Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm 2014 trường THCS Quỳnh Châu

Tuyensinh247 cập nhật đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm 2014 trường THCS Quỳnh Châu mời các em tham khảo dưới đây.

ĐỀ THI THỬ VÀO LỚP 10 NĂM 2014 - THCS QUỲNH CHÂU

Câu 1 (3,0 điểm):

Đọc kỹ đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

“(1)Nghệ thuật không đứng ngoài trỏ vẽ cho ta đường đi, nghệ thuật vào đốt lửa trong lòng chúng ta  khiến chúng ta phải bước lên đường ấy. (2)Bắt rễ ở cuộc đời hằng ngày của con người, nghệ thuật lại tạo ra sự sống cho tâm hồn người.(3) Nghệ thuật mở rộng khả năng của tâm hồn, làm cho con người vui buồn nhiều hơn, yêu thương và căm hờn được nhiều hơn, tai mắt biết nhìn, biết nghe thêm tế nhị, sống được nhiều hơn”.

                                           (Trích: Tiếng nói của văn nghệ của Nguyễn Đình Thi)

a/ Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn văn trên?

b/ Các câu trong đoạn văn trên liên kết với nhau chủ yếu bằng phép liên kết nào?

c/ Tìm động từ trong câu 3: Nghệ thuật mở rộng khả năng của tâm hồn, làm cho con người vui buồn nhiều hơn, yêu thương và căm hờn được nhiều hơn, tai mắt biết nhìn, biết nghe thêm tế nhị, sống được nhiều hơn?

d/ Phân tích cấu tạo ngữ pháp của câu 1 và cho biết nó thuộc kiểu câu gì?

Nghệ thuật không đứng ngoài trỏ vẽ cho ta đường đi, nghệ thuật vào đốt lửa trong lòng chúng ta  khiến chúng ta phải bước lên đường ấy.

Câu 2 (3,0 điểm): Cảm nhận về giá trị của thời gian trong cuộc sống mỗi con người.

Câu 3 (4,0 điểm): Cảm xúc của Viễn Phương qua đoạn thơ sau:

    Bác nằm trong giấc ngủ bình yên 
      Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

Vẫn biết trời xanh là mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim. 


    Mai về miền Nam thương trào nước mắt 
   Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác 
 Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây 
                                   Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này...
                                                            (Trích: Viếng lăng Bác của Viễn Phương)

ĐÁP ÁN ĐỀ THI THỬ VÀO LỚP 10 NĂM 2014 - THCS QUỲNH CHÂU 

Câu 1 (3 điểm):

 a. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận (0,5 điểm)

 b. Phép lặp: Nghệ thuật (0,5 điểm)

 c. Động từ: mở rộng, làm, vui buồn, yêu thương, căm hờn, biết nhìn, biết nghe, sống. (1,0 điểm)

 d.  Nghệ thuật / không đứng ngoài trỏ vẽ cho ta đường đi, nghệ thuật / vào đốt lửa

           CN1                                   VN1                                               CN2

trong lòng chúng ta, khiến chúng ta phải bước lên đường ấy. (1,0 điểm) -> Câu ghép

                               VN2

Câu 2 (3 điểm):

I. Yêu cầu chung:

- HS xác định đúng kiểu bài đề yêu cầu: Nghị luận xã hội bàn về ý nghĩa của thời gian đối với cuộc đời mỗi con người.

- Hình thức: lập luận chặt chẽ, các ý rõ ràng, mạch lạc; bố cục cân đối, hài hòa.

II. Yêu cầu cụ thể:

   1. Mở bài: Giới thiệu chung về vấn đề cần nghị luận

   2. Thân bài:

(*) Nêu khái quát về khái niệm, tầm quan trọng của thời gian với cuộc đời mỗi con người: thời gian là một khái niệm vật lý trừu tượng (được quy ước bằng giây, phút, giờ, ngày, tháng, năm...) nhưng cũng hết sức gần gũi, gắn bó thân thuộc với bất kỳ con người nào sống trên trái đất. Đó là người bạn đồng hành vô cùng quan trọng và có ảnh hưởng sâu sắc đến con người.

(*) Tác dụng to lớn, ý nghĩa sâu sắc của thời gian đối với cuộc đời mỗi con người: (lập luận, phân tích, lấy dẫn chứng minh họa)

Ý 1: Thời gian là những năm tháng, những giờ khắc quý giá nhất mà con người được sống. Thời gian nhen lên trong tâm hồn con người bao ước mơ, khát vọng cao đẹp, bao đam mê cháy bỏng...

          + Nhiều khi thời gian có thể quyết định sự sống và hạnh phúc của mỗi con người. Có khi lỡ một giây là lở cả đời người. Tuy nhiên mỗi một con người có cảm nhận, quan niệm khác nhau về thời gian. Đối với người này thời gian một giây là quý giá nhưng có thể với người kia thời gian mười năm, hai mươi năm... chẳng có nghĩa lý gì.

          Ý 2: Thời gian giúp con người nhận ra chính mình và biết trân trọng những gì mình có.

