Để ôn thi tốt nghiệp hiệu quả (P.4)

Mời bạn đọc tiếp tục theo dõi buổi giao lưu trực tuyến “Làm thế nào để ôn thi tốt nghiệp 2012 hiệu quả?”. (Phần 4)

* Cho em hỏi làm sao để dễ nhớ các công thức tiếng Anh? (Hồ Thị Kim Hoảng, 18 tuổi, masuri_maiyeuanh@...)

- Cô Trần Thị Liễu: Em muốn hỏi công thức tiếng Anh ở phần nào? Cô đưa vài ví dụ để em có kinh nghiệm học tiếng Anh tốt hơn.

- Về tenses: đa số các em cũng còn lúng túng khi xử lý các thì, như vậy:

Để đề cập đến những hành động mang tính chất tiếp diễn em cần nhớ phải sử dụng những thì có chữ "continuous", bên cạnh đó nếu sử dụng thì này phải có "be-v+ing", ví dụ những thì có chữ "perfect" em phải nhớ trong công thức phải có "have+v3/v+ed", cô chỉ đưa ra một vài ví dụ để em hình dung.

* Xin cô thầy hướng dẫn tổng quát những điều cần lưu ý đối với môn Hóa. Em thấy kiến thức của mình còn lơ mơ quá, giờ không biết củng cố phần nào trước mà thời gian không có nhiều, lại còn học các môn khác nữa. Vậy, làm cách nào để tụi em học ít thôi nhưng có thể kiếm được điểm trung bình? (lanchimaithi@...)

- Cô Trần Thu Hảo: Phải khẳng định với em luôn không có cách nào để dành thời gian ít cho môn Hóa để đạt điểm trung bình khi mà hiện tại kiến thức của em về môn học này "còn lơ mơ" như em nói. Lời khuyên dành cho em là phải tập trung dành thời gian, công sức để hệ thống lại kiến thức một cách chuẩn mực

Đặc trưng của môn Hóa là các bài luôn có mối quan hệ với nhau, nên em không thể "học tủ" theo từng bài được.

Trong bài thi môn Hóa, lý thuyết thường chiếm 2/3 số điểm và có nhiều câu có tính chất dựa vào đáp án có thể suy luận được đáp án đúng, nên em cũng đừng quá lo lắng. Hình thức thi trắc nghiệm cũng tạo điều kiện cho học sinh trung bình đạt được điểm không thấp đối với môn này.

* Môn lịch sử thường có rất nhiều con số ví dụ như ngày tháng năm, số người bị thương... vậy thì làm thế nào để chúng em có thể nhớ hiệu quả các con số đó. Và theo thang điểm chấm thi thì các con số thuộc dạng như thế nào sẽ thực sự cần thiết để chúng em có thể chọn lọc học theo cách tốt nhất. Em xin chân thành cảm ơn. (Hà Huy Ý Lan, 18 tuổi, bibi_star_456@...)

- Cô Nguyễn Ái Hằng: Trong bài thi, chỉ với những sự kiện lớn, những mốc lịch sử lớn thì ngày tháng mới thật sự quan trọng và các em cần viết chính xác. Còn về năm thì có lẽ cũng dễ nhớ. Những con số kết quả của một trận đánh thì không cần nhớ chính xác, các em có thể nhớ con số ước chừng, ví dụ: chiến dịch Biên giới 1950 thì tiêu diệt khoảng 8.000 tên địch, chiến thắng Điện Biên Phủ trên không trong 12 ngày đêm thì loại trên 80 máy bay, trên 80 phi công. Chỉ cần viết như thế là đạt điểm.

* Cho em hỏi làm sao lấy kiến thức cơ bản khi ôn môn sử? Và làm sao khi đọc câu hỏi sẽ hiểu được nội dung của nó? (trần lê phương trinh, 17 tuổi, p3_kAn712@...)

- Cô Nguyễn Ái Hằng: Để có kiến thức cơ bản, không có cách nào khác là em phải học. Muốn hiểu nội dung câu hỏi, khi đọc câu hỏi, em phải tập trung, gạch dưới những từ quan trọng.

* Thưa cô, từ giờ đến lúc thi, mỗi ngày cần bao nhiêu thời gian cho môn tiếng Anh. Theo cô, nên học ôn như thế nào, cái gì ôn trước, cái gì sau, phần nào cần nắm chắc để được trung bình, phần nào mở rộng để tụi em lượng sức? (baby_lovepink@...)

- Cô Trần Thị Liễu: Các em cần phân bố thời gian học đều cho các môn. Về phần từ vựng các em cần ôn lại những từ liên quan đến các chủ đề đã học trong chương trình. Các ngữ pháp căn bản như cô đã trả lời ở các câu trên. Các em cũng cần làm thêm hoặc xem lại các bài tập mà các thầy cô đã dạy trong lớp.

* Cho em hỏi nếu biết chắc mình không thể đạt điểm cao môn tiếng Anh (vì em học dở quá) thì học thế nào để đạt trung bình? (thuongmytran@...)

- Cô Trần Thị Liễu: Để có thể đạt điểm trung bình môn tiếng Anh các em cần xem lại các từ vựng đã học qua các bài trong chương trình, khi gặp những động từ, tính từ, hoặc danh từ với những giới từ đặc biệt các em cần lưu ý học thuộc. Các em cần nắm vững cách sử dụng các thì, lưu ý số ít, số nhiều cần biết phân biệt câu chủ động, bị động, cần biết sử dụng loại từ trong câu cho chính xác (danh từ, tính từ, trạng từ...)

