Facebook: Kênh giao tiếp hiệu quả giữa thầy và trò?

Trong khi nhiều người e ngại việc học trò sử dụng Facebook một cách tràn lan thì không ít thầy cô xem đây là một kênh hiệu quả để tiếp cận học trò.

"Dò" học trò qua Facebook

ThS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (giảng viên ĐH Sư phạm TPHCM) cho rằng, mạng xã hội Facebook là nơi thầy trò có thể tương tác hai chiều. Học sinh (HS) có thể tỏ thái độ trực tiếp của mình đối với nội dung, hình ảnh được đăng tải qua nút like, phản hồi trực tiếp qua comment, phản hồi kín đáo qua hòm thư, chia sẻ thông tin ngược lại thông qua các bài đăng trên tường. Về tốc độ phản hồi sẽ không nhanh bằng thực tế vì giáo viên (GV) có thể không thường trực, nhưng khả năng xem lại và suy ngẫm về các phản hồi là cao hơn bên ngoài.

Theo thầy Hiếu, Facebook hiện nay còn là là một nơi để thầy cô tổ chức lớp học online hay là một “phòng tham vấn tâm lý cá nhân và cộng đồng” trực tuyến rất lý tưởng. Ở trên đó, không cần những lời giáo huấn mà có khi chỉ cần xem một bức ảnh ý nghĩa, một câu nói sâu sắc, cảm động cũng có thể làm thay đổi suy nghĩ, cách ứng xử của một học trò.

Facebook của thầy Khắc Hiếu trở thành nơi chia sẻ của hàng ngàn học sinh, sinh viên.

Chuyên gia tâm lý này cho rằng, không phải là tất cả nhưng Facebook là một kênh tuyệt vời để người thầy nắm bắt được suy nghĩ và cảm xúc của HS khi mà nhiều suy nghĩ, hành động, thậm chí việc đi ăn uống, vui chơi của các em cũng được cập nhật liên tục. Thực tế, nhiều điều các em không dám nói ở ngoài, nhưng thông qua các cuộc trò chuyện với nhau, những suy nghĩ đó được bộc lộ ra một cách rất tự nhiên.

"Thậm chí có những lời mang tính “góp ý” đối với nhà trường, thầy cô, các em cũng thể hiện qua đây. Điều này có thể làm thầy cô tổn thương nhưng người thầy nên cởi mở tiếp nhận nếu góp ý mang tính thiện chí. 

Còn nếu mang tính ác ý, người thầy có thể đặt câu hỏi vì sao học trò lại phát biểu như thế để trước là đồng cảm, sau là tìm nguyên nhân. Từ đó mới tìm ra phương cách để “tháo gỡ” với học trò và nếu cần thì giáo dục các em về cách phát ngôn", thầy Hiếu phân tích. 

Cô Nguyễn Thị Khánh Dương, GV Trường THCS Trường Chinh (Q. Tân Bình, TPHCM) quan niệm muốn hiểu được học trò, thầy cô phải thâm nhập vào thế giới của các em, hiểu cách các em nói chuyện… Khi GV không có nhiều thời gian thì Facebook chính là nơi để có thể nắm bắt tâm tư, suy nghĩ của học trò.

Cô Khánh Dương (đội mũ) thường xuyên cập những hình ảnh thầy trò, những câu nói hay, cách học tập... lên Facebook để chia sẻ với học trò.

Nhờ FB, nghe những lời buồn phiền của học trò, các em than bài tập nhiều quá, khó quá… qua đó giúp cô Dương sẽ xem lại việc giao bài tập, cách giảng của mình đã hợp lý chưa. “Thậm chí nhiều vấn đề riêng tư của các em như tình cảm nam nữ, chuyện buồn gia đình… bên ngoài các em không nói nhưng chia sẻ trên Facebook. GV biết chuyện, chỉ cần hỏi han, động viên các em một câu đã có thể giúp các em lạc quen, vui vẻ hơn”.

Để gắn kết với học trò, những hình ảnh hoạt động của lớp, hay những câu văn hay, cách làm bài tốt… cũng được cô Dương đăng tải lên Facebook. Và cô cũng để ý nhắc nhở những học trò có phát ngôn thiếu chuẩn mực, chửi thề, chửi tục trên Facebook… Ngoài ra, chính bản thân cô cũng nhận được lời chia sẻ, thể hiện tình cảm của các em.

Học trò “khoái” thầy cô chơi “phây”

Chúng ta nghe mổ xẻ rất nhiều về “mặt trái” khi học trò sử dụng Facebook. Thế nhưng không thể phủ nhận, mạng chia sẻ này giúp nhiều thầy cô trở nên gần gũi hơn với học trò.

Thầy Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu trở thành bạn của không biết bao nhiêu học trò không chỉ thể hiện qua những bài giảng, những clip tư vấn mà điều này còn được gắn kết qua mạng xã hội FB. Đến nay, Facebook của thầy có hơn 145 ngàn người yêu thích và không ngừng tăng lên từng ngày, trong đó chủ yếu là học sinh, sinh viên.

Tại đây học trò không chỉ được nghe thầy chia sẻ với những quan niệm sống, những bài giảng, những clip tư vấn các tình huống mà các em còn có thể bộc bạch những suy nghĩ, góp ý của mình.

Học trò "khoái" khi được thầy cô hiểu về thế giới của mình.

Cách đây không lâu, học trò Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) cũng "sôi sục" thể hiện tình cảm của mình dành cho cô Lê Thị Mỹ Dung, giáo viên Sử qua Facebook. Tình cảm này còn lan rộng và gây “sốt” với học trò ngoài trường. 

Nhiều HS cho biết, các em thấy dễ dàng bộc bạch suy nghĩ của mình trên Facebook hơn so với ở ngoài. Khi được GV chia sẻ với nỗi niềm của mình, các em thấy thầy cô trở nên gần gũi và thân thiết hơn.

Em Huỳnh Minh Quang (HS trường THPT Lê Hồng Phong, TPHCM) bày tỏ, HS sẽ rất thích thú khi người thầy dạy học mình cũng tham gia Facebook vì nó gợi nên sự thân thiện và cởi mở. Và sự tương tác còn giúp mối quan hệ đó gắn bó tốt hơn qua những câu chuyện, hình ảnh đời thường…

“Nhiều vấn đề búc xúc ở trường nhưng HS không tiện nói ra thường được bọn em chia sẻ với bạn bè trên Facebook. Nếu thầy cô, nhà trường đón nhận những góp ý đó thì môi trường giáo dục sẽ được cải thiện rất nhiều”, Quang nói.

Em T.Th., HS Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai tâm sự, trước đây em chưa bao giờ em nghĩ sẽ tâm sự chuyện gia đình với thầy cô. Cách đây không lâu, em buồn chán vì bố mẹ ly hôn nên em học hành sa sút, rất bi quan vào cuộc sống. Lúc em đang chán nản nhất thì được cô giáo dạy Toán quan tâm, trò chuyện và thường xuyên nhắn tin hỏi thăm…

Th. nói: “Khi nói chuyện cùng cô em mới hay cô biết chuyện của em không chỉ qua lời chia sẻ trên Facebook của em mà còn do các bạn trong lớp “rỉ tai” với nhau trên đó. Cô cũng biết hoàn cảnh nhiều bạn khác qua FB nữa. Khi cô đã biết thì mình rất dễ tâm sự…”.

Tâm lý học trò ngày càng phức tạp, GV, nhà trường cần tận dụng mọi kênh thông để kịp thời nắm bắt suy nghĩ, tâm lý của các em vì điều này có tác động không nhỏ đến hiệu quả giáo dục. Tuy nhiên, để phát huy những tiện tích của mạng xã hội đòi hỏi GV và HS đều phải có cách tiếp nhận và chia sẻ thông tin một cách tích cực.

Hoài Nam (DT)