Chọn lọc học sinh vào lớp 1 là vi phạm quyền trẻ em

Chạy đua cho con vào lớp 1 hiện nay là 1 chủ đề khá nóng trên các diễn đàn và trang báo mạng. Việc soi xét từng khía cạnh vô tình vi phạm nghiêm trọng vào quyền của trẻ em.

Phụ huynh “ganh đua” cho con  vào lớp 1

Không khó để nhận thấy, thực tế tình trạng quá tải ở các trường tiểu học công lập trên địa bàn Hà Nội là có thật. Mỗi năm đến dịp tuyển sinh đầu cấp tiểu học, lại xảy ra một cuộc “đua chen” quyết liệt giữa các bậc phụ huynh để “giành” cho con một suất vào lớp 1. Có tình trạng, trước thời điểm làm giấy tờ nhập học cho con, nhiều phụ huynh đã gặp gỡ BGH nhà trường để “đặt chỗ”. Thậm chí nhiều phụ huynh  còn phải đến túc trực ở cổng trường từ đêm hôm trước, cảnh chen lấn xô đẩy, vượt tường đã trở nên quen thuộc… Họ chấp nhận tất cả những việc khổ sở như vậy cũng vì mục tiêu “giành” suất cho con mình vào lớp 1 ở những ngôi trường mà họ cho là chất lượng  hoặc tiện việc đưa đón con.

Một số trường ngoài công lập tại Hà Nội được gọi là “chất lượng cao” (căn cứ trên đầu tư trang thiết bị và chất lượng đào tạo) đã trở thành “đích ngắm” của rất nhiều phụ huynh. Các trường “chất lượng cao” này cũng đã đặt ra khá nhiều yêu cầu cùng cách thi tuyển khác nhau, để chọn lựa những bé vừa qua tuổi mẫu giáo bước vào năm học phổ thông đầu tiên. Điều này, buộc các bé phải “gồng mình” nỗ lực vượt qua đủ loại bài tập: Toán; tiếng Anh; trắc nghiệm IQ… ngay ở tuổi mà lẽ ra các cháu phải được chơi là chính.

Không tiếp nhận các bé cận thị hay khiếm khuyết về cơ thể vào học lớp 1 là vi phạm quyền trẻ em.


Loại học sinh thể lực kém


Thuộc tốp trường điểm nên trường Tiểu học dân lập Nguyễn Siêu trở thành “đích ngắm” của không ít phụ huynh. Năm học 2013 – 2014, trường Tiểu học dân lập Nguyễn Siêu chỉ có 220 học sinh vào lớp 1 trong khi có gần 1.000 hồ sơ đăng ký dự tuyển. Tức là tỷ lệ gần ở mức 1 chọi 5. Để trở thành học sinh lớp 1 của trường, các cháu phải vượt qua thử thách của các môn thi Toán; tiếng Việt; tiếng Anh; ngoài ra còn phải đạt sức khỏe loại A. Chỉ cần 1 trong 4 “thử thách” trên không đạt cũng sẽ bị loại.  Mặc dù các trường cho rằng, đề thi của trường hoàn toàn dựa theo chương trình giáo dục mầm non của Bộ GD&ĐT và mỗi cháu chỉ phải kiểm tra trong 30 phút. Tuy nhiên, theo nhiều phụ huynh có con dự thi vào trường, nội dung mà các con phải làm bao gồm nối hình vẽ cùng loại, đếm và so sánh số lượng - một dạng bài khá phổ biến ở chương trình Toán lớp 1.

Trong khi đó, bài trắc nghiệm IQ có nhiều câu hỏi dù dành cho các bé 6 tuổi nhưng người lớn cũng phải nghĩ chán mới làm được hoặc vẫn làm sai. Ví dụ, một câu hỏi IQ của trường Tiểu học dân lập Nguyễn Siêu dành cho các bé như sau: “Cho một hình vuông nặng bằng 2 hình tròn, 1 hình tròn nặng bằng 3 hình sao. Hỏi 1 hình  vuông nặng bằng bao nhiêu hình sao?”. Hoặc “cho 1 hình tam giác  nặng hơn 2 hình tròn, 1 hình tròn nặng hơn 3 hình vuông, hỏi 1 hình tam giác nặng hơn mấy hình vuông?”.

