Đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn năm 2016 - THPT Hồng Lĩnh, có đáp án chi tiết, các em theo dõi dưới đây:
TRƯỜNG THPT HỒNG LĨNH |
KỲ THI THỬ THPT QUỐC GIA 2016 MÔN: NGỮ VĂN Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề (Đề thi gồm có 02 trang) |
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:
Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhất
Nhưng Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng
Và Anh chết trong khi đang đứng bắn
Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng.
Chợt thấy anh giặc hoảng hốt xin hàng
Có thằng sụp dưới chân anh tránh đạn
Bởi anh chết rồi, nhưng lòng dũng cảm
Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tiến công.
Anh tên gì hỡi Anh yêu quý
Anh vẫn đứng lặng im như bức thành đồng
Như đôi dép dưới chân anh giẫm lên bao xác Mỹ
Mà vẫn một màu bình dị, sáng trong
Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ
Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường
Chỉ để lại cái dáng đứng ViệtNamtạc vào thế kỷ
Anh là chiến sĩ Giải phóng quân.
3 - 1968
(Trích Dáng đứng Việt Nam - Lê Anh Xuân, Thơ người lính, NXB Văn hoá dân tộc, Hà Nội 1997, tr.431)
Câu 1. Đoạn thơ trên thuộc phong cách ngôn ngữ nào?
Câu 2. Ngôn ngữ được sử dụng trong đoạn thơ trên có đặc điểm gì?
Câu 3. Chỉ ra và nêu hiệu quả của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ: Anh vẫn đứng lặng im như bức thành đồng.
Câu 4. Đoạn thơ đã gợi cho anh/chị tình cảm gì đối với sự hy sinh của người chiến sĩ Giải phóng quân? (Trình bày khoảng 5 đến 7 dòng).
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 5 đến câu 8:
Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông. Xưa nay những đấng anh hùng làm nên những việc gian nan không ai làm nổi, cũng là nhờ cái gan mạo hiểm, ở đời không biết cái khó là cái gì. […]
Còn những kẻ ru rú như gián ngày, làm việc gì cũng chờ trời đợi số, chỉ mong cho được một đời an nhàn vô sự, sống lâu giàu bền, còn việc nước việc đời không quan hệ gì đến mình cả. Như thế gọi là sống thừa, còn mong có ngày vùng vẫy trong trường cạnh tranh này thế nào được nữa. […]
Vậy học trò ngày nay phải biết xông pha, phải biết nhẫn nhục; mưa nắng cũng không lấy làm nhọc nhằn, đói rét cũng không lấy làm khổ sở. Phải biết rằng: hay ăn miếng ngon, hay mặc của tốt, hễ ra khỏi nhà thì nhảy lên cái xe, hễ ngồi quá giờ thì đã kêu chóng mặt,… ấy là những cách làm mình yếu đuối nhút nhát, mất hẳn cái tinh thần mạo hiểm của mình đi.
(Trích Mạo hiểm - Nguyễn Bá Học, Quốc văn trích diễm, NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2005)
Câu 5. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 6. Theo tác giả, nhờ đâu mà “xưa nay những đấng anh hùng làm nên những việc gian nan không ai làm nổi” ?
Câu 7. Tác giả đã thể hiện thái độ gì đối với “những kẻ ru rú như gián ngày, làm việc gì cũng chờ trời đợi số, chỉ mong cho được một đời an nhàn vô sự…”?
Câu 8. Anh /Chị suy nghĩ gì về câu văn: Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông? (Trình bày trong khoảng 5 đến 7 dòng)
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (3,0 điểm)
Tự tin là điều kiện đầu tiên để làm được những việc lớn lao.
(Samuel Johnson)
Từ câu nói trên, anh/chị hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về sự tự tin của con người trong cuộc sống.
Câu 2. (4,0 điểm)
Thường khi đến gà gáy sáng Mị ngồi dậy ra bếp sưởi một lúc thật lâu thì các chị em trong nhà mới bắt đầu dậy ra dóm lò bung ngô, nấu cháo lợn. Chỉ chợp mắt được từng lúc, Mị lại thức sưởi lửa suốt đêm. Mỗi đêm, khi nghe tiếng phù phù thổi bếp, A Phủ lại mở mắt. Ngọn lửa sưởi bùng lên, cùng lúc ấy thì Mị cũng nhìn sang, thấy mắt A Phủ trừng trừng, mới biết A Phủ còn sống. Mấy đêm nay như thế. Nhưng Mị vẫn thản nhiên thổi lửa, hơ tay. Nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy, cũng thế thôi. Mị vẫn trở dậy, vẫn sưởi, chỉ biết còn ở với ngọn lửa. Có đêm A Sử chợt về, thấy Mị ngồi đấy, A Sử đánh Mị ngã ngay xuống cửa bếp. Nhưng đêm sau Mị vẫn ra sưởi như đêm trước.
Lúc ấy đã khuya. Trong nhà đã ngủ yên, thì Mị trở dậy thổi lửa. Ngọn lửa bập bùng sáng lên, Mị lé mắt trông sang, thấy hai mắt A Phủ cũng vừa mở, một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại. Nhìn thấy tình cảnh như thế, Mị chợt nhớ lại đêm năm trước A Sử trói Mị, Mị cũng phải trói đứng thế kia. Nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi được. Trời ơi, nó bắt trói đứng người ta đến chết, nó bắt mình chết cũng thôi, nó bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước cũng ở cái nhà này. Chúng nó thật độc ác. Cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết. Ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi… Người kia việc gì mà phải chết thế. A Phủ…Mị phảng phất nghĩ như vậy.
Đám than đã vạc hẳn lửa. Mị không thổi, cũng không đứng lên. Mị nhớ lại đời mình, Mị lại tưởng tượng như có thể một lúc nào, biết đâu A Phủ chẳng đã trốn được rồi, lúc ấy bố con Pá Tra sẽ bảo là Mị cởi trói cho nó, Mị liền phải trói thay vào đấy, Mị phải chết trên cái cọc ấy. Nghĩ thế, trong tình cảnh này, làm sao Mị cũng không thấy sợ…
Lúc ấy, trong nhà đã tối bưng, Mị rón rén bước lại, A Phủ vẫn nhắm mắt, nhưng Mị vẫn tưởng như A Phủ đương biết có người bước lại… Mị rút con dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây. A Phủ cứ thở phè từng hơi, không biết mê hay tỉnh. Lần lần, đến lúc gỡ được hết dây trói ở người A Phủ thì Mị cũng hốt hoảng, Mị chỉ thì thào được một tiếng “Đi ngay…”, rồi Mị nghẹn lại. A Phủ bỗng khuỵu xuống, không bước nổi. Nhưng trước cái chết có thể đến nơi ngay, A Phủ lại quật sức vùng lên, chạy.
Mị đứng lặng trong bóng tối.
Rồi Mị cũng vụt chạy ra. Trời tối lắm. Nhưng Mị vẫn băng đi. Mị đuổi kịp A Phủ, đã lăn, chạy, chạy xuống tới lưng dốc, Mị nói, thở trong hơi gió thốc lạnh buốt:
- A Phủ cho tôi đi.
A Phủ chưa kịp nói, Mị lại nói:
- Ở đây thì chết mất.
A Phủ chợt hiểu.
Người đàn bà chê chồng đó vừa cứu sống mình.
A Phủ nói: “Đi với tôi”. Và hai người lẳng lặng đỡ nhau lao chạy xuống dốc núi.
(Trích Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài, Ngữ văn 12, Tập 2, NXB Giáo dục ViệtNam)
Cảm nhận của anh/chị về nhân vật Mị trong đoạn trích trên. Từ đó, bình luận ngắn gọn về tư tưởng nhân đạo của nhà văn Tô Hoài trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ.
Phần |
Câu |
Nội dung |
Điểm |
I |
|
ĐỌC HIỂU |
3,0
|
|
1
|
Đoạn thơ trên thuộc phong cách ngôn ngữ nghệ thuật |
0,25
|
|
2 |
Ngôn ngữ được sử dụng trong đoạn thơ trên có đặc điểm: Tính hình tượng, tính truyền cảm, tính cá thể |
0,50 |
|
3
|
- Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ là so sánh (0,25 điểm) - Hiệu quả: làm nổi bật tư thế hiên ngang của người chiến sĩ mặc dù đã hy sinh; thể hiện thái độ ngưỡng mộ, khâm phục đối với người chiến sĩ (0,25 điểm)
|
0,50 |
|
4 |
Bày tỏ được tình cảm chân thành, sâu sắc đối với sự hy sinh của người chiến sĩ (Cảm phục, thấu hiểu, biết ơn,…) |
0,50 |
|
5 |
Phương thức biểu đạt chính là nghị luận |
0,25 |
|
6 |
Theo tác giả “ xưa nay những đấng anh hùng làm nên những việc gian nan không ai làm nổi” là nhờ “cái gan mạo hiểm, ở đời không biết cái khó là gì” |
0,25 |
|
7 |
Tác giả thể hiện thái độ phê phán, lo ngại, trăn trở đối với “những kẻ ru rú như gián ngày, làm việc gì cũng chờ trời đợi số…” |
0,25 |
|
8 |
Thể hiện được suy nghĩ sâu sắc về câu văn: “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông” (Trên con đường đến với những thành công, nhiều khi sẽ gặp khó khăn, trở ngại, nhưng nếu có bản lĩnh và quyết tâm thì vẫn tới đích. Những khó khăn trở ngại không đáng sợ bằng sự ngại khó, ngại khổ, thiếu ý chí, thiếu nghị lực của con người) |
0,50 |
II |
|
LÀM VĂN |
7,0
|
|
1
|
Viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ về sự tự tin của con người trong cuộc sống |
3,0
|
|
|
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận. Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề. |
0,25 |
|
|
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Sự tự tin của con người trong cuộc sống
|
0,50
|
|
|
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành đông. * Khái niệm về sự tự tin của con người trong cuộc sống: Là tin vào khả năng của bản thân, tin vào những kiến thức và kinh nghiệm của bản thân. * Bàn luận: - Vai trò của sự tự tin của con người trong cuộc sống: + Tự tin giúp con người chủ động, bản lĩnh trước mọi tình huống trong cuộc sống. + Tự tin giúp con người dễ đi đến thành công hơn vì người tự tin thường có khả năng thích ứng với mọi hoàn cảnh, thường nhanh chóng nắm bắt cơ hội và có những quyết định sáng suốt. - Cần phân biệt tự tin với tự cao tự đại, tự kiêu tự phụ (đặt khả năng, trình độ, giá trị…của mình ở trên mức thật sự có) - Để thành công, ngoài sự tự tin, con người còn phải không ngừng học hỏi, không ngừng cầu tiến. - Phê phán những người thường hay tự ti, không tin và khả năng, trình độ, giá trị của bản thân. * Bài học nhận thức và hành động: Tích cực tích luỹ kiến thức, rèn luyện kĩ năng sống để luôn tự tin trong cuộc sống.
|
0,25
1,25
0,25 |
|
|
d. Sáng tạo Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
|
0,25 |
|
|
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu
|
0,25 |
|
2 |
Cảm nhận về nhân vật Mị trong đoạn trích. Từ đó, bình luận ngắn gọn về tư tưởng nhân đạo của Tô Hoài trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ |
4,0 |
|
|
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề. |
0,25 |
|
|
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận Nhân vật Mị trong đoạn trích; tư tưởng nhân đạo của nhà văn Tô Hoài trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ |
0,50 |
|
|
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ lý lẽ và dẫn chứng. |
|
|
|
* Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, đoạn trích và nhân vật Mị. * Cảm nhận về nhân vật Mị trong đoạn trích: - Sự áp bức, đày đoạ, giam hãm của bọn thực dân, chúa đất đã làm cho Mị trở nên chai lì, vô cảm. - Sức sống tiềm tàng trong con người Mị đã hồi sinh từ sự tác động của dòng nước mắt của A Phủ. - Mị đã giải thoát cho A Phủ và tự giải thoát cho cuộc đời mình. - Nghệ thuật xây dựng nhân vật (miêu tả tâm lí nhân vật, giọng văn nhẹ nhàng, tinh tế, đượm màu sắc và phong vị dân tộc…) * Bình luận về tư tưởng nhân đạo của nhà văn Tô Hoài trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ: - Thương cảm, xót xa trước những thân phận người dân Tây Bắc bị bọn thực dân, chúa đất áp bức, đày đoạ. - Tố cáo bọn thực dân, chúa đất đã vùi dập con người. - Nâng niu, trân trọng những phẩm chất tốt đẹp của con người. - Đồng cảm với những khát vọng chính đáng của con người. - Chiều sâu nhân đạo của ngòi bút Tô Hoài là ở chỗ nhà văn tin vào khả năng cải tạo hoàn cảnh của con người. - Tư tưởng nhân đạo của Tô Hoài đã góp phần làm sâu sắc thêm chủ nghĩa nhân đạo trong văn học ViệtNam. |
0,50 1,25
0,75 |
|
|
d. Sáng tạo Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận
|
0,50
0, 25 |
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu |
Tuyensinh247.com
Đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn - THPT chuyên Nguyễn Huệ, được tổ chức thi lần 1 năm 2016, các em tham khảo dưới đây:
Đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn - THPT chuyên Đại học Vinh năm 2016, được Tuyensinh247 cập nhật dưới đây:
Đề thi minh họa kỳ thi đánh giá đầu vào V-SAT 2025 đã được công bố. Tham khảo ngay đề thi môn Tiếng Anh kèm hướng dẫn giải chi tiết được Tuyensinh247 đăng tải dưới đây.
Tham khảo đề thi minh họa và đáp án V-SAT 2025 kỳ thi đánh giá đầu vào (VSAT) môn Vật Lí được cập nhật dưới đây.
Xem ngay đề thi minh họa môn Sinh học kỳ thi đánh giá đầu vào V-SAT năm 2025 được đăng tải chi tiết bên dưới.