Bộ GD trả lời kiến nghị \"Tổ chức xét tốt nghiệp THPT toàn quốc\"

Kiến nghị: \"tổ chức xét tốt nghiệp cho học sinh THPT trên toàn quốc thay cho hình thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT quốc gia hiện nay\" đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời như sau:

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang gửi tới kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Quy định trong Luật Giáo dục

Theo đó, cử tri đề nghị tổ chức xét tốt nghiệp cho học sinh THPT trên toàn quốc thay cho hình thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT quốc gia hiện nay.

Trả lời nội dung này, Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ Luật Giáo dục quy định, học sinh học hết chương trình THPT đủ điều kiện theo quy định của bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được dự thi, đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc UBND cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp THPT.

Học sinh học hết chương trình THPT đủ điều kiện dự thi theo quy định của bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu được hiệu trưởng cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét công nhận tốt nghiệp THPT đã được quy định trong Luật Giáo dục.

Kỳ thi phục vụ mục đích lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và là một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của cơ sở giáo dục phổ thông và công tác chỉ đạo của cơ quan quản lý giáo dục.

Cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Cùng với đó, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT là nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục, được xã hội quan tâm.

Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết liên quan về công tác thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT, như nghị quyết 29/2013 của Ban Chấp hành Trung ương; nghị quyết 88/2014 của Quốc hội; nghị quyết 144/2023 của Chính phủ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ theo phương án thi được ban hành kèm theo quyết định 4068 của bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo bảo đảm gọn nhẹ, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội.

Các thí sinh có đủ kết quả đại diện cho các khối ngành khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và công nghệ, nghệ thuật, ngoại ngữ, đồng thời bảo đảm quyền chủ động lựa chọn theo đúng mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đề xuất dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Cử tri tỉnh Hà Giang kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xây dựng thông tư mới thay thế thông tư 17/2012 của bộ quy định về dạy thêm, học thêm theo hướng cần hướng dẫn cụ thể về nhiệm vụ dạy thêm, học thêm.

Cùng với đó, bổ sung công tác dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đây là điều cần thiết để công tác quản lý chặt chẽ, minh bạch hơn.

Đồng thời nhằm bảo đảm các quy định quản lý về hoạt động dạy thêm, học thêm phù hợp với yêu cầu thực tiễn và các quy định của pháp luật hiện hành.

Trả lời vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thực của học sinh, cha mẹ học sinh nhằm đáp ứng mong muốn nâng cao tri thức, phát triển năng khiếu cá nhân.

Nếu thực hiện đúng nhu cầu thực tế của học sinh, cha mẹ học sinh đây là một cách huy động sự tham gia của gia đình vào giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Năm 2012, bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành thông tư 17 quy định về dạy thêm, học thêm.

Sau khi luật sửa đổi Luật Đầu tư 2016 đưa hoạt động dạy thêm, học thêm ra khỏi danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, một số điều quy định về điều kiện, cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm tại thông tư 17 không còn phù hợp.

Vì vậy, bộ đã ban hành quyết định công bố hết hiệu lực các điều này. Tuy nhiên, các quy định khác của thông tư 17 vẫn có hiệu lực thi hành, đặc biệt các quy định về nguyên tắc dạy thêm, học thêm, các trường hợp không được dạy thêm...

Trên thực tế, thời gian qua nhiều địa phương căn cứ vào các điều còn hiệu lực của thông tư 17 đã ban hành các văn bản quản lý, chỉ đạo hoạt động dạy thêm, học thêm tại địa phương hiệu quả, phù hợp tình hình thực tiễn.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, đến nay bộ đã dự thảo thông tư thay thế thông tư 17 và xin ý kiến rộng rãi. Đồng thời, sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ đề xuất Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

 Theo Báo Tuổi Trẻ

  • Kỳ thi V-SAT không phải là bài thi của Bộ GD

    Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa khẳng định không có chủ trương giao Trung tâm Khảo thí quốc gia và đánh giá chất lượng giáo dục xây dựng bài thi V-SAT để các trường sử dụng chung trong công tác tuyển sinh đại học.

  • Trường Đại học Kinh tế quốc dân (NEU) trở thành Đại học

    Ngày 15/11, NEU - trường Đại học Kinh tế quốc dân đã chính thức thành Đại học. Là 1 trong 9 Đại học trên cả nước.

  • Lịch nghỉ tết Nguyên đán 2025 - Tất cả các trường Đại học

    Lịch nghỉ tết nguyên đán Ất Tỵ 2025 của các trường Đại học đã và đang được công bố đến sinh viên. Dưới đây là lịch nghỉ tết âm lịch 2025 dành cho sinh viên của các trường Đại học phía Bắc và phía Nam.

  • Đánh giá năng lực 2025 thi mấy môn?

    Thi đánh giá năng lực 2025 là thi môn gì, gồm mấy môn, đánh giá năng lực thi những môn nào là thắc mắc của rất nhiều bạn học sinh 2K7 - lứa học sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Các em tham khảo ngay dưới đây để có định hướng học và ôn tập nhé.