Nói và làm phải đi đôi với nhau
"Phải đổi mới hơn nữa lề lối, phương pháp làm việc với các nhà trường..." là yêu cầu của Bộ trưởng đặt ra với các Vụ chức năng.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Việc cấp kinh phí cho các cơ sở như hiện nay phải thay đổi. Trong năm 2013 nếu không thay đổi thì nhân sự của Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD-ĐT) cũng phải thay đổi”.
Người đứng đầu ngành giáo dục đề nghị các cơ sở đào tạo, các ĐH,CĐ “sử dụng cho hết quyền tự chủ của mình. Nhiều trường đã được trao quyền tự chủ đã cao tương đương với những trường ĐH trên thế giới nhưng không thấy tự hào, không có chút trách nhiệm nào”.
Thông điệp phải đổi mới cách điều hành cũng được Bộ trưởng phát đi. “Về mặt phương pháp tư tưởng, tôi đề nghị nói và làm đi đôi với nhau. Tôi có cảm giác nhiều hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giảng viên đang tư duy theo cách tôi làm không sai. Chúng ta phải nghĩ khác. Hãy nghĩ làm sao không chỉ đúng, tốt mà phải sáng tạo, hiệu quả cao. Nếu không làm được sẽ không đổi mới được”.
|
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu tại Hội nghị ngân sách 2013. (Ảnh: Văn Chung)
|
Liên quan đến công tác tuyển sinh ĐH-CĐ 2012, Bộ trưởng Luận cho biết: qua kiểm tra có nhiều trường tuyển vượt rất nhiều. “Vi phạm đang trở thành phổ biến, tràn lan. Xử phạt 50 triệu, 80 triệu đồng các trường vẫn ung dung vì “có lãi”. Năm nay, Bộ sẽ kỷ luật hiệu trưởng ngoài việc phạt hành chính”.
Vấn đề giảm dần chỉ tiêu tuyển sinh thạc sĩ, tiến sĩ theo ông Luận sẽ được tính đến. Trước mắt sẽ giảm chỉ tiêu thạc sĩ, tiến sĩ về quản lý giáo dục. Ông bức xúc: “Không thể có chuyện người không biết gì về giáo dục lại đi làm thạc sĩ, tiến sĩ về giáo dục mà toàn bằng giỏi, bằng khá”.
Công tác nước ngoài sẽ cắt giảm
Nói về tình trạng tham nhũng, thất thoát trong các cơ sở, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng “tình hình chung là tốt, có thể tạm thời yên tâm”.
Về sai phạm ở Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, Bộ trưởng Luận cho hay “vẫn còn những sai sót mà Bộ đang tiến hành thanh tra và xử lí”. Ông cũng thừa nhận hiện nay trong xã hội đang tồn tại tình trạng suy thoái đạo đức của một bộ phận giáo viên, chuyện mua bằng bán điểm.
Trước ý kiến của lãnh đạo các trường ĐH bày tỏ khó khăn về vấn đề tài chính eo hẹp, Bộ trưởng Luận cho hay: “Năm qua, nhiều bộ, ngành ngân sách được chi giảm nhiều nhưng riêng chi cho giáo dục không giảm nhiều, chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt của nhà nước”.
Với trách nhiệm người đứng đầu, Bộ trưởng Luận yêu cầu tất cả các đơn vị tiết kiệm tối đa các khoản chi: “Bộ và bản thân tôi sẽ đi đầu thực hiện tiết kiệm, dành tiền chi cho cơ sở. Hoạt động công tác nước ngoài phải cắt giảm. Các đoàn, các dự án phải chú ý việc này. Đi công tác địa phương cũng phải giảm thiểu, thành phần gọn nhẹ. Việc đón nhận huân chương, kỷ niệm năm chẵn cũng phải tiết kiệm”.
Thí điểm đổi mới cơ chế tài chính
Đối với ngành nghề đào tạo ít có khả năng xã hội hóa như đào tạo sư phạm, kĩ thuật công nghệ, KHTN, KHXH, nông lâm ngư, nghệ thuật,… sẽ thực hiện đặt hàng bằng việc cấp kinh phí trên cơ sở tính đủ chi phí đào tạo, đảm bảo hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí.
Đối với ngành nghề có khả năng xã hội hóa (XHH) cao như kinh tế, tài chính, luật,…thực hiện giảm dần hỗ trợ của NSNN, cho phép tự xác định mức thu học phí, đa dạng hóa các nguồn thu, tiến tới tự đảm bảo bù đắp chi phí.
Đối với các hoạt động đào tạo cung cấp dịch vụ gắn với nhu cầu của xã hội: Trường được quyết định mức thu giá dịch vụ trên cơ sở tính đủ các chi phí cần thiết cho việc cung cấp dịch vụ, từng bước tiến tới thực hiện cơ chế tài chính hạch toán đầy đủ chi phí đầu vào đầu ra |
Văn Chung (Theo VNN)