* Môn hóa học em đang rất rối trong việc ôn bài. Học lí thuyết thì em thuộc bài nhưng không biết vận dụng vào giải bài tập. Các bước giải bài tập cũng rối tung luôn. Mong cô hướng dẫn em hệ thống lại kiến thức. Em cảm ơn(Trần Thành Trung, 17 tuổi, bllhbllh94@...)

-Cô Trần Thu Hảo: Em nên tham khảo câu trả lời phía trên của cô về hệ thống lại kiến thức môn Hóa.

Cô sẽ gợi ý cho em một cách vận dụng kiến thức lý thuyết vào việc giải bài tập hóa học như sau: Em nên chia bài toán thành ba bước:

- Bước thứ nhất: Dựa vào đầu bài vận dụng lý thuyết đã thuộc để viết các phương trình bài ra và cân bằng;

- Bước thứ hai: Hệ thống các số liệu bài ra đổi về mol để giúp em tính toán cho gọn.

-Bước thứ ba: Dựa vào câu hỏi của bài để nhận dạng bài. Thông thường, tìm số ẩn, rồi thiết lập phương trình toán học tương đương và giải.

* Em nên học các bài lịch sử theo thứ tự thời gian, hay nên học các bài theo thứ tự ưu tiên, bài nào quan trọng, dễ ra thi thì học trước? (Uyên, 18 tuổi, phuonguyen1994@...)

- Cô Nguyễn Ái Hằng: Em nên học theo thứ tự từng bài vì các bài này đã được sắp xếp theo thứ tự thời gian. Bài nào quan trọng thì em nên học kỹ, nắm kỹ. Bài ít quan trọng thì các em nên nắm những ý chính, không nên học bài dễ trước.

* Có người nói, phần nghị luận văn học chỉ cần học thuộc bài thầy cô giảng là có thể có điểm. Có thật vậy không cô? 

- Cô Nguyễn Kim Anh: Đúng vậy, phải thuộc bài thầy cô giảng và viết được thành văn của mình, chứ dàn ý ở trên lớp thì chưa đủ. Có nhiều giáo viên đọc cho chép bài mẫu. Nhưng môn văn là cảm hứng. Em có thích mình đơn thuần là một con vẹt không? Đó là chưa kể làm sao có thể thuộc mấy chục bài văn mẫu?

* Em muốn có một đề cương toàn bộ kiến thức môn lịch sử lớp 12 để ôn tập. Có tài liệu nào như vậy không cô (Đặng Ngọc Quang, 17 tuổi, tranloan.thd@...)

- Cô Nguyễn Ái Hằng: Nếu em muốn có đề cương, em có thể thử đề nghị giáo viên lịch sử soạn cho em dựa theo sách giáo khoa và hướng dẫn giảm tải của Bộ GD-ĐT. Thường thì các trường THPT đều có soạn riêng cho trường mình đề cương này.

* Thầy cô cho em hỏi: đối với môn sử thì em nên chú trọng ôn phần nào, làm thế nào để em ôn môn sử có hiệu quả? (Phạm Đức Quỳnh, 17 tuổi, dquynh0621@...

- Cô Nguyễn Ái Hằng: Khi ôn, các em phải nắm được phần hướng dẫn giảm tải của Bộ GD-ĐT. Hãy ôn hết nội dung ôn tập, cả phần lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam. Ở những câu trả lời trên, cô đã hướng dẫn cách ôn tập hiệu quả môn sử.

* Môn tiếng Anh có phần giảm tải không cô? Gồm những phần nào? (hanhtranthuyabc@...)

- Cô Trần Thị Liễu: Cấu trúc đề thi thì không có phần giảm tải, chỉ giảm tải chương trình học như thầy cô đã dạy trong lớp.

* Dạ, xin cho em hỏi: làm sao để nhớ rõ chính xác các ngày tháng năm của các chiến lược trong bộ môn lịch sử? (Võ Phụng Yến Nhi, 18 tuổi, vophungyennhi@...)

- Cô Nguyễn Ái Hằng: Câu hỏi của em chưa thật rõ nên cô sẽ chỉ trả lời về cách nhớ ngày tháng năm của ba chiến lược của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, gồm: chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ, Việt Nam hóa chiến tranh. Để nhớ ba chiến lược này, em cần nhớ mốc thời gian, chiến tranh đặc biệt (1961-1965), chiến tranh cục bộ (1965-1968), Việt Nam hóa chiến tranh (1969-1972). Tất cả những sự kiện liên quan thì nằm trong những mốc thời gian này.

* Cho em hỏi cấu trúc đề thi môn tiếng Anh gồm những yêu cầu gì? Phần nào dễ nhất là phần nào khó nhất ạ? (lamnguyen_tranthi@...)

- Cô Trần Thị Liễu: Cấu trúc đề thi môn tiếng Anh gồm có phần phát âm, dấu nhấn, đoạn văn đọc hiểu, đoạn văn điền từ, các câu hỏi kiểm tra kiến thức về kỹ năng sử dụng từ, các ngữ pháp căn bản đã học trong chương trình, kỹ năng viết câu, kỹ năng sử dụng tiếng Anh trong văn nói (tất cả đều là dạng trắc nghiệm). Theo cô không có phần nào dễ học phần nào khó, vấn đề là các em có kỹ năng xử lý câu hỏi như thế nào cho hợp với khả năng học của mình.

