Đề thi học kì 2 lớp 9 môn Ngữ Văn năm 2014 Quận Tân Bình

Cập nhật đề thi học kì 2 môn Ngữ Văn có đáp án lớp 9 quận Tân Bình TPHCM cập nhật ngày 24/4/2014.

Đề thi học kì 2 môn Văn lớp 9 năm 2014 - Tân Bình, TPHCM

Câu 1: (1điểm)

Truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê được trần thuật từ nhân vật nào? Việc chọn vai kể như vậy có tác dụng gì trong việc thể hiện nội dung truyện? 

Câu 2: (1điểm)

a/Tìm thành phần biệt lập trong câu sau và cho biết tên gọi của thành phần ấy.

Cũng may mà bằng mấy nét vẽ, họa sĩ ghi xong lần đầu gương mặt của người thanh niên.

                                                      (Nguyễn Thành Long, Lặng lẽ Sa Pa)

 b/ Xác định phép liên kết được sử dụng trong ví dụ sau:

            Chao ôi, có thể là tất cả những cái đó. Những cái đó ở thiệt xa...

                                           (Lê Minh Khuê, Những ngôi sao xa xôi) 

Câu 3: (3điểm)

                                    Facebook là một trang mạng xã hội thu hút nhiều người tham gia kết nối, giao lưu, chia sẻ, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều bạn trẻ đang mắc hội chứng nghiện Facebook, lãng phí thời gian, lơ là việc học tập, sống xa rời thực tế, ngộ nhận cuộc sống thường ngày qua thế giới ảo.

Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 01 trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về vấn đề trên. 

Câu 4: (5điểm)

                        Cảm nhận bức tranh thiên nhiên trong hai khổ thơ sau: 

Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc

Ơi con chim chiền chiện.

Hót chi mà vang trời

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng.

   (Thanh Hải – Mùa xuân nho nhỏ)

       Bỗng nhận ra hương ổi

       Phả vào trong gió se

       Sương chùng chình qua ngõ

       Hình như thu đã về

                       ( Hữu Thỉnh- Sang thu)

 

Đáp án đề thi học kì 2 môn Văn lớp 9 năm 2014 - Tân Bình, TPHCM

Câu 1: (1 điểm)

- Truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê được trần thuật từ nhân vật Phương Định (0,25 điểm).

- Tác dụng việc chọn vai kể:

+ Thể hiện rõ những tâm trạng, cảm xúc, ý nghĩ của nhân vật (0,5 điểm).

+ Tạo điểm nhìn phù hợp với nội dung truyện (0,25 điểm).

( Học sinh có thể diễn đạt khác nhưng đúng ý)

Câu 2: (1 điểm)

  1. Tìm thành phần biệt lập trong câu sau và cho biết tên gọi của thành phần ấy.

         Cũng may mà bằng mấy nét vẽ, họa sĩ ghi xong lần đầu gương mặt của người thanh niên.

           -  Chỉ ra được thành phần biệt lập: Cũng may (0,25 điểm).

            -   Gọi tên thành phần biệt lập: tình thái (0,25 điểm).               

         b. Xác định phép liên kết được sử dụng trong ví dụ sau:

      Chao ôi, có thể là tất cả những cái đó. Những cái đó ở thiệt xa...                        

            - Phép liên kết: phép lặp (0,25 điểm)

            - Từ ngữ liên kết: những cái đó (0,25 điểm)

Câu 3: (3 điểm)

   a.Yêu cầu về kĩ năng

    -Nắm phương pháp làm bài nghị luận xã hội.

    -Bố cục và hệ thống ý sáng rõ.

    -Biết vận dụng phối hợp nhiều thao tác nghị luận (giải thích, chứng minh, bình luận… ).

      -  Văn trôi chảy, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục. Không mắc lỗi diễn đạt; không sai lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; trình bày bài rõ ràng.

  b. Yêu cầu về kiến thức

      - Giới thiệu được vấn đề nghị luận.

      - Giải thích:

     + Facebook là trang mạng xã hội được xem như một công cụ để kết nối, giao lưu,chia sẻ…

     + Nghiện là sự ham mê, trở thành thói quen khó chữa. Lạm dụng facebook quá mức, không có sự kiểm soát, sẽ gây nghiện.

      - Nghiện facebook dẫn đến lãng phí thời gian, lơ là việc học tập, ảnh hưởng đến sức khỏe, sống xa rời thực tế. Giới trẻ, nếu lạm dụng mạng xã hội sẽ ngộ nhận cuộc sống thường ngày qua thế giới ảo, quên dần nhiều thói quen tốt, hững hờ các mối quan hệ thiết yếu với thầy cô, cha mẹ, bạn bè… Đồng thời, do các mối quan hệ nhiều mặt trên facebook, người nghiện có nguy cơ bị lây nhiễm những thói hư, tật xấu gây nguy hại đến tư tưởng, tinh thần, làm hạn chế các giá trị đạo đức, văn hóa.

     - Facebook đem lại rất nhiều tiện ích cho xã hội nếu biết sử dụng đúng mục đích, sử dụng có hiệu quả. Nó sẽ là công cụ hữu hiệu với nhiều tính năng mới trong thời đại công nghệ thông tin tiên tiến.

      - Phê phán việc lạm dụng facebook thái quá, không đúng mục đích.

      Lưu ý: học sinh cần có dẫn chứng cụ thể để làm sáng tỏ.

         -    Nhận thức, hành động của bản thân.

    c. Cho điểm:

         -  Diễn đạt trôi chảy, lập luận mạch lạc, chặt chẽ (0,5 điểm).

                -  2 lỗi chính tả, ngữ pháp (trừ 0,25điểm).

-  Lỗi diễn đạt ( trừ từ 0,25- 0,5 điểm).

-  Không có dẫn chứng (trừ 0,25 điểm).

-  Thiếu phê phán (trừ 0,25điểm)

* Tùy theo mức độ làm bài của học sinh, giám khảo xem xét cho điểm. 

Câu 4 (5 điểm):

  1. a.  Yêu cầu về kĩ năng

-  Nắm phương pháp làm bài nghị luận văn học.

-  Bố cục và hệ thống ý sáng rõ.

-  Biết vận dụng phối hợp nhiều thao tác nghị luận. Đặc biệt, phải nắm vững thao tác phân tích một đoạn trích thơ.

-  Phân tích theo luận điểm

-  Văn trôi chảy, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục.

-  Giữa các phần phải có sự liên kết

 Không mắc lỗi diễn đạt; không sai lỗi chính tả, dùng từ; trình bày bài rõ ràng.

     b.Yêu cầu về kiến thức

      - Giới thiệu được vấn đề nghị luận: Giới thiệu vài nét về tác giả Thanh Hải, Hữu Thỉnh và khổ thơ bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, Sang thu.

      - Gợi ý phân tích:

          * Khổ thơ trong Mùa xuân nho nhỏ- Thanh Hải

    + Hình ảnh mùa xuân thiên nhiên: Bức tranh xuân đầy sức sống, tươi đẹp, thơ mộng, giàu hình ảnh, màu sắc, âm thanh …

          + Cảm xúc của nhà thơ: rung động, say sưa, ngây ngất trước mùa xuân thiên nhiên; thái độ trân trọng, nâng niu từng khoảnh khắc qua những hình ảnh thơ giàu sức gợi, các biện pháp tu từ được sử dụng hiệu quả, từ ngữ tinh tế.

  * Khổ thơ trong Sang thu- Hữu Thỉnh

    + Những biến chuyển, những dấu hiệu nhẹ nhàng trong không gian lúc sang thu.

    + Cảm nhận tinh tế của nhà thơ qua những từ ngữ gợi tả, hình ảnh giàu sức biểu cảm, qua cách vận dụng biện pháp tu từ.

* Học sinh có thể triển khai các luận điểm trên theo nhiều cách khác nhau. Giám khảo đánh giá mức điểm dựa trên kĩ năng làm bài và nội dung toàn bài của học sinh.

      -Đánh giá, khái quát, được những vấn đề đã bàn luận.

Theo GV Nguyễn Hoàng Sơn THCS Nguyễn Văn Trỗi TPHCM - Dethi.violet


Xem thêm tại đây: Đề thi học kì 2 lớp 9