Bộ GD&ĐT cho rằng học phí Đại học còn thấp

Ngày 9/8, tại hội nghị về giáo dục đại học Bộ GD&ĐT đưa ra nhận định khung và mức thu học phí đại học còn thấp, chưa đủ bù chi phí đào tạo, trong khi lương cơ sở tăng khiến các trường khó khăn.

Theo quy định, trần học phí (mức cao nhất được thu) ở các trường đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học 2023-2024 là 1,2-2,45 triệu đồng một tháng, tùy khối ngành. Đến năm học 2026-2027, mức trần tăng lên 1,7-3,5 triệu đồng một tháng.

Những trường đã tự chủ (tự chi lương, phụ cấp, sửa chữa cơ sở vật chất...) được thu tối đa gấp 2-2,5 lần mức trên, tức khoảng 2,4-6,1 triệu đồng trong năm học vừa qua. Đến năm 2026, mức này là 3,4-8,75 triệu.

Với chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng, các đại học được tự xác định học phí.

Lộ trình tăng học phí này đã được lùi một năm so với Nghị định 81 năm 2021 của chính phủ. Trước đó, học phí đại học được giữ ổn định trong 3 năm để chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh do ảnh hưởng Covid-19.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết lộ trình học phí hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của nghị quyết 19 về việc tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Lý do là "khung và mức thu học phí còn thấp, chưa đủ bù đắp chi phí đào tạo".

GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhìn nhận rất khó để nói học phí hiện nay cao hay thấp nhưng thực tế là mức thu hiện tại chưa đủ bù chi cho hoạt động đào tạo của trường.

Việc tăng lương từ 1/7 tạo thêm gánh nặng lớn. Tính từ tháng 7 đến hết năm, trường cần chi thêm khoảng 12 tỷ tiền lương cho giảng viên. Do đó, một số kế hoạch dự định thực hiện năm nay sẽ phải lùi sang năm sau.

"Việc chi trả lương cần đặt lên cao hơn, nhất là các ngành công nghệ, kỹ thuật. Lương giảng viên các ngành này phải tương đối so với mức các doanh nghiệp thì mới có thể giữ chân họ", ông Trình nói.

Cùng đó, nhà trường vẫn phải tiếp tục đầu tư cho cơ sở vật chất, các phòng thí nghiệm, thực hành nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

Theo ông Trình, trong bối cảnh học phí vẫn là nguồn thu chính của các đại học, mức thu quá thấp sẽ khiến các trường gặp vô vàn khó khăn. Nhưng, các trường rất khó để tăng học phí mạnh bởi gây áp lực lớn với sinh viên.

Để giải quyết bài toán này, trường Đại học Công nghệ lựa chọn đầu tư theo kiểu "liệu cơm gắp mắm", tìm giải pháp quản trị hiệu quả, tiết kiệm chi phí hoạt động. Tuy nhiên, ông Trình nói có những thứ không thể tiết kiệm được như giáo trình bài giảng, chương trình đào tạo, thực hành, thực tập vì những phần này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo. Vì vậy, ông Trình cũng mong người học coi việc đóng học phí như khoản đầu tư và sẽ nhanh chóng thu hồi được sau khi đi làm.

Hiện, hầu hết đại học đã công bố học phí năm 2024. Mức thấp nhất là 12 triệu đồng, phổ biến ở mức 20-30 triệu đồng một năm.

Theo Báo Vnexpress

Xem thêm tại đây: Học phí Đại học Cao đẳng
  • Kỳ thi V-SAT không phải là bài thi của Bộ GD

    Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa khẳng định không có chủ trương giao Trung tâm Khảo thí quốc gia và đánh giá chất lượng giáo dục xây dựng bài thi V-SAT để các trường sử dụng chung trong công tác tuyển sinh đại học.

  • Trường Đại học Kinh tế quốc dân (NEU) trở thành Đại học

    Ngày 15/11, NEU - trường Đại học Kinh tế quốc dân đã chính thức thành Đại học. Là 1 trong 9 Đại học trên cả nước.

  • Lịch nghỉ tết Nguyên đán 2025 - Tất cả các trường Đại học

    Lịch nghỉ tết nguyên đán Ất Tỵ 2025 của các trường Đại học đã và đang được công bố đến sinh viên. Dưới đây là lịch nghỉ tết âm lịch 2025 dành cho sinh viên của các trường Đại học phía Bắc và phía Nam.

  • Đánh giá năng lực 2025 thi mấy môn?

    Thi đánh giá năng lực 2025 là thi môn gì, gồm mấy môn, đánh giá năng lực thi những môn nào là thắc mắc của rất nhiều bạn học sinh 2K7 - lứa học sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Các em tham khảo ngay dưới đây để có định hướng học và ôn tập nhé.