Là một trong những địa phương đi đầu trong việc đưa công tác tư vấn tâm lý vào trường học, nhưng TP Hồ Chí Minh vẫn gặp không ít khó khăn trong công tác này. Nhiều trường thực hiện còn mang tính hình thức, đối phó và chưa có tính chuyên nghiệp.
Ảnh minh họa (Internet)
|
Thiếu giáo viên chuyên trách
Phòng tư vấn tâm lý, Trường Marie Curie (quận 3) được bố trí hai giáo viên chuyên trách, trong đó có một cử nhân tâm lý giáo dục và một thạc sĩ tâm lý trị liệu. Bên cạnh tư vấn hướng nghiệp và tâm lý cho học sinh, phòng cũng là nơi can thiệp phòng ngừa các khó khăn tâm lý học sinh. Giáo viên tư vấn tâm lý Trường Marie Curie Bùi Thanh Kiều cho biết, cùng với tham vấn tâm lý khi học sinh có nhu cầu, phòng tư vấn tâm lý cũng chủ động mở các lớp dạy kỹ năng sống, giáo dục giới tính cho học sinh và kiểm tra đánh giá hành vi học sinh, kiểm tra mức độ lo âu trầm cảm của các em. Từ kết quả thu được sẽ sàng lọc những học sinh khó khăn về tâm lý để hỗ trợ.
Trên thực tế, Trường Marie Curie chỉ là một trong những số ít trường tại TP Hồ Chí Minh làm tốt công tác tư vấn tâm lý cho học sinh. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Hồ Chí Minh, thành phố có hơn 100 trường THPT và hơn 270 trường THCS nhưng chỉ có 108 giáo viên chuyên trách tư vấn tâm lý tại các trường học. Một số quận có giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý rất ít như: quận 6 chỉ có ba giáo viên, quận 9 chỉ có hai giáo viên. Các quận: quận 8, Gò Vấp có giáo viên làm tư vấn tâm lý nhưng không có giáo viên chuyên trách. Ðại diện Phòng Giáo dục quận 8 cho biết: Quận đã triển khai công tác tư vấn trường học tại 11/11 trường THCS và 5/20 trường tiểu học. Công tác này đã giúp giảm tình trạng học sinh bỏ học, gây lộn với nhau... Tuy nhiên, một trong những khó khăn của quận là tất cả các trường đều không có giáo viên chuyên trách tâm lý, chỉ có giáo viên kiêm nhiệm. Ðến nay các trường chưa tìm nhân sự đạt yêu cầu.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên (Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Hồ Chí Minh) Trần Khắc Huy cho biết: "Lực lượng giáo viên chuyên trách các trường còn thiếu do số giáo viên tâm lý giáo dục tốt nghiệp và công tác tại các trường phổ thông của thành phố còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu của các trường. Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ, lương của các trường chưa thu hút lực lượng chuyên môn và nghiệp vụ tư vấn".
Nâng cao chất lượng tư vấn
Theo Trưởng phòng Trần Khắc Huy, công tác tham vấn trường học ngày càng đóng vai trò quan trọng với học sinh. Có những thắc mắc của học sinh rất cần tới chuyên gia tâm lý giáo dục. Ðể giải quyết cơ bản các vấn đề phát huy trong hoạt động nhà trường, từ năm 2008 UBND thành phố cho phép bổ sung giáo viên tư vấn tâm lý trong các trường phổ thông. Là địa phương đi đầu trong việc đưa công tác tham vấn tâm lý vào trường học. Những năm qua, công tác này đã đạt được nhiều kết quả tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng so nhu cầu của xã hội. Nhiều trường có làm nhưng chưa chuyên nghiệp.
Về thực trạng tư vấn tâm lý trong trường học hiện nay, Trưởng bộ môn Tâm lý học và Giáo dục học ứng dụng (Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh) Nguyễn Thị Bích Hồng cho biết: Giáo viên làm tư vấn tâm lý tại trường phổ thông còn ít. Việc thực hiện còn mang tính chất hình thức, đối phó. Hoạt động tham vấn chuyên nghiệp hay không xuất phát từ vấn đề nhân sự. Nhiều người chưa được đào tạo căn bản tư vấn sẽ không chuyên nghiệp.
Trên thực tế, một số trường thực hiện tốt công tác này với nhiều hình thức tư vấn khác nhau. Nhưng qua tìm hiểu tại các trường, nhiều học sinh, ngay cả giáo viên và lãnh đạo nhà trường chưa nhận thức đúng về tư vấn tâm lý trong trường học. Vì vậy, các trường không quan tâm đầu tư công tác này. Có trường phân công giáo viên làm công tác giám thị nên học sinh không dám gần gũi, chia sẻ với giáo viên tư vấn. Nhiều trường, phòng tư vấn có nhưng nằm xen lẫn với các bộ phận khác.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo thành phố Nguyễn Hoài Chương cho rằng: "Bên cạnh nhiều trường thực hiện tốt công tác tư vấn tâm lý học đường, hiện còn nhiều trường chưa quan tâm công tác này. Ðể thực hiện tốt công tác tư vấn tâm lý cho học sinh, các trường cần hiểu đúng về công tác này. Giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý phải chủ động tìm hiểu đến với học sinh, không đợi học sinh tới với mình. Các hình thức tư vấn cần đa dạng và có sự phối hợp tốt với các bộ phận của nhà trường . Ðể giải quyết khó khăn vấn đề giáo viên, hiện nay các trường cần thực hiện tự chủ tài chính để có thể tự ký hợp đồng với giáo viên".
Nhằm phát triển công tác tư vấn tâm lý trường học theo hướng chuyên nghiệp, Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Hồ Chí Minh đang xem xét, phối hợp cùng các cơ sở đào tạo tăng cường nguồn cán bộ và xin kinh phí cấp trên mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn về nghiệp vụ tư vấn tâm lý cho giáo viên. Ðơn vị phối hợp các sở, ngành liên quan xây dựng chế độ chính sách cụ thể cho những người làm tư vấn trường học, nhằm thu hút giáo viên tham gia công tác này.
Theo Nhan Dan
Thầy giáo tâm lý Nguyễn Khắc Hiếu - người đã từng dựng clip giúp sinh viên chống yêu râu xanh chia sẻ với cô giáo \"canh gà Thọ Xương\" trên facebook.
Nếu bạn được tín nhiệm và giao nhiệm vụ quan trọng giữ \"hầu bao\" của cả lớp, bạn phải làm gì? Cùng nghe Thạc sỹ Tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu chia sẻ nỗi niềm cùng các bạn thủ quỹ trong lớp nhé!
Những tập clip “tháo gỡ chuyện khó đỡ” của thầy Khắc Hiếu và ekip nổi như cồn trong thời gian qua với hàng trăm ngàn lượt người xem. Tuy nhiên, ít ai biết hậu trường của những clip kỹ năng bổ ích này có rất nhiều điều thú vị.
Thứ trưởng Bộ GD - Phạm Ngọc Thưởng cho biết Bộ GD dự kiến sẽ yêu cầu các địa phương đổi môn thi thứ 3 hàng năm do nhiều trường THCS dạy lệch theo tư tưởng thi gì học nấy.
Phản hồi dự thảo quy chế tuyển sinh vào lớp 10 của Bộ GD, Sở GD TPHCM đề xuất giữ ổn định các môn thi vào lớp 10 thay vì phải thay đổi môn thi thứ 3 hàng năm.