Tham khảo đề thi thử vào lớp 10 môn ngữ văn của các trường trên cả nước năm 2012.
I. trắc nghiệm
Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi bằng cách khoanh tròn vào chữ cái đầu dòng, trước mỗi câu trả lời đúng nhất.
“- Trời ơi, chỉ còn có năm phút !
Chính là anh thanh niên giật mình nói to, giọng cười nhưng đầy tiếc rẻ. Anh chạy ra nhà phía sau, rồi trở vào liền, tay cầm một cái làn. Nhà họa sĩ tặc lưỡi đứng dậy. Cô gái cũng đứng lên, đặt lại chiếc ghế, thong thả đi đến chỗ bác già.
- Ô ! Cô còn quên chiếc mùi soa đây này !
Anh thanh niên vừa vào, kêu lên. Để người con gái khỏi trở lại bàn, anh lấy chiếc khăn tay còn vo tròn cặp giữa cuốn sách tới trả cho cô gái. Cô kĩ sư mặt đỏ ửng, nhận lại chiếc khăn và quay vội đi.
– Chào anh – đến bậu cửa, bỗng nhà họa sĩ già quay lại chụp lấy tay người thanh niên lắc mạnh – Chắc chắn rồi tôi sẽ trở lại. Tôi ở với anh ít hôm được chứ ?
Đến lượt cô gái từ biệt. Cô chìa tay ra cho anh nắm, cẩn trọng rõ ràng, như người ta cho nhau cái gì chứ không phải là cái bắt tay. Cô nhìn thẳng vào mắt anh – những người con gái sắp xa ta, biết không bao giờ gặp ta nữa, hay nhìn ta như vậy.
- Chào anh.”
1. Đoạn trích trên nằm ở tác phẩm nào ?
A. Lặng lẽ Sa Pa
B. Chiếc lược ngà
C. Làng
2. Tác giả là ai ?
A. Nguyễn Thành Long
B. Nguyễn Quang Sáng
C. Kim Lân
D. Nguyễn Khoa Điềm
3. Đoạn trích kể về ai, về sự việc gì ?
A. Kể việc anh thanh niên xuống núi gặp bác lái xe.
B. Kể về phút chia tay giữa họa sĩ, cô kĩ sư và anh thanh niên
C. Kể về lời hứa quay lại gặp anh thanh niên của ông họa sĩ.
4. Người kể chuyện trong đoạn trích này xuất hiện ở hình thức nào ?
A. Ngôi thứ nhất B. Ngôi thứ ba
5. Những câu : “Anh thanh niên giật mình nói to, giọng cười nhưng đầy tiếc rẻ” ; “Nhà họa sĩ tiếc rẻ đứng dậy” ; “Cô kĩ sư mặt đỏ ửng, nhận lại chiếc khăn và quay vội đi” là lời người kể chuyện giấu mình nhưng có mặt ở khắp nơi trong văn bản. Đúng hay sai ?
A. Đúng B. Sai
6. Nhận định nào sau đây đúng nhất về vai trò người kể chuyện trong văn bản tự sự ?
A. Người kể chuyện là người đứng ra kể câu chuyện trong tác phẩm để thể hiện tình cảm.
B. Người kể chuyện là người dường như biết hết mọi việc, mọi hành động, tâm tư, tình cảm nhân vật.
C. Người kể chuyện là người dẫn dắt người đọc đi vào câu chuyện : giới thiệu nhân vật và tình huống, tả người và tả cảnh vật, đưa ra các nhận xét, đánh giá về những điều được kể.
D. Cả A, B.
II. tự luận.
Cảm nhận của em về nhân vật ông họa sỹ trong tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa
Đáp án
I. Trắc nghiệm
Câu | Nội dung trả lời |
1 | A |
2 | A |
3 | B |
4 | B |
5 | A |
6 | C |
II. Tự luận
Cảm nhận của em về nhân vật ông họa sĩ trong Lặng lẽ Sa Pa
Bài làm
Trong truyện Lặng lẽ Sa Pa của nhà văn Nguyễn Thành Long, ngoài nhân vật chính – anh thanh niên, các nhân vật khác như ông già họa sĩ, cô kĩ sư, bác lái xe, không chỉ tham gia vào câu chuyện, làm rõ nét hơn cho nhân vật chính mà còn làm phong phú, sâu sắc hơn chủ đề của truyện. Trong số nhân vật phụ đó, đáng chú ý nhất là nhân vật ông họa sĩ già. Người kể chuyện trong tác phẩm hầu như nhập vai vào cái nhìn, suy nghĩ của ông họa sĩ để quan sát, miêu tả từ cảnh thiên nhiên đến nhân vật chính trong truyện.
Ngay từ phút giây đầu gặp anh thanh niên, cùng trước đó với những lời giới thiệu của bác lái xe làm nhà họa sĩ già xúc động mạnh về hình dáng một người con trai có tầm vóc nhỏ bé, nhưng nét mặt rạng rỡ. Những phút đầu gặp gỡ, bằng sự từng trải nghề nghiệp, niềm khao khát của người nghệ sĩ đi tìm đối tượng của nghệ thuật, khiến họa sĩ già xúc động và bối rối “bắt gặp một điều thực ra ông vẫn ao ước được biết. Một nét thôi đủ khẳng định một tâm hồn, khơi gợi một ý sáng tác, một nét mới đủ là giá trị của một chuyến đi dài”.
ở tuổi già, tuổi của những nghỉ ngơi, trái tim người nghệ sĩ này bỗng như trẻ lại, thấy cuộc sống còn bao ý nghĩa, khát khao sống, khát khao sáng tạo. Ông họa sĩ muốn ghi lại hình ảnh anh thanh niên bằng nét bút ký họa : “Người con trai ấy đáng yêu thật nhưng làm cho ông nhọc quá. Với những điều làm người ta suy nghĩ về anh, và về những điều anh suy nghĩ… cuồn cuộn hiện ra khi gặp người”. Với nhà họa sĩ, vẽ bao giờ cũng là một việc khó nhọc, gian nan. Cảm giác “nhọc mệt” mà người thanh niên cho ông chính là niềm vui, hạnh phúc, sung sướng được gặp con người ngoài đời, chân dung nghệ thuật mà ông khát khao đi tìm. Một trái tim nghệ thuật, một khát khao tiếp tục được sáng tạo, được cống hiến sống dậy, thúc dục ông phải vẽ. Giây phút xúc động ấy, ông nhận ra được những âm vang đẹp đẽ, ngọt ngào của cuộc đời, để rồi vang vọng mãi trong tâm hồn ông, biến thành tac phẩm nghệ thuật.
Những lời nói, suy nghĩ, ứng xử, thái độ chân thành của anh thanh niên đã bắt ông suy nghĩ về những cái đã làm và chưa làm được, cái ông dám nghĩ mà không dám làm. Những nghĩ suy về nghệ thuật với sức mạnh và sự bất lực“có sẵn mà chưa rõ hay chưa đúng” về mảnh đất Sa Pa mà ông nghĩ đến “nghỉ ngơi trong giai đoạn cuối đời”. Cho nên nhân vật hoạ sĩ già còn là hoá thân bằng xương thực của một tuyên ngôn nghệ thuật.
Nhân vật ông họa sĩ già là nét đẹp trong cuộc sống, một con người ý thức được vị trí, trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng đất nước, là người nhạy cảm trước cái đúng, cái sai, ái đẹp luôn hướng thiện, mong muốn làm điều tốt đẹp cho cuộc sống. Hình ảnh ông cùng các nhân vật khác để lại cho Lặng lẽ Sa Pa những vang vọng, tác động mạnh đến tư tưởng, tình cảm của mỗi người.
Trường THPT Lương Tài số 2, Bắc Ninh tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT năm 2025. Dưới đây là đề thi thử môn Toán có đáp án chi tiết.
Tham khảo đề thi tham khảo môn Công nghệ công nghiệp tốt nghiệp THPT 2025 của Bộ GD, và hướng dẫn giải chi tiết dưới đây.
Dưới đây là đề thi tham khảo tốt nghiệp THPT năm 2025 môn Tin học và đáp án chính thức từ Bộ GD&ĐT.
Đề thi tham khảo tốt nghiệp THPT 2025 môn Giáo dục kinh tế và pháp luật năm 2025 và đáp án chi tiết được Bộ GD&ĐT công bố.