Để ôn thi tốt nghiệp hiệu quả (P.1)

Những trọng tâm cần lưu ý khi ôn tập các môn thi tốt nghiệp, kinh nghiệm hệ thống kiến thức từng môn học...Mời bạn đọc theo dõi buổi giao lưu trực tuyến “Làm thế nào để ôn thi tốt nghiệp 2012 hiệu quả?”.

 

Toàn cảnh giao lưu trực tuyến - Ảnh: MINH ĐỨC

 

Các khách mời tham gia giao lưu trực tuyến, từ trái sang, cô Nguyễn Ái Hằng, tổ trưởng bộ môn lịch sử Trường THPT Trần Phú, TP.HCM, ThS Vũ Thị Bắc - Trường Phổ thông Năng khiếu - Đại học Quốc gia TP.HCM, thầy Trương Tiếu Hoàng, tổ trưởng bộ môn toán Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM, cô Trần Thị Liễu, tổ trưởng bộ môn tiếng Anh Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: MINH ĐỨC

Ban tư vấn gồm các thầy cô đại diện Bộ Giáo dục và đào tạo, thầy cô các bộ môn thi tốt nghiệp 2012.

Danh sách ban tư vấn gồm:

1. Thầy Nguyễn Duy Kha, trưởng phòng khảo thí - Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT.
2. Cô Nguyễn Kim Anh, giáo viên ngữ văn Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội.
3. Thầy Trương Tiếu Hoàng, tổ trưởng bộ môn toán Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM.
4. Cô Nguyễn Ái Hằng, tổ trưởng bộ môn lịch sử Trường THPT Trần Phú, TP.HCM.
5. ThS Vũ Thị Bắc - Trường Phổ thông Năng khiếu - Đại học Quốc gia TP.HCM.
6.Cô Trần Thu Hảo, tổ trưởng tổ hóa học Trường THPT Nguyễn Tất Thành - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
7. Cô Trần Thị Liễu, tổ trưởng bộ môn tiếng Anh Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM.

NỘI DUNG GIAO LƯU:

* Môn Toán có phải chỉ thi chương trình thuộc lớp 12? Mong các thầy cô chia sẻ cho em một số cách để ôn luyện môn Toán cho tốt? (Em là một học sinh học yếu môn Toán). Em muốn tìm sách tham khảo đọc thì nên tìm cuốn nào? Tác giả là ai? Em xin chân thành cám ơn. ( Em đang ở TP.HCM) (Mai Công Tuấn, 18 tuổi, tuantkn84@...)

- Thầy Trương Tiếu Hoàng, tổ trưởng bộ môn toán Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM:

Thí sinh phải học thuộc các công thức SGK. Khi đi thi:

- Đọc đề cẩn thận, xác định chính xác giả thiết của đề bài và chú ý đặt các điều kiện cần thiết.

- Thực hiện đầy đủ các yêu cầu, nên làm phần kết luận cho từng câu để có thể kiểm tra lại đã thực hiện các yêu cầu của câu hỏi chưa?

Các em nên tham khảo thêm sách bài tập của SGK.

* Đề thi tiếng Anh có yêu cầu cả bốn kỹ năng nghe - nói -  đọc - viết không? Nếu có, phần đề môn nghe, đọc sẽ có dạng như thế nào? Em ở tỉnh, không được học thêm Anh văn, không được giao tiếp, cũng không có băng đĩa gì để nghe. Bài học ở lớp thì khó và khô khan nữa. Nhiều bạn em cũng nghĩ vậy.

Em lo lắng, đối với tụi em môn Anh văn được 5 điểm là mừng lắm. Xin cô hướng dẫn cách học để tụi em có thể đạt điểm trung bình (có thể chỉ tập trung vào những phần nào dễ nhất thôi). Cảm ơn cô (Nguyễn Thị Trúc Đào, daotrucnguyenthi099@...)

 

Cô Trần Thị Liễu, tổ trưởng bộ môn tiếng Anh Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: MINH ĐỨC

- Cô Trần Thị Liễu, tổ trưởng bộ môn tiếng Anh Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM:

Đề thi tiếng Anh có 50 câu trắc nghiệm, như vậy sẽ không có kiểm tra kỹ năng nghe nói, để có được điểm trung bình các em cần nắm vững các kiến thức cơ bản của môn tiếng Anh đã được học trong 3 năm cấp 3. Cụ thể như cách sử dụng các thì, sự phối hợp các thì trong câu, cách sử dụng từ trong 1 câu cho chính xác (các em cần phân biệt danh từ, tính từ, trạng từ...). Về thì các em cần nắm các thì chính thường được sử dụng như Simple present, present continuous, simple past, present perfect, simple furture, past continuous.

