Đề thi thử THPTQG môn Văn - Sở GD&ĐT Cần Thơ năm 2015

Đáp án đề thi thử THPTQG môn Văn - Sở GD&ĐT Cần Thơ năm 2015, các em tham khảo dưới đây:

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

THÀNH PHỐ CẦN THƠ

KỲ THI THỬ TRUNG HỌC PHỔ THÔNG QUỐC GIA NĂM 2015

                                        

MÔN THI: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề.

 

I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

         Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu ở phía dưới:

        “Hai vợ chồng người bạn tôi (An-đrây Xô-cô-lốp) không có con, sống trong một ngôi nhà riêng nho nhỏ ở rìa thành phố. Mặc dù được hưởng phụ cấp thương binh, nhưng anh bạn tôi vẫn làm lái xe cho một đội vận tải, tôi cũng đến xin làm ở đó. Tôi ở nhà bạn, họ thu xếp cho tôi chỗ nương thân. Chúng tôi chở các thứ hàng hóa về các huyện, và mùa thu thì chuyển sang chở lúa mì. Chính vào hồi ấy tôi gặp chú con trai mới của tôi, đấy chú bé đang nghịch cát đấy.

         Thường cứ chạy xe xong trở về thành phố, việc đầu tiên cũng dễ hiểu thôi, là tôi vào hiệu giải khát, nhấm nháp chút gì đó và tất nhiên, có uống một li rượu lử người. Phải nói rằng tôi đã quá say mê cái món nguy hại ấy… Thế rồi một hôm, tôi thấy chú bé ấy ở gần cửa hàng giải khát, hôm sau vẫn lại thấy – thằng bé rách bươm xơ mướp. Mặt mũi thì bê bết nước dưa hấu, lem luốc, bụi bặm, bẩn như ma lem, đầu tóc rối bù, nhưng cặp mắt – cứ như những ngôi sao sáng ngời sau trận mưa đêm! Tôi thích nó, và lạ thật, thích đến nỗi bắt đầu thấy nhớ nó, cố chạy xe cho nhanh để được về gặp nó. Nó ăn ngay ở hiệu giải khát, ai cho gì thì ăn nấy.”

(Số phận con người – Sô-lô-khốp

Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục – 2014, tr. 119-120)

         Câu 1: Phương thức biểu đạt nào được sử dụng trong đoạn trích trên? (1,0 điểm)

         Câu 2: Nêu nội dung của đoạn trích trên. (1,0 điểm)

         Câu 3: Chỉ ra biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu văn “Thế rồi một hôm, tôi thấy chú bé ấy ở gần cửa hàng giải khát, hôm sau vẫn lại thấy – thằng bé rách bươm xơ mướp. Mặt mũi thì bê bết nước dưa hấu, lem luốc, bụi bặm, bẩn như ma lem, đầu tóc rối bù, nhưng cặp mắt – cứ như những ngôi sao sáng ngời sau trận mưa đêm!” và nêu tác dụng của biện pháp nghệ thuật đó. (1,0 điểm)

II. Làm văn (7,0 điểm)

         Câu 1 (3,0 điểm)

         Cho hai hình ảnh sau:

         Thứ nhất, con ốc mượn hồn (một loài vật có vỏ ốc, thân cua) tuy mang vỏ ốc nhưng vẫn giữ được bản chất là một con cua.

         Thứ hai, con chim nhại giọng tuy bản thân là một con chim nhưng giọng hót lại nhái mượn.

         Hãy viết bài văn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về lối sống của con người trong xã hội ngày nay qua hai hình ảnh trên.

         Câu 2 (4,0 điểm)

         Có ý kiến cho rằng: nhân vật người đàn ông hàng chài và người vợ trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu không khác gì nhân vật A Sử và Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài.

         Anh/chị có đồng tình với ý kiến trên không? Từ cảm nhận về các nhân vật người đàn ông hàng chài, người đàn bà hàng chài, A Sử, Mị, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên. 

Đáp án đề thi thử THPTQG môn Văn - Sở GD&ĐT Cần Thơ năm 2015

Phần

Câu/Ý

Nội dung

 

Đọc hiểu

 

Đọc đoạn trích trong tác phẩm Số phận con người và thực hiện các yêu cầu

3,0đ

 

Yêu cầu chung

 

 

- Câu này kiểm tra năng lực đọc hiểu văn bản của thí sinh, đòi hỏi thí sinh phải huy động kiến thức và kĩ năng đọc hiểu một văn bản.

- Đề không yêu cầu đọc hiểu mọi phương diện của văn bản, chỉ kiểm tra một số khía cạnh. Cảm nhận của thí sinh có thể phong phú nhưng cần nắm bắt được các phương thức biểu đạt, nội dung văn bản, biện pháp tu từ và tác dụng của chúng,...

