Đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 không ra những phần giảm tải

Giữa tuần này, thí sinh sẽ bước vào đợt đầu tiên kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga (ảnh) có những lời khuyên thiết thực cho thí sinh trước kỳ thi quan trọng.

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, đề thi tuyển sinh không quá khó, quá phức tạp, không ra ngoài chương trình và vượt chương trình trung học, không ra vào những phần giảm tải, cắt bỏ, không đánh đố thí sinh. Ban đề thi của Bộ gồm có các giảng viên ĐH, giáo viên THPT đại diện các khu vực, vùng miền trên phạm vi cả nước, trong đó giáo viên phổ thông chiếm đa số.

Sự tham gia của giáo viên THPT trong việc soạn thảo và phản biện đề thi giúp đề thi bám sát chương trình, phù hợp với trình độ và thời gian làm bài của thí sinh. Sự có mặt của các giảng viên ĐH đảm bảo yêu cầu kiểm tra kiến thức tối thiểu của thí sinh vào học ĐH, CĐ. Đối với đề thi các môn xã hội, sẽ tiếp tục ra đề thi theo hướng mở nên cách học vẹt, học thuộc lòng... sẽ không còn phù hợp với cách ra đề thi mới.

Đề thi có những phần dễ để thí sinh trung bình có thể làm được, có phần tương đối khó dành cho thí sinh khá và có những câu khó dành cho những thí sinh giỏi và xuất sắc.

 


 Hôm qua 30.6, tại Bến xe Miền Đông có rất nhiều thí sinh ở tỉnh vào TP.HCM dự thi ĐH - Ảnh: Lê Thanh

* Bộ có cảnh báo gì với thí sinh về việc xử lý những thiết bị chứa dữ liệu gian lận thi cử ngày càng tinh vi không, thưa ông?

- Trong ngày làm thủ tục dự thi, thí sinh sẽ được phổ biến những vật dụng được phép mang vào phòng thi. Ngoài bút, mực, compa, thước kẻ, máy tính bỏ túi trong danh mục quy định... để phục vụ cho việc làm bài, thí sinh được phép mang vào phòng thi thiết bị ghi âm, ghi hình không có chức năng phát âm, phát hình tại chỗ, không truyền được thông tin ra ngoài (không có loa, tai nghe, không có màn hình hiển thị thông tin, không có 3G, 4G, wifi, bluetooth...).

Quy chế nghiêm cấm thí sinh mang tài liệu, điện thoại di động, các thiết bị công nghệ cao nhằm mục đích gian lận trong quá trình làm bài thi như iWatch, Google Glass... hay các thiết bị tương tự khác. Thí sinh sẽ bị đình chỉ thi ngay lập tức nếu mang vào phòng thi những vật dụng cấm dù đã sử dụng hay chưa sử dụng. Đây là điều mà thí sinh phải đặc biệt lưu ý.

* Thứ trưởng có lời khuyên gì đối với thí sinh trong quá trình làm bài thi để có thể đạt kết quả cao nhất trong khả năng của các em?

- Sự sắp xếp các phần dễ, khó trong các đề thi có thể khác nhau, vì vậy thí sinh khi làm bài nên lướt qua đề thi, tìm những câu dễ, phù hợp với trình độ của mình làm trước rồi làm những câu khó sau nếu còn thời gian. Với tính chất là kỳ thi có tính cạnh tranh rất cao, các em phải bảo mật bài làm của mình, tuyệt đối không quay cóp.

Để làm bài tốt, các em cần bình tĩnh, tự tin và có quyết tâm.

* Giao quyền tự chủ rất lớn cho các trường ĐH, vậy Bộ lên kế hoạch về công tác thanh tra tuyển sinh năm nay như thế nào, thưa ông?

- Bộ đã thành lập các đoàn thanh tra lưu động gồm những người có kinh nghiệm trong công tác tuyển sinh. Các đoàn thanh tra này sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình tại bất kỳ điểm thi nào trên cả nước và không báo trước. Trong quá trình chấm thi, Bộ quy định các hội đồng tự chấm kiểm tra một số lượng bài thi quy định để phát hiện sai sót và điều chỉnh. Sau đó, Bộ sẽ chấm thẩm định như mọi năm. Việc thanh tra công tác xét tuyển được thực hiện sau khi các trường đã gọi thí sinh trúng tuyển nhập học.

Song song với quá trình giao quyền tự chủ cho các trường, công tác thanh tra kiểm tra sẽ được thực hiện nghiêm túc. Những trường để xảy ra sai sót trong quá trình tổ chức thi, chấm thi, xét tuyển... sẽ bị xử lý nghiêm theo quy chế tuyển sinh hiện hành.

Theo Tuệ Nguyễn (TN)