>> "Khó" với chương trình dạy các môn toán và khoa học bằng tiếng anh
Một trong những nhiệm vụ của đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020 là triển khai dạy thí điểm chương trình môn toán và các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh ở trường THPT tại Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng và một số địa bàn trọng điểm khác.
Đủ loại chương trình
Tại TP.HCM, hiện có 10 trường triển khai chương trình này nhưng mỗi trường lại hoạt động theo cách thức và những chương trình khác nhau lấy từ Mỹ, Úc, Nam Phi… Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, xác nhận: “Sở cũng mới chỉ dừng lại ở việc đưa ra chủ trương còn các trường tự chịu trách nhiệm về chương trình, tài liệu, đào tạo giáo viên…”.
Tài liệu giảng dạy ở Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1) dựa theo chương trình College Mathematics của Mỹ. Trong mỗi giờ học, học sinh được chia nhóm sau đó bốc thăm, trình bày lại các kiến thức đã học tuần trước, giải bài tập. Các nhóm còn lại nhận xét, đóng góp ý kiến cuối cùng giáo viên mới bình luận và đóng góp ý kiến chung. Bà Nguyễn Thị Lệ Nhân, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3), cho biết: “Bốn năm nay, giáo viên phụ trách những môn học này tự nghiên cứu để soạn giáo án trên cơ sở chương trình sách của Úc đối với môn toán, kết hợp giữa Úc và Mỹ với môn vật lý. Còn năm nay môn hóa thì tham khảo tài liệu của Mỹ và Nam Phi”. Chương trình, tài liệu dạy học các môn toán và khoa học của Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh) dựa trên các giáo trình và tài nguyên đang được sử dụng phổ biến tại Mỹ…
Trước thực trạng này, ông Phạm Thanh Nam, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), đề nghị: “Phải có cách đánh giá cụ thể thì mới có một chương trình hiệu quả còn không thì mỗi trường phải tự mày mò làm”.
Mịt mờ đầu ra
Nhà giáo Trần Hữu Trù, nguyên chuyên viên cao cấp, Bộ GD-ĐT cho rằng: “Với mục tiêu của giáo dục phổ thông theo luật Giáo dục 2005 thì việc dạy và học tiếng Việt hiện vẫn đang khá nặng nề thì nói gì đến việc học và dạy bằng tiếng Anh? Thêm nữa, liệu kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào ĐH hằng năm có đề riêng bằng tiếng Anh cho những học sinh này không?”.
Hiệu trưởng một trường THPT chuyên của TP.HCM cũng cho biết: “Nếu phục vụ nhu cầu du học thì chỉ có một số trường ĐH của Singapore tổ chức thi tuyển môn toán bằng tiếng Anh và các trường ĐH của Mỹ có yêu cầu chứng chỉ SAT (thi toán, lý, hóa bằng tiếng Anh) mà thôi. Tuy nhiên, học sinh chỉ cần chuẩn bị từ ngữ và học một năm lớp 10 là đủ để tham gia các kỳ thi này”. Cùng quan điểm này, ông Ngô Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền (Q.9, TP.HCM), cho rằng: “Để đi du học, chỉ cần tiếng Anh đạt những chứng chỉ quốc tế phù hợp với yêu cầu của từng nước. Còn việc học các môn toán và khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh trong nước chẳng thể quyết định được điều gì”.
|
Vì còn quá nhiều điều mơ hồ khi thực hiện nên phần lớn lãnh đạo các trường tại TP.HCM cho rằng chưa nên triển khai rộng rãi đề án này. Nếu cần thiết thì nên thực hiện ở các trường chuyên, đào tạo học sinh tham gia kỳ thi quốc gia, quốc tế.
Để giải quyết vấn đề này, ông Vũ Quốc Lịch, giáo viên Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, đề xuất nên mở lớp song ngữ. Bên cạnh lớp chuyên thường, học sinh nếu có nguyện vọng học các môn khoa học cơ bản bằng ngoại ngữ thì sẽ đăng ký học lớp song ngữ. Trong các lớp này, ngoài giáo trình phổ thông, học sinh còn học giáo trình 2 bằng ngoại ngữ đã đăng ký. Theo ông Lịch, để duy trì các lớp song ngữ này kinh phí nhà nước hỗ trợ một phần, còn lại do học sinh. Có thể khuyến khích miễn học phí cho các học sinh đạt thành tích cao trong học tập và chuẩn bị thi quốc tế.
Tại buổi hội thảo chuyên đề giảng dạy các môn toán và khoa học do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức vào đầu tháng 10, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Bộ đang nghiên cứu đến phương án khuyến khích học sinh học chương trình này. Có thể là nếu làm được các bài thi bằng tiếng Anh thì sẽ được miễn thi tốt nghiệp bậc THPT môn tiếng Anh”. Đồng thời ông Hiển cũng cho rằng: “Việc dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh cần phải làm cho phù hợp và nhất thiết phải tính đến hiệu quả, không thể làm lấy được, làm cho có, làm để trình diễn”.
Đây cũng là lo lắng của dư luận về hiệu quả của chủ trương này bởi hiện nay trình độ tiếng Anh của cả giáo viên và học sinh trong lĩnh vực chuyên môn có hạn, mục tiêu của chương trình lại hết sức mông lung.
|
>> "Khó" với chương trình dạy các môn toán và khoa học bằng tiếng anh
Tuệ Nguyễn - Bích Thanh (TN)