 

Yêu cầu cụ thể

 

Câu 1

Các phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản: kể, miêu tả, biểu cảm.

1,0đ

Câu 2

Nội dung đoạn trích: Xô-cô-lốp kể lại lần gặp bé Va-ni-a lang thang, rách rưới, hàng ngày nhặt nhạnh kiếm ăn nơi hàng quán / hoặc Xô-cô-lốp kể lại hoàn cảnh gặp bé Va-ni-a,...

1,0đ

Câu 3

Biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn trích:

- Liệt kê.

- So sánh: Bẩn như ma lem; Cặp mắt – cứ như những ngôi sao sáng ngời sau trận mưa đêm.

 Tác dụng: nhằm tăng sức biểu cảm về hình ảnh một chú bé ngây thơ, tội nghiệp khiến người lái xe nhân hậu vô cùng cảm động.

1,0đ

Làm văn

Câu1

Hãy viết bài văn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về lối sống của con người trong xã hội ngày nay qua hai hình ảnh: con ốc mượn hồn (một loài vật có vỏ ốc, thân cua) tuy mang vỏ ốc nhưng vẫn giữ được bản chất là một con cua; con chim nhại giọng tuy bản thân là một con chim nhưng giọng hót lại nhái mượn.

3,0đ

 

Yêu cầu chung

 

 

- Câu này kiểm tra năng lực viết bài nghị luận xã hội của thí sinh, đòi hỏi thí sinh phải huy động những kiến thức về đời sống xã hội, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng bày tỏ suy nghĩ của mình để làm bài.

- Thí sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau, nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng; được tự do bày tỏ suy nghĩ, quan điểm, thái độ của mình trước một hiện tượng đời sống xã hội. Mỗi thí sinh có quan điểm riêng nhưng phải có một cách nhìn đúng đắn, toàn diện, phù hợp với chuẩn mực xã hội; suy nghĩ, hành động phải chân thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội. Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách.

 

  Yêu cầu cụ thể

 

0,5đ

Ý 1

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận.                                                                         

 

Ý 2

Giải thích

-    - “Ốc mượn hồn” là con vật bé nhỏ mượn vỏ ốc làm nơi trú ngụ bởi chúng rất yếu ớt và dễ dàng làm mồi cho con vật khác. Tuy nhiên, rời khỏi vỏ ốc thì chúng vẫn giữ được hình hài và bản chất của một con cua. Hình ảnh “con ốc mượn hồn” ẩn dụ cho con người. Đôi khi, con người phải đeo một lớp mặt nạ ngụy trang, tạo ra vỏ bọc cho mình.

- “Con chim nhại giọng” là loài chim có thể nhại lại tiếng của các loài chim khác như sáo, vẹt,… Tuy nhiên bản thân chúng lại không có một giọng hót riêng hoặc nếu có thì rất khó nghe. “Con chim nhại giọng” ẩn dụ cho lối sống giả dối, ngụy tạo của con người nhằm một mục đích trục lợi cá nhân nào đó.

      Hai hình ảnh trên gợi lên cho chúng ta hai lối sống tương đối mâu thuẫn nhau của con người trong cuộc sống hiện tại. Tùy thuộc vào quan niệm sống  mà mỗi người chọn lựa lối đi đúng đắn cho mình.

0,5đ

Ý 3

Bàn luận

- Lối sống của con người qua hình ảnh con ốc mượn hồn tuy mang vỏ ốc nhưng vẫn giữ được bản chất là một con cua

     + Trong cuộc sống hiện tại, mỗi người đều phải đối mặt với rất nhiều vấn đề mà nếu sử dụng bản chất của riêng mình, có lẽ họ sẽ khó vượt qua được.

     + Con người không thể nào sống thật là mình trong suốt quãng đời, phải biết sống thật một cách thông minh, đó là sống khéo. Sống khéo là khi con người biết lựa chọn “chiếc mặt nạ” phù hợp cho từng hoàn cảnh, đối xử với người khác một cách khéo léo khiến họ yêu quý và tôn trọng mình.

     + Tuy nhiên, đừng quá lạm dụng chiếc vỏ ốc của mình, cần phải thoát khỏi nó khi cần thiết.

- Lối sống của con người qua hình ảnh con chim nhại giọng tuy bản thân là một con chim nhưng giọng hót lại nhái mượn

     + Thay vì sống khéo, sống đúng với cảm xúc và bản chất của mình, nhiều người lại chọn cách sống giả dối, vay mượn.

     + Cuộc sống hiện nay có rất nhiều “con chim nhại giọng”, họ sẵn sàng sống khác đi để đạt được mong muốn, bất chấp mọi thủ đoạn.

     + Để trở thành một người khác, hót tiếng hót của người khác là điều rất dễ dàng, nhưng để thể hiện cá tính của mình, dám khác biệt đòi hỏi rất nhiều ở bản lĩnh và ý chí của mỗi người.