* Cho em hỏi đối với môn lịch sử hệ GDTX nên học như thế nào cho dễ nhớ nhất? Và cần chú ý những gì đối với 2 phần lịch sử VN và thế giới? (Ngô Trần Nhật, 18 tuổi, nhat_thien1993@...)

- Cô Nguyễn Ái Hằng: Hệ GDTX cũng học môn lịch sử như hệ phổ thông. Phần lịch sử Việt Nam có những mốc ở từng giai đoạn, em cần nắm những kiến thức chính trong từng giai đoạn ấy. Ví dụ, như giai đoạn 1919 - 1930, những trọng tâm như quá trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc, các phong trào dân tộc dân chủ, quá trình thành lập Đảng...

Còn lịch sử thế giới thì em cần nắm được sau chiến tranh thế giới thứ 2 thì hệ thống XHCN hình thành thế nào, các nước đế quốc như Mỹ, Nhật, phong trào giải phóng dân tộc ở các nước Á, Phi, Mỹ la tinh, quan hệ quốc tế, cách mạng khoa học công nghệ...

* Thưa các thầy cô trong Ban tư vấn, xin thầy cô cho em hỏi giới hạn chương trình các môn thi tốt nghiệp?  Em cám ơn(Nguyễn Việt Hải, 17 tuổi, blueweasley@...)

- Ông Nguyễn Duy Kha: Quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành quy định rõ: Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là lớp 12, bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng, phù hợp với nội dung đã được điều chỉnh trong Hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học các môn học bậc trung học. Vì vậy, các em phải  quán triệt đầy đủ các quy định này để sử dụng SGK và các tài liệu tham khảo cần thiết trong quá trình học tập và ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi.

* Em xin hỏi những kinh nghiệm để hệ thống kiến thức môn Ngữ văn? (Anh khoa, 18 tuổi, nhatvy0308...)

- Cô Nguyễn Kim Anh: Có hai cách chia: một là theo thể loại, hai là theo thời kỳ - giai đoạn lịch sử.

Cách thứ nhất: liệt kê các tác phẩm là thơ: "Tây Tiến", "Việt Bắc", "Đất nước", "Sóng", "Đàn ghi ta của Lor-ca". Sau đó liệt kê các tác phẩm là văn xuôi (là truyện ngắn): "Vợ chồng A Phủ", "Vợ nhặt", "Rừng xà nu", "Những đứa con trong gia đình", "Chiếc thuyền ngoài xa". Về thể loại bút ký:  "Người lái đò sông Đà", "Ai đã đặt tên cho dòng sông". Về văn chính luận: "Tuyên ngôn Độc lập", "Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc", "Thông điệp nhân ngày thế giới phòng chống AIDS 1-12-2003".

Kẻ bảng thống kê hoàn cảnh sáng tác, ý nghĩa nhan đề, nội dung, nghệ thuật.

Giống như một người kiểm lại tài sản của mình, biết mình có bao nhiêu để quyết định gom góp làm việc hữu ích. Sau khi lập bảng, chắc chắn em sẽ biết được mình đang quen hay rất xa lạ với tác phẩm nào. Cô hy vọng số xa lạ ít thôi.

Cách thứ hai là theo thời kỳ - giai đoạn lịch sử. Ưu điểm của cách này là không nhầm lẫn nhân vật với thời đại. Văn học Việt Nam từ 1945-hết thế kỷ 20 có thể chia thành 4 thời kỳ:

1) Văn học thời kỳ kháng chiến chống Pháp: "Tây Tiến", "Việt Bắc" (Thơ); "Vợ chồng A Phủ", "Vợ nhặt" (Văn)

2) Văn học thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc: "Tiếng hát con tàu" - chương trình nâng cao (Thơ); "Người lái đò sông Đà" (Bút ký).

3) Văn học thời kỳ kháng chiến chống Mỹ: "Đất nước", "Sóng" (Thơ); "Những đứa con trong gia đình", "Rừng xà nu" (Văn).

4) Văn học thời kỳ xây dựng đất nước sau 1975: "Đàn ghi ta của Lor-ca" (Thơ), "Ai đã đặt tên cho dòng sông", "Một người Hà Nội" - chương trình nâng cao, "Chiếc thuyền ngoài xa" (Văn).

* Ngoài sách giáo khoa địa lý, có tài liệu nào ngắn gọn hơn không cô? Trong quyển Atlat, mình cần lưu ý thông tin gì nhất? Khi vẽ biểu đồ và phân tích biểu đồ cần lưu ý gì để không bị mất điểm ạ? (maianhbinhminh@...)

 

 

ThS Vũ Thị Bắc - Trường Phổ thông Năng khiếu - Đại học Quốc gia TP.HCM - Ảnh: MINH ĐỨC

- Cô Vũ Thị Bắc: Nội dung SGK là nội dung cơ bản nhất rồi, em chỉ cần học trong đó không cần tìm thêm một cuốn sách nào đâu. Tuy nhiên, như cô đã nói trong phần trên nếu muốn học hiệu quả em có thể tự soạn lại theo cách của mình (bằng sơ đồ hoặc bảng hệ thống kiến thức) cho dễ học. Còn nếu theo SGK thì có thể dùng bút highligh để tóm lại kiến thức, từ đó làm cho việc học trở nên nhẹ nhàng hơn. Còn sử dụng Atlat thì cô đã có phần trả lời ở trên em có thể tham khảo thêm.

