Bí quyết \"học vượt\" của 4 sinh viên tốt nghiệp đại học chỉ sau 3 năm

Lần đầu tiên tại các tỉnh phía Nam, 4 sinh viên trường ĐH Nông lâm TP.HCM chỉ sau 3 năm đã chính thức được nhận bằng tốt nghiệp. Việc rút ngắn thời gian học ĐH là trong tầm tay nếu các sinh viên có sự quyết tâm.

4 sinh viên trường ĐH Nông lâm TP.HCM khóa 2009 - 2013 nhận bằng tốt nghiệp vào tháng 12 này là các bạn Nguyễn Thị Bích Huệ (sinh viên ngành Quản trị kinh doanh, khoa Kinh tế), Lê Vũ (sinh viên ngành Kinh tế nông lâm, khoa Kinh tế); Phạm Thị Toàn Lanh (sinh viên ngành Kinh tế nông lâm, khoa Kinh tế); Đàm Thị Thảo Nguyên (sinh viên chuyên ngành Kế toán, khoa Kinh tế).

Các sinh viên trên được cấp bằng ĐH trước thời hạn vì được phòng Đào tạo trường ĐH Nông lâm TP.HCM căn cứ vào Quy chế 43 của bộ GD & ĐT quy định.

TS. Trần Đình Lý, Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Nông lâm TP.HCM cho biết, đây là những sinh viên đầu tiên của trường tốt nghiệp ĐH sau 3 năm học theo tín chỉ. Các sinh viên tốt nghiệp trước thời hạn này sẽ nhận bằng tốt nghiệp cùng đợt với sinh viên khóa trước (2008-2012) trong tháng 12/2012.

 

Hình ảnh Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM.

Mỗi học kỳ đăng ký 25 tín chỉ và học thêm học kỳ phụ

Sinh viên Nguyễn Thị Bích Huệ cho biết: "Trong những ngày đầu của năm nhất, tôi vẫn lơ mơ chưa hiểu gì về học quy chế đào tạo tín chỉ và cũng không hề biết mình có thể ra trường trước thời hạn quy định. Sau khi được các thầy cô giảng giải rất nhiều kiến thức liên quan đến học chế tín chỉ, tôi biết rằng nếu tích lũy đủ số tín chỉ thì sinh viên có thể ra trường sớm. Chính vì vậy, tôi đã quyết định thử sức và ấp ủ dự định học ĐH trong ba năm. Biết được dự định này, anh của tôi và bạn bè đều cho đó là suy nghĩ  viển vông, không biết tự lượng sức mình".

Nguyễn Thị Bích Huệ (sinh viên ngành Quản trị kinh doanh, khoa Kinh tế).

Để hoàn thành 135 tín chỉ cho chương trình ĐH, mỗi học kỳ Huệ phải đăng ký 25 tín chỉ. Nghỉ hè, thay vì về quê thăm gia đình, cô sinh viên này ở lại trường đăng ký học thêm học kỳ phụ. Cứ thế, 3 năm học trôi qua, cô lập được những thành tích học tập khiến nhiều người phải ngạc nhiên.

Huệ cho biết: "Trước khi đến lớp, tôi tranh thủ coi bài ở nhà và dành toàn bộ thời gian để nghe giảng. Đó là những kiến thức thực tế cần thiết mà giảng viên trao đổi mỗi khi lên lớp dựa trên những kinh nghiệm của họ. Còn lý thuyết thì quá dễ dàng, tôi chỉ cần tìm kiếm trong sách vở. Đặc biệt, chính những đề thi mở đòi hỏi phải tìm hiểu kiến thức từ thực tế đã cuốn hút tôi vào bài học. Sau 3 năm vừa học vừa đi dạy kèm, rồi tham gia câu lạc bộ phát thanh..., tôi đã hoàn thành chương trình ĐH với kết quả khá cao".

Huệ cho biết thêm, là một sinh viên, cô luôn đặt mục tiêu học tập lên hàng đầu. Hơn nữa, trước mỗi kỳ học, cô sinh viên này phải tự mình lên một kế hoạch học tập cụ thể. Điều đó đã tạo ra tính chủ động cho Huệ. Sau khi làm khóa luận tốt nghiệp, Huệ đã ra trường và tiết kiệm được một năm học để đi làm sớm và thực hiện những dự định khác của mình. "Đó là điều tôi cảm thấy rất vui vì đã làm được điều mà nhiều người cho rằng không thể", Huệ tâm sự.

Phạm Thị Toàn Lanh (sinh viên ngành Kinh tế nông lâm, khoa Kinh tế).

Xác định năng lực học tập

Khác với Huệ, điều kiện kinh tế khó khăn là động lực lớn nhất để sinh viên Lê Vũ quyết tâm phải ra trường sớm để tiết kiệm chi phí ăn học. Ngoài việc học nhiều hơn bình thường, Vũ còn đi làm bảo vệ buổi tối trong dịp hè để trang trải cho cuộc sống. Vừa học vừa làm nhưng Vũ đã tốt nghiệp loại giỏi và luận văn tốt nghiệp của bạn đạt 8,7 điểm. 

