Đề thi thử vào lớp 10 môn ngữ văn đề số 52

Tham khảo đề thi thử vào lớp 10 môn ngữ văn của các trường trên cả nước năm 2012.

KÌ THI TUYỂN SINH LỚP 10

Môn thi : Ngữ văn

Đề thi gồm hai phần, 3 trang

Thời gian làm bài : 120 phút (không kể thời gian giao đề)

- Thí sinh làm cả hai phần: tự luận và trắc nghiệm khách quan vào giấy thi.

- Thí sinh làm bài phần tự luận trước, thời gian làm bài 95 phút.

- Sau khi tính giờ làm bài 90 phút, giám thị phát tiếp phần trắc nghiệm khách quan để thí sinh làm bài trong 25 phút còn lại.

—————————————————————————————————————–

I. PHẦN TỰ LUẬN ( 6,0 điểm ) : Thời gian làm bài 95 phút.

 

MÙA XUÂN NHO NHỎ

Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc

Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng.

 

Mùa xuân người cầm súng

Lộc giắt đầy trên lưng

Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương mạ

Tất cả như hối hả

Tất cả như xôn xao…

 

Đất nước bốn ngàn năm

Vất vả và gian lao

Đất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước.

…”

( Ngữ văn 9 tập hai NXBGD – 2005, trang 55,56 )

Cảm nhận của em về đoạn thơ trên.

 

II. PHẦN TRẮC NGHIỆM KHÁCH QUAN ( 16 câu, 4,0 điểm ): Thời gian làm bài 25 phút.

Em hãy đọc phần trích sau đây và trả lời các câu hỏi bên dưới:

“(1) Nhưng tạnh mất rồi.(2) Tạnh rất nhanh như khi mưa đến.(3) Sao chóng thế?(4) Tôi bỗng thẫn thờ, tiếc không nói nổi.(5) Rõ ràng tôi không tiếc những viên đá.(6) Mưa xong thì tạnh thôi.(7) Mà tôi nhớ một cái gì đấy, hình như mẹ tôi, cái cửa sổ, hoặc những ngôi sao to trên bầu trời thành phố.(8) Phải, có thể những cái đó…(9) Hoặc là cây, hoặc là cái vòm tròn của nhà hát, hoặc bà bán kem đẩy chiếc xe chở đầy thùng kem, trẻ con háo hức bâu xung quanh.(10) Con đường nhựa ban đêm, sau cơn mưa mùa hạ rộng ra, dài ra, lấp loáng ánh đèn trông như một con sông nước đen.(11) Những ngọn điện trên quảng trường lung linh như những ngôi sao trong câu chuyện cổ tích nói về xứ sở thần tiên.(12) Hoa trong công viên.(13) Những quả bóng sút vô tội vạ của bọn trẻ con trong một góc phố.(14) Tiếng rao của bà bán xôi sáng có cái mủng đội trên đầu…

(15) Chao ôi, có thể là tất cả những cái đó.(16) Những cái đó ở thiệt xa…(17) Rồi bỗng chốc, sau một cơn mưa đá, chúng xoáy mạnh như sóng trong tâm trí tôi…”

( Trích Những ngôi sao xa xôi – Theo Ngữ văn 9, tập hai – NXB Giáo dục, 2005, trang120)

Câu 1: Trích dẫn trên có bao nhiêu từ láy?

A. 6 từ.                          B. 3 từ.                           C. 4 từ.                           D. 5 từ.

Câu 2: Truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi được viết vào khoảng thời gian nào?

A. Lúc cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi.

B. Lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra ác liệt.

C. Thời kì cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp.

D. Lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ thắng lợi.

Câu 3: Dòng nào đúng khi nói về tác giả Lê Minh Khuê?

