Đề thi học kì 1 môn Văn lớp 9 - Phòng GD huyện Đông Anh 2016 - 2017

Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 9 Phòng GD&ĐT Đông Anh, Hà Nội năm học 2016 - 2017. Đây là tài liệu tham khảo hay dành cho quý thầy cô cùng các bạn học sinh, xem dưới đây

Phần I (4.0 điểm): Đọc đoạn trích sau và thực hiện yêu cầu bên dưới:

"Tất cả trẻ em trên thế giới đều trong trắng, dễ bị tổn thương và còn phụ thuộc. Đồng thời chúng hiểu biết, ham hoạt động và đầy ước vọng. Tuổi chúng phải được sống trong vui chơi, thanh bình, được chơi, được học và phát triển. Tương lai của chúng phải được hình thành trong sự hòa hợp và tương trợ. Chúng phải được trưởng thành khi được mở rộng tầm nhìn, thu nhận thêm những kinh nghiệm mới".

Câu 1 (0.5 điểm): Đoạn trích trên có trong văn bản nào?

Câu 2 (1.5 điểm): Tìm trong đoạn trích trên các từ, cụm từ chỉ đặc điểm tâm sinh lý của trẻ em.

Câu 3 (2.0 điểm): Bảo vệ quyền lợi, chăm lo đến sự phát triển của trẻ em là một trong những vấn đề quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa toàn cầu. Em hãy viết một đoạn văn (khoảng 1/2 trang giấy thi) phát biểu ý kiến về sự quan tâm, chăm sóc của nhà trường và chính quyền địa phương đối với trẻ em.

Phần II (6.0 điểm): Trong bài thơ "Ánh trăng", Nguyễn Duy viết:

"Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng
Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình."

Câu 1 (0.5 điểm): Em hãy trình bày hoàn cảnh ra đời bài thơ "Ánh trăng"?

Câu 2 (1.0 điểm): Giải thích nghĩa của hai từ "mặt" trong câu thơ thứ nhất. Từ "mặt" nào được dùng theo nghĩa chuyển? Nghĩa chuyển đó được hình thành theo phương thức nào?

Câu 3 (1.5 điểm): Trong bài thơ, các hình ảnh "đồng", "sông", "bể", "rừng" đã được nói đến ở một khổ thơ khác. Hãy chép chính xác khổ thơ đó. Theo em, các hình ảnh "đồng", "sông", "bể", "rừng" ở khổ thơ này về ý nghĩa có gì khác so với hai khổ thơ trên?

Câu 4 (3.0 điểm): Em hãy viết một đoạn văn theo phép lập luận tổng hợp – phân tích – tổng hợp (khoảng 10 đến 12 câu) cảm nhận về nỗi niềm xúc động và suy nghĩ sâu sắc của nhà thơ được thể hiện qua hai khổ thơ trên, trong đoạn văn có sử dụng câu ghép. (Gạch chân dưới câu ghép)

Theo Thethaohangngay