Khi vẽ và phân tích biểu đồ em cần lưu ý một số điều sau đây:

Có 4 dạng biểu đồ chính: Tùy từng dạng số liệu mà vẽ biểu đồ thích hợp. Ví dụ biểu đồ cột thì thể hiện tình hình sản xuất qua nhiều năm hay biểu đồ tròn thể hiện cơ cấu thành phần của một tổng thể, biểu đồ miền thể hiển sự chuyển dịch cơ cấu, biểu đồ đường thể hiện tốc độ tăng trưởng, quá trình phát triển…

  1. 1.      Trước hết cần đọc kĩ yêu cầu của đề bài để xác định loại biểu đồ cần vẽ. Nếu đề bài cho số liệu tuyệt đối và yêu cầu xử lí số liệu thì cần kẻ bảng tổng hợp vào trong bài thi.
  2. 2.      Vẽ biểu đồ cần đảm bảo chính xác về cách chia số liệu, tên biểu đồ và chú thích sao cho hài hòa, chính xác và đủ các nội dung.
  3. 3.      Nhận xét và Giải thích khi đề bài yêu cầu. Nếu đề bài chỉ yêu cầu nhận xét thì em chỉ cần nhận xét không cần nêu giải thích.

Khi nhận xét cần chú ý theo 3 bước là:

+ Nhận xét tổng quát (như  tăng nhanh, chậm, liên tục hoặc không ổn định…),

+ Nhận xét từng phần: chú ý các giai đoạn chuyển tiếp, đột biến, so sánh giữa phần cao nhất và thấp nhất.

+Nhận định xu hướng phát triển thường sử dụng các từ như tóm lại, nhìn chung hoặc nói chung…

Để không mất điểm em cần lưu ý những phần nhỏ trong vẽ biểu đồ như đơn vị (%, triệu tấn, triệu ngươi…), chia sai đơn vị, chú thích hay tên biểu đồ …cứ mỗi phần thiếu này em sẽ bị trừ từ 0,25 đến 0,5 điểm.

Chúc em đạt kết quả cao trong phần thi kỹ năng này.

*Làm thế nào để đạt điểm cao môn Hóa? (Khuê Anh, 18 tuổi, Hà Nội)

-Cô Trần Thu Hảo: Em nên đọc kĩ đề bài, vận dụng nền tảng lý thuyết một cách hết sức cẩn thận. Đặc biệt, trong hóa hữu cơ, hầu hết các phương trình phản ứng thường cần có điều kiện. Đôi khi, trong những điều kiện phản ứng khác nhau, dù cùng chất tham gia nhưng vẫn có thể tạo ra những sản phẩm khác nhau.

Với các bài toán Hóa, khi viết phương trình phải nhớ cân bằng phương trình, tính toán số liệu không được làm tròn số tùy tiện.

* Môn Văn khi đi thi có phải học thuộc hết chương trình hay không?(Lê Thành Đạt, 18 tuổi, ngoinhaha@...)

- Cô Nguyễn Kim Anh: Nguyên tắc ra đề là nội dung đã được học trong chương trình, vì thế học hết chương trình mới có thể vững vàng bước vào phòng thi. Song đó là với yêu cầu tối đa. Trong trường hợp học sinh không thể bao quát hết kiến thức của tác phẩm thì cũng phải nắm được kiến thức giai đoạn, kiến thức thể loại để tránh lẫn lộn. Em vẫn có thể đạt điểm 5 hoặc hơn thế nếu biết cách viết văn và nắm chắc 2/3 số tác phẩm.

Đừng nghĩ môn Văn là học thuộc, sẽ ngại. Em hãy đọc lại các tác phẩm xem mình hiểu được bao nhiêu. Nhớ được các nhân vật chính, hiểu về họ trên những nét cơ bản và nhớ được hoàn cảnh sáng tác, cảm hứng cũng như nội dung của các bài thơ thì em có thể yên tâm phần nào. Môn Văn không yêu cầu chính xác từng chữ, hãy nuôi cảm xúc cho mình thì sẽ không ngại học.

* Thưa cô Kim Anh, trong quá trình làm bài Văn chúng em nên tránh những lỗi gì? (một học sinh)

- Cô Nguyễn Kim Anh: Về nội dung, học sinh thường yếu kỹ năng phân tích và xử lý đề. Các em thường mắc lỗi:

  • Kể lại nội dung tác phẩm, đôi chỗ có bình luận tùy hứng
  • Lần lượt theo từng nhân vật như bài phân tích mà không biết chỗ nào chính, chỗ nào phụ. Học sinh làm theo bài học chứ không làm theo đề
  • Suy luận về diễn biến từ tâm lý đến hành động của nhân vật như ngoài đời sống. Vì những suy luận này không phải học bài. Mặt khác, do học sinh chủ quan nghĩ văn học là tấm gương soi hiện thực một cách y nguyên mà quên yếu tố nghệ thuật của văn chương.
  • Nếu đề nêu nhận định, ý kiến để làm rõ thì ý kiến, nhận định đó cần trở đi trở lại trong bài để soi chiếu, nhấn nhá và tô đậm.

Về hình thức thì các em hay mắc những lỗi sau:

•  Mở bài quá vòng vo, quá dài, học sinh quên rằng văn mở bài là loại văn nén. Câu có tính khái quát, cảm xúc cũng chưa thể diễn tả. Cần nhớ 3 nét chính là tác giả, tác phẩm, nội dung sẽ giải quyết trong bài. Nếu muốn ấn tượng từ dẫn gợi, thu hút thì cũng cần ngắn gọn.

•  Thân bài phải chia thành các đoạn văn. Mỗi đoạn văn cần rõ chủ đề, ý bào trùm.

