Hội nghị về công tác thi và tuyển sinh năm 2013

Bộ GD&ĐT dự kiến tổ chức hội nghị về công tác thi và tuyển sinh năm 2013 vào ngày 22-1 tới, trực tuyến tại sáu điểm cầu, Hà Nội, Thái Nguyên, Vinh, Đà Nẵng, TPHCM và Cần Thơ với khoảng 1.800 đại biểu.

Bộ GD&ĐT dự kiến tổ chức hội nghị về công tác thi và tuyển sinh năm 2013 chiều 22-1 tới, tại sáu điểm cầu trên cả nước.

Điểm cầu Hà Nội tại Thư viên Tạ Quang Bửu – Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, gồm đại biểu UBND tỉnh, thành phố, sở GD&ĐT và các cơ sở đào tạo thuộc các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên.

Điểm cầu Thái Nguyên tại Đại học Thái Nguyên, gồm đại biểu UBND tỉnh, thành phố, sở GD&ĐT và các cơ sở đào tạo thuộc các tỉnh, thành phố Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Giang, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc.

Điểm cầu Vinh (Nghệ An) tại Đại học Vinh, gồm các tỉnh, thành phố Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.

Điểm cầu Đà Nẵng tại Trung tâm Học liệu ĐH Đà Nẵng gồm các tỉnh, thành phố Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.

Điểm cầu TP.HCM tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng gồm Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, TPHCM, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Gia Lai, Kon Tom, Đắc Lăc, Đắc Nông, Lâm Đồng.

Điểm cầu Cần Thơ tại Trường ĐH Cần Thơ gồm: Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang.

Hội nghị tuyển sinh 2013 là để các hiệu trưởng các trường ĐH,CĐ bàn về những vấn đề tuyển sinh mới, khắc phục những hạn chế, khó khăn trong mùa tuyển sinh trước. Trên cơ sở những ý kiến thảo luận tại Hội nghị Hiệu trưởng trường đại học, cao đẳng và kết luận của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, bộ sẽ đề ra phương hướng, nhiệm vụ công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2013.
 

Giảm chỉ tiêu ngành sư phạm

Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2013 về cơ bản giữ ổn định theo giải pháp “3 chung” như các năm trước.

Nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo, Bộ GD-ĐT cho biết, đối với những trường trực thuộc Bộ, năm 2013 và những năm tiếp theo sẽ không tăng chỉ tiêu đào tạo ĐH, CĐ chính quy, đồng thời điều chỉnh cơ cấu chỉ tiêu giữa các ngành theo hướng giảm chi tiêu đào tạo nhóm ngành kinh tế - tài chính, quản trị kinh doanh, tăng chỉ tiêu nhóm ngành kỹ thuật công nghệ, nông lâm, y dược, nghệ thuật.

Chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo của toàn ngành và của các trường trực thuộc Bộ năm 2013 dự kiến như sau: Hệ ĐH hệ chính quy là 133.000 (năm 2012 là 132.819 chỉ tiêu), trong đó chỉ tiêu sư phạm giảm (16.000 năm 2013 so với 20.000 chỉ tiêu năm 2012).

Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, việc giảm dần chỉ tiêu sư phạm do tình trạng thừa giáo viên hiện nay và sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm trong những năm tới trên cơ sở đánh giá lại thực trạng đội ngũ giáo viên hiệ nay so với nhu cầu.

Chỉ tiêu liên thông ĐH, CĐ chính quy được xác định tối đa bằng 20% chỉ tiêu ĐH, CĐ chính quy tương ứng. Chỉ tiêu đào tạo VLVH, liên thông, văn bằng hai theo hình thức VLVH tiếp tục được xác định tối đa bằng khoảng 50% so với chỉ tiêu chính quy. Riêng các trường sư phạm, để triển khai thực hiện việc đào tạo nâng chuẩn giáo viên, cần có đề án xác định rõ nhu cầu cần nâng chuẩn giáo viên. Không đào tạo trung cấp chuyên nghiệp VLVH tại các cơ sở giáo dục ĐH trực thuộc trong năm 2013.

Các trường ĐH tiếp tục giảm chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo bậc trung cấp chuyên nghiệp theo lộ trình giảm 20%/năm, các trường trực thuộc dự kiến giảm chỉ tiêu trung cấp chuyên nghiệp với lộ trình nhanh hơn và chấm dứt đào tạo trung cấp trước năm 2017.
 

Siết chặt liên thông, hạn chế mở ngành Tài chính Ngân hàng

Điểm mới trong tuyển sinh năm nay là thực hiện quy định mới về đào tạo liên thông. Theo đó, với người có bằng tốt nghiệp TC nghề, TCCN, CĐ nghề, CĐ sau thời hạn 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp đến ngày nộp hồ sơ thi lên trình độ CĐ hoặc ĐH phải dự thi 3 môn gồm: môn cơ bản, cơ sở ngành và chuyên ngành (hoặc thực hành nghề). Đối với người có bằng tốt nghiệp chưa đủ 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp đến ngày nộp hồ sơ thi lên trình độ CĐ hoặc ĐH phải dự thi tuyển các môn văn hóa, năng khiếu theo khối thi của ngành thí sinh đăng ký học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH chính quy do Bộ tổ chức hằng năm. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 7/2/2013.

Năm 2013, Bộ GD-ĐT tạm dừng cấp phép mở mới đối với các ngành Tài chính – ngân hàng bởi số lượng trường đào tạo các ngành này rất lớn, vượt quá nhiều lần so với nhu cầu thực của nền kinh tế.  Cả nước hiện có gần 1000 cơ sở đào tạo ngành kế toán, tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh. Số sinh viên đang theo học những ngành này chiếm khoảng 1/3 tổng số sinh viên cả nước. Theo công bố của Viện Nhân lực Tài chính ngân hàng, trong vòng 4 năm tới, số sinh viên tài chính ngân hàng không xin được việc làm sẽ là khoảng 13.000 người.

Các trường ĐH, CĐ khối H, N, S sẽ không tổ chức thi môn Văn

Theo Đề án thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy vào các trường khối văn hóa - nghệ thuật mà Bộ GD-ĐT vừa công bố, đối với các trường có tuyển sinh các ngành khối Văn hóa (khối C), chỉ xét tuyển dựa vào kết quả thi theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT.

Đối với những trường có tuyển sinh các ngành khối Nghệ thuật (khối H, N, S): Môn Ngữ văn sẽ xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT và điểm tổng kết 3 năm học THPT.

Môn năng khiếu do Hiệu trưởng các trường quyết định. Để tổ chức thi các môn năng khiếu này, hiệu trưởng các trường lập Đề án trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt, báo cáo Bộ GD-ĐT trước ngày 31/1/2013.
 

Theo công văn hỏa tốc của Bộ GD&ĐT gửi Giám đốc và Hiệu trưởng các trường đại học chiều nay (15-1), ngoài hội nghị trên về công tác thi, tuyển sinh năm 2013, còn có Hội nghị Giáo dục đại học 2013 (sáng 22-1, 1700 đại biểu) và Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020, thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương lần thứ 6, khóa XI (1400 đại biểu).

Đỗ Hợp (TP)