Để ôn thi tốt nghiệp hiệu quả (P.2)

Mời bạn đọc tiếp tục theo dõi buổi giao lưu trực tuyến “Làm thế nào để ôn thi tốt nghiệp 2012 hiệu quả?”.

* Cho em hỏi phương pháp ôn tập và thi đạt kết quả tốt môn Ngữ văn cả ôn thi tốt nghiệp và đại học.  Môn Văn thì nhiều dẫn chứng và có những phần giáo viên lướt qua hoặc không dạy ( như những nhân vật phụ). Vậy khi ôn thi, em có nên bỏ qua những phần đó hay không? Những phần Bộ giảm tải thì đề đại học có ra không? (Phạm Đình Bảo, 18 tuổi, pham_daithieugia@...)

Cô Nguyễn Kim Anh (áo khoác), giáo viên ngữ văn Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh

- Cô Nguyễn Kim Anh: Thứ nhất, yêu cầu của hai kỳ thi khác nhau nên không thể một công đôi việc hoàn toàn, song nếu ôn tốt cho kỳ thi tốt nghiệp thì việc ôn thi đại học sẽ nhàn hơn rất nhiều. Nếu ôn tốt nghiệp là những nhân vật chính thì ở ôn thi đại học sẽ bổ sung cả những nhân vật phụ và những chi tiết nghệ thuật đặc tả trong tác phẩm sẽ được bình sâu ở kỳ thi đại học.

Thứ hai, cần có cách để nhớ dẫn chứng. Đó không hoàn toàn là học thuộc lòng những đoạn văn dài nhưng các em buộc phải nhớ những câu hoặc cụm từ tiêu biểu. Ví dụ: khi nói về vẻ đẹp của cô Mị, tác giả chỉ nói gián tiếp "trai đến đứng nhẵn chân vách đầu buồng Mị". Câu này phải nhớ. Song mẹo nhớ là nên đi cùng với hình ảnh trong hình dung thì bài sẽ đọng hơn. Tuy nhiên, có lúc ngồi làm bài, nếu không biết mình nhớ có chính xác không, thì không nên đưa vào ngoặc kép. Như trường hợp trên, có học sinh viết là "đầu giường Mị" - gây hiểu nhầm - hay lỗi nhẹ hơn là "đầu phòng Mị" thì vẫn phải bỏ dấu ngoặc kép. Khi đó là văn của người viết bài, sẽ đỡ lo bị trừ điểm.

Những phần Bộ giảm tải, chắc chắn sẽ không có trong một câu hỏi chính thức của đề thi tốt nghiệp cũng như đại học. Nhưng môn Văn không thể bỏ qua kỹ năng liên tưởng, liên hệ. Nếu học sinh có được kiến thức từ những bài đã được giảm tải, chắc chắn sẽ thuyết phục giám khảo hơn nhiều. Bài văn sẽ phong phú và cho thấy người học chịu khó rộng mở, thu nhận kiến thức. Người học đối phó không thể có bài viết như vậy. Tôi đã từng đi chấm thi nhiều, tôi luôn trân trọng các bài thi có phần mở rộng, liên hệ, sáng tạo. Các đồng nghiệp khác của tôi đều như thế. Nhất là trong trường hợp chấm nhiều bài, thì bài nào có nét riêng sẽ được đánh giá cao hơn.

* Thưa cô cho em hỏi cách để có thể khai thác tốt nhất Atlat cho việc làm bài? Em xin chân thành cám ơn! (hà văn minhh hoàng, 18 tuổi, havanminhhoang@...)

- Cô Vũ Thị Bắc: Atlat được dùng trong việc rèn luyện kĩ năng phân tích xử lí số liệu, vì thế muốn sử dụng Atlat hiệu quả em cần vừa học kiến thức trong sách giáo khoa vừa tham khảo thêm số liệu trong Atlat. Hầu hết các số liệu về các ngành kinh tế và các vùng kinh tế đều có trong Atlat. Ví dụ, khi học bài 22 vấn đề phát triển nông nghiệp em cần tham khảo thêm trong Atlat phần bản đồ nông nghiệp chung và tình hình phát triển của cây lương thực, cây công nghiệp lâu năm và hàng năm. Như thế em vừa đỡ phải nhớ nhiều số liệu, vừa khai thác được Atlat một cách hiệu quả.

Tuy nhiên cũng không nên quá phụ thuộc vào Atlat bởi Atlat chỉ được khai thác hiệu quả khi em đã có kiến thức cơ bản môn Địa lý lớp 12. Nếu trong lúc học em không thực hành chung với Atlat thì sẽ rất lúng túng khi đi thi.

Môt điều lưu ý là khi đọc Atlat có hai trang em cần tham khảo nhiều là phần Các kí hiệu chung trang đầu tiên và phần mục lục trang cuối. Khi có phần tham khảo trong Atlat em cần xem phần mục lục để tìm đúng bản đồ cần xem và tham khảo phần kí hiệu để đọc cho đúng.

* Cho em hỏi cách làm bài môn Hóa học? Làm sao để hệ thống lại lý thuyết hóa và nhận dạng các bài toán hóa học? (Tran Huu Phuc, 18 tuổi, vanphuag@...)

- Cô Trần Thu Hảo: Xin trả lời em theo hai nội dung:

Cô Trần Thu Hảo (phải), tổ trưởng tổ hóa học Trường THPT Nguyễn Tất Thành - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh

Thứ nhất, về cách làm bài môn Hóa: Trước tiên, em chọn những câu có tính chất thuộc lòng, dựa vào đáp án để làm trước. Sau đó, em chọn những câu trên cơ sở suy luận về lý thuyết để làm bài tập lý thuyết (như là nhận biết điều chế...) và cuối cùng là những câu thuộc về bài tập tính toán. Đó là cách tận dụng được thời gian làm bài ngắn nhất, đem lại hiệu quả cao nhất.

Thứ hai là hệ thống và nhận dạng các bài toán hóa học. Em có thể hệ thống lý thuyết Hóa học lớp 12 theo hai phần vô cơ và hữu cơ:

+ Về hóa hữu cơ: Mỗi loại hợp chất cần nắm vững bốn phần trọng tâm:

    *Đồng đẳng, đồng phân, danh pháp

    *Đặc điểm, tính chất lý học

    *Tính chất hóa học

    *Điều chế

+Về hóa vô cơ: Thí sinh nên hệ thống theo từng phần để tiện so sánh. Ví dụ:

   *Các đơn chất kim loại: kim loại nhóm A (IA, IIA, Nhôm), kim loại nhóm B (Sắt, Crom, Đồng)

   *Các hợp chất của chúng: Hợp chất của Natri; Hợp chất Canxi; Hợp chất của Nhôm; Hợp chất của Sắt, Crom, Đồng.

Em có thể nhận dạng bài toán hóa học qua những dấu hiệu chỉ điểm đặc trưng như sau:

+Với bài toán hóa hữu cơ: Trên cơ sở tính chất hóa học của từng loại hợp chất,  thi sinh có thể gặp các dạng bài: * Tìm được công thức phân tử;

       * Dựa vào phản ứng hóa học để giải bài toán hỗn hợp

+ Với bài toán vô cơ: Thí sinh có thể gặp các dạng bài toán sau:

                       *Kim loại tác dụng với: Phi kim, Axit, Kiềm, Dung dịch muối

                      *Bài toán về phản ứng nhiệt nhôm

                      * Bài toán về điện phân

* Môn sử chúng em học hay quên ngày tháng năm, làm sao em có thể nhớ nội dung và kể cả ngày  tháng năm (nguyễn kim thư, 18 tuổi, vickyphucan@...)

- Cô Nguyễn Ái Hằng: Để nhớ nội dung lâu, các em phải hiểu bài. Về ngày tháng năm, để nhớ được, các em có thể dùng biện pháp liên tưởng, ví dụ ngày tháng năm lịch sử đó có thể là sinh nhật của ai đó thân thiết, hoặc là ngày họp mặt, ngày chia tay... Ngoài ra, trước khi học một bài các em cần xem bài đó nằm trong giới hạn khoảng thời gian nào, thông tin này có trong tiêu đề bài học.

* Em xin hỏi bài thi môn toán thường dễ mất điểm ở những lỗi nào? Làm sao tránh? Em nên phân bổ thời khóa biểu môn Toán như thế nào?