- Nguyên nhân:

     + Một số người thích thể hiện bản thân mình, hoặc vì muốn đi “đường tắt” để đến thành công.

     + Gia đình cũng là một trong số những tác động ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách của con trẻ.

     + Nhiều vấn đề phát sinh trong cuộc sống khiến con người phải tạo khoảng cách với nhau, họ không dám sống thật với mình trước mặt người khác vì nghi ngờ, vì sợ,...

- Mở rộng: Hai cách sống trên là hai quan điểm sống mà con người phải chọn. Cuộc sống không cho phép chúng ta “thật” hoàn toàn. Con người phải biết sống thật một cách thông minh, sống khéo, sống bằng cảm xúc của mình, biết giữ vững bản chất, tiếp thu cái tốt đẹp của người khác để hoàn thiện bản thân mình hơn,...

1,5đ

 

Ý 4

Bài học nhận thức và hành động

- Sống như một con ốc mượn hồn, biết vay đúng lúc mà vẫn là mình dù trong hoàn cảnh nào.

- Tự nhủ phải luôn tỉnh táo để có thể giữ vững lập trường, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của người khác để thay đổi tốt hơn,...

0,5đ

 

 

 

Câu2

Có ý kiến cho rằng: nhân vật người đàn ông hàng chài và người vợ trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu không khác gì nhân vật A Sử và Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài.

4,0đ

 

Yêu cầu chung

 

 

- Câu này kiểm tra năng lực viết bài nghị luận văn học của thí sinh, đòi hỏi thí sinh phải huy động kiến thức về tác phẩm văn học, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng cảm thụ văn chương của mình để làm bài.

- Thí sinh có thể phân tích và kiến giải theo những cách khác nhau, nhưng phải có lí lẽ, có căn cứ xác đáng, không được thoát li văn bản tác phẩm.

 

 

Yêu cầu cụ thể

 

Ý 1

Giới thiệu hai tác giả Nguyễn Minh Châu và Tô Hoài, hai tác phẩm, dẫn dắt vấn đề đặt ra trong đề bài.

0,5đ

Ý 2

Giải thích ý kiến

Ý kiến trên vừa đúng vừa chưa hoàn chỉnh, vì hai nhân vật người đàn ông hàng chài và A Sử; hai nhân vật người đàn bà hàng chài và Mị vừa có nét giống nhau vừa có nét khác nhau.

0,5đ

Ý 3

Cảm nhận, bình luận

2,5đ

 

- Ý kiến trên không sai vì hai cặp nhân vật trong hai tác phẩm có nhiều nét tương đồng:

     + Hai nhân vật người chồng đều có những hành động vũ phu, thô bạo với người vợ của mình.

     + Hai người phụ nữ đều phải nếm trải bi kịch bị bạo hành; đều có vẻ ngoài lặng lẽ, cam chịu nhưng bên trong lại tiềm ẩn nguồn sức sống mãnh liệt,... Tâm hồn họ ẩn chứa nhiều phẩm chất đáng quý.

- Nhưng ý kiến trên chưa hoàn toàn chính xác và cần được bổ sung vì mỗi cặp nhân vật được khắc họa với những nét tính cách riêng; mối quan hệ giữa họ cũng không giống nhau:

     + Cách đối xử của nhân vật A Sử với Mị thể hiện bản chất tàn ác của một kẻ giàu sang, quyền thế, sa đọa, coi sinh mạng con người như cỏ rác; trong khi hành động của người đàn ông hàng chài lại bắt nguồn từ nỗi đau khổ, uất hận do cuộc sống khốn cùng, bế tắc,... ông thô bạo, vũ phu, tàn nhẫn nhưng không mất hết nhân tính. 

     + Giữa Mị và A Sử không có tình cảm, không có sự gắn kết nào về mặt tình cảm; còn giữa cặp vợ chồng hàng chài lại có tình thương, có một đàn con cần phải nuôi nấng. 

     + Bi kịch của Mị bắt nguồn từ mâu thuẫn giai cấp giữa kẻ giàu và người nghèo, giữa kẻ bóc lột và người bị bóc lột; còn bi kịch của người đàn bà hàng chài nảy sinh từ hiện thực cuộc sống bề bộn, ngổn ngang những gian khó của một đất nước vừa trải qua mấy chục năm chiến tranh tàn phá.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đánh giá chung

0,5đ

 

Lưu ý: Trong quá trình làm bài, thí sinh chọn và phân tích dẫn chứng tiêu biểu để làm nổi bật vấn đề cần bình luận.

 

TỔNG ĐIỂM

 

Lưu ý: Chỉ cho điểm tối đa khi thí sinh đạt được cả yêu cầu về kĩ năng và kiến thức.

10,0đ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguồn: Sở GD&ĐT Cần Thơ