“Lý giải” về tiêu chuẩn tuyển sinh khắt khe như trên, BGH trường Tiểu học dân lập Nguyễn Siêu cho rằng, áp lực đối với các thầy cô rất lớn do số lượng dự tuyển nhiều trong khi chỉ tiêu có hạn. Mặt khác, đối với các cháu đã trúng tuyển, áp lực học tập ở trường này cũng rất lớn, nhiều cháu không đáp ứng được khiến gia đình phải xin chuyển trường. Chính vì vậy, nhà trường đưa ra tiêu chí khắt khe để loại trừ ngay từ ban đầu, cho phụ huynh đỡ mất công. 

Không khó để nhận thấy sự bất hợp lý trong các tiêu chí tuyển sinh nói trên. Bởi vì ở tuổi lẽ ra vẫn còn vui chơi là chính thì nhiều bé lại bị gia đình gò ép phải học, để có đủ trí tuệ vượt qua các thử thách vào trường tuyển.  Mặt khác, do bị ép học nặng ngay từ bé nên nhiều cháu bị cận, nghiêm trọng hơn là rơi vào tình trạng kém phát triển về thể chất, hoảng loạn về tâm lý – sợ học. Điều này lợi bất cập hại, không chỉ cháu bé “không đạt chuẩn” theo tiêu chí của trường, mà sau này việc phát triển bình thường của cháu cũng sẽ ảnh hưởng.


Vi phạm quyền trẻ em…

Qua tìm hiểu, PV được biết các trường dân lập khác như Tiểu học Lê Quý Đôn, Đoàn Thị Điểm và Lý Thái Tổ cũng đều có phương án tuyển sinh tương tự. Cụ thể, trường Tiểu học dân lập Lý Thái Tổ cân nhắc yếu tố loại trừ với trẻ thị lực kém. Trường Tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm yêu cầu học sinh dự tuyển phải có sức khỏe tốt, không nói ngọng, nói lắp và không có dị tật bẩm sinh…

Xung quanh việc một số trường có tiêu chí tuyển sinh lớp 1 “khắt khe” như vậy, bên cạnh những ý kiến phản đối cũng có những ý kiến “thông cảm” đồng tình khi cho rằng: Việc cung vượt quá cầu khiến các trường bắt buộc phải tìm cách chọn lựa học sinh, nên dù nhà trường có đưa ra những yêu cầu mang tính chủ quan thì cũng là… chấp nhận được.

Ở góc độ khách quan, việc cung vượt quá cầu đã khiến các trường kể trên tìm cách để chọn lựa học sinh. Thế nhưng việc chọn lựa như vậy rõ ràng cũng tạo ra sự bất bình đẳng, phân biệt đối xử đối với các cháu học sinh không may có những khiếm khuyết về cơ thể. Nhiều phụ huynh đã tỏ ra lo lắng, bức xúc và phản đối phương án tuyển sinh “kỳ lạ” của các trường.

Có thể thấy, việc các trường tiểu học đặt ra phương án tuyển sinh lớp 1 như trên cũng trái với quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Bởi lẽ, Bộ chỉ quy định tuyển sinh vào THPT; Trung cấp chuyên nghiệp; ĐH, chứ không có bất cứ văn bản nào quy định tuyển sinh vào lớp 1 cả công lập hay ngoài công lập. Vì vậy, các trường ngoài công lập không thể “cậy thế” để tự đặt ra tiêu chuẩn tuyển sinh như trên, trừ trường hợp trường năng khiếu phát triển các lĩnh vực, văn chương; văn nghệ; thể thao; âm nhạc; hội họa… 