A. Lê Minh Khuê viết nhiều về cuộc sống chiến đấu của tuổi trẻ ở tuyến đường Trường Sơn.

B. Lê Minh Khuê là nhà văn chuyên viết truyện ngắn và có sáng tác trước cách mạng tháng 8 năm 1945.

C. Ông bắt đầu sáng tác vào cuối thời kì chống Pháp.

D. Ngòi bút của ông rất tinh tế và sắc sảo khi miêu tả tâm lí nhân vật.

Câu 4: Từ “rõ ràng” trong câu (5) là:

A. thành phần cảm thán.                                      B. thành phần phụ chú.

C. khởi ngữ.                                                         D. thành phần tình thái.

Câu 5: Dòng nào sau đây nói đúng về nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu?

A. Ông từng làm thầy giáo, thầy thuốc và là nhà thơ.

B. Ông từng sống lưu lạc nhiều năm trên đất Bắc.

C. Ông sinh trưởng trong một gia đình quý tộc.

D. Ông làm quan một năm rồi xin về ở ẩn.

Câu 6: Nhận định nào sau đây đúng với tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du?

A. Tác phẩm đề cao tinh thần trượng nghĩa khinh tài.

B. Tác phẩm đề cao phẩm chất tốt đẹp, khẳng định vai trò của người phụ nữ trong xã hội.

C. Tác phẩm đề cao khát vọng tự do, công lí và quyền sống của con người.

D. Tác phẩm đề cao tinh thần yêu nước thương dân.

Câu 7: Ngôi kể của truyện Những ngôi sao xa xôi giống với ngôi kể của tác phẩm nào?

A. Lặng lẽ Sa Pa.           B. Làng.                         C. Bến quê.                    D. Chiếc lược ngà.

Câu 8: Bài thơ nào được sáng tác trong một hoàn cảnh rất đặc biệt và thể hiện khát vọng cống hiến cho cuộc đời ?

A. Mùa xuân nho nhỏ.   B. Nói với con.              C. Viếng lăng Bác.        D. Con cò.

Câu 9: Câu (7) là câu:

A. ghép.                         B. đơn.                           C. đặc biệt.                     D. rút gọn.

 

Câu 10: Thuật ngữ là những từ:

A. biểu thị thái độ, tình cảm.                                B. biểu thị  đặc điểm, tính chất.

C. biểu thị hành động, trạng thái.                         D. biểu thị các khái niệm khoa học, công nghệ.

Câu 11: Biện pháp tu từ so sánh được sử dụng bao nhiêu lần trong đoạn trích?

A. 5 lần.                         B. 3 lần.                         C. 4 lần.                         D. 2 lần.

Câu 12: Phép liên kết ở 2 câu (6) và (7) là :

A. phép lặp.                   B. phép thế.                   C. phép nối.                   D. phép đồng nghĩa.

Câu 13: Nhận xét nào sau đây đúng với điểm đặc sắc nhất về nghệ thuật của phần trích trên?

A. Cách kể chuyện tự nhiên, sinh động.

B. Sử dụng các kiểu câu linh hoạt, có giá trị biểu cảm.

C. Cách xây dựng tình huống truyện hấp dẫn.

D. Sử dụng các biện pháp tu từ nhân hóa, ẩn dụ.

Câu 14: Từ “đá” trong câu (5) không đồng nghĩa với từ đá nào trong các thành ngữ sau đây?

A. Đội đá vá trời.                                                 B. Đá thúng đụng nia.

C. Nước chảy đá mòn.                                         D. Chân cứng đá mềm.

Câu 15: Bài thơ Sang thu của nhà thơ Hữu Thỉnh có bao nhiêu dòng thơ?

A. 10 dòng.                    B. 16 dòng.                    C. 12 dòng.                    D. 14 dòng.

Câu 16: Phạm Đình Hổ là tác giả của tác phẩm nào sau đây?

A. Vũ trung tuỳ bút.                                             B. Thượng kinh kí sự.

C. Hoàng Lê nhất thống chí.                                D. Truyền kì mạn lục.

———————————————–

———– HẾT ———-