỳ thi riêng biệt: thi tốt nghiệp và thi tuyển vào Đại học, cao đẳng như trước đó.

Tại hội thảo do Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng tổ chức, nhiều ý kiến không đồng tình với kỳ thi 2 trong một - THPT Quốc gia với 2 mục đích: xét tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH, CĐ mà Bộ GD-ĐT tổ chức năm 2015.

Dù ghi nhận quyết tâm của Bộ GD-ĐT thực hiện kỳ thi “hai trong một” sớm hơn hai năm so với lộ trình, nhưng bất ngờ đa số ý kiến từ các chuyên gia tại hội thảo lại đề nghị Bộ GD-ĐT nên tách hai kỳ thi độc lập trở lại khi kỳ thi THPT quốc gia vừa qua đã lộ rõ bất cập vì phải cố gò mình cho hai mục tiêu không thể đồng nhất: tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.

 Có nên nhập 2 kỳ thi trong một?

Phó giáo sư (PGS) Văn Như Cương - chủ tịch hội đồng quản trị Trường THPT Lương Thế Vinh đặt vấn đề: “Mặc dù mới đây GS Hoàng Tụy cho rằng nếu trở lại hai kỳ thi là có tội với học sinh, nhưng tôi vẫn băn khoăn với câu hỏi: Có nên nhập 2 kỳ thi trong một không?”.

PGS Văn Như Cương phân tích: “Bộ GD-ĐT đánh giá năng lực thí sinh thế nào khi mà cấu trúc đề thi gồm có 6 câu (tương ứng với 6 điểm) để kiểm tra kiến thức cơ bản, 4 câu (tương ứng với 4 điểm) để kiểm tra kiến thức nâng cao. Giả sử giờ có 2 bài thi cùng đạt 6 điểm, trong đó bài thứ nhất là 6 + 0 (điểm của phần cơ bản + điểm của phần nâng cao), thí sinh thứ hai là 4 + 2. Rõ ràng năng lực của hai thí sinh này rất khác nhau, nhưng Bộ đã đánh giá hai thí sinh này ngang nhau. Để đánh giá được sự khác nhau về năng lực giữa các thí sinh là điều cực kỳ khó với một kỳ thi có 2 mục tiêu khác nhau. Thực tế là chúng ta đã không làm được, vì không có cách nào để thực hiện được điều đó”.

Giáo sư Văn Như Cương đề xuất quay lại 2 kỳ thi riêng biệt như trước

Trên cơ sở những giải thích này, PGS Văn Như Cương đề xuất nên trở về 2 kỳ thi như trước, trong đó kỳ thi tốt nghiệp THPT giao cho các Sở GD-ĐT tổ chức với hình thức thi nhẹ nhàng, thậm chí giống như cách vẫn làm với bài kiểm tra học kỳ. Có thể như chỉ có một bài thi tổng hợp trong đó bao gồm câu hỏi dành cho tất cả các môn học theo cách của kỳ thi đánh giá năng lực mà ĐHQG Hà Nội đã làm.

GS Bùi Thiện Dụ, Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Phương Đông cũng bày tỏ quan điểm: “Hãy tổ chức một kỳ thi thuần túy là tốt nghiệp THPT ở các địa phương do các trường THPT (hoặc cụm các trường THPT tại liên xã, cùng lắm là của một huyện tại vùng vắng trường hoặc ít học sinh) dưới sự phụ trách điều hành trực tiếp của các Sở GD-ĐT. Thậm chí, có thể ủy nhiệm cho các Phòng GD-ĐT huyện lớn tổ chức. Xã hội nên tin và yên tâm là các địa phương, các trường THPT có khả năng và sẽ làm tốt, vì không có lý do gì trong khi giao cho họ việc lớn hơn nhiều là đào tạo từ mẫu giáo, 12 năm phổ thông mà lại không tin họ làm tốt được một kỳ thi cuối khóa”.

Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT), gọi kỳ thi “hai trong một” là một cách nói không phản ánh đúng bản chất với kỳ thi THPT quốc gia 2015. “Bản chất của kỳ thi là hết 12 năm học mình phải có một cái đánh giá xem các em đứng ở đâu. Kết quả của đánh giá này được sử dụng vào hai mục đích: Các Sở GD-ĐT sử dụng để xét tốt nghiệp THPT, kết hợp với đánh giá của cả quá trình; các trường ĐH, CĐ làm căn cứ để sử dụng trong việc tuyển sinh. Nó không phải là kỳ thi tốt nghiệp THPT, không phải là kỳ thi tuyển sinh ĐH, và càng không phải là kỳ thi hai trong một.

Vậy, việc giữ lại 2 kỳ thi riêng biệt hay tiếp tục với kỳ thi kết hợp 2 trong 1 là vấn đề cần được thống nhất.

Có khá nhiều ý kiến trái chiều từ phụ huynh

- Theo anh Nguyễn Minh Tuấn: "Tách ra là đúng vì bản chất của 2 kỳ ... này hoàn toàn khác nhau:
-Kỳ ... vào đại học là kỳ THI vì số lượng người đạt được mục tiêu là có hạn, phải đấu tranh, vượt qua nhau để được vào đại học. Đề thi phải đủ khó để có thể phân loại được.
-Kỳ ... tốt nghiệp phổ thông là kỳ SÁT HẠCH, số lượng người đỗ không giới hạn. Chỉ cần đạt được yêu cầu tối thiểu là được công nhận tốt nghiệp, do đó đề sát hạch không cần khó, chỉ cần đảm bảo mức trình độ tối thiểu.
-Công nhận tốt nghiệp phổ thông là việc của Nhà nước (Sở GD thay mặt cấp), vì vậy nên để Sở thực hiện.
-Tuyển sinh là việc lựa chọn đối tượng để đào tạo nghề, là việc của cơ sở đào tạo và nên để cho cơ sở đào tạo tự lựa chọn.

- Theo anh Nguyễn Hữu Dân: "Đã trên 20 năm công tác trong ngành, vậy tôi xin hỏi: Kỳ thi THPT không phải là kỳ thi tốt nghiệp; cũng không phải là kỳ thi đại học, cao đẳng; càng không phải kỳ thi 2 trong 1 (Phát biểu của ông Mai Văn Trinh-Cục trưởng Cục KT&KĐCLGD) vậy phải gọi đúng tên là gì? Tôi đồng ý với ý kiến: Không nên nhập 2 kỳ thi thành một, bởi mục đích của hai kỳ thi hoàn toàn khác nhau."

- Theo Văn Minh: "Đẹp nhất là bỏ kỳ thi Tốt nghiệp PTTH đi, để mỗi trường ĐH tự tổ chức kỳ thi tuyển sinh đầu vào riêng hoặc thi tuyển thành khối, ví dụ như các trường lớn như Bách Khoa, Kinh Tế, Tự Nhiên, Nhân Văn, Y Dược, tổ chức thi. Các trường nhỏ như Bông Mai, Bông Sen gì đó cứ dựa vào kết quả thi của các trường lớn đó mà tuyển sinh viên. Vừa đỡ tốn tiền của xã hội (do bỏ kỳ thi không cần thiết là TN PTTH) mà đầu vào của các trường ĐH cũng ổn định và có chất lượng hơn."

...

Còn ý kiến của bạn thế nào?

Tuyensinh247.com tổng hợp