Hài Tết 2013: Kể lại tích xưa

Trong khi ở thị trường phía Nam sôi động với mùa phim tết thì những năm gần đây, các hãng băng đĩa phía Bắc đổ xô vào làm hài tết. Có lẽ do khá bí kịch bản đầu vào nên nhiều đĩa hài chọn cách đào bới lại các tích chuyện xưa.

Ăn mòn dân gian

Điểm khoảng trên dưới 10 đĩa hài Tết 2013 đã xuất hiện trên thị trường tính đến thời điểm này, có thể thấy khá nhiều kịch bản tìm lại những chuyện tiếu lâm, cốt truyện dân gian như kiểu "Chiếc gương của giời", "Không hề biết giận", "Ba gã keo kiệt và những chiêu giả vờ say đỉnh nhất"... Việc khai thác cốt truyện dân gian rồi làm mới thêm một chút là cách làm dễ nhất cho nhà sản xuất, tuy nhiên, với khán giả, yếu tố bất ngờ hoàn toàn không còn nữa.

Chiến Thắng, Hiệp vịt nhảy Gangnam Style trong "Vua hài xài nhạc chế".

Khá nhiều khán giả trông đợi "Chiếc gương của giời" với sự xuất hiện của NSND Hồng Vân và NSƯT Xuân Hinh nhưng cuối cùng, họ gần như bị... chưng hửng khi gặp cái kết nhạt toẹt. Còn tiểu phẩm "Không hề biết giận" thì nếu ai đã đọc truyện "Phú ông kén rể" trong kho tàng truyện cười dân gian, cũng đã biết trước toàn bộ tình tiết sẽ diễn ra từ đầu đến cuối. Có vẻ như kịch bản hài về đề tài đương đại đang ngày một khó kiếm, qua nhiều năm, hài tết vẫn chỉ quanh quẩn mấy đề tài: Nông dân lên phố, hàng xóm cãi nhau, con rể cù cưa bố vợ phải đấm, con dâu mẹ chồng mâu thuẫn, chồng ăn chả vợ ăn nem...

Đạo diễn Lương Đình Dũng - người chịu trách nhiệm 2 đĩa hài Tết 2013 của Tứ Vân Media cho biết: "Kịch bản hài khác với kịch bản của những bộ môn khác, quan trọng nhất vẫn là ý tưởng và thường chỉ gói gọn từ 8-10 trang, còn lại, khi ra đến trường quay, đạo diễn, diễn viên buộc phải đắp vào cái phần "cốt" ấy những thứ đặc sản của riêng họ, với đạo diễn mà mảng miếng, với các nghệ sĩ là cái duyên diễn hài, những chiêu trò. Vì thế, tiền trả cho một ý tưởng kịch bản hài chỉ cao nhất là vài chục triệu đồng chứ không thể cao hơn".

Lại chọc cười nông dân

Ngoài những đĩa hài lấy bối cảnh nông thôn như "Kỳ phùng địch thủ", "Thầy già con hát trẻ", "Tìm vợ mất tích" thì "Đại gia chân đất" năm nay đã ra đến phần thứ 3 vẫn kiên trì với lối kể chuyện chọc cười nông dân. Trong "Kỳ phùng địch thủ", khán giả sẽ được chứng kiến cuộc đối đầu giữa ông quan làng với lão chánh tổng do Vượng Râu, Quang Tèo thủ vai cùng màn đấu khẩu chua ngoa, đanh đá của mụ chủ quán Thanh Ngoan.

"Đại gia chân đất" kể về cuộc phiêu lưu đi tìm "của lạ" của hai ông thông gia là ông Tích và ông Sự, từ nông dân phất lên nhờ bán đất, cả hai biến thành những trọc phú đua đòi. Chuyện bắt đầu từ một mảnh báo rách trên đó in bài về hai đại gia Sài Gòn và đường dây hoa hậu bán dâm, thế là hai "đại gia chân đất" bắt đầu quá trình trốn vợ, thó của cải trong nhà đi thâm nhập vào chốn ăn chơi. Ngoài diễn xuất khá có nghề của nghệ sĩ Trung Hiếu, diễn viên hài Quang Tèo vẫn bê nguyên xi cách diễn của những tiểu phẩm đã từng xuất hiện nhàm chán trên các chương trình truyền hình với Giang còi cách đây đã rất nhiều năm.

Ngoài các sản phẩm đĩa hài bán trên thị trường, phim hài "Cụ tổ hiển linh" được coi như "con át chủ bài" trong mùa băng đĩa hài cuối năm nay của Thăng Long Audio Visual. Phim có sự tham gia của các nghệ sĩ hai miền Nam- Bắc như Văn Hiệp, Phạm Bằng, Công Lý, Kim Xuyến, Tiến Minh, Nhật Cường, Quốc Thuận...

Bắt đầu từ một vài năm nay, nghệ sĩ Vượng râu trở thành một "đại gia" mới nổi trong làng hài tết phía Bắc, năm 2013 này, anh vừa tổ chức viết kịch bản, làm đạo diễn và kiêm luôn nhà sản xuất khi tuyên bố bỏ tiền tỷ ra đầu tư làm cũng lúc 2 đĩa hài. Tuy nhiên, công thức hài của Vượng râu qua nhiều năm vẫn không có gì mới hơn là loanh quanh chuyện nhạc chế, giả gái, chành chọe cãi nhau. Năm nay, Vượng râu lập kỷ lục khi tham gia tới 4 vai: Một chàng trai, một cô gái, một ông thầy dạy hát nhạc dân tộc già và một lão chánh tổng.

Nghệ sĩ hài Chiến Thắng năm nay góp mặt trong 2 tiểu phẩm hài, ngoài màn nhảy Gangnam Style với Hiệp "vịt" trong "Vua hài xài nhạc chế", anh tiếp tục phát huy sở trường tấu hài xuất khẩu thành thơ trong "Khi vợ có bồ". Kiểu như vừa ngồi rửa bát, Chiến Thắng vừa "kê khai tài sản" trong nhà một cách... chẳng liên quan bằng màn đọc vanh vách: "Sát tường kê một cái giường, gần cửa sổ là cái gương đã mờ, nóc tủ đặt mấy tập thơ, phía trên hơn nữa bàn thờ tổ tiên. Ti vi mua chợ Long Biên, cái xe đạp cũ mua của con Hiền bán rau".

Như một món ăn đến hẹn lại lên, thị trường hài tết bao giờ cũng rất sôi động ở thị trường phía Bắc, cũng như mùa phim tết ở thị trường phía Nam. Tuy nhiên, vì nguồn kịch bản khan hiếm, diễn viên phần lớn đã quen mặt và đề tài thì không có nhiều đột phá, có thể dự đoán trong một vài năm nữa, hài tết sẽ khó mà tiếp tục chiếm được tình cảm của đông đảo tầng lớp khán giả bình dân như hiện nay.

 

Xem thêm tại đây: Phim tết 2013
  • Hài tết Xuân Hinh - Hồng Vân 2013

    Hài tết Xuân Hinh 2013, hài tết hồng vân 2013 là những từ khóa đang rất được quan tâm tết 2013. \"Cặp bài trùng\" của làng hài sẽ tiếp tục cùng nhau tung hứng trong hài Tết Quý Tỵ bằng hai tiểu phẩm Chiếc gương của giời và Tìm vợ mất tích.

  • Ngày ông táo về trời là ngày bao nhiêu, các nghi lễ cúng?

    Ngày ông táo về trời là ngày bao nhiêu, tục lệ cúng ông công ông táo, tục lệ tết ông công ông táo như thế nào và nguồn gốc của tết ông công ông táo có từ khi nào, ngày cúng ông Công ông Táo năm 2024 vào ngày mấy dương lịch là câu hỏi mà nhất là mỗi bạn trẻ thường hỏi mỗi dịp lễ cúng ông công ông táo.

  • Tết trung thu 2019 vào ngày mấy dương lịch?

    Trung thu năm 2019 vào ngày bao nhiêu dương lịch và trung thu là thứ mấy? Thông tin này giúp các phụ huynh cũng như giới trẻ biết được thời gian cụ thể để sắp xếp lịch đi chơi cùng người yêu hay cho các bé đi chơi trong dịp tết trung thu.

  • Lịch nghỉ tất cả các ngày lễ năm 2019: giỗ tổ Hùng Vương, 30/4, 2/9

    Giỗ tổ Hùng Vương vào thứ mấy được nghỉ mấy ngày, ngày lễ 30/4, 1/5 được nghỉ mấy ngày, dịp Quốc khánh 2/9 nghỉ mấy ngày? Lịch nghỉ tất cả các ngày lễ trong năm 2019 được thống kê đầy đủ dưới đây.

  • Thời tiết tết 2019 tất cả các tỉnh trên cả nước

    Thời tiết những ngày cuối năm, thời tiết đêm giao thừa cũng như thời tiết ngày mùng 1 tết, mùng 2, 3, 4 tết sẽ nắng hay mưa, ấm hay lạnh là điều mọi người đang rất quan tâm để chuẩn bị cho các chuyến du xuân đầu năm Kỷ Hợi này.