“Nếu vì lý do “quá tải” để tìm cách loại thí sinh, theo tôi trường cũng chỉ nên đặt ra những tiêu chí ưu tiên: Thứ nhất, gia đình chính sách; con em lao động nghèo; trẻ khuyết tật… Thứ hai, tính đến các căn cứ địa hình lãnh thổ, cự ly xa gần trong việc đưa đón con để ưu tiên. Thứ ba, căn cứ thời gian nộp hồ sơ sớm, muộn để xét tuyển học sinh” – ông Bùi Danh Liên, một giáo viên cấp 3 bộ môn Văn- Sử nói.  Mặt khác, ông Liên cũng cho rằng, Nhà nước cần cải cách lại nền giáo dục theo hướng giảm tải chương trình học tập, giảm tải sách giáo khoa, xây dựng một chương trình phù hợp với lứa tuổi học sinh.

“Cháu tôi học lớp 1, tôi là giáo viên cấp 3, vợ tôi là kỹ sư, bố của cháu bé cũng là kỹ sư. Nhưng thú thật rất nhiều bài văn, bài toán của cháu, chúng tôi “nát óc” mới tìm ra lời giải, thậm chí cũng không tìm ra lời giải. Mặt khác, thời gian cháu học ở trường quá nhiều, về nhà lại miệt mài để giải quyết đống bài tập được giao, nhiều khả năng sẽ khó phát triển một cách toàn diện cả về thể lực, tâm hồn cũng như trí tuệ. Như vậy thì rõ ràng, chương trình giáo dục trẻ em của chúng ta đang có “vấn đề”, nếu không muốn nói là đang ở… trên trời” – ông Liên chia sẻ.  

GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng bày tỏ băn khoăn trước khả năng bất bình đẳng của phương án tuyển sinh “kỳ lạ” trên: “Một số trường phải đưa ra các phương án tuyển sinh loại trừ cũng là bắt buộc nhưng chính điều này vô tình tạo nên sự thiếu công bằng đối với các cháu. Các vấn đề thể lực, sức khỏe, thị lực, dị tật bẩm sinh… không phải cháu nào sinh ra cũng tốt nên việc đưa ra tiêu chí về sức khỏe để tuyển sinh như vậy là không ổn. Mặt khác, trường tiểu học đánh giá sức khỏe, trí tuệ của các cháu để tuyển sinh, nếu trường nào cũng như vậy thì các cháu không đủ tiêu chuẩn sẽ học ở đâu? Việc tuyển chọn không công bằng như vậy dễ tạo nên những tổn thương tâm lý đối với các cháu. Sức khỏe, trí tuệ có thể cải thiện được, nhưng vết thương tâm lý thì không dễ khắc phục”.

Cũng theo GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên nhân của thực trạng “ganh đua” lựa chọn vào lớp 1 bắt nguồn từ việc thiếu trường học chất lượng tốt. Các địa phương cần có phương án làm sao xây dựng phát triển nhiều trường tiểu học chất lượng để thu hút học sinh, như vậy sẽ giải quyết triệt để thực trạng nói trên.

Luật Bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em đã quy định một trong những quyền cơ bản của trẻ em là quyền được học tập, và không thể vì bất cứ lý do gì để từ chối quyền này của các em. Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em (Việt Nam là nước châu Á đầu tiên và là nước thứ 2 trên thế giới tham gia ký kết), cũng quy định, trẻ em có quyền được phát triển, bao gồm: Những điều kiện để trẻ em có thể phát triển đầy đủ nhất về cả tinh thần và đạo đức, được học tập, vui chơi, tham gia các hoạt động văn hóa, tiếp nhận thông tin, tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tôn giáo. Trẻ em cần có sự yêu thương và cảm thông của cha mẹ để có thể phát triển hài hòa.



Sỹ Hào - Lê Hoàng

Tham Gia Group Dành Cho 2K13 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí