Đề thi thử đại học môn Văn khối C, D năm 2014 trường THPT Tánh Linh
I. PHẦN ĐỌC - HIỂU (3.0 điểm)
Câu 1: Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi:
“ Trong rừng ít có loại cây sinh sôi nảy nở khỏe như vậy. Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời. Cũng có ít loại cây ham ánh sáng mặt trời đến thế. Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng, thứ ánh nắng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luồng lớn thẳng tắp, lóng lánh vô số hạt bụi vàng từ nhựa cây bay ra, thơm mỡ màng. Có những cây con vừa lớn ngang tầm ngực người lại bị đại bác chặt đứt làm đôi. Ở những cây đó, nhựa còn trong, chất dầu còn loãng, vết thương không lành được, cứ loét mãi ra, năm mười hôm thì cây chết. Nhưng cũng có những cây vượt lên được cao hơn đầu người, cành lá sum sê như những con chim đã đủ lông mao, lông vũ. Đạn đại bác không giết nổi chúng, những vết thương của chúng chóng lành như trên một thân thể cường tráng. Chúng vượt lên rất nhanh, thay thế những cây đã ngã... Cứ thế, hai ba năm nay rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng...”
(Trích Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành)
a) Nội dung của đoạn văn trên nói về vấn đề gì ? Đặt tên cho đoạn văn. (1.0 điểm)
b) Chỉ ra các biện pháp tu từ trong đoạn văn trên và tác dụng của chúng (1.0 điểm)
Câu 2: Khi yêu cầu học sinh chép lại theo trí nhớ một đoạn trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu, có học sinh đã chép như sau:
Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp chùng chùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mủ nan.
Dân công đỏ đuốt từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai nên…
Hãy chỉ ra những lỗi sai, thiếu chính xác trong đoạn thơ trên. (1.0 điểm)
II. PHẦN VIẾT VĂN (7.0 điểm)
1. Nghị luận xã hội: (3.0 điểm)
Chẳng ai muốn làm hành khất
Tội trời đày ở nhân gian
Con không được cười giễu họ
Dù họ hôi hám úa tàn.
Nhà mình sát đường, họ đến
Có cho thì có là bao
Con không bao giờ được hỏi
Quê hương họ ở nơi nào.
Con chó nhà mình rất hư
Hễ thấy ăn mày là cắn
Con phải răn dạy nó đi
Nếu không thì con đem bán.
Mình tạm gọi là no ấm
Biết đâu cơ trời vần xoay
Lòng tốt gửi vào thiên hạ
Biết đâu nuôi bố sau này...
DẶN CON ( Trần Nhuận Minh)
Bài thơ trên gợi cho em suy nghĩ gì về cách ứng xử với những người bất hạnh trong cuộc sống?
2. Nghị luận văn học: (4.0 điểm)
Cảm nhận của em về Màn kết trong vở kịch “Hồn trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ.
Đáp án đề thi thử đại học môn Văn khối C, D năm 2014 trường THPT Tánh Linh
I. PHẦN ĐỌC - HIỂU (3.0 điểm)
Câu 1:
a) Nội dung của đoạn văn trên nói về vấn đề gì ? Đặt tên cho đoạn văn. (1.0 điểm)
- Nội dung trên nói về đặc tính của cây xà nu:
+ Là loài cây ham ánh sáng mặt trời, sinh sôi nảy nở nhanh và khỏe... ( 0.25 điểm)
+ Khi bị đạn đại bác bắn, cây xà nu bị chặt đứt ngang thân, đổ ào ào như trận bão, cây chết. Nhưng một số cây khác vết thương chóng lành, vượt lên trên, cạnh một cây ngả gục, có bốn, năm cây con mọc lên... ( 0.5 điểm)
- Đặt tên: Sức sống mãnh liệt của cây xà nu ( 0.25 điểm)
b) Chỉ ra các biện pháp tu từ trong đoạn văn trên và tác dụng của chúng (1.0 điểm)
- Các biện pháp tu từ:
+ So sánh: Nhưng cũng có những cây vượt lên được cao hơn đầu người, cành lá sum sê như những con chim đã đủ lông mao, lông vũ. Đạn đại bác không giết nổi chúng, những vết thương của chúng chóng lành như trên một thân thể cường tráng. ( 0.25 điểm)
+ Nhân hóa: Cứ thế, hai ba năm nay rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng...” ( 0.25 điểm)
- Tác dụng: miêu tả sinh động hình ảnh và đặc tính của cây xà nu. ( 0.25 điểm)
- Tác dụng: nhấn mạnh ý nghĩa biểu trưng của cây xà nu: gắn bó mật thiết và che chở, bảo vệ cho người dân Xô man, Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ( 0.25 điểm)
Câu 2: Hãy chỉ ra những lỗi sai, thiếu chính xác trong đoạn thơ sau. (1.0 điểm)
Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp chùng chùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mủ nan.
