Chương trình phân ban THPT bị bỏ quên

Chương trình phân ban THPT ban đầu được thí điểm với 2 ban khoa học tự nhiên (gọi là ban A: học nâng cao các môn toán, lý, hóa, sinh) và ban khoa học xã hội - nhân văn (ban C: văn, sử, địa, ngoại ngữ). Sau một thời gian thực hiện, Bộ GD-ĐT bổ sung thêm ban cơ bản dành cho những học sinh không có thiên hướng ở môn học nào.

Đổ dồn về ban cơ bản

Ông Nguyễn Đình Thịnh, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh - TPHCM), cho biết từ khi Bộ GD-ĐT triển khai chương trình phân ban THPT đến nay chưa năm nào trường tổ chức được các lớp ban A hay C dù năm nào trường cũng tư vấn việc học phân ban cho phụ huynh, học sinh lớp 10.

Ông Kim Vĩnh Phúc, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, cho biết đặc điểm của học sinh các trường gốc bán công là đầu vào yếu, trong khi chương trình phân ban học nặng hơn nên học sinh không đăng ký. Ông Phúc cho biết môn sinh ở chương trình cơ bản  học khoảng 42 bài, trong khi chương trình ban A lên tới 62 bài. Các môn khác như toán, lý, hóa cũng tương tự.

Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh trong giờ học

Ngay cả học sinh ở các trường THPT thuộc tốp đầu ở TPHCM cũng từ chối ban A và ban C. Tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, nhiều năm qua, học sinh vẫn chỉ đăng ký học ban cơ bản. Bà Phạm Thị Lệ Nhân, hiệu trưởng nhà trường, cho biết hằng năm khi có danh sách học sinh trúng tuyển lớp 10, trường đã tổ chức tư vấn, giải thích cho phụ huynh, học sinh về chương trình phân ban và hướng đi của từng ban để học sinh chọn ban cho phù hợp. Tuy nhiên, năm nào học sinh cũng chỉ chọn ban cơ bản.

Thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM cho biết tỉ lệ học sinh đăng ký học ban cơ bản tăng từng năm: Năm học 2006-2007,  năm đầu tiên triển khai đại trà chương trình phân ban THPT, TPHCM có 75% học sinh học ban cơ bản, 22% học sinh học ban A, 3% học sinh học ban C. Đến năm học 2012-2013, dù không thống kê cụ thể nhưng đại diện Phòng Giáo dục Trung học của Sở GD-ĐT cho biết hầu hết học sinh đăng ký học ban cơ bản.

Mục tiêu là thi đại học

Tại sao học sinh lại từ chối việc phân ban của Bộ GD-ĐT? Câu trả lời được hiệu trưởng các trường đưa ra là học ban cơ bản nhẹ nhàng hơn, uyển chuyển hơn mà vẫn đạt được mục tiêu cuối cùng là thi ĐH.

Bà Phạm Thị Lệ Nhân cho biết trong các buổi tổ chức tư vấn, giới thiệu cho phụ huynh, học sinh về việc phân ban, trường vẫn khuyên học sinh nên học ban cơ bản, sau đó chọn những môn học nâng cao các môn phù hợp với khối thi ĐH dự kiến sau này. Tư vấn đó được phụ huynh và học sinh cho là hợp lý.
 
Trong khi đó, nếu lựa chọn ban A hoặc C, các em phải học nâng cao 4 môn, chương trình lại nặng. Ông Kim Vĩnh Phúc cho rằng phần đề thi ĐH dành cho học sinh học chương trình phân ban bao giờ cũng khó hơn học sinh không phân ban mà mục tiêu cuối cùng của học sinh là thi ĐH nên các em đăng ký ban cơ bản sau đó học phân hóa theo các khối thi ĐH là phù hợp nhất.

Sau 7 năm thực hiện đại trà chương trình phân ban, hiệu trưởng các trường THPT ở TPHCM cho rằng dù Bộ GD-ĐT có thừa nhận hay không nhưng thực tế chương trình phân ban THPT đã phá sản. Nguyên nhân là chương trình phân ban thiếu tính thực tế và dù phân ban nhưng cách đánh giá môn phân ban và không phân ban cũng không có gì khác nhau nên học sinh không chọn học phân ban.

Còn người học thì vẫn phân ban

Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, từng nói việc học sinh chủ yếu chọn ban cơ bản vì ban này có hướng tự chọn nhiều hơn, linh hoạt hơn, phù hợp nhiều đối tượng khác nhau hơn. Ông Hiển cũng cho biết đến khi có chương trình mới - khoảng năm 2015, chương trình phân ban vẫn chưa có gì thay đổi. Hiện 3 ban trên vẫn tồn tại và vẫn có học sinh học dù có thể chênh lệch. Chỉ có thể nói đến việc bỏ ban nào đó khi không có ai học nhưng còn người học thì các ban vẫn còn tồn tại.

Bài và ảnh: HUY LÂN (NLD)