•  Thông thường thân bài có thể bao gồm 5-7 đoạn văn. Dù chủ quan thấy cần liền mạch đến đâu cũng cần nhớ chia nội dung bài thành các đơn vị kiến thức là yêu cầu bắt buộc về hình thức.

•  Kết bài thường vội vàng và thiếu phần mở rộng, liên hệ. Đây chính là phần tạo dư âm cho bài văn. Hãy coi một bài văn là một tác phẩm của người viết để nghĩ, mình đã tạo được ấn tượng gì, nói rõ được điều gì để thầy cô chấm bài mình có thể tiếp nhận, đồng cảm với mình?

* Em học môn Hóa hơi yếu. Việc có tên môn Hóa trong số các môn thi tốt nghiệp làm em cảm thấy lo lắng. Em đang tìm sách tham khảo để việc ôn tập tốt hơn. Cô có thể giúp em cách chọn sách tham khảo cho học sinh trung bình, chuẩn bị thi tốt nghiệp thế nào là tốt nhất ạ? (Minh Anh, Phú Thọ).

- Cô Trần Thu Hảo: Kiến thức Hóa để vận dụng vào làm bài thi tốt nghiệp chỉ là những kiến thức rất cơ bản đã có trong sách giáo khoa. Vì vậy, về lý thuyết, em không cần lo lắng tìm tài liệu tham khảo. Về bài tập, em chỉ cần làm và hiểu được các bài tập trong sách giáo khoa và sách bài tập. Em có thể tham khảo một số đề thi tốt nghiệp môn Hóa của các năm trước để tập dượt, kiểm tra bản thân về kiến thức cũng như thời gian để hoàn thành bài thi. Các tài liệu tham khảo thường nâng cao so với mức độ thi tốt nghiệp, có thể khiến em vận dụng khó khăn và càng lo lắng, thiếu tự tin về kiến thức.

* Cho em hỏi những phần chữ nhỏ mở rộng hay giải thích trong SGK Lịch sử có cần học kỹ không hay chỉ đọc để hiểu? (Thanh Tâm, 18 tuổi, thecall_ofthewind@...)

- Cô Nguyễn Ái Hằng: Phần chữ nhỏ này có nội dung cần học, có nội dung không cần thiết. Em cần hỏi cụ thể phần chữ nhỏ nào thì mới dễ trả lời.

* Thưa cô, phần đọc hiểu trong đề thi chiếm bao nhiêu điểm? Cách học như thế nào để làm tốt phần này ạ? (anhdaonguyenthi@...)

- Cô Trần Thị Liễu: Phần đọc hiểu gồm 2 đoạn văn, một đoạn điền từ có 6 câu, một đoạn đọc hiểu có 4 câu. Để làm tốt phần này các em cần đọc kỹ đoạn văn ít nhất là 2 lần, khi làm phần chọn từ các em cần chú ý từ đứng trước hoặc sau khoảng trống để xác định loại từ thích hợp. Đoạn văn đọc hiểu chỉ được làm sau khi đã đọc kỹ từng chữ trong câu hỏi.

* Bạn em nói môn tiếng Anh phải học nhiều năm. Đã dở rồi, giờ còn hai tháng, cũng khó cải thiện lắm... Em lo quá. Theo cô, trong hai tháng tới, em nên học ôn như thế nào môn tiếng Anh? (bigbig_small@...)

- Cô Trần Thị Liễu: Đúng là học 1 ngoại ngữ nhất là để thi thì không thể trong 2 tháng. Tuy nhiên nếu cố gắng cô nghĩ em vẫn có thể có được số điểm nhất định trong bài thi bằng những việc đơn giản như sau:

1. Cần đọc lại các bài khóa trong chương trình, nếu gặp từ nào không nhớ cần thuộc lại từ đó. Cũng cần thuộc các giới từ đi kèm các từ này, nếu có.

2. Có thể nhờ giáo viên hoặc các bạn học tốt hơn hướng dẫn cách xác định dấu nhấn của một từ (phần này dễ khắc phục trong thời gian ngắn, và có thể có 0,6đ)

3. Xem lại các điểm ngữ pháp được đề cập trong từng bài học với những bài tập liên quan. Cần làm lại các bài tập này để có thể xử lý các câu hỏi tương tự.

-* Cách sắp xếp thời gian làm bài thi môn Hóa cho hiệu quả thế nào, thưa cô? Thông thường bài thi môn Hóa tốt nghiệp THPT diễn ra trong bao lâu?

- Cô Trần Thu Hảo: Môn Hóa sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm. Thời gian làm bài 60 phút, tương đương 40 câu. Em nên chọn làm trước những câu có tính chất thuộc lòng, chỉ cần dựa vào đáp án để suy luận. Tiếp đó, em nên chọn những câu đã tìm ra được hướng giải. Cuối cùng mới dành thời gian để làm những câu khó, phải nháp nhiều.

Cũng nên dành lại 5-7 phút cuối giờ để xem lại toàn bộ đáp án mình đã chọn.

* Theo kinh nghiệm của cô, phần từ vựng môn tiếng Anh có quá khó không? Thông thường, đề sẽ ra từ trong chương trình 12 phải không ạ? Học từ vựng như thế nào để đạt điểm tốt ạ? (nancy_1088@...)

