Cơn mê sảng kỹ năng mềm

Học kỹ năng mềm là điều thiết yếu với cuộc sống của người trẻ, điều đấy quá rõ ràng và nhiều người biết. Nhưng liệu bạn có phải là một người thông minh để nhận ra rằng mình không bị cuốn trôi vào trào lưu như thác lũ của việc học kỹ năng mềm?

>> Cẩn thận với khóa học kỹ năng mềm 'miễn phí'

 

Trào lưu rầm rộ

Chỉ cần search Google trong ít phút, bạn sẽ thấy nhan nhản lịch học của các lớp kỹ năng mềm đang diễn ra hằng ngày ở Hà Nội. Ngay cả trên những trang chuyên bán coupon, người ta cũng hoa mắt vì các buổi dạy thuyết trình, các lớp kỹ năng được giảm giá từ 1,8 triệu đồng xuống còn 250.000 đồng. Chỉ trong vòng ba ngày, coupon của một lớp kỹ năng mềm giảm giá 75% đã có hơn 700 người đăng ký mua.

Nếu từng ghé qua các cơ sở dạy kỹ năng mềm đang được quảng bá rầm rộ, dự các lớp học thử lẫn các lớp học thật của họ, bạn sẽ thấy chưa bao giờ giới sinh viên bị mê hoặc bởi các lớp học kỹ năng đến thế, dù rằng mức học phí không hề nhỏ: Hội trường 600 người, học phí khoảng 300.000 đồng/người/buổi. Có những khóa học chỉ 3 ngày nhưng học phí là 7 triệu đồng, sinh viên vẫn ùn ùn kéo đến.

Các trung tâm, các công ty len lỏi vào các giảng đường. Họ tìm cách liên kết với các trường và mang danh nghĩa trao học bổng cho sinh viên. Nghĩa là giá các khóa học được đẩy lên rất cao, gấp đôi, thậm chí gấp ba, (7 - 8 triệu đồng), rồi dành học bổng 50% cho sinh viên các trường. Sinh viên sẽ có cảm giác được học bổng, được ưu đãi khi nộp các khoản tiền 3 - 4 triệu đồng để đi học các lớp kỹ năng này. Và điều đặc biệt là ở trường nào, các nhà tổ chức cũng mong muốn được trao nhiều học bổng nhất, ở nhiều hình thức nhất có thể nhưng khóa học "rẻ" thì sinh viên cũng phải bỏ ra ít nhất 1 triệu đồng.

Có những khóa học kỹ năng được quảng cáo là "khóa học dành cho những người không bao giờ thất nghiệp", với mức học bổng là giảm giá 82%. Dù chỉ là một khóa học ngắn, dành cho chuyên viên bán hàng và chăm sóc khách hàng nhưng công ty này giăng biểu ngữ rằng: "Khóa học dành cho những ai muốn giỏi kinh doanh, lập đại nghiệp, kiếm nhiều tiền và không bao giờ thất nghiệp, dù kinh tế có lạm phát đến đâu đi chăng nữa". Khóa học nào cũng khẳng định rằng, rồi đây bạn sẽ là số 1, là ông chủ, là người thành đạt... Nếu cả 1.000 người tham gia khóa học, ai cũng đều là số 1, vậy ai sẽ là số 2?

Tại một lớp học khám phá bản thân, tổ chức ở hội trường gần 600 chỗ, giảng viên mặt đỏ phừng phừng, nói như lên đồng những điều đúng y chang như sách. Giảng viên yêu cầu cả lớp nhắm mắt, co một chân, rồi lò cò đi ra cửa. Gần 600 người rầm rập làm theo, nhắm mắt co chân và hỗn loạn đùn đẩy nhau đi ra cửa. Giảng viên yêu cầu tất cả dừng lại quay về chỗ ngồi rồi kết luận: "Các bạn thấy chưa, nếu chúng ta thiếu những giác quan, nếu chúng ta cụt một chân, chúng ta chẳng làm gì ra hồn, dù chỉ là việc đơn giản như là đi ra cửa. Kỹ năng mềm cho chúng ta chân tay, là giác quan của chúng ta, là cách chúng ta khám phá bản thân để tìm ra giá trị đích thực của mình". Hỏi Đỗ Diệu Linh (trường ĐH Văn hóa Hà Nội), một học viên ngồi cạnh: "Bạn thấy hiệu quả của những giờ học thế này như thế nào?", Linh bảo: "Những giờ học thế này rất vui nhưng chủ yếu là lý thuyết, có thể cho sinh viên quyết tâm hoàn thiện bản thân nhưng chẳng mấy ai thay đổi được, chỉ sau một khóa học".

Chương trình đã được thẩm định?

Không ít sinh viên vẫn nghĩ rằng, chỉ cần tham gia vài khóa kỹ năng mềm, mình có thể trở thành một người khác, hoặc một ngày rất gần, mình sẽ trở thành CEO nào đó hoặc trở nên giàu có. Một dạo trên Facebook, các bạn truyền đi hai bức hình minh họa hài hước. Bức thứ nhất vẽ chân dung một anh sinh viên mới ra trường, ngời ngời tin yêu và hy vọng với phát ngôn đã thành câu cửa miệng một thời: "Làm giàu không khó". Bức hình thứ hai, vẫn là anh chàng này nhưng sau 5 năm ra trường, với bộ dạng thất thểu với câu hội thoại hài hước tiếp sau câu "Làm giàu không khó" là "Hồi đó… lỡ mồm".

Phần lớn các lớp kỹ năng mềm đang được quảng bá rầm rộ ở Hà Nội đều thuộc các công ty cổ phần, công ty TNHH. Mục đăng ký loại hình kinh doanh của các công ty này đa dạng đến mức có cả hoạt động tư vấn bất động sản, kinh doanh vật liệu xây dựng, xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ… Một công ty chuyên về xây dựng, ngoài việc mở các lớp như: Nghiệp vụ đấu thầu, Dự án đầu tư, An toàn vệ sinh lao động… còn mở thêm rất nhiều lớp kỹ năng mềm kiểu như: Kỹ năng thuyết trình, Kỹ năng giao tiếp, Kỹ năng làm việc nhóm, Kỹ năng nói chuyện trên điện thoại và cả Đào tạo thủ lĩnh. Không phải sinh viên nào đi đăng ký học kỹ năng cũng biết tìm hiểu cặn kẽ về các công ty này.

Số người đi học kỹ năng nhiều, mảnh đất đào tạo kỹ năng màu mỡ đến mức có không ít công ty mở rộng quy mô hoạt động. Tại một lớp kỹ năng đào tạo thủ lĩnh, trên phố Ngụy Như Kon Tum (quận Thanh Xuân), dù trailer quảng bá vô cùng hoành tráng đã treo cả tháng trên trang chủ  và mức học phí thuộc diện khủng 12 triệu đồng/khóa nhưng người viết bài khi đến công ty chỉ nhận được thông tin rằng: Đấy chỉ là chiến lược kinh doanh trong đầu năm tới. Hiện công ty chỉ thu thập thông tin của người đến đăng ký, khi có lớp học viên sẽ được gọi lại.

Hỏi ngẫu nhiên 15 sinh viên đến học tại trung tâm Học đường trên Phố Vọng, trong một buổi sáng rằng: "Bạn có bao giờ hỏi xem những chương trình kỹ năng mềm mình đang theo học có được kiểm định chất lượng?", các bạn này đồng loạt trả lời: "Không".

Khi các trường trên địa bàn Hà Nội bắt tay với các trung tâm mở các lớp học kỹ năng tràn lan trong trường, Sở GD - ĐT Hà Nội đã phải lên tiếng. Sở đã có công văn nghiêm cấm các trường học và các cơ sở giáo dục cho phép hoặc liên kết với bất kỳ tổ chức, cá nhân nào đưa chương trình giáo dục kỹ năng sống chưa được thẩm định vào giảng dạy chính khóa, ngoại khóa và tổ chức các hoạt động trong nhà trường. Sở GD - ĐT Hà Nội còn quy định: Việc thẩm định chương trình trước khi triển khai phải được sự cho phép của Bộ GD - ĐT hoặc Sở. Vậy thì hà cớ gì các bạn không hỏi những chương trình trong vòng 3 - 4 ngày mà bạn đang theo học với mức phí gần chục triệu đồng ấy đã được ai thẩm định, đánh giá hay chưa?

Kinh doanh đa cấp "Kỹ năng mềm"

Người viết bài có mặt ở trụ sở của Học đường tại địa chỉ 60 Phố Vọng, theo lời hẹn của hai bạn là thành viên chuyên nghiệp của trung tâm này. Họ cũng giải thích rất rõ ràng về các mức tham gia ở đây: "Có 3 mức: Nghiệp dư, chuyên nghiệp và VIP. Mức chuyên nghiệp thì đóng 2.160.000 đồng, mức VIP thì đóng hơn 5 triệu đồng. Đến với Học đường, bạn còn có cơ hội kinh doanh, nghĩa là nếu bạn giới thiệu thêm được người đến học, bạn sẽ được thêm tiền. Giới thiệu được một người học ở mức chuyên nghiệp bạn được 550.000 đồng. Học đường đã có đến hơn 60.000 thành viên và 6 trung tâm ở Hà Nội. Rất nhiều bạn đến đây học kỹ năng, đồng thời, cũng tham gia mạng lưới kinh doanh này. Có những sinh viên nhờ rủ rê bạn bè, sau khoảng một năm đã thu nhập 4 - 5 triệu đồng/tháng. Có nhiều người đầu tư thời gian và công sức thuyết phục được nhiều người đến học, thu nhập của họ lên tới 100 triệu đồng/tháng". Vừa nói, cô sinh viên (tự giới thiệu) năm thứ ba, trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, vừa vẽ rất chi tiết và rành rọt mô hình cây, mô hình kinh doanh theo mạng cho chúng tôi xem, giải thích kỹ càng điểm CV và mô hình cây.  

Cô sinh viên năm thứ ba thuyết phục cô sinh viên năm thứ nhất đến tìm hiểu về các lớp kỹ năng rằng: "Em không thể hình dung nổi các lớp học này đã thay đổi con người và cuộc đời của chị. Ai cũng biết kỹ năng mềm là cần thiết nhất trong cuộc sống. Và những lớp học này còn giúp chúng ta tìm ra được giá trị đích thực của bản thân. Thêm nữa, có những điều rất hay khác như: Ở đây, chúng ta quen được rất nhiều người, có rất nhiều bạn trai và nhiều người tốt và sục sôi ý chí làm giàu.

Nếu ở trường, các lớp học theo ca, theo giờ, đôi khi mình không thể làm bạn với ai nhưng ở đây chúng ta có nhiều bạn. Mọi người chơi với nhau rất thân, thậm chí, có thể vay tiền nhau khi khó khăn…".

Sau khi được nghe bài ca ngợi các lớp kỹ năng được chừng 20 phút thì bạn sinh viên năm thứ nhất xin phép ra ngoài vì có điện thoại. Một thành viên "gạo cội" ngay lập tức chê trách cô sinh viên năm thứ ba: "Em vẫn còn tồ lắm, em phải nhớ giới thiệu cơ hội kinh doanh, kiếm tiền cho bạn này. Vì hôm nay, bạn này nộp 5 triệu đồng nhưng nếu kinh doanh, bạn ấy sẽ lấy lại số tiền nhiều hơn thế. Mà phải tập trung vào mức VIP để bạn này tham gia vì chị thấy, bạn ấy hoàn toàn có tiềm năng đóng mức phí hơn 5 triệu đồng". 

 

hoc-ky-nang-mem-truc-tuyen.jpg

 

Có nhiều cách để bạn nâng cao kỹ năng mềm mà không mất tiền
Nếu không thể biết chắc được rằng bạn đã tìm được đúng các lớp kỹ năng mà hiệu quả tương xứng với số tiền bạn bỏ ra thì hãy tìm cách tiếp cận với nhiều con đường khác để nâng cao kỹ năng mềm của mình:
- Tham gia các hoạt động đội nhóm, các câu lạc bộ trong trường, các hoạt động tình nguyện... Hãy xung phong làm thủ lĩnh, MC... nếu bạn thực sự muốn thử sức mình và rèn luyện mình.
- Đọc các cuốn sách kỹ năng, những chia sẻ của người thành công và cả những người thất bại bạn sẽ nhanh chóng học được cách tốt nhất cho mình. Vì không ít các lý thuyết và câu chuyện của những diễn giả trong các lớp học thuyết trình được lấy từ... sách mà ra.
- Google, YouTube... lưu trữ rất nhiều các bài giảng kỹ năng mềm đang chờ bạn/.

NẮM CHẮC KIẾN THỨC, BỨT PHÁ ĐIỂM 9,10 LỚP 1 - LỚP 12 CÙNG TUYENSINH247!

Nếu em đang: 

  • Mong muốn bứt phá điểm số học tập nhanh chóng
  • Tìm kiếm một lộ trình học tập để luyện thi: TN THPT, ĐGNL, ĐGTD, Vào lớp 10
  • Được học tập với Top giáo viên hàng đầu cả nước

Tuyensinh247 giúp em: 

  • Đạt mục tiêu điểm số chỉ sau 3 tháng học tập với Top giáo viên giỏi
  • Học tập với chi phí tiết kiệm, đầy đủ theo ba đầu sách
  • Luyện thi bám sát cấu trúc từng kì thi theo định hướng của BGD&ĐT

Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY