Việc tăng học phí một cách đầy \"bất ngờ\" của ĐH Quy Nhơn đã khiến nhiều sinh viên phải bỏ học vì không đủ tiền nộp.
Những ngày gần đây, hàng trăm giáo viên đang theo học đại học hệ tại chức tại các lớp K18, K19, K20, K21, K22 (cả tiểu học và mầm non) tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Kon Tum, do Đại Học Quy Nhơn liên kết mở, luôn trong tâm trạng vừa lo âu vừa bức xúc khi bị trường đột ngột tăng học phí.
Lãnh đạo Trung tâm Giáo dục thường xuyên Kon Tum cũng bày tỏ bức xúc về mức học phí tăng
Lương không theo kịp học phí
Đa số người học đang công tác tại các địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh Kon Tum. Họ tận dụng những tháng được nghỉ hè, vượt cả trăm km đường đồi núi tập trung về đây học để nâng cao trình độ, bằng cấp của mình. Tiếp xúc với chúng tôi, thầy giáo Phùng Hoài Sơn (29 tuổi, công tác tại trường tiểu học Đak Kôi, xã Đak Kôi, huyện Kon Rẫy, Kon Tum- một xã vùng III, cách TP. Kon Tum 60km) cho biết: Năm học đầu tiên (2011), trường Đại học Quy Nhơn thu học phí là 3.600.000 đồng/năm. Để có được số tiền học phí này, thầy Sơn phải tiết kiệm gần 3 tháng tiền lương mới có được. Sang năm nay, trường này bỗng tăng học phí lên 4.600.000 đồng/năm, điều này làm cho nhiều sinh viên khốn đốn. Trong khi lương bổng của giáo viên chỉ có hạn. Nơi thầy giảng dạy là xã vùng sâu, vùng khó khăn nên không có việc gì khác làm để kiếm thêm thu nhập.
Thầy Sơn tâm sự: “Tôi quê ở Phú Thọ rồi vào Đăk Kôi công tác được 4 năm nay. Lương xã vùng III, sau khi lương cơ bản tăng lên hơn 1 triệu thì tổng tiền lương mỗi tháng của tôi cũng chỉ ở mức 4.126.000 đồng. Vì xa nhà nên cái gì cũng thiếu thốn, chi phí ăn uống, sinh hoạt ở vùng sâu khá đắt đỏ. Hàng tháng, tôi phải chắt chiu, tằn tiện lắm mới nuôi được bản thân và tiết kiệm được vài đồng gửi về quê cho cha mẹ già.
Chính vì vậy, chuyện học phí bỗng dưng tăng vọt đã khiến thầy Sơn và những giáo viên khác rơi vào tình trạng khốn đốn: “Bình thường như năm đầu tôi tích góp, tằn tiện trong 3 tháng trời mới có đủ tiền nộp học phí, huống gì năm nay học phí tăng quá đột ngột và cao như vậy”, thầy Sơn nói tiếp.
Cùng chung hoàn cảnh như thầy Sơn, thầy giáo Nguyễn Văn Hợi (29 tuổi, công tác tại trường tiểu học Ngọc Yêu, xã Ngọc Yêu, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum- một xã đặc biệt khó khăn, cách TP. Kon Tum hơn 140km) cho biết: “Nơi chúng tôi công tác cực kỳ khó khăn nên giá cả sinh hoạt rất cao. Để được đi học như thế này là cả một sự phấn đấu cũng như quá trình tích cóp lâu dài, song với mức học phí tăng như thế này thì chắc việc nâng cao kiến thức có nguy cơ phải gác lại. Khóa chúng tôi cũng đã có nhiều sinh viên phải bỏ học vì không đủ tiền nộp học phí. Chúng tôi phản ánh với người có trách nhiệm thì được trả lời rằng học phí sẽ tăng theo hàng năm, nghĩa là năm sau sẽ tiếp tục tăng”.
Thầy giáo Lang Văn Thiên (33 tuổi, giáo viên một trường tiểu học ở huyện Đak Glei, Kon Tum- cách TP. Kon Tum 170km) cũng đang lo lắng vì học phí tăng quá cao. Anh Thiên cho biết, vợ anh cũng là giáo viên dạy cùng trường. Hiện vợ anh đang nghỉ chăm con nhỏ nên tổng thu nhập bị co lại. Cả gia đình đều trông chờ vào số tiền lương ít ỏi của anh. Thế nên chuyện học phí tăng cao cũng khiến anh điên đầu. “Ngày 31/7, là hết hạn nộp tiền học phí, Trung tâm và trường Đại học Quy Nhơn đã ra thông báo nếu không nộp thì đến ngày 15/8 sẽ không cho thi hết năm. Nhưng phải sang đầu tháng 8 chúng tôi mới nhận được lương, vì thế mọi người vẫn chưa có tiền để đóng”, thầy Thiên cho biết.
Chưa đến 10% sinh viên đóng được học phí
Thầy Phan Bá Đông - phụ trách mảng Đào tạo của Trung tâm GDTX cho biết: Trung tâm đã nhận được đơn phản ánh của sinh viên về việc đột ngột tăng học phí của trường Đại học Quy Nhơn. Phải nói mức tăng như vậy đối với những giáo viên ở các vùng sâu, vùng xa của tỉnh Kon Tum là quá cao.
Hiện Trung tâm có hơn 500 sinh viên ngành giáo dục đang theo học các lớp do trường Đại học Quy Nhơn liên kết mở (các khóa từ K18 đến K22, cả tiểu học và mầm non). Đến thời điểm này, có chưa đến 10% sinh viên đóng học phí trong khi đợt tập trung đào tạo đã sắp xong.
“Chúng tôi cũng đang lo bởi Trung tâm dù là cơ quan hành chính sự nghiệp nhưng lại chi thu tự chủ, lương không phải do nhà nước trả cho cán bộ, giảng viên. Vì vậy, nếu tình trạng sinh viên không đóng học phí đúng hạn và bỏ học thì cũng cực kỳ khó khăn cho trung tâm”, đại diện của trung tâm GDTX bày tỏ.
Thầy Đông cũng cho biết thêm, cũng giống mô hình liên kết đào tạo cho sinh viên ngành giáo dục như Đại học Quy Nhơn tại trung tâm này, song học phí của những sinh viên đăng ký học lớp do Đại học Đà Nẵng tổ chức thì không tăng nhiều. Mỗi sinh viên chỉ đóng chưa đến 3 triệu đồng /năm.
Theo NDT
Thời gian nghỉ tết nguyên Đán năm 2018 của sinh viên các trường đại học trên cả nước được Tuyensinh247 cập nhật chi tiết dưới đây. Xem để biết lịch nghỉ cụ thể của trường mình là khi nào nhé.
Tổng hợp những câu chuyện về tình cảm thầy trò hay nhất, những truyện ngắn về thầy cô nhân ngày 20/11 xúc động.
Nhân ngày nhà giáo việt nam 20/11 Tuyensinh247 sưu tầm những bài thơ hay nhất về thầy cô do các độc giả đăng tải cũng như của các nhà thơ.
Tuyển tập truyện cười nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 dành tặng thầy cô giáo với những truyện thật hài hước, vui tươi, những mẩu chuyện này cũng có thể cho vào báo tường thêm phần ấn tượng nữa nhé.