- Cô Trần Thị Liễu: Từ vựng môn tiếng Anh sẽ không khó, thường chỉ có trong chương trình 12. Khi học một từ mới các em cần nắm loại từ, các từ liên quan (Verb, adjective, adverb), các giới từ đi kèm. Khi học một từ mới các em cần biết sử dụng từ (đặt câu với từ này), mỗi ngày các em có thể ôn từ vựng trong 1 bài đã học trong chương trình 12. Các em cũng cần lưu ý các từ đồng nghĩa. Các em cũng cần chú ý dấu nhấn và cách phát âm của từ vì đây là phần sẽ ra trong bài thi.

* Các thầy cô có thể cho em biết nội dung trọng tâm của môn hóa, đặc biệt các thầy cô cho em ít lời khuyên ôn thi môn hóa làm sao cho hiệu quả vì em của em hơi yếu môn nay. Xin chân thành cảm ơn.(Trần Ngọc Mai, 21 tuổi, tranngocmai291)

- Cô Trần Thu Hảo: Trọng tâm của môn Hóa là kiến thức cơ bản lớp 12, gồm hai phần: Hóa hữu cơ và Hóa vô cơ.

Khi học Lý thuyết, em nên viết lại những kiến thức vừa thu nạp được, chứ đừng học thuộc lòng suông. Khi viết sẽ giúp em tư duy, suy ngẫm, và nhớ được kiến thức lâu hơn.

* Xin phép hỏi thầy Kha: Những phần kiến thức đã được giảm tải và chuyển thành đọc thêm có ra trong đề thi tốt nghiệp 2012 và kì thi đại học sắp tời không? Cấu trúc đề thi tốt nghiệp và đại học năm nay như thế nào? Cảm ơn thầy (trần tiến, 18 tuổi, trantien0880@...)

- Ông Nguyễn Duy Kha: Những kiến thức đã được giảm tải và chuyển thành đọc thêm không có trong nội dung đề thi tốt nghiệp THPT và đề thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm nay.

* Nội dung ôn tập môn địa lý là gồm tất cả các bài của học kì 1 và học kì 2 đúng không ạ? Trong bài thi phần nào là phần dễ kiếm điểm nhất ?(nc, 18 tuổi, pechuot_nangtienca@...)

- Cô Vũ Thị Bắc: Nội dung ôn tập môn Địa lý bao gồm tất cả các bài trong SGK (trừ phần giảm tải do Bộ Giáo dục và Đào tạo qui định).

Trong bài thi tùy vào từng sức học mà có em cho rằng phần này hoặc phần kia dễ lấy điểm nhất. Đa số các em cho rằng phần kỹ năng vẽ biểu đồ hay đọc Atlat là phần dễ lấy điểm nhất (vì không cần phải học thuộc bài nhiều). Em có thể rèn luyện kĩ năng vẽ biểu đồ và phân tích bảng số liệu thống kê cho nhuần nhuyễn để lấy 2 điểm ở phần này. Tuy nhiên, như cô đã nói ở phần trên em vẫn có thể mất điểm ở phần này vì thiếu sót một vài chi tiết trong vẽ biểu đồ hoặc chọn sai dạng biểu đồ.

Phần thứ hai mà nếu chịu khó học em có thể lấy 3 điểm là bảy vùng kinh tế, vì hầu như năm nào cũng có câu hỏi ở phần này.

Phần thứ ba là các câu hỏi phần địa lý dân cư.

 Cuối cùng là phần tự nhiên (địa hình, thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa, thiên nhiên phân hóa đa dạng...)

Ngoài ra, theo cô, em nên tham khảo thêm cấu trúc thi tốt nghiệp môn Địa lý để nắm rõ phần cần ôn tập theo sức học của mình. Chúc em thi đạt kết quả cao.

* Cho em hỏi thầy Kha, nắm vững chương trình trong sách giáo khoa thì đạt được bao nhiêu điểm. Bao nhiêu phần trăm điểm dành cho học sinh tự tìm tòi, sáng tạo?(minhhoang, 18 tuổi, hoanggialai@...)

- Thầy Nguyễn Duy Kha: Theo quy định, đề thi tốt nghiệp THPT có nội dung nằm trong chương trình, bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng, phù hợp với nội dung điều chỉnh trong hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học các môn học của Bộ GD-ĐT. Trong đó mỗi đề thi sẽ dành khoảng 50% điểm số cho các câu hỏi yêu cầu thông hiểu, vận dụng kiến thức. Như vậy, các thí sinh đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp, nếu chăm chỉ, cô gắng đều có thể đạt kết quả tốt khi làm bài thi.

* Cho em hỏi máy tính CASIO fx-570 ES PLUS có được mang vào phòng thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH 2012 không ?(Nguyễn Thiếp, 18 tuổi, nguyenthiep1994@...)

- Thầy Nguyễn Duy Kha:  Về nguyên tắc, trong cả hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ, thí sinh chỉ được mang vào phòng thi máy tính cầm tay không có thẻ nhớ, không có chức năng soạn thảo văn bản.

Trước kỳ thi, Bộ GD-ĐT sẽ có thông báo cụ thể danh mục các loại máy tính cầm tay được phép mang vào phòng thi. Em cần cập nhật thông tin này để biết rõ loại máy tính nào được mang vào phòng thi.

* Thưa cô, môn địa lý giảm bài những bài nào ạ? (lanhuong_bbm@...)

- Cô Vũ Thị Bắc: Nếu em hiện đang học lớp 12 em có thể hỏi trực tiếp thầy, cô bộ môn của mình để biết thêm thông tin giảm tải này, hoặc em có thể tìm công văn về "Hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học môn Địa lý, cấp THPT" kèm theo công văn số 5842/BGDĐT-VP ban hành ngày 1-9 -2011 của Bộ giáo dục và Đào tạo. Chúc em ôn thi tốt nghiệp thật tốt.

* Xin cho em những gợi ý: 1- Làm thế nào để ôn thi tốt nghiệp 2012 hiệu quả nhất? 2- Có bao nhiêu môn thi trắc nghiệm? 3- Đề thi trắc nghiêm cần lưu ý điểm gì? (Nguyễn Thanh Vân, 18 tuổi, tienthanhvan@...)

- Ông Nguyễn Duy Kha: Để ôn thi tốt nghiệp có hiệu quả, trước hết cần phải hoàn thành chương trình của năm học. Trên cơ sở đó, căn cứ vào thông báo môn thi của Bộ GD-ĐT để xây dựng kế hoạch ôn tập cho từng môn. Trong đó, cần xây dựng đề cương ôn tập, xác định rõ các tài liệu tham khảo cơ bản, phân định thời gian hợp lý cho từng dung lượng kiến thức.

Điều quan trọng vào thời điểm này, phải ý thức rõ lượng kiến thức và kỹ năng còn khiếm khuyết, phải bổ sung để tập trung ôn tập dứt điểm. Bên cạnh đó, cũng phải bố trí thời gian nghỉ ngơi hợp lý, không nên tạo áp lực căng thẳng. Đồng thời, duy trì chế độ ăn uống an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe. Làm được những điều này, em sẽ có sự sung mãn cả về thể lực và tinh thần, có sự hoàn chỉnh về kiến thức, kỹ năng để tự tin bước vào kỳ thi.

Theo thông báo của Bộ GD-ĐT, đối với học sinh  giáo dục THPT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có hai môn thi trắc nghiệm là Hóa học, Ngoại ngữ. Bên cạnh đó, những thí sinh  chọn môn Vật lý  để thi thay thế môn ngoại ngữ, cũng thi theo hình thức trắc nghiệm. Đối với học sinh giáo dục thường xuyên, có hai môn thi trắc nghiệm là Hóa học, Vật lý.

Để thi trắc nghiệm tốt, cần phải tuân thủ các hướng dẫn của giám thị trong phòng thi để đảm bảo chính xác quy trình làm bài thi. Ngoài việc thực hiện đúng các quy định riêng cho thí sinh thi các môn trắc nghiệm tại khoản 12, điều 21, Quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành, cần phải lưu ý một số điểm sau:

-  Thời gian dành cho mỗi câu trắc nghiệm ngắn nên thí sinh cần phải phản ứng nhanh và linh hoạt; thí sinh tuyệt đối không được dừng quá lâu cho một câu trắc nghiệm. Khi đọc câu trắc nghiệm, nếu thấy quá khó, chưa chọn được phương án trả lời ngay thì lập tức phải chuyển sang câu tiếp theo. Sau đó sẽ quay trở lại để làm các câu khó, nếu còn thời gian.

- Trên phiếu trả lời trắc nghiệm chỉ được viết một thứ mực, không phải là mực đỏ. Các ô số báo danh, mã đề thi, ô trả lời chỉ được tô bằng bút chì đen.

- Khi tô các ô trả lời trong phiếu trả lời trắc nghiệm thì phải tô kín, lấp đầy, tránh trường hợp tô quá mờ, hoặc chưa phủ kín ô, có thể khiến máy quét bài không định dạng được.

- Trong trường hợp tô nhầm hoặc muốn thay đổi câu trả lời, thí sinh phải tẩy sạch chì ở ô cũ, rồi tô kín ô khác mà mình lựa chọn.

- Khi làm bài thí sinh phải để phiếu trả lời trắc nghiệm ngay ngắn, tránh làm quăn, gấp, nhàu nát.

-Khi làm bài thi trắc nghiệm, một tay nên giữ tờ đề thi, một tay sử dụng bút chì để tô vào phiếu trả lời trắc nghiệm và phải luôn luôn đối chiếu để tránh việc tô nhầm ô trả lời của câu này, cho câu khác.

* Thưa cô, ngoài cách học thuộc lòng, có cách nào khác để nhớ bài môn sử, nhớ sườn bài cũng được. Khi đọc đề môn sử cần lưu ý những gì để làm bài không thừa mà cũng không thiếu ý? (hoanghac_quenha@...)

 

 

Cô Nguyễn Ái Hằng, tổ trưởng bộ môn Lịch sử Trường THPT Trần Phú, TP.HCM - Ảnh: MINH ĐỨC

- Cô Nguyễn Ái Hằng: Để nhớ sườn bài, em phải lập dàn ý chính từng bài rồi học sườn bài ấy. Khi đọc đề môn lịch sử, em phải xác định những cụm từ quan trọng, những nội dung cơ bản, xác định thời gian giới hạn của đề, sắp xếp thứ tự lại thời gian, kiểm tra lại lần nữa dàn ý trước khi viết bài.

* Để chuyển thi môn Anh văn sang thi Vật Lý cần phải có những điều kiện gi? Trang Như Ngoc, 18 tuổi, nhokheo199429@...)