Các em cũng cần biết sử dụng các liên từ để phối hợp các thì trong câu cho chính xác. Khi xác định thì các em cũng cần phải phân biệt số ít, số nhiều, active hoặc passive voice. Khi làm phần đọc hiểu đoạn văn, các em không nên chọn đáp án ngay lần đọc đầu tiên. Cần đọc đi đọc lại đoạn văn ít nhất là 2 lần, vì đôi khi chính những câu sau trong đoạn văn sẽ gợi ý đáp án cho câu trước. Em cũng cần tham khảo câu trả lời của cô về phần phát âm và dấu nhấn để có thể có được điểm 5 trong bài thi tiếng Anh. Chúc em thành công.

* Các thầy cô cho em hỏi cấu trúc đề tốt nghiệp tiếng Anh gồm những phần nào? Phần nhấn âm và phát âm có những từ có trong SGK phải không ạ?(Thanh Phương, 18 tuổi, babylovevas@...)

- Cô Trần Thị Liễu: Cấu trúc đề thi tiếng Anh gồm có 3 câu phát âm, 3 câu dấu nhấn, 1 đoạn văn đọc hiểu (4 câu hỏi), một đoạn văn điền từ (6 từ), các câu còn lại bao gồm những điểm ngữ pháp đã học trong chương trình, cụ thể như tenses, passive voice, relative clauses.... Phần ngữ nghĩa (trong 1 câu có 1 từ gạch dưới, học sinh chọn từ đồng nghĩa), phần viết lại câu (đã cho sẵn 4 gợi ý thí sinh chọn), phần speaking (từ 3 đến 4 câu), tất cả các câu hỏi đều là dạng trắc nghiệm (50 câu).

Phần nhấn âm vá phát âm chắc chắn cũng sẽ tương tự như những gì các em được học, được kiểm tra trong lớp, còn từ nào thì do người ra đề thi quyết định, giáo viên không thể biết được.

* Năm nay thi tốt nghiệp có những môn khá khó cho học sinh như lịch sử, hóa học. Xin hỏi đề thi ở mức nào, học sinh trung binh yếu có cơ hội đậu không? (Nguyễn Văn Hoành, 18 tuổi, doidaogian.cantinh@...)

- Thầy Nguyễn Duy Kha:  Quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành quy định rõ nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12, bao quát được nội dung dạy học, đáp ứng yêu cầu của chuẩn kiến thức, kỹ năng,  phù hợp về thời gian quy định cho từng môn thi và đảm bảo cho học sinh đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp. Nếu chăm chỉ, cố gắng đều có thể đạt kết quả tốt nghiệp.

* Ôn tập môn Văn cần lưu ý những nội dung gì ạ? (ngyen thanh tam, 18 tuổi, thuy_linh-kute@...)

- Cô Nguyễn Kim Anh: Câu hỏi của em là toàn bộ hai cuốn sách tập I và II môn ngữ văn lớp 12. Tuy nhiên, cô có thể trả lời ngắn gọn là em phải nắm vững cấu trúc của đề: một là câu tái hiện kiến thức (2 điểm), hai là câu nghị luận xã hội (3 điểm), và câu thứ ba là nghị luận văn học (5 điểm). Thế cũng có nghĩa là em phải ôn học thuộc lòng khá nhiều, nhưng nếu nắm chắc trong quá trình học những ý chính thì việc được 5 điểm không khó.

Cụ thể em nên hệ thống hóa kiến thức bằng cách lập bảng các bài học. Ví dụ: chia theo thơ gồm có các bài thơ nào theo thứ tự chương trình và văn là những bài nào. Sau đó rà soát lần lượt ôn theo trình tự nhất định, tránh nhảy cóc rồi quay lại sẽ lẫn lộn.

* Em xin hỏi cô Liễu, theo cô thấy bài làm môn tiếng Anh thường mất điểm ở phần nào? Làm sao tránh ạ? Cần lưu ý những gì để học và làm bài thi tiếng Anh tốt?