Dân công đỏ đuốt từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai nên…
- Chỉ ra được mỗi từ chép lại sai: ( 0.25 điểm)
- Bốn từ chép sai là: trùng trùng, mũ nan, đỏ đuốc, ngày mai lên.
II. PHẦN VIẾT VĂN (7.0 điểm)
1. Nghị luận xã hội: (3.0 điểm)
Gợi ý
- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Bài thơ Dặn con của Trần Nhuận Minh là một bài thơ thấm thía bởi đề cập đến một cách ứng xử rất mực chân tình với những người bất hạnh quanh ta.
- Nội dung cần bàn luận: Nội dung của bài thơ: Lời dặn con của người cha
- Cách đối xử với người bất hạnh:
+ Đồng cảm và sẻ chia: Hiểu được nguyên nhân tình cảnh hiện tại của người khác phải chịu đựng.(Tội trời đày: bất hạnh cho số phận, do không may...). Đặt mình vào tình cảnh để cảm thông( quan tâm cần tế nhị, đúng lúc, đối với hành khất hỏi quê hương là điều chạnh lòng đối với họ...)
+ Tránh thái độ kì thị, khinh miệt, thương hại... ( trong trường hợp này thương hại cũng giống như khinh miệt)
- Ý nghĩa của cách đối xử ấy:
+ Giảm bớt khó khăn về vật chất, cũng như giảm bớt cả những tổn thương về tinh thần cho những người vốn đã bất hạnh đau khổ. Đó là biểu hiện của tình thương, tình người.
+ Thương người cũng chính là thương mình. Cái sâu sắc của người cha khi dạy con là lòng nhân ái.
- Đánh giá:
+ Người cha thấu hiểu lẽ đời và giàu tình người.
+ Chú ý đến việc hoàn thiện nhân cách và vun đắp vẻ đẹp tình người cho tâm hồn người con...
-> Nếu những bậc làm cha mẹ đều chú ý nuôi dạy con cái như thế thì xã hội sẽ có những thế hệ trẻ biết sống một cách khoan dung và nhân ái.
- Liên hệ - rút ra bài học.
+ Tự nhìn nhận đánh giá lại bản thân mình qua hành vi ứng xử với người bất hạnh xung quanh
+ Cần điều chỉnh cách sống, cách ứng xử để thể hiện là một người có văn hóa...
2. Nghị luận văn học: (4.0 điểm)
Cảm nhận của em về đoạn kết trong vở kịch “Hồn trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ.
Gợi ý
1.Mở bài: Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm, vị trí màn kết của vở kịch, dẫn đề...
- Tác giả Lưu Quang Vũ: một trong những nhà soạn kịch tài năng nhất của nền văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại.
- Tác phẩm Hồn Trương Ba, da hàng thịt là một trong những vở kịch gây được nhiều tiếng vang nhất của Lưu Quang Vũ. Vở kịch được viết năm 1981.
2. Thân bài:
- Giới thiệu tình huống kịch: Trương Ba là người nhân hậu, thanh cao, khoáng hoạt phải trú nhờ trong xác hàng thịt dung tục, thô lỗ → rơi vào bi kịch → quyết định trả xác để được “ là tôi toàn vẹn”
- Mô tả lại đoạn kết:
+ Kết thúc vở kịch, Trương Ba Chết, nhưng hồn ông vẫn còn đó “giữa màu xanh cây vườn, Trương Ba chập chờn xuất hiện”, và ông đã nói với vợ mình những lời tâm huyết, hàm chứa ý nghĩa “ Tôi đây bà ạ. Tôi ở liền ngay bên bà đây, ngay trên bậc cửa nhà ta…Không phải mượn thân ai cả, tôi vẫn ở đây, trong vườn cây nhà ta, trong những điều tốt lành của cuộc đời, trong mỗi trái cây cái Gái nâng niu…”.
+ Cu Tị sống lại và đang cùng ngồi với cái Gái trong khu vườn. Cái Gái “Lấy hạt na vùi xuống đất…”cho nó mọc thành cây mới. Ông nội tớ bảo thế. Những cây sẽ nối nhau mà khôn lớn.Mãi mãi…”
- Ý nghĩa:
+ Những lời nói của Trương Ba, phải chăng đó là sự bất tử của linh hồn trong sự sống, trong lòng người. Điều đó tô đậm thêm nhân cách cao thượng của Trương Ba và khắc sâu thêm tư tưởng nhân văn của tác phẩm.
+ Hình ảnh cái Gái ăn quả Na rồi vùi hạt xuống đất:
* Biểu tượng cho sự tiếp nối những truyền thống tốt đẹp ( “ Ông nội tớ bảo vậy”) là tâm hồn, là nhân cách Trương Ba.
* Biểu tượng cho sự sống bất diệt của những giá trị tinh thần mang tính nhân văn cao đẹp (“mãi mãi”).
* Khẳng định niềm tin vào sự chiến thắng của cái thiện và cái đẹp.
+ Ý nghĩa của sự sống nhiều khi không phải ở sự tồn tại sinh học mà chính là sự hiện diện của người đã khuất trong tâm tưởng, nỗi nhớ, tình yêu của những người còn sống. Vẻ đẹp tâm hồn sẽ trường tồn dài lâu, bất tử so với sự tồn tại của thể xác
+ Có thể nói, đây là một đoạn kết giàu chất thơ với ngôn từ tha thiết, thấm đẫm tình cảm và có dư ba bởi những hình ảnh tượng trưng về sự sống nảy nở ( “ vườn cây rung rinh ánh sáng, hai đứa trẻ cùng ăn quả na rồi gieo hạt na xuống đất cho nó mọc thành cây mới). Đó là khúc ca trữ tình ca ngợi sự sống, ca ngợi những giá trị nhân văn mà con người luôn phải vươn tới và gìn giữ.
=> Tác giả gửi gắm thông điệp về cuộc sống: sự sống thật sự có ý nghĩa khi con người được sống tự nhiên,hài hòa giữa thể xác và tâm hồn. Hạnh phúc của con người là chiến thắng được bản thân, chiến thắng sự dung tục, hoàn thiện được nhân cách và vươn tới những giá trị tinh thần cao quý
3. Kết bài: - Khái quát lại vấn đề
- Rút ra bài học cho bản thân.
Tuyensinh247 sẽ tiếp tục cập nhật các đề tiếp theo môn Văn các em chú ý theo dõi nhé!
Tuyensinh247 tổng hợp
NẮM CHẮC KIẾN THỨC, BỨT PHÁ ĐIỂM 9,10 LỚP 1 - LỚP 12 CÙNG TUYENSINH247!
- 100% chương trình mới đầy đủ theo ba đầu sách
- Học tập thông minh, mọi lúc mọi nơi, bứt phá điểm số nhanh chóng
- Top giáo viên hàng đầu cả nước với hơn 10 năm kinh nghiệm
Xem ngay lộ trình học tập: Tại đây
NẮM CHẮC KIẾN THỨC, BỨT PHÁ ĐIỂM 9,10 LỚP 1 - LỚP 12 CÙNG TUYENSINH247!
Nếu em đang:
- Mong muốn bứt phá điểm số học tập nhanh chóng
- Tìm kiếm một lộ trình học tập để luyện thi: TN THPT, ĐGNL, ĐGTD, Vào lớp 10
- Được học tập với Top giáo viên hàng đầu cả nước
Tuyensinh247 giúp em:
- Đạt mục tiêu điểm số chỉ sau 3 tháng học tập với Top giáo viên giỏi
- Học tập với chi phí tiết kiệm, đầy đủ theo ba đầu sách
- Luyện thi bám sát cấu trúc từng kì thi theo định hướng của BGD&ĐT
Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY