\"Chạy sô\" học thêm: Khi phụ huynh là \'bàn đẩy\'Lâu nay, khi bàn đến chuyện dạy thêm học thêm làm học sinh không có thời gian để chơi, mọi người hay đề cập đến khía cạnh do… giáo viên “bắt ép”. Điều này có nhưng so với nhu cầu cho con học thêm của Phụ huynh thì nguyên nhân này chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Học trò “chạy sô” học thêm Ngày nào cũng vậy, sau giờ học, em T.T, học sinh (HS) Trường tiểu học Lương Thế Vinh (Q.Gò Vấp, TPHCM) lại được bác xe ôm mà gia đình hợp đồng hàng tháng đón rồi chở thẳng đến các nơi học thêm sau khi lót dạ qua loa. Vào các thứ chẵn 2, 4, 6, em T. học tại nhà cô giáo chủ nhiệm với mức phí 300.000 đồng/tháng. Còn các thứ lẻ, T. tiếp tục theo học tại nhà của một giáo viên (GV) trường khác dạy giỏi có tiếng mà bố mẹ được người quen giới thiệu với mức phí gần gấp rưỡi số tiền trên. Mẹ cháu T. không ngại thừa nhận, gia đình muốn đầu tư việc học cho cháu ngay từ sớm nhưng xét thấy việc học ở trường chưa đủ nên họ muốn con được thêm bên ngoài để nâng cao kiến thức. Nhất là những năm cuối tiểu học, họ muốn cháu thật vững vàng để sau này có thể thi đậu vào trường Chuyên Trần Đại Nghĩa. Việc học thêm ở cô giáo chủ nhiệm là do gia đình hoàn toàn tự nguyện và họ cũng muốn con được học thêm cả những thầy cô ngoài trường. Không ít trẻ được bố mẹ "gò" đi học thêm ở rất nhiều người như trung tâm bồi dưỡng, giáo viên ngoài trường, gia sư tại nhà... (AMH). Đây không phải là trường “cá biệt”, không ít HS khác hàng ngày cũng đang “gánh” lịch học khủng khiếp như vậy. Ngoài giờ học chính khóa ở trường, nhiều phụ huynh (PH) tìm cho con rất nhiều chỗ để học thêm như tìm đến học ở các thầy cô có tiếng trong trường hoặc ngoài trường, các trung tâm bồi dưỡng văn hóa, hay thuê gia sư về nhà. Em Ng.M.N, HS một trường THCS ở Q.1, TPHCM cho hay, ngoài giờ học ở trường em học thêm liên tục tại Trường Bồi dưỡng Lý Tự Trọng 218. Vào những đợt cao điểm như thi cuối kỳ, cuối năm bố mẹ còn mời gia sư đến dạy vì cho rằng khả năng tự học của con mình không tốt, cần có người kèm cặp thêm. Một giáo viên ở Trường THCS Sông Đà (Q. Phú Nhuận) cho hay, tỷ lệ HS đi học thêm bên ngoài nhà trường rất đông, có những lớp có đến 50% số em theo học ở những lớp học thêm không do GV phụ trách bộ môn giảng dạy. Nhu cầu học thêm đông đến mức nhiều GV, nhất là GV giỏi không nhận HS của mình chỉ nhận HS từ lớp khác, trường khác. Phụ huynh đặt nặng kỳ vọng vào con Lâu nay, khi bàn đến chuyện dạy thêm học thêm làm học sinh không có thời gian để chơi, mọi người hay đề cập đến khía cạnh do… GV “bắt ép”. Điều này có nhưng so với nhu cầu cho con học thêm của PH thì nguyên nhân này chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Có thể thấy rõ ở việc các trung tâm bồi dưỡng văn hóa, luyện thi… vẫn luôn đông người học, đến mùa cao điểm phụ huynh cũng nườm nượp đưa đón con học thêm. Hay đến kỳ nghỉ hè, không có sự “ràng buộc” nào với GV thì HS ở các thành phố vẫn đổ vô đến các nơi học thêm xuất phát từ chính nhu cầu của phụ huynh. Có nhiều lý do để phụ huynh “đẩy” con đến các lớp các học học thêm. Phần lớn họ rơi vào thế bắt buộc khi chương trình học nặng, nếu không học thêm con không thể vượt qua các kỳ thi, hay vào các trường như mong muốn. Nhiều người vì thời gian đi làm bận bịu, không thể trông con nên biện pháp yên tâm nhất là là đưa con đến lớp học thêm. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh đặt kỳ vọng rất lớn vào con, con học thế nào họ cũng không thấy vừa lòng và muốn phải học nữa, phải học hơn con người khác, phải đạt thành tích này nọ nên con trẻ phải “quay” trong vòng xoáy học thêm. Học ở trường, đi học thêm... học sinh thành phố đang "kẹt" thời gian để vui chơi, trau dồi kỹ năng sống. Bà Nguyễn Thị Thu Cúc - Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, chia sẻ, chương trình học nặng, nếu một HS bình thường không học thêm, ở nhà không có người hướng dẫn thì rất khó để vượt qua các kỳ thi nên PH có nhu cầu cho con đi học thêm là nhu cầu có thực. “Ở các bậc học thấp thì trẻ phải học để thi vào được ngôi trường mong muốn. Lên phổ thông, các em học thêm để thi đại học. HS lực học trung bình khá chỉ có thể làm được khoảng 50% đề thi ĐH, muốn đỗ bắt buộc các em phải đi học thêm”, bà Cúc thẳng thắn. Ngoài yếu tố khách quan tác động đến phụ huynh, theo bà Cúc yếu tố chủ quan cũng rất lớn. Bà gặp nhiều trường hợp phụ huynh có con có khả năng tự học, tư duy rất tốt, điểm tổng kết đạt trên 8,5 nhưng phụ huynh vẫn muốn con mình học thêm dù GV đã phân tích những em này không cần phải đi học thêm. Ngay ở bậc tiểu học, bậc học mà việc dạy thêm học thêm bị phản đối nhiều nhất thì tình trạng đi học thêm đông không kém đàn anh đàn chị. Hiệu trưởng nhiều trường tiểu học khẳng định, nhu cầu cho con đi học thêm của phụ huynh ở bậc học này rất cao như một cách gửi con vì họ không có thời gian. Cha mẹ cũng muốn con phải đạt thành tích từ sớm, không muốn thua kém bạn bè. Bà Hồ Thị Vĩnh - Trưởng ban Tuyên giáo Q.1, TPHCM cho hay hiện nay đội ngũ sinh viên đi gia sư tại nhà - cũng là một hình thức học thêm - rất đông nhưng không ai quản lý, chưa nói đến việc các em đi học ở trường, ở bên ngoài. Theo bà Vĩnh, phụ huynh thiếu thời gian và tâm lý “chạy đua” thành tích nên muốn con mình phải học thật nhiều. “Tôi đã nghe nhiều nhiều em nhỏ nói rằng ước mơ lớn nhất của mình là hàng ngày sau giờ học không phải một tay cầm ổ bánh mỳ, tay kia cầm hộp sữa để đến lớp học thêm. Các em học quá nhiều nên không có thời gian để vui chơi chơi, để trau dồi các kỹ năng mềm”, bà Vĩnh thẳng thắn.
Theo Dantri |
Hà Nội dự kiến không cho phép dạy thêm ở bậc tiểu học, ở các bậc cao hơn, mỗi tuần bố trí không quá 3 buổi dạy thêm và mỗi lớp học được phép tối đa có 45 học sinh.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vừa có ý kiến chỉ đạo về dự thảo quy định dạy thêm, học thêm trên địa bàn Hà Nội, đánh giá Dự thảo quy định đã đáp ứng được những yêu cầu cơ bản về nội dung, các đề mục. Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế về thể thức và nội dung.
Sáng ngày 10/7, Sở GD-ĐT TPHCM công bố điểm thi lớp 6 vào Trường THCS-THPT Trần Đại Nghĩa sớm hơn kế hoạch dự kiến 1 ngày.
Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành thuộc Đại học Sư phạm Hà Nội vừa công bố điểm chuẩn vào lớp 6 năm học 2024 - 2025. Theo đó, điểm trúng tuyển vào lớp 6 Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành là 25 điểm, trung bình hơn 8 điểm/môn.
Dưới đây là đề thi đánh giá năng lực vào lớp 6 năm học 2024 - 2025 môn Tiếng Anh trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành thuộc trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Mời các bạn tham khảo.