Giới trẻ \"sốt xình xịch\" với nghề phiên dịch hội chợ

Chỉ cần vốn ngoại ngữ khá và khả năng giao tiếp tốt, bạn hoàn toàn có thể làm một phiên dịch viên tại những hội chợ quốc tế sôi động.

Công việc nhàn hạ, thù lao xứng đáng

Do xu thế hội nhập của nước ta nên những hội chợ quốc tế được tổ chức ngày càng nhiều. Mỗi doanh nghiệp thuê một gian hàng để trưng bày, giới thiệu sản phẩm và vì thế, nhu cầu nhân lực bán thời gian, biết ngoại ngữ để hỗ trợ cho họ giao tiếp với người bản địa hoặc giúp đỡ những việc lặt vặt khá cao.

Hoàng Oanh (SV năm 2 ĐH Hùng Vương) đã có kinh nghiệm làm việc hơn 10 hội chợ quốc tế ở TPHCM cho biết: “Trung bình khoảng 1-2 tháng mình sẽ có một “sô” làm phiên dịch hội chợ. Lần đầu tiên đi làm, mình rất sợ vì tiếng Anh của mình không tốt lắm và công ty mình làm là bán… máy tiện. Dù đã xem tài liệu công ty gửi cho nhưng lúc làm mình vẫn còn “khớp”, phải được ông chủ huấn luyện nửa buổi về từ chuyên ngành mới có thể… tạm nói chuyện lưu loát được”.

Quang cảnh một hội chợ quốc tế, nơi nhiều bạn đang làm phiên dịch viên

Theo như Hoàng Oanh cho biết thì phần lớn công việc của các phiên dịch viên hội chợ là… nói tiếng Việt, giới thiệu sản phẩm của công ty với khách tham quan người Việt. Chỉ khi họ không biết nói ngoại ngữ và muốn hỏi ông chủ thêm về sản phẩm thì các phiên dịch viên mới “có việc” để làm. Nhìn chung, công việc của phiên dịch viên vẫn chủ yếu là: giới thiệu sản phẩm, phát catalogue, xin danh thiếp của khách tham quan…

Với loại hình công việc này, mức lương trung bình là 25USD/ngày từ sáng đến chiều (8h làm việc) nếu thông qua các công ty nhân sự hoặc ban tổ chức. Thường thì 1 hội chợ diễn ra trong 3-4 ngày nên số tiền các bạn có thể kiếm được sau mỗi “sô” là không hề nhỏ.

Nguyễn Hà (SV năm 3 ĐH KHXH & NV) mách: “Mối quan hệ rộng là điều cần thiết để bạn có được công việc. Nhóm làm phiên dịch hội chợ chúng mình biết đến công việc này qua nhiều con đường khác nhau. Có bạn “rải” CV ở các trang web việc làm trực tuyến chuyên về bán thời gian, thời vụ và may mắn được một công ty nhân sự liên hệ. Có bạn được bạn bè hoặc thầy cô giới thiệu”. Cùng theo bạn ấy, nếu bạn làm công ty hài lòng thì năm sau có cơ hội dự tiếp hội chợ. Họ sẽ gọi điện trực tiếp mời mình đi làm việc và mức lương dĩ nhiên sẽ cao hơn.

Gian nan cũng nhiều

Ngồi trong phòng máy lạnh, được rèn khả năng giao tiếp và ngoại ngữ với mọi người, lại được trả lương cao, nhiều người nghĩ rằng công việc của các phiên dịch viên hội chợ rất nhàn hạ. Tuy nhiên, để có thể học được những kinh nghiệm quý giá thì các bạn ấy cũng phải trải qua những chuyện “dở khóc dở cười”.

Nguyễn Hà nhớ lại những tình huống bất ngờ xảy ra: “Có một lần mình làm cho một công ty Đài Loan, ông chủ bảo mình phải… đi lòng vòng hội chợ và phát hết 3 thùng catalogue/ngày và xin hết danh thiếp của khách. Nghe xong là cũng thấy choáng váng rồi nhưng vẫn phải cố gắng làm. Ngoài ra, các ông chủ người Ấn Độ hoặc Trung Quốc khá khắt khe trong việc tuyển người, họ thường sa thải ngay phiên dịch viên nếu không vừa ý về giọng nói, kiến thức hay thậm chí… sắc đẹp ngay sau khi gặp vài phút. Mình đã chứng kiến 3 bạn bị cho về”.

Tiếp xúc với nhiều người, những phiên dịch viên này còn trải qua những nỗi buồn... không tên. Hoàng Oanh bộc bạch: “Gian nan nhất của chúng mình là phải đứng suốt 8 tiếng đồng hồ mà miệng vẫn phải cười thật tươi với khách tham quan, cũng như sẵn sàng giải thích mọi câu hỏi của họ. Có lần một bác ăn mặc rất nghiêm chỉnh, trí thức đến hỏi sản phẩm của quầy mình. Mình chưa kịp trả lời thì bác ấy đã cười khinh khỉnh: “Quên mất! Làm bán thời gian thì biết gì mà đáp!” rồi quay lưng đi mất. Lần mới nhất, một chú còn vừa nhếch môi vừa nói vào mặt mình: “Không biết thì đi về đi!” khi mình không nói ra được từ chuyên ngành tiếng Việt của sản phẩm. Lần nào mình cũng thất vọng vì cách đối xử của những cô chú trong nghề khi họ biết đó không phải chuyên môn của mình”. 

Những bài học không có ở giảng đường

Thúy Lan (SV năm 2 ĐH Ngoại Thương) hớn hở khi kể về lần đầu làm phiên dịch hội chợ của mình: “Chỉ mới làm lần đầu tiên nhưng mình đã phát hiện ra rất nhiều lỗi trong cách phát âm, cách dùng từ tiếng Anh của mình. Ông chủ mình khó tính lắm nên “chỉnh” ngay khi phát hiện sai. Được người bản xứ sửa lỗi cho là một cơ hội không dễ có đâu”. Còn Ngọc Hoa thì tỏ ra “lão làng”: “Nhờ làm công việc này mà mình có nhiều bạn nước ngoài, biết được những văn hóa rất lạ của nhiều nước, giúp mình học được cách chào hỏi, nói chuyện, đối xử như thế nào cho họ vui lòng. Điều này rất có ích cho ngành học quản trị khách sạn của mình mà trong sách vở không hề có”.

Và không chỉ ngoại ngữ, văn hóa, khả năng xử lý tình huống khi “bí” từ, “bí” kiến thức là điều mà các phiên dịch viên hội chợ đã lĩnh hội được chỉ sau vài ngày, giúp các bạn phát triển kĩ năng mềm khá hiệu quả. 

Nếu bạn muốn thử công việc thú vị này, hãy chuẩn bị ngay một CV với vốn ngoại ngữ thuyết phục và gửi lên các trang web việc làm, hoặc nhờ thầy cô dạy ngoại ngữ giúp đỡ nhé!

Theo TI

  • Chọn Đại học hay trường nghề?

    Học đại học để có tấm bằng ra trường hay học một nghề thành thạo giúp mình có cuộc sống ổn định, làm lợi cho xã hội?

  • Kiếm 7 học bổng, chàng trai Đà Nẵng du học khắp Á Âu

    Sinh năm 1993, Nguyễn Hoàng Duy Phương đã sở hữu một tấm bằng cử nhân ở Nhật Bản và hiện đang theo học chương trình thạc sĩ hai văn bằng ở Đan Mạch. Điều đáng nể là suốt 6 năm học tập ở xứ người, Phương đều nhận đạt được nhiều thành tích xuất sắc và những suất học bổng giá trị.

  • Những cạm bẫy phòng trọ đối với tân sinh viên

    Đầu năm học là thời điểm có rất nhiều tân sinh viên nhập học. Đây cũng chính là cơ hội cho những kẻ xấu lợi dụng.

  • Bạn có phải là người thông minh hơn mình nghĩ?

    Thông minh không chỉ gói gọn trong việc hiểu biết kiến thức sách vở hay thông thạo một lĩnh vực học thuật nào đó. Vì vậy kể cả khi bạn không cảm thấy mình thông minh, hãy đọc những dấu hiệu dưới đây để thấy rằng bạn có thể thông minh hơn mình nghĩ!