- Thầy Nguyễn Duy Kha: Theo quy định của Bộ GD-ĐT thí sinh không theo học hết chương trình THPT hiện hành hoặc có khó khăn về điều kiện dạy học môn ngoại ngữ (giáo viên thiếu hoặc chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo, năng lực dạy học yếu, việc thực hiện chương trình không liên tục; học sinh là người dân tộc thiểu số, khả năng tiếp thu ngoại ngữ yếu hoặc do chuyển trường nên phải đổi môn học Ngoại ngữ, các điều kiện về trang thiết bị dạy học thực hành tiếng chưa đáp ứng yêu cầu dạy học... thì được giám đốc sở GD-ĐT quyết định cho phép thi môn thay thế môn Ngoại ngữ.

* Cấu trúc đề thi tốt nghiệp năm nay và các năm trước có thay đổi gì không?(nguyễn thanh huỳnh, 18 tuổi, hoanhnvt@...)

- Thầy Nguyễn Duy Kha: Để nâng cao chất lượng đề thi, từ những năm trước, Bộ GD-ĐT tăng cường ứng dụng các thành tựu của khoa học đánh giá và ứng dụng ma trận đề thi vào việc soạn thảo đề thi cho các môn thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT và  tuyển sinh ĐH-CĐ.

Về cơ bản, tinh thần này được tiếp tục triển khai ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Theo đó thì đề thi của các môn thi sẽ được soạn thảo trên cơ sở ứng dụng ma trận đề thi; trừ đề thi môn Ngoại ngữ, đề thi của tất cả các môn còn lại gồm hai phần: Phần chung (bắt buộc) và phần riêng (tự chọn). Nội dung của phần chung ra theo phạm vi kiến thức kỹ năng giao thoa giữa chương trình chuẩn và nâng cao.

Nội dung phần riêng ra theo kiến thức, kỹ năng của từng chương trình chuẩn hoặc nâng cao. Khi làm bài thi thí sinh chỉ được làm một trong hai phần tự chọn. Nếu làm cả hai phần tự chọn thì cả hai phần này sẽ không được chấm điểm.

Cần lưu ý rằng cũng như năm trước, đề thi tốt nghiệp THPT năm nay , có dành khoảng 50% điểm số cho các câu hỏi yêu cầu thông hiểu, vận dụng kiến thức.

* Làm thế nào để có thể đạt điểm tốt môn Văn phần nghị luận xã hội ạ? (trần thị anh thư, 18 tuổi, pethu94@...) 

- Cô Nguyễn Kim Anh: Rất đơn giản. Mọi đề nghị luận xã hội đều chung một cách giải.

1. Giải thích khái niệm mà đề nêu, nhận ra vấn đề cần nghị luận (bàn bạc).

2. Bàn bạc: phân tích và chứng minh bằng lý luận và thực tế (ở mức độ của một học sinh).

3. Nêu theo hai chiều thuận và nghịch:

- Thuận: Nếu theo như thế thì sao? Nêu gương người tốt, việc tốt.

- Nghịch: Nếu không theo thì sao? Nêu những thực trạng cần thay đổi.

Ví dụ: đề về bảo vệ môi trường

4. Giải pháp (có thể là đề xuất giải pháp với nhà trường, gia đình, thành phố, nhà nước...)

Có một kết luận ngắn tạo dư âm cho bài.

*Em rất lo lắng vì môn Hóa em học không tốt (em dự định thi khối D), nhưng ở lớp cô lại thường đưa ra những bài học có tính nâng cao cho các bạn thi khối A. Em chỉ còn cách tự ôn, nhưng nhiều vấn đề không hiểu. Liệu có cách nào giúp em vượt qua được môn này trong kỳ thi tốt nghiệp? (Ngọc Hà, 18 tuổi, Hà Nội)

- Cô Trần Thu Hảo: Bài thi tốt nghiệp môn Hóa chỉ dừng ở kiến thức cơ bản, đại trà. Do vậy, không đòi hỏi học sinh phải tham khảo thêm nhiều kiến thức nâng cao. Trong trường hợp này, em nên mạnh dạn đề xuất trực tiếp với cô giáo, bày tỏ nguyện vọng của mình để những tiết học trên lớp bảo đảm những kiến thức cơ bản, nền tảng trong chương trình.

* Xin cách thầy cô hướng dẫn cách vẽ biểu đồ địa lý đạt điểm cao? Làm sao để đạt trọn điểm phần này cả ở thi tốt nghiệp và thi đại học. Em xin cảm ơn. (hongngoc, 18 tuổi, ngockute@...)

- Cô Vũ Thị Bắc: Để vẽ biểu đồ đạt điểm cao, cách duy nhất là em phải rèn luyện kĩ năng vẽ biểu đồ và phân tích số liệu thống kê một cách thuần thục trước khi vào phòng thi. Bởi vì có thực hành nhiều, làm nhiều dạng bài em mới không bỡ ngỡ khi gặp các dạng đề, đặc biệt trong kì thi đại học. Cách vẽ biểu đồ như thế nào theo các bước ra sao, cô đã hướng dẫn ở phần trên, em có thể tham khảo thêm.

Để đạt trọn điểm phần này em cần tránh một số lỗi như sau:

+ Đọc kĩ đề để chọn biểu đồ thích hợp nhất để vẽ (đặc biệt trong thi đại học).

+ Phân chia thời gian hợp lí để vẽ (không dành thời gian quá lâu)

+ Quên một vài chi tiết trong phần vẽ như tỉ lệ %, đơn vị, chú thích hoặc tên biểu đồ.

+ Trong khi trình bày phần nhận xét nhớ trình bày súc tích, ngắn gọn (theo 3 phần như đã trình bày ở trên), không trình bày lan man, dài dòng.

Chúc em đạt kết quả cao trong kì thi tốt nghiệp và đại học.

Theo Thethaohangngay