Sinh viên chật vật với nỗi lo mang tên phòng trọ

Sinh viên ngoại tỉnh khăn gói lên đường nhập học phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Đáng lo ngại nhất vẫn là vấn đề nhà ở, nơi sinh hoạt hàng ngày với khá nhiều bất cập.

Để thuê được một phòng trọ rẻ và thuận tiện luôn là nỗi khó khăn đối với những sinh viên trọ học xa nhà. Trong bối cảnh nhiều khu nhà trọ ở Hà Nội chất lượng thấp, “cung” không đáp ứng được “cầu” nên không ít sinh viên đã chọn giải pháp ở ghép để giảm chi phí và rắc rối cũng nảy sinh từ đây. 


Có được phòng trọ giá rẻ, tiện sinh hoạt là ước mơ của hầu hết sinh viên

Trả tiền nước sạch dùng nước giếng khoan

Đa số những khu nhà trọ sinh viên gần các trường ĐH trên địa bàn Hà Nội hiện nay được xây dựng khá sơ sài. Các phòng trọ thường có diện tích từ 12-16m2, tường nhà xây mỏng, mái lợp ngói pro-xi-măng nên vào những ngày nắng nóng nhiệt độ trong phòng cao hơn cả ngoài trời. Đây thực sự là ác mộng đối với các bạn sinh viên và những người thuê trọ. “Những ngày nhiệt độ lên cao, phòng trọ chẳng khác nào cái “lò nướng”, càng bật quạt càng nóng, học không được, ngủ cũng không xong. Phần lớn những bạn ở cùng xóm trọ với em đều chọn giải pháp chờ đến khi nhiệt độ hạ xuống mới dám vào phòng để ôn bài, có hôm 2-3h sáng chúng em mới ngủ được”- bạn Trần Thị Hạnh, sinh viên Đại học Ngoại ngữ thở dài. Dù phải sống trong điều kiện chật chội, nóng bức nhưng những người thuê trọ vẫn phải trả 600.000 đồng/tháng/phòng, chưa kể tiền điện nước, nếu tìm được người ở cùng sẽ giảm chi phí. Đó là mức giá có thể chấp nhận được với các bạn sinh viên ngoại tỉnh. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, giá thuê phòng đã được nhiều chủ nhà trọ tăng từ 10-20%.

Theo một chủ nhà trọ ở khu vực quận Thanh Xuân không chỉ giá phòng mà giá tiền nước, tiền điện họ cũng đã tăng cách đây vài tháng. Nguyên nhân chủ nhà trọ này đưa ra là do giá các thiết bị đều tăng nên giá nhà trọ và giá điện, nước sinh hoạt cũng tăng theo. Theo ghi nhận của chúng tôi thì giá điện tại các nhà trọ có mức từ 3.000 - 3.500 đồng/KWh, giá nước từ 70.000 - 100.000 đồng/người.

Nhiều sinh viên còn cho biết dù họ trả tiền nước tương đương với giá dùng nước sạch nhưng hiện hầu hết các khu trọ đều sử dụng nước giếng khoan, nước thường xuyên bị vẩn đục, thậm chí có mùi hôi và nhiều cặn. Chính vì vậy họ rất lo lắng khi hàng ngày phải sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh. “Để an toàn, chúng em phải góp tiền sinh hoạt mua bình lọc để làm sạch nước trước khi sử dụng, thậm chí dùng nước uống tinh khiết để nấu cơm, đánh răng, rửa mặt”- bạn Nguyễn Hồng Hạnh, đang trọ ở khu vực huyện Từ Liêm cho biết. Điều đáng nói, một số khu nhà trọ do không được trang bị cổng và hàng rào bảo vệ, nếu có thì cũng rất sơ sài nên tình trạng mất trộm, mất cắp tài sản trong phòng xảy ra khá thường xuyên. “Mỗi khi có việc phải ra khỏi phòng, em không thấy an tâm chút nào. Chính vì vậy để đề phòng trường hợp xấu xảy đến với mình, những đồ vật giá trị như laptop, máy ảnh, tiền bạc em thường xuyên phải mang theo bên mình” - Hạnh chia sẻ thêm.

