Giám khảo ghế nóng: Không chỉ vì cát sê

“Nói bậy bạ hay cho điểm thiếu công bằng sẽ làm cho cá tính mỗi người bị giảm đi trong mắt công chúng. Chính vì vậy, rủi ro lớn nhất của giám khảo chính là tự đánh mất bản thân”. - Lê Hoàng chia sẻ.

Giám khảo chương trình truyền hình thực tế đang trở thành công việc hấp dẫn trong giới giải trí khi ngày càng nhiều chương trình truyền hình thực tế được tổ chức sản xuất và giám khảo là một nhân tố quan trọng để chương trình thu hút khán giả.

Thù lao hàng trăm triệu đồng

Nếu mức thù lao của các celeb (người nổi tiếng) được mời vào vị trí “ghế nóng” (huấn luyện viên, giám khảo) như Christina Auguilera của The Voice, Britney Spears trong The X Factor hay Mariah Carey của American Idol, luôn được công khai trên các phương tiện truyền thông thì ở Việt Nam, mức thù lao cho giám khảo bị giấu nhẹm vì nhiều lý do.

Tuy nhiên, những thông tin về mức thù lao của giám khảo từ 100 triệu đến 500 triệu đồng tùy theo danh tiếng của nghệ sĩ và tùy theo chương trình mà nghệ sĩ tham gia vai trò giám khảo, huấn luyện viên vẫn được người trong giới truyền tai nhau. Theo đó, thù lao của huấn luyện viên chương trình truyền hình thực tế Giọng hát Việt được cho là cao nhất hiện nay. Các huấn luyện viên như Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng được nhận mức thù lao cao nhất khi ngồi “ghế nóng” huấn luyện viên cho Giọng hát Việt mùa đầu tiên.

Đàm Vĩnh Hưng - Hồ Ngọc Hà trong vai trò giám khảo một chương trình truyền hình thực tế.

Đội hình huấn luyện viên của chương trình Giọng hát Việt mùa thứ 2 gồm: Mỹ Linh, Hồng Nhung, Quốc Trung và Đàm Vĩnh Hưng đã sớm tạo nên sức hút mạnh mẽ cho chương trình. Điều này bắt nguồn từ chính tên tuổi và vị thế của họ trên thị trường âm nhạc hiện nay. Dù không tiết lộ số tiền thù lao được trả nhưng ca sĩ Mỹ Linh thừa nhận: “Ban tổ chức đã trả cho tôi mức thù lao tạm gọi là “khủng”" .

Và không cần phải nói thì ai cũng tin, ban tổ chức đã phải bỏ ra một số tiền rất lớn để có được những tên tuổi này vào vai trò huấn luyện viên của chương trình. Nhạc sĩ Quốc Trung cho hay: “Đó phải là mức thù lao thỏa đáng cho công sức, thời gian mà bản thân tôi bỏ ra cho chương trình. Không thể nói đó là bao nhiêu nhưng với tôi, đủ để bảo đảm cuộc sống mà tôi mong muốn”.

Thậm chí, thù lao của một giám khảo không chỉ dừng lại ở mức vài trăm triệu đồng. Để mời được Hồ Ngọc Hà tham gia chương trình với vai trò giám khảo, ban tổ chức cuộc thi nhảy Centaur Dance Showdown cho biết họ đã phải chi một khoản tiền không nhỏ để trả thù lao cùng những điều kiện làm việc tối ưu mới thuyết phục được cô nhận lời. Tuy cả ban tổ chức và nữ ca sĩ đều từ chối tiết lộ số tiền thù lao nhưng một nguồn tin riêng cho biết thù lao mà Hồ Ngọc Hà nhận được lần này lên đến gần cả tỉ đồng.

Không chỉ vì cát-sê

Đạo diễn Lê Hoàng khẳng định: “Xin thề là thù lao của giám khảo Lê Hoàng trong các chương trình truyền hình thực tế chưa được một nửa so với con số 300 triệu đồng như thiên hạ đồn thổi. Thế nhưng, dù có 100 triệu đồng hay 500 triệu đồng cũng hoàn toàn xứng với vị trí của mỗi người. Nếu thật sự Đàm Vĩnh Hưng nhận được 500 triệu đồng thù lao khi ngồi nghế giám khảo Giọng hát Việt thì đem số tiền đó chia đều cho 20 live show (số lượng live show trung bình của các chương trình truyền hình thực tế), Đàm Vĩnh Hưng chỉ được nhận 25 triệu đồng/đêm, tương đương với 1/5 tiền cát-sê mà anh ta được nhận trong mỗi sô diễn của mình trên sân khấu ca nhạc. Vậy số tiền Đàm Vĩnh Hưng nhận khi làm giám khảo cũng đâu có cao gì”.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng khẳng định số tiền cát-sê anh nhận khi làm giám khảo không nhiều như lời đồn. Anh cho rằng: “Làm huấn luyện viên cho Giọng hát Việt mất rất nhiều thời gian và thậm chí phải bỏ sô diễn. Tôi nhận lời không chỉ vì tiền”. Ca sĩ Thu Minh và ca sĩ Tùng Dương (từng làm giám khảo cho Sao Mai Điểm hẹn) cũng khẳng định như thế.

Một trong những lý do để hầu hết các  nghệ sĩ tham gia vai trò giám khảo hay huấn luyện viên là công việc có hứng thú với mục đích của họ hay không. Nhạc sĩ Quốc Trung nói: “Vai trò giám khảo tôi từng trải qua ở Vietnam Idol hay chuẩn bị làm ở Giọng hát Việt chính vì mục đích nuôi dưỡng nghề nghiệp của mình. Tôi nuôi mộng đóng góp sức mình vào đời sống nhạc Việt bằng cách tạo nên một thế hệ nghệ sĩ mới thực tài thích hợp với đời sống âm nhạc hiện đại. Với vị trí giám khảo, tôi có thể gần gũi, giúp đỡ và tạo ảnh hưởng đến những giọng ca trẻ là thí sinh bằng những kinh nghiệm, hiểu biết của tôi. Chính công việc ban giám khảo hay huấn luyện viên bắt mình dành thời gian theo sát thí sinh  nên việc tuyển chọn một nghệ sĩ đúng ý mình hay cho công ty kinh doanh nghệ thuật cũng sẽ thuận tiện hơn rất nhiều".

Ca sĩ Thu Minh nói: “Giám khảo là người tương tác trực tiếp với thí sinh nên họ phải có nhiệm vụ khơi dậy cá tính của thí sinh. Và đây chính là lúc các nghệ sĩ (với vai trò bầu sô) có thể tìm cho mình một giọng ca ưng ý”.

Bên cạnh những cái được dễ thấy, với đạo diễn Lê Hoàng, làm giám khảo còn có cái được lớn hơn là “hiểu thấu đáo về nghệ sĩ”. Ông nói: “Qua vài mùa làm giám khảo, tôi thấy câu hát trong bài hát Tôi muốn của nhạc sĩ Lê Hựu Hà: “Tôi muốn mọi người biết thương nhau” chắc chẳng bao giờ xảy ra. Số điểm tôi cho nghệ sĩ thí sinh là cái mọi người có thể thấy nhưng những nhận định, đánh giá trong lòng tôi về họ mới quan trọng. Nhiều khi chỉ là những con số ở một cuộc chơi nhưng nghệ sĩ lại để lộ rõ bản chất tham, sân, si tầm thường. Tôi hiểu nhiều điều hơn về cuộc sống khi ở vai trò giám khảo. Đấy là cái được lớn nhất”.

Tất nhiên, có một cái lợi khác mà người tham gia vai trò này thường hay né tránh, đó là dịp “đánh bóng tên tuổi”. Được ngồi vào ghế giám khảo, nghệ sĩ cũng chứng tỏ đẳng cấp của mình. Như nhạc sĩ Quốc Trung từng tâm sự, bao nhiêu năm anh sáng tác, sản xuất âm nhạc nhưng công chúng không mấy người biết mặt, đến khi anh ngồi vào ghế nóng chương trình Vietnam Idol thì khán giả cả nước đều biết đến anh.

Chấp nhận “mất điểm”

Làm giám khảo cho một chương trình truyền hình thực tế dù muốn hay không họ cũng trở thành diễn viên của một kịch bản đã được dàn dựng. Các giám khảo thường được phân vai nhằm tạo nên sự kịch tính để bảo đảm yếu tố thu hút khán giả của các chương trình. Đạo diễn Lê Hoàng nói: “Nói bậy bạ hay cho điểm thiếu công bằng sẽ làm cho cá tính mỗi người bị giảm đi trong mắt công chúng. Chính vì vậy, rủi ro lớn nhất của giám khảo chính là tự đánh mất bản thân”.

Ngoài những cái mất dễ thấy như chia sẻ của nhạc sĩ Quốc Trung: “Tập trung cho công việc giám khảo, mọi kế hoạch khác bị ách tắc và bị ca sĩ ghép cho biệt danh “rùa bò” khi hợp tác cùng họ trong các dự án âm nhạc”, đánh mất mình là thiệt hại lớn mà những người nổi tiếng phải chấp nhận khi tham gia ngồi ghế “nóng” chương trình truyền hình thực tế.

 Theo NLĐ

Xem thêm tại đây: Giọng hát việt - The voice