- Cô Trần Thị Liễu: Thường khi làm bài phần đọc hiểu các em hay hấp tấp chọn ngay đáp án khi mới đọc qua, trong khi đó trong 4 sự chọn lựa thường có 1 trả lời gần đúng với đáp án, do đó nếu không đọc và chọn lựa kỹ các em dễ mất điểm ở phần này.

Trong phần ngữ pháp những câu áp dụng về thì, các em cần phải chú ý kỹ đây là câu chủ động hay bị động, số ít hay số nhiều. Khi làm bài trắc nghiệm các em nên bôi đen từng câu trả lời một, không nên chờ đến cuối mới đánh vào bảng trả lời các câu hỏi, vì như thế các em có thể bị nhầm lẫn một câu, sẽ kéo theo nhiều câu bị sai.

Trong quá trình làm bài nếu có câu hỏi nào chưa có đáp án các em nên đánh dấu trong đề thi câu hỏi đó để sau khi làm xong những câu dễ các em sẽ trở lại làm những câu này và điều này cũng giúp cho các em tránh được việc đánh nhầm đáp án cho câu hỏi. Chúc em làm tốt bài thi.

* Phương pháp học ôn lịch sử như thế nào có hiệu quả ạ? Em cảm ơn (Nguyễn Việt Hải, 17 tuổi, blueweasley@...)

- Cô Nguyễn Ái Hằng: Trước hết em hãy nắm kỹ chương trình, phần nào giảm tải, phần nào đọc thêm. Thứ hai, các em cần lập kế hoạch ôn tập, cụ thể là chia thời gian ôn tập thành nhiều vòng (ít nhất là 3 vòng ôn).

Thứ ba, học lịch sử cũng như học Toán, Lý, các em phải vừa học, vừa viết, hoặc vẽ, lập sơ đồ. Ví dụ như học về các chiến dịch lịch sử.

Đó là phương pháp chung, còn phương pháp học một bài sử thì trước hết các em cần đọc qua một lần để nắm kiến thức cơ bản. Bước tiếp theo, phải xác định mốc thời gian trong bài học. Sau đó, học từng phần, từng đề mục. Sau khi học hết các đề mục trong bài thì các em mới học lại toàn bài. Các em cần đọc lại bài ít nhất 3-5 lần để khắc sâu kiến thức.

* Đề hóa học (chương trình cơ bản) có những phần đã được giảm tải không? Mong quý thầy cô cho em biết (Ngô Trần Nhật, 18 tuổi, nhat_thien1993@...)

- Thầy Nguyễn Duy Kha: Đề thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 có nội dung nằm trong chương trình THPT, bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng và phù hợp với nội dung đã được điều chỉnh trong Hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học các môn học bậc trung học của Bộ GD-ĐT.

Như vậy, những phần đã được giảm tải như em hỏi, không có trong nội dung đề thi.

* Làm thế nào để em có thể hệ thống hóa kiến thức một cách đầy đủ nhất chương trình Địa lí 12 (Trần Trung Kiên, 18 tuổi, thusinh_1994@...)

- Cô Vũ Thị Bắc: Để hệ thống hóa kiến thức một cách đầy đủ nhất chương trình địa lý lớp 12, em có thể làm theo các cách sau:

- Đọc lại bài, tìm các từ khóa trong bài sau đó diễn đạt lại theo cách của mình, có thể dùng các kí hiệu, hình vẽ tùy theo ý mình.

- Sử dụng sơ đồ hình cây để hệ thống lại kiến thức nên đi từ khái quát đến cụ thể (không nên đi từ chi tiết đến khái quát). Ở đây các em có thể sử dụng sơ đồ tư duy cũng được, miễn làm sao cho dễ nhớ, dễ học là được.

- Nội dung chương trình lớp 12 được chia ra chủ yếu làm 4 phần là :

+ Các nguồn lực để phát triển kinh tế

+ Dân cư và nguồn lao động

+ Các ngành kinh tế

+ Các vùng kinh tế

Em cần nắm rõ các nguồn lực từ đó phân tích sự ảnh hưởng của nguồn lực đến sự phát triển kinh tế ngành và sự phát triển kinh tế vùng, nhớ là không nên học máy móc mà cần phải hiểu và nắm rõ vấn đề bởi các nội dung trong môn địa lý lớp 12 có mối quan hệ với nhau, nếu nắm được từng phần em sẽ học được các phần khác rất nhanh. Chúc em ôn thi tốt môn địa lý lớp 12.

Theo Thethaohangngay