Đề thi thử THPTQG môn Văn - THPT Hàn Thuyên năm 2015

Đề thi thử THPTQG môn Văn - THPT Hàn Thuyên - Bắc Ninh năm 2015, các em tham khảo dưới đây:

Phần I - Đọc hiểu (3 điểm)

Đọc văn bản sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4:

Báo điện tử Dân trí ra ngày 21/8/2014 đưa tin:

Sáng ngày 21/8, cây cầu mang tên “Khuyến học và Dân trí” bắc qua thượng nguồn sông Gianh tại xã Trọng Hóa, huyện miền núi Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình chính thức khánh thành trong niềm vui khôn tả của bà con nhân dân hai bản Ông Tú và bản Hưng.

Phát biểu tại Lễ khánh thành cầu “Khuyến học và Dân trí” tại bản Ông Tú, nhà báo Phạm Huy Hoàn, Tổng biên tập báo điện tử Dân trí, Giám đốc quỹ khuyến học Việt Nam bày tỏ lời cảm ơn chân thành về sự hiện diện của các vị đại biểu và các em học sinh tại buổi lễ.

Tổng biên tập báo điện tử Dân trí, Phạm Huy Hoàn nhấn mạnh, tại nơi đây, từ nhiều năm qua chúng ta đã chứng kiến cảnh các cháu học sinh phải bơi qua sông tới trường, rất nguy hiểm đến tính mạng. Qua cuộc vận động trên báo, bạn đọc báo Dân trí đã đóng góp được số tiền hơn 1,3 tỉ đồng. Đây là nguồn đóng góp tự nguyện của đông đảo bạn đọc báo Dân trí, trong đó có cả nguồn tiết kiệm của rất nhiều học sinh đồng lứa với các cháu có mặt trong buổi lễ hôm nay. Số tiền trên đã được chuyển giao tới Hội Khuyến học tỉnh Quảng Bình và Ủy ban nhân dân huyện Minh Hóa để bổ sung vào nguồn vốn thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ trong ngân sách của huyện Minh Hóa cho dự án xây cầu và làm đường lên từ hai bờ sông tại bản Ông Tú và bản Hưng.

Tổng biên tập báo Dân trí Phạm Huy Hoàn cũng cho biết, đây là cây cầu thứ 7 có sự đóng góp của bạn đọc báo điện tử Dân trí, được chính quyền địa phương đồng thuận cho mang tên “Khuyến học và Dân trí”. Trước đó, đã có 6 cây cầu “Khuyến học và Dân trí” được xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng tại các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Quảng Nam, Cần Thơ và Thanh Hóa.

(Dẫn theo Cầu “Khuyến học và Dân trí” thứ 7 được khánh thành tại Quảng Bình, dantri.com.vn)

Câu 1: Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ nào? (0.25 điểm)

Câu 2: Văn bản trên nói về sự kiện gì? Sự kiện ấy đã được những người trong cuộc đón nhận ra sao? (0.5 điểm)

Câu 3: Tại sao cây cầu lại được mang tên là “Khuyến học và Dân trí”? (0.25 điểm)

Câu 4: Từ sự kiện được nêu trong văn bản, anh (chị) hãy suy nghĩ về tinh thần trách nhiệm với cộng đồng của tất cả chúng ta (trả lời trong khoảng 10-12 dòng) (0.5 điểm)

Đọc đoạn thơ sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 5 đến Câu 8:


Anh ra khơi

Mây treo ngang trời những cánh buồm trắng

Phút chia tay, anh dạo trên bến cảng

Biển một bên và em một bên.

 

 

Biển ồn ào, em lại dịu êm

Em vừa nói câu chi rồi mỉm cười lặng lẽ

Anh như con tàu, lắng sóng từ hai phía

Biển một bên và em một bên. 

 

Ngày mai, ngày mai khi thành phố lên đèn

Tàu anh buông neo dưới chùm sao xa lắc

Thăm thẳm nước trời nhưng anh không cô độc

Biển một bên và em một bên....

1981. (Trích Thơ tình người lính biển - Trần Đăng Khoa)

Câu 5. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ trên? (0,25 điểm)

Câu 6. Xác định 02 biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong hai dòng thơ: “Anh như con tàu, lắng sóng từ hai phía. Biển một bên và em một bên”? (0,25 điểm)

Câu 7. Nhân vật trữ tình trong đoạn thơ là ai? Nêu nội dung chính của đoạn thơ?(0,5 điểm)

Câu 8. Anh/chị hãy nhận xét về dòng thơ cuối cùng ở mỗi khổ? Trả lời trong khoảng 5-7 dòng. (0,5 điểm)

Phần II. Làm văn(7.0 điểm)

Câu 1 (3.0 điểm) Trong bức thư gửi thầy giáo của con, một vị phụ huynh viết:

Xin thầy hãy giúp cháu có đủ sức mạnh để không chạy theo đám đông khi tất cả mọi người đều chạy theo như thế.

Anh/ chị hiểu nguyện vọng của vị phụ huynh này như thế nào? Hãy viết một bài văn ngắn khoảng 600 từ phát biểu suy nghĩ của mình về điều đó?

Câu 2 (4.0 điểm) Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp riêng của hai đoạn thơ sau:

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành

(Tây Tiến- Quang Dũng, Ngữ Văn 12, tập 1, NXBGDVN, 2012)

Có biết bao người con gái con trai

Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi

Họ đã sống và chết

Giản dị và bình tâm

Không ai nhớ mặt đặt tên

Nhưng họ đã làm ra Đất Nước

(Đất nước- Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ Văn 12, tập 1, NXBGDVN, 2012)

Tuyensinh247 Tổng hợp