Rắc rối vì ở ghép 

Nhiều sinh viên do muốn “san sẻ” gánh nặng tiền nhà nên đã tìm người ở ghép. Chính vì vậy, tại các khu nhà trọ, thông tin “tìm bạn ở cùng” được dán đầy các cột điện xung quanh khu vực các trường đại học, thậm chí nhiều sinh viên còn đăng tìm người ở ghép trên mạng internet. Tuy nhiên giải pháp này lại kéo theo không ít rắc rối. Kể lại câu chuyện năm học vừa rồi, Mai Lan, quê ở Ninh Bình, sinh viên trường ĐH Luật Hà Nội vẫn còn bức xúc, cuối tháng 8 năm ngoái, Lan đã tìm và thuê một phòng trọ ở phố Đội Cấn tương đối sạch sẽ với giá 1,7 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền điện nước. Do số tiền sinh hoạt mà bố mẹ gửi cho Lan là 2,5 triệu đồng/tháng nên để cân đối chi tiêu, Lan phải tìm bạn ở cùng. Em không thể ngờ cô bạn có gương mặt dễ thương, hiền lành, tự xưng là sinh viên trường ĐH Ngoại ngữ, cùng quê với em lại là một tên trộm siêu hạng” - Lan kể lại. Cũng bởi thấy cô bạn dễ mến nên chỉ sau 15 phút trao đổi và đồng ý cho người bạn mới ở cùng, Lan đã nhờ bạn trông nhà để chạy ra chợ mua ít đồ ăn. Khi về đến nhà, Lan tá hoả nhận ra, số tiền trong ví và một số đồ nữ trang mẹ tặng trước khi lên Hà Nội nhập học đã không cánh mà bay. Với Lan đó là bài học nhớ đời và cho đến thời điểm này, cứ nghĩ đến chuyện tìm bạn ở cùng là Lan lại sợ…

Cùng chung tâm trạng, bạn Nguyễn Phương Anh - quê ở Nghệ An than phiền, tìm người ở ghép cũng tốt nhưng chỉ sợ bị lừa vì hiện nay không ít người xin ở cùng rồi “chôm” luôn đồ đạc của bạn cùng phòng. Chưa kể những người bạn này không cùng sở thích, tính cách còn khó chịu hơn nữa. Phương Anh tâm sự, cách đây 2 tháng, cô cũng có bạn ở cùng, thậm chí người bạn này được chị họ bảo đảm đó là người tử tế. Nhưng chỉ được vài ngày, cách sống của người bạn cùng phòng đã khiến Phương Anh không thể chịu nổi. “Tối nào người yêu bạn ấy cũng tới chơi, hai người cười nói ồn ào đến tận khuya mới về, khiến em không tập trung học được. Sau một tuần em đã nói thẳng với bạn ấy nên tìm chỗ ở khác vì thấy không hợp…” - Phương Anh than thở.

Theo Thạc sỹ Vũ Thu Nga- giảng viên trường ĐH Giao thông vận tải thì mong muốn duy nhất của các bạn sinh viên là các chủ nhà trọ cần tìm ra những giải pháp hợp lý để nâng cao chất lượng nhà trọ. Môi trường sống sạch sẽ, thoải mái và an toàn sẽ đem lại điều kiện thuận lợi cho các bạn sinh viên học tập và rèn luyện tốt hơn. Đồng thời, các chủ nhà trọ nên thu tiền điện, nước theo giá quy định để các sinh viên không phải trả những khoản tiền sinh hoạt với giá “cắt cổ” như một số chủ nhà trọ đã lạm thu.
 
Theo anninhthudo
  • Giá phòng trọ mùa tuyển sinh tăng cao đến \"chóng mặt\"

    Tận dụng mọi khoảng trống trong nhà, nhiều chủ nhà trọ cho sĩ tử thuê qua đêm với mức giá cao ngất ngưởng gấp nhiều lần so với mức giá của những ngày thường.

  • Chọn Đại học hay trường nghề?

    Học đại học để có tấm bằng ra trường hay học một nghề thành thạo giúp mình có cuộc sống ổn định, làm lợi cho xã hội?

  • Kiếm 7 học bổng, chàng trai Đà Nẵng du học khắp Á Âu

    Sinh năm 1993, Nguyễn Hoàng Duy Phương đã sở hữu một tấm bằng cử nhân ở Nhật Bản và hiện đang theo học chương trình thạc sĩ hai văn bằng ở Đan Mạch. Điều đáng nể là suốt 6 năm học tập ở xứ người, Phương đều nhận đạt được nhiều thành tích xuất sắc và những suất học bổng giá trị.

  • Những cạm bẫy phòng trọ đối với tân sinh viên

    Đầu năm học là thời điểm có rất nhiều tân sinh viên nhập học. Đây cũng chính là cơ hội cho những kẻ xấu lợi dụng.

  • Bạn có phải là người thông minh hơn mình nghĩ?

    Thông minh không chỉ gói gọn trong việc hiểu biết kiến thức sách vở hay thông thạo một lĩnh vực học thuật nào đó. Vì vậy kể cả khi bạn không cảm thấy mình thông minh, hãy đọc những dấu hiệu dưới đây để thấy rằng bạn có thể thông minh hơn mình nghĩ!