+ Thời gian không đợi chờ ai bao giờ. Mỗi một con người đều trải qua quá khứ, hiện tại và nghĩ về tương lai. Thời gian giúp con người có những trải nghiệm, những vốn sống mà có thể khi bước qua năm tháng ta mới ngỡ ngàng, giật mình nhận ra...

(*) Phản bác, lật ngược vấn đề cần nghị luận: Cuộc đời của con người sẽ trôi đi trong vô vị, tẻ nhạt, thậm chí trong khổ đau, cay đắng nếu con người không biết trân trọng thời gian..

3.  Kết bài:

          - Khái quát, nâng cao: thời gian là tài sản vô giá đối với cuộc đời mỗi con người. Thời gian giúp ta nhận ra giá trị đích thực của cuộc sống để ta không sống hoài sống phí, không để tháng năm trôi đi vô bổ; để ta biết vươn lên sống đẹp, sống có ích. Hãy sống để không bao giờ phải hối tiếc dù chỉ là một giây ngắn ngủi...        

- Liên hệ bản thân: luôn nâng niu, trân trọng thời gian để vươn lên trong học tập, trong cuộc sống....

Câu 3 (4 điểm):

1, Yêu cầu về kỹ năng: - HS biết viết bài văn nghị luận cảm nhận đoạn thơ.

-         Hệ thống luận điểm rõ ràng, lập luận chặt chẽ.

-         Diễn đạt trôi chảy, văn phong có cảm xúc, giàu sức thuyết phục.

2, Yêu cầu về kiến thức:

 a) Mở bài (0,5 điểm): Dẫn dắt, giới thiệu khái quát về tác giả tác phẩm và đoạn thơ hoặc dẫn dắt từ đề tài về lãnh tụ...

b) Thân bài (3 điểm):

- Khái quát nội dung, cảm xúc của bài thơ và của các khổ thơ trước.

- Khổ 3: Cảm xúc của nhân vật trữ tình khi vào trong lăng.

   + Không gian trong lăng với sự yên tĩnh thiêng liêng và ánh sáng thanh khiết, dịu nhẹ được diễn tả bằng hình ảnh ẩn dụ độc đáo“vầng trăng sáng dịu hiền”- nâng niu giấc ngủ bình yên của Bác. Vầng trăng còn là biểu tượng cho tấm lòng đức độ, nhân ái bao la của Bác.

   + “Vẫn biết trời xanh …. Trong tim”: Cặp từ tăng tiến: Vẫn biết- mà sao diễn tả sự đấu tranh giữa lý trí và tinh cảm ->Bác sống mãi với non sông  đất nước, nhưng lòng vẫn quặn đau, một nỗi đau nhức nhối tận tâm can à Niềm xúc động thành kính và nỗi đau xót của nhà thơ đã được biểu hiện rất chân thành, sâu sắc.

 Khổ 4 : Tâm trạng lưu luyến không muốn rời xa Bác

   + Nghĩ ngày mai xa Bác lòng bin rịn, lưu luyến

   + Muốn làm con chim, bông hoa à để được quây quần bên Bác.

   + Muốn làm cây tre “trung hiếu” để làm tròn bổn phận thực hiện lời dạy “trung với nước, hiếu với dân”à Giọng thơ tha thiết, nhịp dồn dập, điệp từ “muốn làm” nhắc ba lần mở đầu cho các câu đã thể hiện nỗi thiết tha với ước nguyện giản dị, chân thành của nhà thơ. Đó cũng là tình cảm, là ước nguyện của toàn thể nhân dân VN đối với Bác.

 c- Kết bài: (0,5 điểm)

   - Âm hưởng bài thơ tha thiết sâu lắng, hình ảnh giàu sứ biểu tượng làm tăng hiệu quả biểu cảm.

   - Đoạn thơ thể hiện tấm lòng thành kính, biết ơn sâu sắc của tác giả và nhân dân đối với Bác.

- Liên hệ: niềm cảm phục, trân trọng, biết ơn lãnh tụ.

 Các em chú ý theo dõi các đề thi thử vào lớp 10 môn Văn tiếp theo trên Tuyensinh247 nhé!

Theo Dethi.Violet

 


 

NẮM CHẮC KIẾN THỨC, BỨT PHÁ ĐIỂM 9,10 LỚP 1 - LỚP 12 CÙNG TUYENSINH247!

Nếu em đang: 

  • Mong muốn bứt phá điểm số học tập nhanh chóng
  • Tìm kiếm một lộ trình học tập để luyện thi: TN THPT, ĐGNL, ĐGTD, Vào lớp 10
  • Được học tập với Top giáo viên hàng đầu cả nước

Tuyensinh247 giúp em: 

  • Đạt mục tiêu điểm số chỉ sau 3 tháng học tập với Top giáo viên giỏi
  • Học tập với chi phí tiết kiệm, đầy đủ theo ba đầu sách
  • Luyện thi bám sát cấu trúc từng kì thi theo định hướng của BGD&ĐT

Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY



>> Học trực tuyến lớp 9 & lộ trình Up 10! trên Tuyensinh247.com Đầy đủ khoá học các bộ sách (Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo; Cánh diều), theo lộ trình 3: Nền Tảng, Luyện Thi, Luyện Đề. Bứt phá điểm lớp 9, thi vào lớp 10 kết quả cao. Hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả.