Vấn đề được ông John O’Rourke (Hội đồng Anh) khuyến nghị tại buổi tọa đàm “Học ngoại ngữ sớm – cơ hội và thách thức tại Việt Nam” do Việt Goethe tổ chức. Để dạy ngoại ngữ hấp dẫn và hiệu quả cần đưa ra khung tự chủ cho giáo viên, “cởi” bỏ áp lực dạy - học theo sách và loại bỏ những bài kiểm tra cứng nhắc, thiết kế các tiết học ngắn, tươi vui, sinh động…
Trẻ học được 2 ngoại ngữ cùng lúc
Theo bà Widlok (Viện Goethe Munich, Đức), trẻ em được học ngoại ngữ sớm sẽ dễ dàng nắm bắt được nhiều cơ hội hơn khi trưởng thành. Trẻ được học ngoại ngữ sớm sẽ cởi mở hơn với môi trường đa văn hóa sau này.
Tọa đàm thu hút đông đảo người quan tâm đến vấn đề học ngoại ngữ |
Học ngoại ngữ sớm đang là một xu hướng hiện tại và ngày càng được chú trọng ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
“Thực tế, các nghiên cứu não bộ cho thấy, trẻ hoàn toàn có thể học được 2 ngoại ngữ một lúc mà không bị mệt mỏi. Bộ não trẻ em có một khả năng đặc biệt dành cho việc nắm bắt ngôn ngữ và khả năng này suy giảm dần theo thời gian do các thay đổi trong quá trình phát triển não bộ. Học ngoại ngữ sớm cũng hoàn toàn không ảnh hưởng đến việc tiếp nhận ngôn ngữ mẹ đẻ của trẻ, trái lại còn mang lại nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài, làm tăng cường kỹ năng sử dụng tiếng mẹ đẻ thành thạo, phát triển khả năng phân tích và suy luận…” – bà Widlok phân tích.
Xu hướng học ngoại ngữ sớm đã được chú trọng ở châu Âu. Ở Đức, nơi dân nhập cư chiếm tới 9% dân số, việc dạy ngoại ngữ sớm cũng được triển khai rộng khắp và thành công, với những mô hình như “Vườn trẻ ngoại ngữ”.
Một trong những lý do tạo nên thành công của mô hình dạy ngoại ngữ sớm này là, các giáo viên đã linh hoạt trong phương pháp giảng dạy lấy học sinh là chủ thể trung tâm: Tạo giờ học sinh động, vừa học vừa chơi bằng cách đóng kịch, dùng con rối để giảng bài, lôi kéo phụ huynh cùng tham gia quá trình học ngoại ngữ cùng con…
Giáo viên cần chủ động
Ở Việt Nam từ lâu việc học ngoại ngữ đã rất được quan tâm, đặc biệt là tiếng anh. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Hùng (Bộ GD ĐT), việc dạy và học ngoại ngữ đang gặp những thách thức lớn như: chất lượng đội ngũ giáo viên chưa cao, phương pháp dạy chưa phù hợp, lớp học đông (khoảng 45 đến 50 người/lớp), tài liệu học tập còn rất hạn chế và thiếu môi trường học ngoại ngữ phù hợp.
“Những thách thức đó đã cản trở và triệt tiêu động lực học tập, làm mất đi sự hấp dẫn, lý thú của việc học ngoại ngữ” – ông John O’Rourke (Hội đồng Anh) đặt vấn đề.
Để giải quyết những điều này theo ông John - cần đưa ra khung tự chủ cho giáo viên, “cởi” bỏ áp lực dạy và học theo sách và loại bỏ những bài kiểm tra cứng nhắc, thiết kế các tiết học ngắn, tươi vui, sinh động. Giáo viên chủ động xây dựng môi trường trao đổi với đồng nghiệp…
Nhằm giải quyết những thách thức của việc dạy và học ngoại ngữ, Việt Nam đã có những nỗ lực thể hiện sự quyết tâm thay đổi, trong đó có việc triển khai Dự án ngoại ngữ 2020.
Dự án có nhiệm vụ xây dựng khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam bao gồm 6 bậc, tương thích với khung tham chiếu chung của Châu Âu..."Mục tiêu đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, ĐH, CĐ có thể sử dụng ngoại ngữ một cách độc lập, tự tin, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hoá.” – ông Hùng nhấn mạnh.
Quỳnh Anh (VNN)
Sáng ngày 10/7, Sở GD-ĐT TPHCM công bố điểm thi lớp 6 vào Trường THCS-THPT Trần Đại Nghĩa sớm hơn kế hoạch dự kiến 1 ngày.
Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành thuộc Đại học Sư phạm Hà Nội vừa công bố điểm chuẩn vào lớp 6 năm học 2024 - 2025. Theo đó, điểm trúng tuyển vào lớp 6 Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành là 25 điểm, trung bình hơn 8 điểm/môn.
Dưới đây là đề thi đánh giá năng lực vào lớp 6 năm học 2024 - 2025 môn Tiếng Anh trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành thuộc trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Mời các bạn tham khảo.
Dưới đây là chi tiết đề thi kiểm tra đánh giá năng lực môn Tiếng Việt tuyển sinh lớp 6 trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành (thuộc trường Đại học Sư phạm Hà Nội) năm học 2024 - 2025.