Hà Nội đảm bảo an toàn và nghiêm túc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013

“Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013, Hà Nội sẽ đẩy mạnh việc phối hợp với an ninh vòng ngoài để đảm bảo không có bài đưa từ trong ra ngoài hoặc từ ngoài đưa vào”, ông Nguyễn Hiệp Thống-Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết.

 

Đó là quan điểm của ông Nguyễn Hiệp Thống - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội xung quanh việc dự luận đang đặc biệt quan tâm đến việc kì thi tốt nghiệp THPT năm nay, Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh được mang thiết bị ghi âm, thu hình không có chức năng thu phát tín hiệu hoặc hiển thị trực tiếp vào phòng thi.

Thưa ông, vậy công tác giám sát kì thi năm nay của Hà Nội sẽ như thế nào để đảm bảo không phát sinh tiêu cực từ quy định mới của Bộ GD-ĐT?

Trước hết tôi phải nhấn mạnh, Hà Nội lâu nay vẫn là địa phương tổ chức thi cử nghiêm túc. Kì thi tốt nghiệp THPT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành nhằm đánh giá chất lượng giảng dạy cũng như kiến thức của học sinh sau 12 năm ăn học. Chính vì thế, công tác đảm bảo cho kì thi an toàn và nghiêm túc luôn được các cấp, các ngành liên quan đặc biệt quan tâm.

Năm nay Hà Nội sẽ đẩy mạnh việc phối hợp với an ninh vòng ngoài để đảm bảo không có bài đưa từ trong ra ngoài hoặc từ ngoài đưa vào. Đảm bảo khoảng cách giữa các vòng giám sát, nghiêm cấm việc bỏ vị trí hoặc đứng sai vị trí đã quy định. Nghĩa là, lực lượng an ninh bên ngoài không được phép tiếp cận vào khu vực thi.


Ông Nguyễn Hiệp Thống - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội 

Quy định mới của Bộ GD-ĐT là nhằm tăng sự giám sát của xã hội đối với kì thi tốt nghiệp THPT. Lâu nay, trong phòng thi diễn ra như thế nào chỉ có học sinh (HS) và cán bộ coi thi (CBCT) biết và chỉ có CBCT giám sát HS. Với quy định mới này, HS cũng có thể giám sát CBCT nên buộc họ phải làm nghiêm túc hơn. Đây là một chủ trương đúng và đáng hoan nghênh. Mục tiêu cuối cùng của chúng ta hướng đến là chống tiêu cực trong thi cử.

Nhiều người lo lắng, việc cho HS mang thiết bị ghi âm, thu hình vào phòng thi có thể sẽ phát sinh tiêu cực. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, nếu chúng ta tổ chức thi nghiêm túc thì không cần phải quan tâm đến việc HS mang những thiết bị gì vào phòng thi. Đề thi có thể bị “lọt” ra ngoài bởi thiết bị công nghệ cao nhưng để đưa vào và HS sử dụng được không phải là chuyện đơn giản vì Bộ đã cấm thiết bị có màn hình và còn có sự giám sát của CBCT nữa. Chỉ cần CBCT tập trung và làm hết trách nhiệm thì tất cả những hành vi gian lận trong phòng thi đều có thể ngăn chặn được.

Việc cho HS tham gia phản ánh tiêu cực là điều tốt nhưng mọi thứ phải tuân thủ đúng theo quy chế thi. Nghĩa là các em không được phép làm mất trật tự hoặc gây ảnh hưởng đến các bạn khác. Hà Nội cũng yêu cầu các Hội đồng coi thi giám sát chặt chẽ đối với các trường hợp HS ra sớm, nếu phát hiện có sử dụng các thiết bị ghi âm, thu hình thì phải yêu cầu nộp lại để niêm phong, sau khi kết thúc môn thi sẽ trả lại cho HS. Việc làm này nhằm mục đích tránh đề thi lọt ra ngoài khi chưa hết giờ làm bài, tuân thủ đúng theo quy chế thi tốt nghiệp THPT.

Hàng năm cứ đến sát ngày thi thì tình trạng bày bán “phao thi” lại rộ lên gây bức xúc cho dư luận. Năm nay Hà Nội sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?

Trong cuộc họp giao ban, UBND Thành phố đã yêu cầu các Hội đồng coi thi, UBND các quận huyện phối hợp để yêu cầu các cửa hàng ký cam kết không phô- tô tài liệu liên quan đến kì thì tốt nghiệp THPT cho HS. Đây là cách giải quyết tốt nhất, bởi đôi khi HS làm đề cương ra cửa hàng phô -tô để cho bạn bè cùng học, khi thấy đề cương hay họ phô-tô thành nhiều bản để bán cho các em HS khác có nhu cầu. Do đó, việc đưa ra cam kết sẽ khắc phục được bất cập này.

Có một thực tế thường diễn ra ở mỗi kì thi đó là tình trạng HS vẫn ôn bài ngay cả trước khi vào phòng thi. Để hệ thống kiến thức và ôn tập cho nhanh các em thường ghi chép tóm tắt, có khi là ghi trên những cuốn sổ hay bản giấy khổ nhỏ, điều đó không sai. Nhưng có điều khi giám thị gọi vào phòng thi các em có thể vội vàng không kịp cất gọn hoặc cũng vứt vương vãi trên sân trường. Chính vì thế, lâu nay các trường vẫn phải tổ chức nhân viên thu dọn để tránh sự hiểu nhầm. Tuy nhiên, đôi khi báo chí ghi được các hình ảnh này thì lại cho đó là “phao thi”. Điều này cũng tương tự khi HS kết thúc môn thi, các em có thể lấy các ghi chép của mình để đối chiếu với kết quả làm bài.

Do đó khi chúng ta nói trường này hay trường kia có HS sử dụng “phao thi” cần phải kiểm tra cho rõ để tránh dư luận xã hội hiểu nhầm.
 

Năm nay Hà Nội có 76.232 thí sinh đăng ký dự thi với 3.214 phòng thi, 81 cụm trường.

Ngoài việc tăng cường giám sát kì thi thì công tác thanh tra cũng rất quan trọng. Năm nay công tác này ở Hà Nội sẽ được triển khai như thế nào?

Về việc kiểm tra cơ sở vật chất thì Hà Nội đã thành lập 18 đoàn kiểm tra và đã hoạt động cách đây từ 1 tháng. Còn về thanh tra thi thì Sở cũng đã có quyết định thành lập các đoàn để chỉ đạo thi và đưa thanh tra đến cắm chốt tại tất cả các điểm thi. Bên cạnh đó Ban giám đốc Sở cũng sẽ thành lập 5 đoàn để kiểm tra bảo vệ đề, 5 đoàn kiểm tra lưu động trong khi thi. Quan điểm của Hà Nội là các đoàn phải kiểm tra được tất cả các điểm thi.

Về việc tăng cường thêm thanh tra thì Sở sẽ xem xét từng trường hợp để bố trí khi cần. Hà Nội nhiều năm qua không có “điểm nóng”, chỉ có những điểm cần chú ý hơn như có hộ dân, có công trường xây dựng trong trường thi…

Như vậy Hà Nội đã sẵn sàng cho kì thi tốt nghiệp năm nay thưa ông?

Đúng như vậy. Thời điểm hiện tại mọi khâu chuẩn bị cho kì thi đã hoàn tất. Năm nay Hà Nội có 76.232 thí sinh đăng ký dự thi với 3.214 phòng thi, 81 cụm trường. Tổng cộng có 154 Hội đồng thi với đội ngũ tham gia khoảng 10.000 người. Việc tổ chức thi theo cụm đảm bảo không để học sinh đi quá xa 10 km, điều này tạo điều kiện cho thí sinh có thể về nhà nghỉ ngơi để có trạng thái tốt nhất khi làm bài thi.

Về phía HS thì Sở cũng đã có chỉ đạo các trường quan tâm phụ đạo các em yếu kém, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó phổ biến quy chế thi, nói rõ quyền lợi trách nhiệm của thí sinh để các em có tâm lý tốt nhất. Các trường cũng có trách nhiệm trao đổi với phụ huynh để nhắc nhở con em đến trường dự thi đúng thời gian quy định tránh những điều đáng tiếc xảy ra.

Một trong những vấn đề mà UBND thành phố đặc biệt quan tâm và đã chỉ đạo sát sao đó là ổn định việc cung cấp điện trong những ngày thi. Với việc thời tiết nắng nóng như những ngày qua thì các phòng thi ít nhất phải bố trí quạt mát cho thí sinh. Ngoài ra, mỗi trường có ít nhất một máy phát điện để dự phòng…

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hùng (DT)

 

Xem thêm tại đây: Điểm thi tốt nghiệp THPT
  • Những lưu ý về vi phạm quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2013

    Chuẩn bị thật tốt về mặt kiến thức nhưng thí sinh cũng cần đặc biệt lưu ý những thay đổi về quy định, quy chế để không bị rơi vào tình huống vô tình phạm quy phải bỏ lỡ kỳ thi.

  • Những điều cần lưu ý đối với thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2013

    Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013, bên cạnh việc trang bị kiến thức, thí sinh cũng cần lưu ý đến những quy định của Bộ GD&ĐT, tránh những sai sót đánh tiếc.

  • Lịch thi đánh giá năng lực 2025 - Mới nhất

    Những kỳ thi ĐGNL được tổ chức trong năm 2025 tiếp tục gia tăng cơ hội xét tuyển vào các trường đại học bên cạnh việc xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Lịch thi ĐGNL, đánh giá tư duy 2025 sẽ vào tháng mấy? Bao giờ thì có thể đăng ký thi đánh giá năng lực năm 2025? Thời gian thi đánh giá năng lực 2025 được cập nhật mới nhất dưới đây.

  • Địa điểm tổ chức đánh giá năng lực 2025

    Kỳ thi ĐGNL Đại học Quốc gia Hà Nội, ĐHQG TPHCM, Đại học Bách Khoa, Đại học Sư Phạm Hà Nội, ĐH Sư Phạm TPHCM, Bộ Công An và các trường đại học tổ chức thi V-SAT năm 2025 sẽ được tổ chức ở đâu? Các đợt thi sẽ có những điểm thi nào?

  • Thời gian đăng ký thi đánh giá năng lực ĐHQG TPHCM năm 2025

    Năm 2025, kỳ thi ĐGNL của Đại học Quốc gia TPHCM dự kiến sẽ được tổ chức làm 2 đợt diễn ra từ tháng 3 đến tháng 6. Vậy thời gian để thí sinh đăng kí ca thi sẽ diễn ra vào thời gian nào? Chi tiết cụ thể được đăng tải bên dưới.