Đề thi thử tốt nghiệp THPT môn Văn năm 2014 THPT An Mỹ

Đề thi thử tốt nghiệp môn Văn trường THPT An Mỹ - Bình Dương năm học 2013 - 2014 có đáp án theo cấu trúc mới, các em tham khảo dưới đây

Đề thi thử tốt nghiệp môn Văn năm 2014 THPT An Mỹ - Bình Dương

I/ PHẦN ĐỌC - HIỂU  (3.0 điểm)          

Câu 1. (3đ)

 Đọc đoạn thơ và thực hiện những yêu cầu sau:

                        “…Chỉ có thuyền mới hiểu

                        Biển mênh mông nhường nào

                        Chỉ có biển mới biết

                        Thuyền đi đâu, về đâu

                        Những ngày không gặp nhau

                        Biển bạc đầu thương nhớ

                        Những ngày không gặp nhau

                        Lòng thuyền đau - rạn vỡ

                        Nếu từ giã thuyền rồi

                        Biển chỉ còn sóng gió

                        Nếu phải cách xa anh

                        Em chỉ còn bão tố!”…

 (1) Đoạn thơ được viết theo thể thơ gì?

 (2) Em hãy nêu chủ đề - ý nghĩa của đoạn thơ?

 (3) Trong đoạn thơ hình ảnh thuyềnbiển được sử dụng là nghệ thuật gì ? Có ý nghĩa như thế nào?

(4) Hãy đặt tên cho nhan đề của đoạn thơ.

 (5) Hình ảnh biển bạc đầu trong câu thơ “Biển bạc đầu thương nhớ” có ý nghĩa gì?

 (6) Biện pháp tu từ cú pháp được sử dụng trong đoạn thơ trên là biện pháp nào? Tác dụng của biện pháp đó ?

B. PHẦN VIẾT

            I. Nghị luận xã hội (3,0 điểm)

Anh, chị viết một bài văn ngắn, trình bày suy nghĩ của mình về hành động dũng cảm cứu người của một cô gái – thành viên thủy thủ đoàn trên chiếc phà Sewol trong vụ tai nạn ngày 16/4/2014 qua mẫu tin sau:

Cô Park Ji Young, 22 tuổi, một thành viên thủy thủ đoàn, là một trong số những người hùng trên chiếc phà Sewol. Park đã mất mạng trong khi cố gắng đảm bảo cho tất cả các hành khách trên tầng thứ 3 và 4 của con tàu đều mặc áo phao và tìm được lối thoát. Vì thế, khi con tàu bị lật nghiêng, Park đã kịp thời đẩy những hành khách ra ngoài. Bởi cô nghĩ: “Tôi chỉ ra khỏi tàu sau khi chắc chắn rằng mọi hành khách đã thoát ra ngoài” – Một người sống sót đã kể lại như thế.

(Theo http://vnexpress.net ngày 18/4/2014)

II. Nghị luận văn học: Thí sinh chọn một trong hai đề

  1. 1.      Theo chương trình chuẩn (4,0 điểm)

Cảm nhận của em về đoạn kết trong vở kịch “Hồn trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ.

             2. Theo chương trình nâng cao (4,0 điểm)

                  Cảm nhận của ( anh, chị ) về đoạn thơ sau :

Những đường Việt Bắc của ta,

Đêm đêm rầm rập như là đất rung.

Quân đi điệp điệp trùng trùng,

ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan.

Dân công đỏ đuốc từng đoàn,

Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay.

Nghìn đêm thăm thẳm sương dày,

Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.

Tin vui chiến thắng trăm miền,

Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về.

Vui từ Đồng Tháp, An Khê,

Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng

                                                                    (Việt Bắc, SGK Ngữ văn 12, tập 1)

Đáp án đề thi thử tốt nghiệp môn Văn năm 2014 THPT An Mỹ - Bình Dương 

I/ PHẦN ĐỌC - HIỂU  (3.0 điểm)          

Câu 1.(3đ)

(1) Đoạn thơ được viết theo thể thơ gì?

Thể thơ 5 chữ.

(2) Em hãy nêu chủ đề - ý nghĩa của đoạn thơ?

Đoạn thơ với hình tượng thuyền và biển gợi lên một tình yêu tràn trề, mênh mông  với nỗi nhớ da diết nhưng cũng đầy lo âu, khắc khoải của cái tôi thi sĩ đầy cảm xúc.

(3) Trong đoạn thơ hình ảnh thuyềnbiển được sử dụng là nghệ thuật gì ? Có ý nghĩa như thế nào?

Bằng nghệ thuật ẩn dụ mượn hình tượng thuyềnbiển thể hiện tình cảm của đôi lứa yêu nhau- thuyền (người con trai) biển (người con gái) -> Nổi bật một tình yêu ngọt ngào, da diết, mãnh liệt nhưng sâu sắc và đầy nữ tính.

 

(4) Hãy đặt tên cho nhan đề của đoạn thơ.

            Thuyền và biển/ nỗi nhớ / … 

(5) Hình ảnh biển bạc đầu trong câu thơ “Biển bạc đầu thương nhớ” có ý nghĩa gì?

     Cách nói hình tượng, Tg đã diễn tả nỗi nhớ thiết tha, nỗi nhớ được dựng lên bởi một thời gian bất thường và cụ thể hóa được nỗi nhớ thương:  biển bạc đầu vì thương nhớ, biển thương nhớ cho đến nỗi bạc cả đầu, biển đã bạc đầu mà vẫn còn thương còn nhớ như thuở đôi mươi.

 (6) Biện pháp tu từ cú pháp được sử dụng trong đoạn thơ trên là biện pháp nào? Tác dụng của biện pháp đó ?

 

Biện pháp lặp cú pháp “Những ngày không gặp nhau/ Biển chỉ còn sóng gió -

Em chỉ còn bão tố!”… -> Khẳng định sự thủy chung trong nỗi nhớ qua thời gian.

 

B. PHẦN VIẾT

   1. Nghị luận xã hội (3,0 điểm)

*Yêu cầu về kĩ năng:

Nắm chắc phương pháp làm nghị luận xã hội – dạng đề nghị luận về một hiện tượng trong đời sống.

*Yêu cầu về kiến thức: Học sinh trình bày suy nghĩ của mình theo nhiều cách nhưng cơ bản phải nêu được các ý sau:

a. Mở bài: Giới thiệu hiện tượng cần nghị luận.

b. Thân bài: HS phát biểu suy nghĩ riêng của mình về hành động dũng cảm cứu người của cô Park:

- Đó là nghĩa cử cao cả, một hành động đẹp

- Hành động ấy cần được biểu dương nhân rộng.

- Bên cạnh đó cần phê phán những người hèn nhát, chỉ biết sống vì bản thân.

c. Kết bài:

- Khẳng định lại vấn đề đã bàn luận.

- Nêu phương hướng nhận thức và hành động mỗi người trong cuộc sống.

   2. Nghị luận văn học :

a/ Cảm nhận của em về đoạn kết trong vở kịch “Hồn trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ.

1.Mở bài:

- Tác giả Lưu Quang Vũ: một trong những nhà soạn kịch tài năng nhất của nền văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại.

- Tác phẩm Hồn Trương Ba, da hàng thịt là một trong những vở kịch gây được nhiều tiếng vang nhất của Lưu Quang Vũ. Vở kịch được viết năm 1981.

- Nêu yêu cầu đề:

2. Thân bài:

- Giới thiệu tình huống kịch: Trương Ba là người nhân hậu, thanh cao, khoáng hoạt phải trú nhờ trong xác hàng thịt dung tục, thô lỗ → rơi vào bi kịch → quyết định trả xác để được “ là tôi toàn vẹn”

- Mô tả lại đoạn kết:

      +  Kết thúc vở kịch, Trương Ba Chết, nhưng hồn ông vẫn còn đó “giữa màu xanh cây vườn, Trương Ba chập chờn xuất hiện”, và ông đã nói với vợ mình những lời tâm huyết, hàm chứa ý nghĩa “ Tôi đây bà ạ. Tôi ở liền ngay bên bà đây, ngay trên bậc cửa nhà ta…Không phải mượn thân ai cả, tôi vẫn ở đây, trong vườn cây nhà ta, trong những điều tốt lành của cuộc đời, trong mỗi trái cây cái Gái nâng niu…”.

+ Cu Tị sống lại và đang cùng ngồi với cái Gái trong khu vườn. Cái Gái “Lấy hạt na vùi xuống đất…”cho nó mọc thành cây mới. Ông nội tớ bảo thế. Những cây sẽ nối nhau mà khôn lớn.Mãi mãi…”

- Ý nghĩa:      

      + Những lời nói của Trương Ba, phải chăng đó là sự bất tử của linh hồn trong sự sống, trong lòng người. Điều đó tô đậm thêm nhân cách cao thượng của Trương Ba và khắc sâu thêm tư tưởng nhân văn của tác phẩm.

