Bí kíp luyện thi đại học khối C của thủ khoa ĐH Khoa học xã hội và nhân văn

Bạn Võ Thị Hường - thủ khoa khối C ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) năm 2011 chia sẻ “bí quyết” với những thí sinh dự thi khối C trong kỳ thi ĐH năm 2013.

Bạn Võ Thị Hường - Ảnh do nhân vật cung cấp

Thi khối C, đó không phải là sự lựa chọn của nhiều bạn bởi ngành học ít và nặng kiến thức học bài. Hãy mạnh dạn nói rằng mình là “dân” khối C bởi không phải bạn thi khối nào mà quan trọng bạn sẽ làm gì trong tương lai. Bạn lo lắng, hồi hộp, nhưng điều quan trọng là cần chuẩn bị những gì?

Môn văn là môn khó kiếm điểm và cũng khó học nhất của khối C. Đầu tiên, đừng nghĩ bạn có thể học tủ, hãy học cả thơ và văn xuôi, cả kiến thức lớp 11 và 12. Chọn học kỹ phần được xem là thế mạnh của mình. Đối với câu 2 điểm, bạn không nên bỏ qua vì đây là phần tái hiện kiến thức, dễ kiếm điểm và sẽ ảnh hưởng đến điểm toàn bài nhưng đừng quên trình bày bài dưới dạng bài văn.

Đối với câu 5 điểm, nên “tủ” cho mình sẵn phần mở bài với việc nắm chắc phần tác giả, tác phẩm. Dù đề thi sẽ trích cho bạn phần thơ nhưng hãy học thuộc cả thơ, nắm ý chính của truyện và tư tưởng mà tác giả muốn gửi gắm. Việc này sẽ giúp bạn không bị thụ động khi vào phòng thi, gặp những đề mà mình chưa từng gặp. Mỗi tác phẩm hãy học theo đề và theo dàn bài, điều đó giúp bạn củng cố kiến thức và thuận lợi cho việc ôn tập sau này.

Câu nghị luận xã hội là câu ít được đầu tư nhất bởi kiến thức khá rộng nhưng hãy nắm chắc những yêu cầu mà một bài nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lý hay một hiện tượng đời sống. Thường xuyên xem thời sự và đọc báo sẽ giúp bài văn của bạn sâu sắc và đậm chất hiện thực. Chương trình bổ trợ kiến thức văn hóa của các thầy cô, các giáo sư trên truyền hình sẽ giúp bạn học và ôn dễ dàng hơn.

Còn lịch sử, đây được xem là môn khó học và khó đạt điểm cao bởi sự kiện khá nhiều. Các bạn thường rơi vào tình trạng “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Hãy gắn sự kiện lịch sử với những sự kiện hay ngày có ý nghĩa. Ví dụ ngày Valentine là ngày thành lập trung đội Cứu Quốc Quân I (14-2-1941)… Các bạn thường chú trọng lịch sử VN mà xem nhẹ phần thế giới. Nhưng đây là câu dễ lấy điểm trọn vẹn nhất vì phần này phần lớn yêu cầu bạn tái hiện kiến thức.

Địa lý được xem là môn cứu vãn tình thế. Cố gắng lấy điểm từ phần biểu đồ, xem cuốn hướng dẫn giải các bài tập địa lý của PGS.TS Nguyễn Minh Tuệ, Vũ Đình Hoa, Bùi Bích Ngọc và Đỗ Ngọc Tiến… Hãy kết hợp sách giáo khoa với Atlat và bản đồ địa lý VN trong quá trình học bài.

Dù học khối C nhưng việc thường xuyên giải đề từ những năm trước, những bộ đề thi sẽ giúp bạn củng cố kiến thức và thuận lợi cho việc ôn tập. Hãy hình dung những câu mà đề cho ra định hướng và giải quyết vấn đề. Hãy ôn dàn trải chương trình, tránh học dồn và nhất là hãy tập trung cao độ vào tháng thi cuối cùng. Việc học kèm, thầy cô sẽ giúp bạn định hướng nhưng đừng nên học nhiều thầy cô cho cùng một môn.

Tài liệu ôn thi đại học trên thị trường có rất nhiều nhưng hãy tìm đọc những sách do các tác giả có uy tín, tài liệu thầy cô hướng dẫn. Ví dụ môn lịch sử có sách Bộ đề thi môn lịch sử của tác giả Trương Ngọc Thơi, hay chuyên đề ôn tập và luyện thi của Bộ GD-ĐT, môn văn có tác giả Khuất Thế Khoa, địa lý của Đỗ Ngọc Tiến…

Bạn cũng cần quan tâm đến sức khỏe. Đừng lạm dụng chất kích thích để hạn chế giấc ngủ vì sẽ dẫn đến những tác dụng phụ.

Ngoài ra, tâm lý thi tốt góp phần không nhỏ vào việc bạn có làm bài tốt không. Nên có tâm lý vững vàng khi vào phòng thi gặp đề không như bạn mong đợi. Lúc đó hãy tập trung cao độ vận dụng những gì đã học để định hướng và tiến hành giải quyết. Hãy dành 15 phút cho việc đọc đề, lập dàn bài, tránh tình trạng sót ý. Trình bày ngắn gọn, rõ ràng và dễ đọc. Đừng quên kiểm tra lỗi chính tả, lỗi diễn đạt trước khi nộp bài.

Đây là khoảng thời gian mà bạn sắp quyết định mình sẽ thi ngành gì, trường nào? Các bạn đang nhận được sự quan tâm đặc biệt từ thầy cô, gia đình và cả xã hội. Nếu như trước đây bạn chưa tập trung thì hãy ôn tập nghiêm túc. Mỗi ngày bạn có thể học nhiều môn, mỗi ngày một bài nhưng quan trọng là hãy giữ sự kiên trì, giữ tốc độ đến cuối cùng. Đặc biệt tháng cuối cùng hãy biết tận dụng thời gian thực hiện “cú nước rút” thật hoàn hảo.

Những gì tôi nói không phải là tất cả, mỗi bạn có những cách học riêng phù hợp với mình. Hãy học và tìm ra phương pháp cho riêng mình.

Theo Thethaohangngay

 

NẮM CHẮC KIẾN THỨC, BỨT PHÁ ĐIỂM 9,10 LỚP 1 - LỚP 12 CÙNG TUYENSINH247!

Nếu em đang: 

  • Mong muốn bứt phá điểm số học tập nhanh chóng
  • Tìm kiếm một lộ trình học tập để luyện thi: TN THPT, ĐGNL, ĐGTD, Vào lớp 10
  • Được học tập với Top giáo viên hàng đầu cả nước

Tuyensinh247 giúp em: 

  • Đạt mục tiêu điểm số chỉ sau 3 tháng học tập với Top giáo viên giỏi
  • Học tập với chi phí tiết kiệm, đầy đủ theo ba đầu sách
  • Luyện thi bám sát cấu trúc từng kì thi theo định hướng của BGD&ĐT

Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY