Nhằm nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường, Sở GD Hà Nội yêu cầu các trường thực hiện đúng quy định về việc quản lý học sinh sử dụng đúng điện thoại di động và thiết bị ghi âm ghi hình trong lớp học.
Tùy thực tế, các lớp sẽ quản lý điện thoại trước khi vào tiết học đầu tiên và gửi lại học sinh sau giờ tan trường. Học sinh sẽ được dùng điện thoại để học tập nếu giáo viên cho phép.
Trên đây là một trong những yêu cầu tại văn bản mới nhất, ban hành chiều 11/10 của Sở GD&ĐT về việc quản lý, sử dụng điện thoại trong nhà trường.
Văn bản nêu rõ, qua theo dõi thực tế, phản ánh của các cơ quan báo chí và dư luận xã hội về việc sử dụng điện thoại di động, các thiết bị thu, phát sóng trong nhà trường còn nhiều vấn đề bất cập, tồn tại, hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác dạy và học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Để chấn chỉnh và khắc phục tình trạng này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, các hiệu trưởng và cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy định sử dụng điện thoại di động mà Bộ GD&ĐT đã ban hành ngày 15/9/2020.
Theo đó, tùy điều kiện thực tế, Ban Giám hiệu và các giáo viên nhà trường quản lý điện thoại và các thiết bị thu, phát sóng của học sinh trước khi vào tiết học đầu tiên (quản lý theo từng lớp học) và gửi lại điện thoại, thiết bị thu, phát sóng cho học sinh sau giờ tan trường, tan lớp.
Trong các tiết học cần đến việc sử dụng điện thoại di động, các thiết bị thu, phát sóng và được giáo viên cho phép, học sinh được phép mang điện thoại di động và thiết bị thu, phát sóng vào lớp học để sử dụng.
Sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị không được để xảy ra tình trạng học sinh dùng điện thoại trên lớp nhưng không phục vụ học tập và không được giáo viên cho phép.
Để thực hiện được quy định này, theo Sở GD&ĐT Hà Nội, cần gia đình và phụ huynh học sinh đồng hành cùng thầy cô và nhà trường trong việc quản lý, nhắc nhở học sinh sử dụng điện thoại di động và các thiết bị ghi âm, ghi hình khác sao cho đúng mục đích ở trường học.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay, đây là nội dung trọng tâm của ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô nhằm nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường trên địa bàn.
Sở yêu cầu các nhà trường thực hiện theo đúng quy định Bộ GD&ĐT đưa ra tại Thông tư số 32, ngày 18/12/2020, về việc quản lý học sinh sử dụng đúng điện thoại di động và thiết bị ghi âm ghi hình trong lớp học.
Theo quy định này, Bộ GD&ĐT cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp học để hỗ trợ hoạt động học do giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học quyết định; được giáo viên hướng dẫn cụ thể trong các hoạt động đã được thiết kế trong kế hoạch bài dạy sao cho không yêu cầu tất cả học sinh phải có điện thoại để sử dụng và bảo đảm yêu cầu phù hợp với nội dung học tập.
"Giáo viên thông báo cụ thể yêu cầu học sinh chỉ được sử dụng điện thoại như là một thiết bị hỗ trợ hoạt động học và những điều học sinh không được làm khi sử dụng điện thoại trên lớp, trong giờ học", thông tư 32 của Bộ nêu.
Được biết, năm học 2024- 2025, nhiều quốc gia trên thế giới "tuyên chiến" mạnh mẽ với việc học sinh dùng điện thoại trong giờ học như: Hà Lan, Hy Lạp, Đan Mạch, Hungary, Anh...
Trước đó, Trung Quốc, Hàn Quốc cũng từng cấm học sinh dùng điện thoại trong lớp học.
Theo Báo Dân Trí
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa khẳng định không có chủ trương giao Trung tâm Khảo thí quốc gia và đánh giá chất lượng giáo dục xây dựng bài thi V-SAT để các trường sử dụng chung trong công tác tuyển sinh đại học.
Ngày 15/11, NEU - trường Đại học Kinh tế quốc dân đã chính thức thành Đại học. Là 1 trong 9 Đại học trên cả nước.
Lịch nghỉ tết nguyên đán Ất Tỵ 2025 của các trường Đại học đã và đang được công bố đến sinh viên. Dưới đây là lịch nghỉ tết âm lịch 2025 dành cho sinh viên của các trường Đại học phía Bắc và phía Nam.
Thi đánh giá năng lực 2025 là thi môn gì, gồm mấy môn, đánh giá năng lực thi những môn nào là thắc mắc của rất nhiều bạn học sinh 2K7 - lứa học sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Các em tham khảo ngay dưới đây để có định hướng học và ôn tập nhé.