      + hình ảnh cái Gái ăn quả Na rồi vùi hạt xuống đất:

  • Biểu tượng cho sự tiếp nối những truyền thống tốt đẹp ( “Ông nội tớ bảo vậy”) là tâm hồn là nhân cách Trương Ba.
  • Biểu tượng cho sự sống bất diệt của những giá trị tinh thần mang tính nhân văn cao đẹp (“mãi mãi”).
  • Khẳng định niềm tin vào sự chiến thắng của cái thiện và cái đẹp.

- Ý nghĩa của sự sống nhiều khi không phải ở sự tồn tại sinh học mà chính là sự hiện diện của người đã khuất trong tâm tưởng, nỗi nhớ, tình yêu của những người còn sống. Vẻ đẹp tâm hồn sẽ trường tồn dài lâu, bất tử so với sự tồn tại của thể xác

 - Có thể nói, đây là một đoạn kết giàu chất thơ với ngôn từ tha thiết, thấm đẫm tình cảm và có dư ba bởi những hình ảnh tượng trưng về sự sống nảy nở ( “ vườn cây rung rinh ánh sáng, hai đứa trẻ cùng ăn quả na rồi gieo hạt na xuống đất cho nó mọc thành cây mới). Đó là khúc ca trữ tình ca ngợi sự sống, ca ngợi những giá trị nhân văn mà con người luôn phải vươn tới và gìn giữ.

- Tác giả gửi gắm thông điệp về cuộc sống: sự sống thật sự có ý nghĩa khi con người được sống tự nhiên,hài hòa giữa thể xác và tâm hồn. Hạnh phúc của con người là chiến thắng được bản thân, chiến thắng sự dung tục, hoàn thiện được nhân cách và vươn tới những giá trị tinh thần cao quý

3. Kết bài

- Khái quát lại vấn đề

- Rút ra bài học cho bản thân.

b/ Theo chương trình nâng cao (4,0 điểm)

Học sinh có nhiều cáh viết khác nhau nhưng cần bảo đảm các ý sau :

I. Mở bài (0.5đ)

 - Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm, và nội dung vẻ đẹp hùng tráng của Việt Bắc kháng chiến.

- Trích dẫn đoạn thơ. “Những đường..... đèo De, núi Hồng”

II. Thân bài (3đ)

- Vẻ đẹp hùng tráng của Việt Bắc được thể hiện qua: (1đ)

+ Không gian Việt Bắc rộng lớn, kì vĩ: “Những đường … của ta”

+ Sự trưởng thành của cách mạng qua những cuộc hành quân: “Đêm đêm… đất rung”

+ Sức mạnh vô song của dòng người ra trận: “Quân đi…mũ nan”

+ Sức mạnh đoàn kết, ý chí vững vàng gan thép của nhân dân và bộ đội: “Dân công… lửa bay”

+ Sự vươn mình trỗi dậy, sức sống tiềm tàng mãnh liệt của một dân tộc anh hùng: “Nghìn đêm… ngày mai lên”

+ Những chiến công kì diệu của quân và dân ta tạo lên niềm vui sướng rộn ràng của triệu triệu trái tim hướng về Tổ quốc: “Tin vui…núi Hồng”

- Vẻ đẹp hùng tráng ấy được thể hiện qua giá trị nghệ thuật 0,75đ): giọng thơ rắn rỏi, gân guốc; nhịp thơ hối hả, gấp gáp; sử dụng ngôn từ đắc địa; sử dụng linh hoạt các phép tu từ: so sánh, hoán dụ, liệt kê, điệp từ, cường điệu… tạo lên âm hưởng hùng tráng xuyên suốt cả đoạn.

- Tâm trạng của nhân vật trữ tình (tác giả) (0,75đ): phơi phới niềm vui, sung sướng tự hào, say sưa hào sảng, căng tràn nhiệt huyết, đầy lí tưởng và hoài bão….

à Khái quát nội dung nghệ thuật .0,5

III. Kết bài (0.5đ)

-         Khẳng định lại vẻ đẹp hùng tráng của Việt Bắc trong kháng chiến.

-         HS nhận xét, đánh giá về đoạn trích, nêu cảm xúc của bản thân. 

Theo Giáo viên Văn Thị Bích Liên trường THPT An Mỹ - Dethi.violet

Tuyensinh247.com sẽ tiếp tục cập nhật các phần tiếp theo của đề thi thử tốt nghiệp THPT môn Văn năm 2014 các em chú ý theo dõi nhé!

Xem Thêm: Đề thi thử tốt nghiệp THPT môn Văn năm 2014 (P7)