Đưa giáo dục kinh doanh vào trường phổ thông

Giáo dục kiến thức và kỹ năng kinh doanh là một trong những nội dung được tính đến để đưa vào bậc trung học cho lộ trình đổi mới của Bộ GD-ĐT.

Ông Đoàn Văn Ninh, phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), trình bày về lộ trình đưa nội dung giáo dục kinh...

Hội thảo diễn ra ngày 8-1 do Bộ GD-ĐT chủ trì bàn về việc này.

PGS.TS Lê Vân Anh - Viện Khoa học giáo dục VN, người tham gia điều hành chương trình thí điểm đưa nội dung kinh doanh vào trường phổ thông - cho biết: nội dung kinh doanh (KAB) đã được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) hỗ trợ triển khai ở khoảng 20 quốc gia với mục đích giúp học sinh phổ thông có kỹ năng, kiến thức để tham gia ngay thị trường lao động, giúp các em có khả năng tự lập nghiệp nếu không có điều kiện học tiếp lên đại học.

Đưa giáo dục kinh doanh vào trường học

Chương trình này triển khai thí điểm tại một số trường THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên ở VN từ năm học 2006-2007. Phần lớn học sinh và phụ huynh tham gia thí điểm đã ủng hộ nhiệt tình chương trình này. Một số cựu học sinh THPT sau khi ra trường đã trở thành chủ doanh nghiệp nhỏ hoặc tham gia công việc kinh doanh.

Tuy nhiên theo bà Vân Anh, hiệu quả ảnh hưởng của việc thí điểm chưa cao. “Hiện chưa có quy định giáo dục kinh doanh là một môn học hay chủ đề bắt buộc ngay được vì chưa có nghiên cứu đầy đủ, cũng như chưa có đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Nhiều bậc phụ huynh coi đây là môn phụ, chỉ định hướng cho con học những môn để thi đại học” - bà Vân Anh nói về khó khăn của việc triển khai.

Tuy vậy, theo ông Nguyễn Vinh Hiển - thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nội dung giáo dục kinh doanh cần thiết đối với học sinh phổ thông, nhất là khi chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ xây dựng theo hướng tích hợp ở bậc học thấp và phân hóa mạnh ở bậc học cuối. Bởi vậy, trên cơ sở thí điểm, Bộ GD-ĐT sẽ chủ trương đưa nội dung giáo dục kinh doanh vào trường phổ thông.

Ông Đoàn Văn Ninh, phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết: trong chương trình hiện hành, ở môn công nghệ lớp 6 đã có 70 tiết dành cho chủ đề “Kinh tế gia đình”, lớp 10 có 17 tiết cho chủ đề “Tạo lập doanh nghiệp”, lớp 11 có nội dung “Công dân với kinh tế”... Nhưng chương trình chưa phù hợp, chưa hiệu quả, giáo viên chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của giáo dục kinh doanh đối với học sinh, điều kiện dạy học chưa đảm bảo...

Theo định hướng của Bộ GD-ĐT, nội dung giáo dục kinh doanh sẽ được triển khai ngay trong chương trình hiện hành theo hướng cập nhật đổi mới nội dung chương trình môn công nghệ và một số môn học có tích hợp nội dung này, biên soạn thêm các chủ đề tự chọn dạy cho học sinh THCS, THPT. Riêng chương trình hoạt động giáo dục nghề phổ thông lớp 11 sẽ xây dựng thêm nội dung tự chọn “nghề kinh doanh”.

Tránh quá tải

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng bày tỏ băn khoăn khi nội dung giáo dục kinh doanh, dù là cần nhưng rất có thể sẽ làm gia tăng quá tải “nếu chúng ta chỉ bỏ thêm vào mà không điều chỉnh chương trình”.

PGS Nguyễn Văn Khôi, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đề nghị: “Không nên đưa chương trình giáo dục kinh doanh trở thành một môn học, nhất là trong bối cảnh học sinh phổ thông đang phải học tới 13 môn với lượng kiến thức cồng kềnh và áp lực thi cử”.

PGS Đào Thái Lai, Viện Khoa học giáo dục VN, cũng cho rằng chương trình giáo dục phổ thông hiện nay có 13 môn, trong tương lai cần giảm bớt, thay thế vào đó những nội dung để học sinh cuối cấp tiếp cận với nghề nghiệp. Ông Thái Lai cho biết nội dung giáo dục kinh doanh rất cần và có thể đưa vào nhà trường theo hình thức môn học, chủ đề tự chọn, nhưng với điều kiện chương trình cần được điều chỉnh để phù hợp và thiết thực.

Bà Lê Vân Anh cho rằng: “Cần lựa chọn kiến thức gần gũi với học sinh, phù hợp với thực tiễn ở địa phương và ở VN, chú trọng những kỹ năng cơ bản, đạo đức doanh nhân, tố chất quan trọng làm người kinh doanh... Chương trình phải tránh được “vết xe đổ” là lý thuyết suông và phải tăng cường các hình thức ngoại khóa, tham quan, thực hành”.

Đồng ý với các ý kiến trên, Thứ trưởng Hiển nhấn mạnh: “Phải xây dựng chương trình để học sinh thích học và đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng có thật của học sinh. Phải phối hợp với các doanh nghiệp, doanh nhân trong việc xây dựng chương trình, tài liệu dạy học, bồi dưỡng giáo viên và tạo điều kiện cho học sinh có chỗ tham gia và quan sát quá trình vận hành, tổ chức sản xuất, kinh doanh”.

Theo TT