Lê Vũ, chàng sinh viên quê Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: "Học kỳ đầu tiên em đăng ký 16 tín chỉ. Sau này, thấy còn dư nhiều thời gian nên kỳ sau em đăng ký lên 19, rồi 25 tín chỉ. Ở năm nhất, năm hai, việc học vẫn nhẹ nhàng nhưng cực nhất là năm ba. Nhiều môn học phải làm tiểu luận nên em thường xuyên phải thức trắng đêm làm cho kịp".

Theo Vũ, để quyết định học vượt, sinh viên phải xác định năng lực học tập của mình xem có phù hợp hay không. Nếu như những yếu tố này không phù hợp với khả năng của mình thì không nên mạo hiểm. Vì học quá sức sẽ bị đuối và việc học tập ngày càng trì trệ hơn. Kết quả của việc ra trường sớm là sự kết hợp của rất nhiều yếu tố. Thế nhưng, quan trọng nhất là phải có động lực để cố gắng.

Phần thưởng của sự cố gắng và nỗ lực ấy là sau ba năm học, Vũ đi làm công việc kinh doanh cho một công ty và chuẩn bị học thêm văn bằng hai về công nghệ sinh học. Lê Vũ cho biết: "Nhờ ra trường sớm, ngoài việc tiết kiệm được thời gian, kinh phí, em đã có thể kiếm được tiền để tự lo cho cuộc sống của mình và giúp đỡ gia đình".

Lê Vũ (sinh viên ngành Kinh tế nông lâm, khoa Kinh tế).

Căn cứ vào điều kiện sức khỏe, quỹ thời gian

Cùng lớp với Vũ, sinh viên Phạm Thị Toàn Lanh cũng là một cô gái lập nên được "kỳ tích" trong học tập. Trao đổi với PV, Lanh tiết lộ: "Khi quyết định học vượt, tôi xem xét đến những khía cạnh như sức khỏe, quỹ thời gian, khả năng học tập của mình và đặc biệt là phải có kế hoạch học tập ngay từ đầu. Ngoài ra, cần phải có sự tư vấn thêm từ thầy cô. Để học vượt, ngoài việc phải đi học, thực tập với anh chị khóa trên, mỗi sinh viên còn phải tích cực làm việc nhóm mặc dù nhiều khi có những xung đột giữa các thành viên rất khó hòa giải".

Theo Lanh, khó khăn lớn nhất trong việc học vượt là sắp xếp thời gian hợp lý để có thể học tốt. Lanh bật mí, mỗi khi vào lớp, cô thường xuyên "xí" chỗ ngồi đầu bàn để chăm chú lắng nghe thầy cô giảng bài. Buổi sáng, sinh viên này đến trường học đến khi nào thư viện đóng cửa mới về. Mùa hè, cô cũng ở lại trường để học thêm.

Ngoài giờ học, Lanh còn tranh thủ đi làm thêm để kiếm tiền trang trải việc học. Mặc dù, công việc học tập và sinh hoạt có nhiều khó khăn nhưng Lanh đã biết điều tiết bằng năng lực của mình. Và kết quả của sự nỗ lực ấy, Lanh đã tốt nghiệp loại giỏi sau ba năm học miệt mài. 

Phối hợp đồng bộ của nhiều yếu tố

Th.s Mai Anh Thơ, Phó trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Nông lâm TP.HCM cho biết: "Thực tế, để học vượt và tốt nghiệp trước thời hạn 1 năm là điều rất khó với nhiều sinh viên. Do vậy, để đạt được kết quả cao trong học tập và nhận bằng ĐH chỉ sau 3 năm, sinh viên cần phải có sự phối hợp đồng bộ của nhiều yếu tố". Với phương pháp đào tạo theo tín chỉ được áp dụng từ năm 2008,  mỗi sinh viên của trường ĐH Nông Lâm TP.HCM ở từng khoa có một chương trình đào tạo khác nhau. Th.s Mai Anh Thơ chia sẻ: "Để hỗ trợ tối đa cho các em, mỗi khoa đã thiết kế và xây dựng một đội ngũ cố vấn học tập. Vào đầu mỗi học kỳ, các thầy cô cố vấn có trách nhiệm tư vấn một cách cụ thể và kĩ lưỡng để mỗi em sinh viên đăng kí số lượng tín chỉ cho mình dựa trên năng lực và kết quả học tập của học kỳ trước. Chính vì thế, sinh viên của trường có thể chủ động đăng ký việc học tập của mình tối đa là 25 tín chỉ/kỳ học. Với sự giúp đỡ này, sẽ giúp sinh viên tự tin hơn trong việc hoạch định chiến lược học tập hợp lý và hiệu quả để có thể hoàn thành chương trình đào tạo sớm nhất có thể".

Theo Thethaohangngay

NẮM CHẮC KIẾN THỨC, BỨT PHÁ ĐIỂM 9,10 LỚP 1 - LỚP 12 CÙNG TUYENSINH247!

Nếu em đang: 

  • Mong muốn bứt phá điểm số học tập nhanh chóng
  • Tìm kiếm một lộ trình học tập để luyện thi: TN THPT, ĐGNL, ĐGTD, Vào lớp 10
  • Được học tập với Top giáo viên hàng đầu cả nước

Tuyensinh247 giúp em: 

  • Đạt mục tiêu điểm số chỉ sau 3 tháng học tập với Top giáo viên giỏi
  • Học tập với chi phí tiết kiệm, đầy đủ theo ba đầu sách
  • Luyện thi bám sát cấu trúc từng kì thi theo định hướng của BGD&ĐT

Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY