Bộ GD yêu cầu các trường ĐH không bắt thí sinh cam kết xét tuyển sớm

Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, các trường không được yêu cầu hoặc thỏa thuận với thí sinh việc cam kết, xác nhận nhập học sớm dưới bất kỳ hình thức nào (nộp kinh phí giữ chỗ, thu giữ hồ sơ...).

Bộ GD&ĐT cho phép các trường đại học tổ chức xét tuyển sớm thông qua các phương thức tuyển sinh như: Xét học bạ, xét chứng chỉ, xét kết hợp, xét điểm thi đánh giá…, trừ phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

Các trường phải cập nhật danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm lên hệ thống chậm nhất 17 giờ ngày 10/7.

Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, các trường không được yêu cầu hoặc thỏa thuận với thí sinh việc cam kết, xác nhận nhập học sớm dưới bất kỳ hình thức nào (nộp kinh phí giữ chỗ, thu giữ hồ sơ...).

Các trường có trách nhiệm rà soát danh sách thí sinh đã thông báo đủ điều kiện trúng tuyển. Trường hợp thí sinh không đủ điều kiện trúng tuyển như đã thông báo, các trường phải kịp thời liên hệ, thông báo cho thí sinh biết và có phương án hỗ trợ thí sinh; tuyệt đối không được xét tuyển lại (tăng hoặc giảm mức điểm trúng tuyển) để loại bớt hoặc tăng thêm thí sinh.

Cũng theo hướng dẫn tuyển sinh, sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, các trường điều chỉnh và công khai mức điểm nhận hồ sơ đăng ký nguyện vọng xét tuyển với các tổ hợp xét tuyển khác nhau trên trang thông tin điện tử của trường và cập nhật vào hệ thống.

Với các ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, các trường sử dụng kết quả điểm thi THPT để xét tuyển phải cập nhật ngưỡng đầu vào chậm nhất 17h ngày 22/7.

Sau khi hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT lọc ảo và trả kết quả điểm chuẩn, các trường phải quy định tất cả thí sinh xác nhận nhập học bằng hình thức trực tuyến trên hệ thống, trước khi nhập học tại trường. 

Các trường không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học hoặc nhập học trước ngày 19/8 và không được kết thúc xác nhận nhập học hoặc kết thúc nhập học trước 17 giờ ngày 27/8 (kể cả đối với các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài).

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được tổ chức trong hai ngày 27 và 28/6. Trong đó, thí sinh làm bài thi toán và ngữ văn vào ngày 27/6.

Ngày 28/6, thí sinh làm bài thi ngoại ngữ và một bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) hoặc khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân).

Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT các thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống chung của Bộ từ ngày 18/7 và được điều chỉnh nguyện vọng, không giới hạn số lần, đến 17h ngày 30/7.

Từ ngày 31/7 đến 17h ngày 6/8, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến.

Theo Báo Dân Trí

  • Đại học Cần Thơ mở thêm 7 ngành và 1 trường mới 2025

    Dự kiến từ năm 2025, Trường ĐH Cần Thơ (CTU) mở thêm 7 ngành mới cho trình độ đại học, 1 ngành cho trình độ thạc sĩ. Ngoài ra, Khoa Sư phạm của trường chính thức trở thành Trường Sư phạm.

  • Bộ GD công bố dự thảo quy chế tuyển sinh Đại học 2025

    Ngày 22/11, Bộ GD công bố dự thảo quy chế tuyển sinh Đại học 2025 với nhiều điểm mới: Chỉ tiêu xét tuyển sớm: Không quá 20%, Điểm chuẩn quy đổi về 1 thang điểm chung, Tổ hợp xét tuyển: Bắt buộc có môn Toán hoặc Văn, Xét học bạ: Phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12.

  • Dự kiến nâng ngưỡng đầu vào các ngành Sư Phạm, Y từ 2025

    Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 22/11 công bố dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025. Trong đó, Bộ điều chỉnh quy định về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) các ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề.

  • Tổ hợp thi Đánh giá năng lực 2025

    Thi Đánh giá năng lực năm 2025 sẽ có những tổ hợp môn nào xét tuyển vào các trường Đại học? Tổ hợp thi ĐGNL Hà Nội 2025 gồm những tổ hợp nào? Thi ĐGNL HCM 2025 gồm những tổ hợp môn nào?