- Thầy Trương Tiếu Hoàng: Lỗi các thí sinh thường gặp trong quá trình làm bài :

- Không đọc kỹ đề bài, nhầm lẫn các giả thiết

- Không nắm đầy đủ các yêu cầu của đề bài, chưa làm hết câu, thiếu kết luận.

- Thiếu cách đặt các điều kiện cần thiết hoặc quên so với điều kiện sau khi giải bài.

- Chép các dữ kiện từ đề bài ra bài làm bị sai.

- Tính sai 1 kết quả và sử dụng kết quả đó làm tiếp dẫn đến sai hàng loạt câu sau tuy rằng cách làm đúng .

Các em nên ôn tập mỗi ngày 2 tiếng (1 ngày ôn giải tích, 1 ngày ôn hình học)

* Làm cách nào để học thuộc bài Sử nhanh và nhớ lâu? (pj, 18 tuổi, pj_luv1201@...)

- Cô Nguyễn Ái Hằng: Thứ nhất là em phải thật tâp trung khi học. Thứ hai, em phải hiểu kỹ nội dung từng phần của bài. Phải hiểu thì mới nhớ lâu được em à.

* Thưa cô, học sinh trung bình (dở môn Văn) nên tập trung vào phần nào trong ba phần của để thi? (thanhthuythixdua@...)

- Cô Nguyễn Kim Anh: Dù dở thế nào thì em cũng biết mình có khả năng phân tích thơ hơn hay phân tích văn hơn. Nếu đâu là điểm chưa mạnh thì lúc này "đầu tư" vẫn kịp. Ví dụ: đã từng có những học sinh học lệch văn hoặc thơ, và nghĩ rằng sẽ chọn ở câu 5 điểm làm một trong hai thể loại này. Tuy nhiên, cách đây mấy năm đề thi cả hai câu đều là văn. Vì vậy không nên tự chặn con đường của mình.

Câu nghị luận xã hội không bó hẹp kiến thức nên học sinh cũng dễ có được điểm 1,5 đến 2 điểm miễn là biết suy luận và có hiểu biết từ cuộc sống. Ví dụ: với đề hỏi về tác dụng của việc đọc sách. Các em hoàn toàn không phải ôn tập song cần phải là người từng đọc sách, từng mê sách thì chắc chắn bài làm sẽ thuyết phục được người chấm. Cũng có trường hợp chỉ nghe thầy cô và cha mẹ nói về tác dụng của đọc sách mà em viết vào bài làm cũng vẫn có thể đạt điểm không tệ. Những câu yêu cầu kiến thức xã hội không được bỏ qua hay xem nhẹ.

Cũng cần lưu ý có câu trong đề không nói thẳng mà mượn một câu ví von, so sánh, ...thì phải có thao tác quy đổi. Ví dụ: "Khi ta tặng bạn hoa hồng, tay ta cũng vương mùi hương." Có thể hiểu là đề yêu cầu viết về tình bạn và sự giúp đỡ, hy sinh cho tình bạn.

* Em xin hỏi từ giờ tới lúc thi, học môn toán như thế nào để có 5 điểm (ở lớp em cũng chỉ đạt khoảng 5 điểm thôi). Còn nữa, xin thầy chỉ cách làm bài không sai để không bị trừ điểm? (thongreovivu_dl@...)

- Thầy Trương Tiếu Hoàng: Trước tiên em phải học thuộc các công thức trong SGK, trong quá trình làm bài kỹ năng tính toán phải tốt. Thông thường, các thí sinh thường mắc các lỗi:

- Sử dụng ký hiệu tùy tiện mà không giới thiệu.

- Làm bài quá vắn tắt, không giải thích, thiếu lập luận.

- Chọn phương pháp giải toán quá cầu kỳ, kỹ xảo trong khi đó có thể chọn cách giải đơn giản hơn.

-Không đánh số thứ tự của câu khi làm bài gây khó khăn, mất cảm tình của giám khảo.

* Phần phát âm trong đề thi thường có dạng như thế nào, chiếm bao nhiêu điểm? (honghanhdethuong@...)

- Cô Trần Thị Liễu: Phần phát âm cũng như dấu nhấn chiếm 3 đến 4 câu (thường là 3) trên tổng số 50 câu. Các em cần chú ý kiến thức nhận ra dấu nhấn của môt từ, vídụ: danh từ có 2 vần thì dấu nhấn ở đâu? Động từ ở đâu?, từ có 3 vần trở lên như thế nào. Các em cũng cần chú ý tiếp vĩ ngữ của các từ để xác định dấu nhấn của từ. Phần phát âm các em cần biết phân biệt những nguyên âm xuất hiện với những từ a, e, o, i, ea và những phụ âm như ch, sh, th...

* Các bạn em nói nếu học dở toán quá, nên tập trung học phần khảo sát hàm số thôi, vào phòng thi làm thêm vài phần nhỏ nữa là đủ điểm trung bình... Theo thầy, HS trung bình tụi em có thể hưởng trọn điểm phần khảo sát hàm số không, ngoài ra em nên tập trung phần nào nữa, phần nào dễ học và dễ có điểm? (tranchitrung357@...)

- Thầy Trương Tiếu Hoàng: Phần khảo sát hàm số bất kỳ kỳ thi tốt nghiệp nào cũng có. Phần này dễ nhưng khi làm bài phải cẩn thận theo các bước mà thầy cô đã dạy trên lớp. Muốn có điểm tối đa phần này, kỹ năng tính toán của học sinh phải tốt.

Theo thầy, phần dễ kiếm điểm là phần hình học giải tích không gian (phần riêng) vì không đòi các em suy luận nhiều mà chỉ cần áp dụng đúng công thức và tính toán chính xác.

* Em có thể ôn theo các cuốn sách hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp được không? Hay là ôn sách học ở trên trường mình đang học(nguyễn thanh hoàng, 18 tuổi, beauty_boy0606@...)

 

Thầy Nguyễn Duy Kha, trưởng phòng khảo thí - Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT - Ảnh: Nguyễn Khánh

- Thầy Nguyễn Duy Kha: Tài liệu dùng để học và ôn luyện tốt nhất cho các em là sách giáo khoa được biên soạn theo chương trình hiện hành. Các em có thể tham khảo thêm các tài liệu hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp. Nhưng cần lưu ý các tài liệu này trên thị trường sách hiện nay rất đa dạng. Vì vậy cần phải có bản lĩnh để lựa chọn những tài liệu thật cần thiết, bám sát kiến thức, kỹ năng cơ bản, để không rơi vào tình trạng "đa thư loạn mục".

* Thưa cô cho em hỏi, học môn văn như thế nào để có thể được 5 điểm. Đối với em kiếm điểm 5 môn này cũng không dễ? Đề thi có 3 phần, dài quá, thời gian không đủ để làm hoàn chỉnh được. Xin cô chỉ cách học và kinh nghiệm làm bài thi tốt nghiệp môn Văn ạ? (hongdao _truongthi@...)

- Cô Nguyễn Kim Anh: Đầu tiên, cần lập ý sơ lược của các câu vào tờ giấy nháp. Sau đó, canh giờ dành cho từng câu. Cụ thể: câu 1 nên dành khoảng 20 phút, câu 2 khoảng 40 phút, còn lại 90 phút cho bài văn. Tất nhiên, không cần canh chính xác từng phút, song cũng phải lưu ý vì một đặc điểm của môn Văn, kể cả với học sinh giỏi, dễ bị để cảm xúc cuốn đi.

Nhiều năm qua, với câu 3 điểm - nghị luận xã hội, học sinh thường dồn toàn bộ cảm hứng mà quên rằng đó là câu 3 điểm. Thậm chí ra khỏi phòng thi, khoe bố mẹ làm được điểm vẫn là khoe về câu 3 điểm. Muốn đạt 5 điểm thì em nên xác định không được bỏ qua cả câu trên (2 điểm) và câu dưới (5 điểm). Kể cả câu 2 điểm, mình chỉ làm được 0,5 điểm cũng viết. Các cụ có câu "Năng nhặt chặt bị". Vì ở mỗi câu chỉ nhặt ra khoảng 60% đạt yêu cầu thì em mới yên tâm được điểm 5. Lý do còn xem chữ nghĩa, lỗi chính tả và cách diễn đạt của em thế nào nữa. Chúc thành công!

Theo Thethaohangngay