Khi Giáo dục công dân không còn là... chínhCùng lắng nghe những chia sẻ nhận định của những nhà giáo, nhà quản lý giáo dục về câu chuyện \"Khi Giáo dục công dân trở không còn là môn... chính\"! Giáo dục công dân bị xếp loại môn... phụ, chương trình học nặng về kiến thức, ít có sinh hoạt ngoại khóa, càng ít hơn việc đắp bồi và trau dồi kỹ năng sống, những phép ứng xử thích ứng giữa đời thường, học sinh phổ thông đang bị biến thành những chú “gà công nghiệp” oằn lưng với áp lực bài vở, điểm số cùng các kỳ thi. Suy tư, trải nghiệm của chính các nhà giáo, các nhà quản lý giáo dục, hoạt động văn hóa, nghệ thuật uy tín, những người trong cuộc sẽ phần nào lý giải rành rẽ hơn căn nguyên mối bất cập trong môi trường sư phạm bấy lâu nay. PGS Văn Như Cương: Điều này cũng chính xác hoàn toàn. Chỉ cần một ông bố, bà mẹ chở con vượt đèn đỏ với lý do “không có công an” thì mọi sự rèn cặp của nhà trường đều thành vô bổ. Không có quá trình phối hợp đồng bộ của gia đình thì rất khó uốn nắn trẻ theo đúng chuẩn. Tôi thấy ngay từ bậc học mẫu giáo, các cô đã luyện cho trẻ con biết cách tự đi giày dép, tự cất giày dép vào đúng nơi quy định, hoặc có ý thức nhặt rác, không vứt rác ra đường. Ở trường thì thế, đến khi về nhà lại đâu vào đấy, trẻ đã có người giúp việc hay bố mẹ lo hết, chả phải đụng tay đụng chân vào việc gì. Ở trường Lương Thế Vinh có quy định học sinh đi học muộn 10, 15 phút sẽ phải nghỉ luôn tiết học đấy, vì sợ ảnh hưởng đến các bạn khác. Nghỉ tiết không phải để chơi, để lang thang mà chúng tôi buộc các em lao động. Có thể là lau cửa kính, quét sân, dọn cỏ. Quan sát các em trong những khoảnh khắc ấy, tôi nhận ra, bọn trẻ bây giờ không biết làm gì, cầm cái chổi không đúng cách, lau cho sạch cửa kính cũng không xong. Mâu thuẫn giữa nhà trường và gia đình có thể đơn thuần như thế, nhưng là một khoảng cách khó xích gần, một hố sâu không dễ lấp đầy. PGS, TS Nguyễn Kế Hào, Nguyên Vụ trưởng Vụ Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo): Thật ra trong chương trình học ở bậc phổ thông không phân loại môn nào là môn chính, môn nào là môn phụ, chỉ có môn được đầu tư thời lượng học nhiều hơn và môn ít hơn. Giáo dục công dân cũng là môn học chính, không chỉ thêm vào cho có, hay có cũng được, không có cũng được. Thời tôi còn làm ở Bộ (Giáo dục và Đào tạo), Nhà nước đã chủ trương thực hiện giáo dục toàn diện.Đấy là quyết định khá đúng đắn. Thí dụ thế này, ngành y tế phát động phong trào “toàn dân dùng muối i ốt” vì biết trong khẩu phần ăn của bà con thiếu vi chất này, cho nên dễ nảy sinh một số bệnh tật. Giáo dục toàn diện cũng nhằm mục đích cung cấp đầy đủ cả kiến thức sách vở lẫn kiến thức xã hội và kiến thức làm người cho trẻ, với mong muốn tối thượng là hình thành nên những con người toàn diện. Tuy nhiên toàn diệnkhông có nghĩa cào bằng vì mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt. Giáo dục toàn diệncũng phải phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của từng độ tuổi, từng cấp học. Vậy nên kiểu gì cũng cần tạo điều kiện để mỗi cá nhân phát huy tối đa thế mạnh riêng của mình. Nước ta vẫn duy trì quan niệm, có đức và có tài, mỗi con người đều được đòi hỏi có phẩm chất và năng lực, tương tự thế đánh giá học sinh thì hạnh kiểm và học lực không được tách rời nhau. PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường PTTH dân lập Lương Thế Vinh (TP Hà Nội): Giáo dục công dân đúng là môn chính, nhưng mỗi tuần chỉ phân bổ một tiết trong thời lượng chừng ba chục tiết của thời khóa biểu. Tất nhiên giáo dục công dân còn được tích hợp qua một số môn học khác như văn, lịch sử,... dù vậy cũng chưa nhiều. Đã thế nội dung bài học chẳng ăn nhập gì. Lớp 10 phải học duy vật biện chứng, lớp 11 thì kinh tế thị trường, hàng hóa, giá cả... Toàn những vấn đề to tát như chương trình triết học của bậc đại học, đến mình cũng hoảng chứ huống gì bọn trẻ ăn chưa no, lo chưa tới. Bài giảng giáo dục công dân... cũng bắt học thuộc lòng thì thật quá quắt, bọn trẻ cứ lẩm nhẩm đọc rồi trả bài như... vẹt: Chí công vô tư là gì, thật thà dũng cảm là gì? Đây là tư duy lệch, vẫn nặng về dạy kiến thức sách vở chứ không phải rèn đạo đức. Điều này dẫn đến thực tế là đạo đức học trò đang xuống cấp, còn xuống cấp đến mức nào thì tôi không dám nói. PGS, TS Nguyễn Kế Hào: Chúng ta không thể đổ lỗi hoàn toàn cho nhà trường hay quy mọi chuyện về áp lực học hành, áp lực của bệnh thành tích dù điều đó không sai. Thường thì học sinh học lực giỏi hay đạt hạnh kiểm tốt, vì các em tiếp thu bài vở nhanh cho nên phát sinh ham muốn được đến trường, được đi học. Ngược lại, điểm số thấp, lực học chưa như ý khiến các em ngại tiếp xúc với thầy cô giáo, bạn bè, dễ sa đà vào chuyện nghỉ học, bỏ học và cuối cùng là dẫn đến tiêu cực. Vấn đề cốt yếu ở đây là xây dựng môi trường lành mạnh từ nhà trường, gia đình và xã hội. Nhà trường lành mạnh, gia đình lành mạnh, xã hội lành mạnh, ba môi trường giáo dục ấy bổ trợ cho nhau thì lo gì học sinh hư. Chung quy các em cũng chỉ ở trường vài tiếng một ngày, còn lại là ở nhà, ở ngoài xã hội. Nhà trường có thành pháo đài vững chắc đến đâu, kiên cố đến đâu mà gia đình và xã hội chưa yên, thì cũng khó lòng bao bọc, dạy dỗ được trẻ nhỏ. Con người ta đi học là để sống trong xã hội, thích ứng với xã hội. Ở trường thầy, cô giáo dạy các em không được vượt đèn đỏ, ấy thế mà ra đường các em nhìn nhận lại toàn những cảnh người lớn vượt đèn đỏ ào ào. Thầy, cô giáo tuyên truyền “nói lời hay làm việc tốt”, song ở nhà, các em suốt ngày nghe bố mẹ văng tục. Vậy các em sẽ hành xử như thế nào, theo con người nhà trường hay con người xã hội. Lý thuyết thì hay mà thực tế lại rất dở, cho nên dạy trẻ em giữa bối cảnh này khó khăn lắm, mong manh lắm. NSƯT Minh Vượng: Thời gian gần đây cùng với Nhà hát Chèo Hà Nội, tôi may mắn được biểu diễn nhiều cho trẻ em. Chúng tôi có những chương trình riêng phù hợp tâm sinh lý từng độ tuổi, từ mẫu giáo, tiểu học đến trung học... Thuận lợi là lãnh đạo các trường học đã chọn vở diễn sân khấu làm bài giảng ngoại khóa cho học sinh. Mỗi buổi xem kịch được coi như một tiết học phụ đạo. Tôi thấy các em rất hào hứng, phấn khích. Chúng tôi thường lấy tứ từ các câu chuyện cổ tích các em vốn thân thuộc để dựng thành những vở diễn sinh động, hấp dẫn, lồng ghép vào đó ý nghĩa giáo dục chân phương mà thiết thực. Giáo dục công dân đâu chỉ thuần túy là các con chữ xơ cứng máy móc, là thầy, cô giáo nói chay, thuyết giáo chay mà còn cảm nhận từ những vở kịch, những bộ phim, những mẩu chuyện bước ra từ chính đời sống thực. Tôi thấy mừng là nhiều trường học đã ý thức được điều đó, họ đã phối hợp với chúng tôi khá ăn ý và hiệu quả. PGS Văn Như Cương: Dạy đạo đức hay rèn người dễ dàng hơn nếu được thông qua văn chương, nghệ thuật, thông qua các hoạt động tình nguyện, từ thiện. Còn thói quen trong nhà trường của mình vẫn là rao giảng đạo đức, cho nên học sinh khó tiếp thu. Giáo dục nhân cách là một quá trình tốn rất, rất nhiều thời gian và công sức, lại không dễ thành công. Tới đây trường chúng tôi sẽ thường xuyên tổ chức cho học sinh đi thăm quan bảo tàng. Hà Nội có Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Quân đội, v.v. lưu trữ nhiều giá trị quý giá, có ý nghĩa thiết thực với các em. Một buổi học ngoại khóa như thế sẽ tác động tích cực tới nhận thức lẫn tình cảm của các em hơn nhiều những khái niệm nặng nề trong sách giáo khoa. PGS, TS Nguyễn Kế Hào: Nói thì nói vậy nhưng mọi sự thay đổi trong giáo dục phải thực hiện từ từ, không thể áp dụng ngay các giải pháp dễ gây “sốc” cho xã hội. Năm học 2013 này, tôi thấy đã có những tín hiệu đáng mừng như khuyến khích không đánh giá học sinh lớp một bằng điểm số, giao quyền chủ động lớn hơn cho giáo viên. Chúng ta đành phải tin và hy vọng vào sự lành mạnh của môi trường giáo dục, ở cả nhà trường, xã hội và gia đình...
DÀNH CHO 2K10 - LỘ TRÌNH ÔN THI VÀO LỚP 10 NĂM 2025!
Tham khảo Khoá học lớp 9 - Lộ trình UP10 tại Tuyensinh247: - Đa dạng hình thức học: Học live tương tác, học qua bài giảng quay sẵn - Ôn thi vào 10 - Luyện đề vào 10 - Bộ 10.000+ câu hỏi, 500+ bài giảng, 300+ đề thi bám sát sườn cấu trúc đề thi từng tỉnh Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY >> Học trực tuyến lớp 9 & lộ trình Up 10! trên Tuyensinh247.com Đầy đủ khoá học các bộ sách (Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo; Cánh diều), theo lộ trình 3: Nền Tảng, Luyện Thi, Luyện Đề. Bứt phá điểm lớp 9, thi vào lớp 10 kết quả cao. Hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả. |
Thứ trưởng Bộ GD - Phạm Ngọc Thưởng cho biết Bộ GD dự kiến sẽ yêu cầu các địa phương đổi môn thi thứ 3 hàng năm do nhiều trường THCS dạy lệch theo tư tưởng thi gì học nấy.
Phản hồi dự thảo quy chế tuyển sinh vào lớp 10 của Bộ GD, Sở GD TPHCM đề xuất giữ ổn định các môn thi vào lớp 10 thay vì phải thay đổi môn thi thứ 3 hàng năm.
Bộ GD đã chính thức công bố dự thảo quy chế tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2025 - 2026 chung cho các tỉnh trên cả nước như sau:
Sở GD TPHCM muốn được chủ động trong việc chọn môn thi thứ 3 tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2025 - 2026.