Bộ GD sẽ có hướng dẫn học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học

Chánh văn phòng Bộ GD-ĐT cho biết Bộ GD-ĐT sẽ ban hành hướng dẫn việc cho phép học sinh trung học được sử dụng điện thoại trong giờ học để đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu của quy định.

Chiều 30/9/2020, tại buổi họp báo bàn về những vấn đề nóng gần đây của ngành giáo dục, Bộ GD-ĐT đã dành khá nhiều thời gian phản hồi những băn khoăn về quy định từ ngày 1/11, học sinh được sử dụng điện thoại di động trong giờ học để phục vụ cho việc học tập tại Thông tư 32/2020/TT-BGDDT.

Không phải muốn là được sử dụng

TS Trần Quang Nam, Chánh Văn phòng Bộ GD-ĐT, nhấn mạnh cần phải hiểu rằng không phải cứ muốn là HS được sử dụng ĐTDĐ trong lớp học. "HS được sử dụng ĐTDĐ trong lớp nhưng có điều kiện, có kiểm soát và phải vì mục đích học tập" - ông Trần Quang Nam khẳng định.

Chánh Văn phòng Bộ GD-ĐT cho biết để quản lý việc sử dụng ĐTDĐ trong giờ học của HS, sắp tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành hướng dẫn cụ thể, đồng thời phối hợp với cơ quan chuyên môn, Bộ Thông tin và Truyền thông để xây dựng giải pháp kỹ thuật nhằm quản lý HS sử dụng ĐTDĐ trong giờ học.

Trước lo ngại của nhiều phụ huynh và một số chuyên gia về việc sử dụng điện thoại có thể gây mất tập trung trong giờ học, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT - cho biết: với quy định mới, giáo viên cho phép sử dụng điện thoại cho mục đích học tập cũng chỉ trong một thời gian ngắn, sau đó phải dừng lại chứ không thể có chuyện sử dụng điện thoại xuyên suốt giờ học.

Xã hội đang có những chuyển biến mạnh mẽ, hướng đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác dạy và học. Khi đã dạy học qua internet thì phải có phương tiện cho học sinh truy cập vào các nguồn học liệu như máy tính, ĐTDĐ và các công cụ khác... Quy định mới này sẽ hỗ trợ HS trong trường hợp cần truy cứu, tìm những nguồn học liệu để hỗ trợ cho bài học khi được sự cho phép của giáo viên.

Phân tích lợi và hại khi sử dụng ĐTDĐ trong lớp học, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT, khẳng định sẽ là có lợi khi HS có kỹ năng thông tin hay kết hợp bài giảng có phần mềm hỗ trợ học và dạy như tài liệu có nội dung số. Việc sử dụng điện thoại cũng giúp HS dễ dàng tìm kiếm thông tin hỗ trợ cho bài học, đặc biệt có những mô phỏng các bài thực hành vật lý hay hóa học giúp dễ hiểu bài hơn. Tuy nhiên, việc sử dụng điện thoại sẽ khiến HS lơ đãng, giảm tương tác với nhau để học hỏi và hình thành thói quen hợp tác - vốn là năng lực rất cần cho người học và người lao động tương lai. Quá lạm dụng công nghệ rất có thể dẫn đến làm nghèo tư duy của người học, mất khả năng đào sâu suy nghĩ vì có "mì ăn liền".

"Nói chung, công cụ nào được đưa vào sử dụng để học tập đều có mặt lợi và mặt hại. Vì thế, GV phải làm chủ được công nghệ, có phương pháp sư phạm tốt, dạy trẻ tăng cường kỹ năng thông tin như tìm kiếm, phân tích, tổng hợp, cất giữ và truy xuất khi cần hơn là chỉ thực hiện bài học một cách đơn điệu qua ứng dụng điện thoại" - ông Hoàng Ngọc Vinh nói.

Giáo viên phải kiểm soát học sinh

Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững, cho rằng công nghệ mang lại nhiều lợi ích cho con người, bao gồm cả trẻ em. Việc HS dùng điện thoại cho việc học ở trường, được tiếp cận không giới hạn kho tàng kiến thức trên mạng sẽ giúp việc học hiệu quả. Tuy nhiên, nếu GV không kiểm soát và hướng dẫn tốt, những HS không tự giác có thể sử dụng điện thoại vào làm việc riêng, chơi game, xem các chương trình không phù hợp.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội): "Bộ GD-ĐT có quy định cởi mở, GV có quyền cho HS sử dụng ĐTDĐ trong giờ học nhưng phải có năng lực để quản lý. PH cũng phải giáo dục con sử dụng điện thoại thay vì lo lắng".

Đồng ý với việc cho HS sử dụng ĐTDĐ trong một số môn học đòi hỏi tra cứu, tìm thông tin trên mạng, chụp lại bài giảng..., song ông Đoàn Minh Châu, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội), lưu ý cái khó là GV phải kiểm soát được việc sử dụng điện thoại của HS trong giờ học, đặc biệt là vào giờ kiểm tra, nếu không sẽ dẫn đến nhiều vấn đề tiêu cực.

Trong khi đó, GV chủ nhiệm lớp 12 một trường THPT đóng tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), lo lắng không phải lúc nào GV cũng kiểm soát được việc liệu HS có dùng ĐTDĐ phục vụ học tập hay không; nhất là việc HS có thể ghi âm, quay phim, chụp ảnh, lướt web... là nỗi lo có thật. Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn thực hiện việc này một cách thống nhất. Dựa vào đó, GV xây dựng quy chế sử dụng điện thoại trong giờ học, nếu HS nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc để dần hình thành cho HS thói quen chấp hành tốt nội quy. 

Theo NLĐ

  • Điểm sàn đánh giá năng lực 2024 - Tất cả các trường

    Điểm sàn ĐGNL (mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển/ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đại học chính quy năm 2024 theo phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực/đánh giá tư duy) của các trường Đại học, Học viện trên cả nước được Tuyensinh247 liên tục cập nhật dưới đây.

  • Những lưu ý quan trọng đối với thí sinh xét tuyển Đại học 2024

    Thí sinh cần làm những gì để xét tuyển vào các trường Đại học năm 2024. Xem chi tiết các việc thí sinh phải làm: tìm hiểu đề án tuyển sinh các trường, đăng ký xét tuyển sớm theo quy định của trường, đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của Bộ GD, xác nhận nhập học,...

  • Thông tin tuyển sinh Trường Sĩ quan Tăng Thiết giáp 2024

    Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp tuyển sinh 144 chỉ tiêu ngành Chỉ huy tham mưu Tăng Thiết giáp năm 2024, xem chi tiết thông tin tuyển sinh của trường dưới đây.

  • Danh sách phương thức xét tuyển Đại học 2024

    Theo quy định của Bộ GD năm 2024 có tất cả 20 phương thức xét tuyển. Dưới đây là mã phương thức, tên phương thức được sử dụng xét tuyển Đại học năm 2024.