Để ôn thi tốt nghiệp hiệu quả (P.3)

Mời bạn đọc tiếp tục theo dõi buổi giao lưu trực tuyến “Làm thế nào để ôn thi tốt nghiệp 2012 hiệu quả?” (Phần 3)

* Cho em hỏi cách học ngắn gọn và dễ nhớ nhất môn lịch sử? Môn lịch sử cái gì là trọng tâm nhất? (trần nguyễn nhật nam, 18 tuổi, trannambh@...)

- Cô Nguyễn Ái Hằng: Học ngắn gọn thì điểm sẽ không cao, còn muốn dễ nhớ môn lịch sử thì trước hết em phải thật sự yêu thích nó. Trong một đề thi, phần lịch sử Việt Nam 7 điểm, lịch sử thế giới 3 điểm. Vì câu hỏi của em chưa thật rõ ràng nên cô chỉ có thể trả lời tạm thời như thế.

* Cho em hỏi về cách nhớ tính chất của môn hóa học. (Lê Tuấn Anh, 18 tuổi, ceo9x@...)

- Cô Trần Thu Hảo: Chia sẻ với em bí quyết để nhớ tính chất hóa học như sau:

Thứ nhất là với một hợp chất hữu cơ:

-Dựa vào cấu tạo để suy đoán những tính chất chung. Ví dụ một hợp chất hữu cơ mạch hở có chứa nối đôi ở mạch Cacbon thì sẽ có tính chất: cộng, trùng hợp, oxy hóa;

-Dựa vào số oxy hóa để suy đoán chúng có phản ứng oxy hóa- khử hay không.

- Ngoài ra còn có những tính chất riêng của từng loại hợp chất

Thứ hai là với một chất vô cơ: Thuộc và nắm chắc các tính chất hóa học cơ bản của từng loại, ví dụ: kim loại, oxit bazơ, axit, muối... Tuy nhiên, lưu ý có những chất có tính chất riêng. Ví dụ nhôm kim loại tác dụng được với dung dịch kiểm.

Và một điều muốn nhắn với em trong quá trình học môn hóa là muốn thuộc lý thuyết thì không nên chỉ chăm chăm thuộc lòng, mà cần viết lại để có sự tư duy và nhớ kĩ, nhớ lâu kiến thức hơn.

* Kính thưa thầy cô, em học rất tệ môn Anh văn, làm thế nào để em đạt được kết quả tốt trong kì thi tốt nghiệp sắp tới ?(Võ Nguyễn Mỹ Duyên, 18 tuổi, black_coffee251094@...)

- Cô Trần Thị Liễu: Các em cần ôn lại các kiến thức đã học trong chương trình, cụ thể là phần từ vựng theo từng chủ đề của các bài, các ngữ pháp được đề cập trong từng bài học. Từ đây cho đến ngày thi mỗi ngày các em nên ôn lại các từ, chú ý các giới từ được đề cập trong các bài. Các phrasal verbs trong sách giáo khoa. Phần ngữ pháp các em nên làm thêm các bài tập liên quan đến các chủ đề đã học trong bài. Phần chính nhất vẫn là các thì, mệnh đề quan hệ, mệnh đề chỉ thời gian, câu chủ động, bị động.

* Bí quyết để làm tốt bài thi môn sử? (trần văn tới, 18 tuổi, tranvantoigvcnl3@...)

- Cô Nguyễn Ái Hằng: Trước hết, phải đọc kỹ đề, hiểu đề, sau đó gạch dưới hoặc ghi ra nháp những cụm từ quan trọng. Lập dàn ý, ghi những gì mình biết về yêu cầu của đề. Sau đó, sắp xếp các ý theo thứ tự thời gian, lập dàn ý không quá sơ lược nhưng cũng đừng đi sâu chi tiết. Sau khi xem xét dàn ý đã đủ ý chưa, lúc đó hãy bắt đầu viết bài.

Bài làm cần chú ý cả nội dung lẫn hình thức, từ ngữ sử dụng phải chính xác, tránh lỗi chính tả. Khi hết một ý, các em nên chấm hoặc xuống hàng để người chấm dễ theo dõi bài.

Khi làm xong, nên dành ít thời gian đọc lại bài. 

* Môn hóa học có đề cương không? Crom và hợp chất crom có thuộc nội dung giảm tải không?(mai thi xuan, 27 tuổi, maithixuan26121985@...)

 - Cô Trần Thu Hảo: Theo quy định của Bộ, môn Hóa không có đề cương ôn thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, em yên tâm là nội dung thi sẽ là những kiến thức cơ bản nhất nằm trong chương trình.

Crom và hợp chất crom vẫn nằm trong chương trình giảng dạy chính thức của môn Hóa lớp 12 năm học 2011-2012, nó không thuộc nội dung giảm tải.

* Cấu trúc của đề thi môn địa lí và lịch sử như thế nào? Mong thầy giải đáp. (Đặng Tiểu Đạt, 17 tuổi, xuandang68@...)

- Thầy Nguyễn Duy Kha: Theo quy định hiện hành,  trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, thí sinh thi các môn Lịch sử, Địa lý theo hình thức tự luận. Cũng như đề thi tự luận của các môn khác, đề thi của mỗi môn này gồm có hai phần: Phần chung (hay còn gọi là phần bắt buộc), ra theo nội dung kiến thức và kỹ năng giao nhau giữa chương trình chuẩn và nâng cao.

Phần riêng (hay còn gọi là phần tự chọn) ra  theo phần kiến thức, kỹ năng của từng chương trình chuẩn hoặc nâng cao. Khi làm bài thi phần tự chọn, thí sinh chỉ được làm một trong hai phần tự chọn. Nếu làm cả hai phần tự chọn, thì cả hai phần tự chọn đều không được chấm điểm.

* Cho em hỏi: quy chế thi tốt nghiệp năm nay có gì khác so với những năm trước? (nguyen trong quy, 18 tuổi, rongquy_pep2211@...)

- Thầy Nguyễn Duy Kha: Quy chế thi tốt nghiệp THPT ban hành kèm theo thông tư số 10/2012/TT-BGDĐT ngày 6-3-2012 có một số điểm mới. Theo đó, giám đốc sở GD-ĐT và Cục trưởng cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) được quyền chủ động xây dựng và triển khai phương án tổ chức coi thi phù hợp với thực tế của địa phương, đơn vị; Xây dựng và triển khai phương án chấm thi để chấm các bài thi cả trắc nghiệm và tự luận của thí sinh trên địa bàn, đảm bảo cho giáo viên không chấm bài thi của học sinh trường THPT mà mình giảng dạy;

Xây dựng và triển khai phương án thanh tra thi theo hướng huy động lực lượng thanh tra thuộc phạm vi quản lý làm công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các khâu của quy trình tổ chức thi; Trong trường hợp cần thiết có thể đề nghị huy động lực lượng đảng viên của các trường trung cấp, cao đẳng, đại học trên địa bàn cùng tham gia công tác thanh tra.

Bên cạnh đó, để đảm bảo quyền lợi của thí sinh, không quy định về điều kiện để được phúc khảo bài thi như những năm trước; mọi thí sinh đều có quyền xin phúc khảo bài thi, nếu thấy điểm thi của mình chưa phù hợp với thực tế bài làm. Thí sinh xin phúc khảo bài thi phải nộp đơn và lệ phí theo quy định.

* Cô giáo em thường phê bình tụi em rất dễ lạc đề môn văn (tức là đề ra một đàng làm một nẻo). Nhưng em không biết cách làm sao để không lạc đề... Còn nữa, cô em cũng nói, bài thi phải có ý rõ ràng và trùng khớp với đáp án mới có điểm, sao khó quá vậy? Tụi em không có nhiều thời gian làm bài, nghĩ ra gì lo viết hết còn không kịp giờ nữa... vậy làm sao để bài làm có ý và đủ ý hả cô? (minhman_cao@...)

 - Cô Nguyễn Kim Anh: Vì học sinh thường bỏ qua việc làm nháp, lập ý văn nên dễ sa vào miên man, thiếu định hướng. Trong một bài văn có các đơn vị kiến thức yêu cầu đầu tư thời gian như nhau. Vậy mà có nội dung nhẩn nha, lại có nội dung bị qua quýt vì thiếu thời gian. Khi phân tích thơ, học trò say sưa với một câu rồi liên hệ ý thơ đó từ nhiều bài thơ khác mà quên mất đoạn thơ cần phân tích còn rất nhiều nội dung chưa chạm đến.

Trong văn xuôi, khi phân tích nhân vật Mị, học sinh say sưa miêu tả sức sống tiềm tàng và khát vọng hạnh phúc của Mị mà bỏ qua mất nỗi khổ: "sống không bằng con trâu con ngựa". Học sinh đó đã quên rằng chính việc sống khổ mà vẫn có sức sống, có khao khát thì càng tăng giá trị nhân văn cho hình tượng nhân vật.

Trên đây là những bài bị lệch nội dung do thiếu sắp xếp thời gian cho mỗi phần. Trường hợp lạc đề hẳn thì thật đáng tiếc. Chắn chắn là do em không thuộc bài, không nắm được những ý cơ bản nhất.

Đây là "mẹo": trong quá trình ôn thi, em thử ngẫm nghĩ các nhân vật trong tác phẩm thấy ai thân thân như một người quen biết thì yên tâm, còn ai hoàn toàn xa lạ, thậm chí nhầm tên, thì phải đọc lại ngay tác phẩm + vở ghi dàn ý của cô giáo và tham khảo thêm ở những cuốn sách có bài khai thác về nhân vật.

Để khỏi lẫn, cũng cần nhớ nhân vật trong giai đoạn nào của lịch sử dân tộc. Ví dụ nhân vật Tràng là trong nạn đói khủng khiếp năm 1945, nhân vật Tnú là ở Tây Nguyên thời chống Mỹ, nhân vật người đàn bà trong "Chiếc thuyền ngoài xa" là thời kỳ sau chiến tranh,...

* Thưa thầy, phần hình học trong đề thi tốt nghiệp môn toán có khó quá không? Nên học phần này như thế nào, cần chú ý những gì? (duytam678_cat@...)

 

Thầy Trương Tiếu Hoàng, tổ trưởng bộ môn toán Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM - Ảnh: MINH ĐỨC

 

* Thưa cô, bài làm môn sử cần dàn ý hay không ạ? Lập dàn ý như thế nào? (thutrang_bhdn@...)

- Cô Nguyễn Ái Hằng: Tất nhiên là cần lập dàn ý để khi làm bài không bị sót ý. Dàn ý gồm những sự kiện chính. Ví dụ, với đề bài, trình bày nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ thì dàn ý cần có các ý sau:

- Nguyên nhân chủ quan gồm:

Đảng lãnh đạo

Quân - nhân dân

Hậu cần

- Nguyên nhân khách quan: Các nước XHCN...

* Em nghe nói những năm trước tuy có chuẩn kiến thức nhưng đề sử vẫn ra ngoài chuẩn. Việc này có đúng không? Nếu có năm nay có tình trạng đó không? Thi tốt nghiệp môn sử, ôn tập có trọng tâm không? Đó là những phần nào? Nếu học hết làm sao học nổi? (Lê kiều Mai, 17 tuổi, lekieumai2012@...)

- Thầy Nguyễn Duy Kha: Hoàn toàn không có việc đề thi nằm ngoài chuẩn như em nghe nói. Em cứ yên tâm học và ôn luyện bám sát yêu cầu của chuẩn kiến thức kỹ năng đã được quy định trong chương trình. Cần ý thức rõ theo quy định của quy chế thi tốt nghiệp THPT thì nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu lớp 12, bám sát yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng, phù hợp với nội dung điều chỉnh trong Hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ GD-ĐT. Quán triệt  rõ những điều này để học và ôn tập, chắc chắn em sẽ đạt được kết quả tốt khi thi môn Lịch sử.

* Em muốn hỏi thầy cô: làm cách nào ôn thi môn văn hiệu quả và thi đạt điểm cao? Năm nay thi văn, sử, địa em nên phân bố thời gian ôn thế nào cho hợp lý? em xin cảm ơn.(nhung dieu chua hieu, 18 tuổi, lanfthang1052003@...)

- Cô Nguyễn Kim Anh: Muốn ôn thi môn văn hiệu quả phải đảm bảo vừa ôn khái quát hệ thống tác phẩm, trong từng tác phẩm phải nhớ được những nội dung chính nhất, hệ thống nhân vật... Ngoài ra còn phải biết hành văn lưu loát, lập luận sắc sảo, có sáng tạo.

Để ôn được các môn thi, cần phải có thời gian thích hợp. Có thể chia các ngày trong tuần theo lịch: ví dụ thứ Hai ôn Toán, thứ Ba ôn Hóa, thứ Tư ôn Ngoại ngữ, những ngày còn lại ôn lần lượt Văn-Sử-Địa. Em nên biết khi nắm được kiến thức Lịch sử cũng là hỗ trợ rất tốt cho việc làm văn. Cụ thể như nhìn nhận về hoàn cảnh sáng tác, ứng xử của nhân vật trong hoàn cảnh của tác phẩm... Tuy nhiên mỗi ngày chỉ dành 60% thời gian học cho môn theo lịch, còn 40% là theo yêu cầu của thầy cô theo thời khóa biểu của lớp. Theo quy luật ghi nhớ của não, học nhắc lại nhiều lần thì sẽ khắc sâu hơn một lần học dù thật lâu.

* Cho em hỏi, học ôn môn hóa như thế nào để không rớt (nhất là đối với HS học lực trung bình). Cảm ơn (duyminhduyminh@...)

-Cô Trần Thu Hảo: Thực ra, những năm gần đây, bài thi môn Hóa được ra theo hình thức trắc nghiệm, nên cũng tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh trung bình. Làm bài thi trắc nghiệm, các em không phải trình bày, diễn giải cụ thể. Trong khi đó, có rất nhiều câu, dựa vào đáp án, em có thể loại trừ để tìm ra đáp án đúng.

Tuy nhiên, đặc thù của môn Hóa là các bài có mối liên hệ với nhau, nên em cần hệ thống lại toàn bộ kiến thức chứ tránh "học tủ" theo từng bài riêng lẻ.

Theo Thethaohangngay