Giải pháp nào cho đào tạo tín chỉ?

Với đào tạo tín chỉ, hoạt động tự học của sinh viên là vô cùng quan trọng bởi thời lượng học trên lớp bị cắt giảm. Làm thế nào để đảm bảo sinh viên thực hiện tự học một cách nghiêm túc và hiệu quả, đó là khó khăn, thách thức lớn.

Sinh viên trong giờ thảo luận nhóm
Sinh viên trong giờ thảo luận nhóm

Tín chỉ được hiểu là khối lượng kiến thức và kĩ năng theo yêu cầu của môn học mà người học cần phải tích lũy được trong một khoảng thời gian nhất định. Một tín chỉ được xác định bởi 2 phần, gồm: thời lượng dạy học trên lớp và thời gian học sinh tự học, tự nghiên cứu ở nhà.

Với một môn học lý thuyết, một tín chỉ được tính bằng một giờ học lý thuyết trên lớp và 2 giờ chuẩn bị bài, tương đương với 15 tiết lý thuyết và 30 tiết chuẩn bị ở nhà. Do đó, so với đào tạo niên chế, sinh viên học tín chỉ có số giờ lên lớp được rút bớt đáng kể.

Với cơ chế này, đào tạo theo học chế tín chỉ hướng tới nâng cao tính chủ động, tích cực của người học, giúp người học trau dồi khả năng tư duy độc lập, kỹ năng phát hiện và giải quyết vấn đề, kỹ năng lập kế hoạch... vốn là những yếu tố mà sinh viên Việt Nam thực sự yếu trong xu thế hội nhập.

Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều sinh viên hiện nay chưa thể bắt nhịp ngay với cách học này, đặc biệt là những sinh viên năm nhất. Số giờ lên lớp ít đã biến không ít sinh viên trở thành “tỷ phú” thời gian bởi chưa hình thành được thói quen tự học, tự nghiên cứu. Đó là một lãng phí lớn.

Đổi mới cách dạy

Nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những yếu tố quyết định chất lượng đào tạo khi chuyển đổi sang học chế tín chỉ, về phía người thầy, đó là vấn đề đổi mới cách dạy, cách kiểm tra, đánh giá.

Theo ThS.Phạm Thị Minh Phương – Trường CĐSP Hà Nội, để người học tự giác học tập và học tập một cách tích cực thì việc tạo ra một môi trường học tập thân thiện, không quá áp lực và mang tính động viên, khuyến khích đối với sinh viên là vô cùng quan trọng.

Giảng viên nên tránh giao bài một cách hình thức, không có kiểm tra sát sao hoặc không hướng dẫn cụ thể về nhiệm vụ tự học, hoặc liệt kê một loạt nguồn tài liệu mà không biết sinh viên sẽ xử lý các tài liệu đó như thế nào.

“Tôi đã từng đọc một đề cương môn học trong đó giảng viên liệt kê khoảng gần một chục cuốn sách và cũng từng ấy website tham khảo. Tôi biết chắc một điều là hầu như tất cả sinh viên sẽ không đả động gì bởi nó quá chung chung và mơ hồ. Đối với đối tượng sinh viên của trường CĐSP Hà Nội, kỹ năng tự học, tự nghiên cứu còn yếu cộng với ý thức học tập chưa cao thì danh sách tài liệu tham khảo ấy quả là sự đánh đố bởi các em không biết học cái gì trước, cái gì sau, sẽ tham khảo phần nào cho bài nào từ các nguồn ấy”.

ThS.Trần Mai Ước, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM cũng cho rằng, sự vận dụng linh hoạt bài giảng, chủ động, sáng tạo của giảng viên trong quá trình đứng lớp cũng mang tính quyết định đến khả năng tiếp thu của sinh viên. Để sinh viên tiếp cận với kiến thức có hiệu quả thì không có gì tốt hơn bằng cách khuyến khích sinh viên tự tìm hiểu về môn học đó. Đó là phương pháp giảng dạy lấy sinh viên làm trung tâm.

Đồng quan điểm, Ths.Lê Quang Vinh – Trường CĐSP Điện Biên nhận định, trong bối cảnh hiện nay, đào tạo theo học chế tín chủ ngày càng khẳng định vai trò to lớn của người dạy. Yêu cầu với người dạy trở nên cao hơn, người dạy không chỉ truyền đạt những gì họ đã biết mà còn phải hướng dẫn người học khả năng tiếp cận tri thức hiện đại, những điều mà bản thân người dạy có thể gặp giới hạn.

Đào tạo tín chỉ mang tính “phẳng”, đó đó, người dạy phải luôn sẵn sàng trả lời những chất vấn của người học. Điều này yêu cầu người dạy phải toàn tâm toàn ý với một trách nhiệm cao đối với việc dạy học. Ngoài việc chuẩn bị bài giảng, thời gian trao đổi với người học, thời gian kiểm tra người học... người dạy còn phải chủ động trong các vấn đề quản lý liên quan đến tín chỉ của mình.

Trong quá trình đào tạo theo học chế tín chỉ, người dạy có vai trò là cố vấn trong quá trình học tập, đây được xem là vai trò quan trọng nhất trong đào tạo theo tín chỉ. Với vai trò này, khi giảng dạy, người dạy phải biết lựa chọn nội dung giảng dạy để giúp người học có thể tự khám phá, phát triển các kiến thức mới.

Để làm được điều này, người dạy phải biết lựa chọn những vấn đề cốt lõi, cơ bản, quan trọng để giảng, đây phải là những vấn đề mà nếu không có người dạy thì người học khó có thể lĩnh hội được, còn những vấn đề đơn giản, những vấn đề cần tư duy, sáng tạo độc lập thì nên để cho người học tự nghiên cứu.

Đặt vấn đề áp dụng học tập điện tử (E-learning), ThS.Phạm Quỳnh Anh – Trường CĐSP Hà Nội cho rằng, một hệ thống E-learning tốt sẽ giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giảng dạy và học tập, giúp khích lệ tinh thần tự học tập của sinh viên, cũng như kích thích sự sáng tạo, nghiên cứu, tìm tòi của giảng viên.

Một hệ thống E-learning tốt không chỉ là hệ thống có các lớp học trực tuyến, các bài giảng online mà mọi dữ liệu về sinh viên, đặc biệt là dữ liệu về học tập (điểm, TKB, lịch thi... ) cũng như các thông tin phục vụ cho công tác quản lý của nhà trường cùng đội ngũ chuyên gia.

N.N