Làng đại học ở vùng quê nghèo lam lũ

Nhắc đến làng đại học Tú Mỹ, nhiều người không khỏi thán phục vì 100% hộ dân có con em học đến bậc đại học, cao đẳng; trong đó 95% có trình độ đại học, thạc sĩ, thậm chí tiến sĩ.

Học sinh tiểu học ở Bình Tú được chăm lo tốt ngay từ những ngày đầu đến trường.

Đại gia đình học giỏi

Nói đến thành tích học tập ở làng mệnh danh “làng đại học Tú Mỹ” (xã Bình Tú, huyện Thăng Bình, Quảng Nam), mọi người đều tỏ ra nể phục gia đình ông Bốn Nghĩa (tức Nguyễn Hữu Nghĩa). Gia đình ông có 9 người còn thì tất cả đều tốt nghiệp đại học, cao đẳng; trong đó nhiều người là thạc sĩ và người con trai út đang làm luận án tiến sĩ ở nước ngoài. 

Căn nhà ông Bốn Nghĩa nằm khuất sâu trong con đường làng rợp bóng cây, sạch sẽ, im phắc. Hôm tìm đến thì ông Bốn Nghĩa bận đi lễ Vu Lan ở đầu xóm. Căn nhà 3 gian với khoảnh vườn rộng lớn, đầy ắp những loại cây cảnh nhưng chỉ có vợ ông Bốn Nghĩa (bà Nguyễn Thị Hạnh) ở nhà nên căn nhà trở nên trống trải, vắng lặng.

Bà Hạnh năm nay đã ngoài 70 nhưng trông vẫn còn khỏe lắm. Trong một góc nhỏ của ngôi nhà có treo tấm hình mà cả gia đình bà mới chụp hồi tết năm rồi. Bà Hạnh chỉ vào từng người một và nói: “Đây là con gái đầu tôi tên Nguyễn Thị Thu Sương, tốt nghiệp cao đẳng sư phạm đang dạy học ở quê; đây là con Trang, thạc sĩ đang dạy ở Trường Chính trị khu vực 3; kế đến là thằng Quang, con Bích tốt nghiệp đại học hiện làm ở Đà Nẵng; con Thủy, con Châu, con Ngọc là thạc sĩ đang làm việc ở TPHCM, thằng Nhân tốt nghiệp đại học ngành nông nghiệp đang công tác ở Tiền Giang”. Chỉ vào người con trai út có tên là Nguyễn Hữu Tuấn năm nay 35 tuổi, bà Hạnh tỏ vẻ tự hào: “Trong nhà, thằng này là giỏi nhất. Nó đang ở bên Singapore làm luận án tiến sĩ ngành dầu khí. Nó nói lấy bằng tiến sĩ là về Việt Nam làm chứ không ở lại bên đó. Nghe vậy tôi mừng lắm”.

Đôi mắt đôn hậu lấp lánh như cười, bà Hạnh kể: Cực khổ, nhưng kể từ khi đứa con đầu đi học, bà không phải lo nghĩ đến chuyện tiền nong cho con học hành. Đứa nào cũng tự kiếm tiền đi học, không cần nhờ cha mẹ. Không phải 2 vợ chồng tôi không lo được, nhưng tôi dạy cho chúng nó ý thức độc lập từ nhỏ. “Có những tháng, mấy đứa còn dành dụm được học bổng gửi về. Đứa lớn đi học, tranh thủ làm thêm, rồi nhận học bổng, bảo với tôi cất mà lo cho em, tôi trào nước mắt vì sung sướng” - bà Hạnh nhớ lại.

Con đàn cháu đống, truyền thống hiếu học của đại gia đình cứ thế được tiếp tục phát huy. Hiện trong số 15 người cháu của gia đình ông Nghĩa có 5 người đậu đại học. Con anh Nguyễn Hữu Quang năm này phát tin vui với cả nhà khi đậu cùng lúc 2 trường đại học, riêng Đại học Y khoa Huế đạt điểm á khoa. Những người cháu còn lại đều học là học sinh xuất sắc, nhiều đứa đang học tại những trường điểm như Lê Quý Đôn, Phan Chu Trinh (Đà Nẵng).

“Tôi vẫn thường xuyên nhắc nhở các con, dẫu đã thành đạt ngoài xã hội, dẫu thời đại ngày nay sướng hơn xưa, đỡ lo cái ăn cái mặc, nhưng đừng bao giờ dạy con cháu ỷ lại, phải biết tự lập vươn lên” - bà Hạnh nói.

Phải chăm lo từ gốc!

Khi thắc mắc làng này có “long mạch”, đất tốt hay không mà trong số 70 hộ đã có tới 68 hộ có con em học đại học, cao đẳng, trưởng thôn Tú Mỹ Nguyễn Văn Thân, khoát tay, nói thẳng: “Long mạch gì, vẫn nghèo, vẫn bám ruộng vườn, nhưng được cái chịu khó vươn lên. Ai cũng hiểu, chỉ học mới thoát nghèo nên ra sức phấn đấu để có ngày hôm nay”. Bản thân nhà trưởng thôn Nguyễn Văn Thân có 3 đứa con thì 2 đứa học đại học, 1 đứa học cao đẳng. 2 vợ chồng ngoài làm ruộng phải chăn nuôi thêm heo, gà, vịt và tranh thủ lúc nông nhàn đi tìm cây cà gai leo chặt bán tìm thêm thu nhập gởi cho con đang đi học. “Cực khổ là vậy, nhưng thấy con học giỏi mình thấy mừng lắm. Khi nghĩ đến tương lai tụi nhỏ được sung sướng, bao nhiêu cực nhọc tan biến hết. Thôi hy sinh đời bố, củng cố đời con chú ơi” - anh Thân giãi bày.

Ngoài trường hợp đặc biệt như kỳ tích của gia đình ông Bốn Nghĩa, con số hộ gia đình có 3 - 4 người đậu đại học rồi trở thành thạc sĩ, tiến sĩ “đếm không xuể”, như nhà ông Nguyễn Hữu Nam, nhà chị Nguyễn Thị Thủy… “Thôn Tú Mỹ có 2 vùng gọi là Tuấn Mỹ và Tuấn Nghĩa, coi học hành, vượt khó thành tài như một sự đua tranh. Một sự cạnh tranh lành mạnh, đáng khen” - ông Phan Phát Đạt, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Bình Tú, nói. Dẫu ở quê nghèo, nhưng đàn con ông Bốn Nghĩa và bà Hạnh nổi tiếng sáng dạ, thông minh và học giỏi. Cách dạy chữ của bà Hạnh cũng vô cùng độc đáo. Với trình độ lớp 3, bà phải mày mò sách giáo khoa, con học, mẹ cũng học. Ngày đi làm, đêm đêm bà chong đèn, thức cùng con, vừa học vừa dạy chữ. Cứ thế cho đến đứa cuối cùng, khi tất cả bước ra trường đời, thành danh bằng những tấm bằng tiến sĩ, thạc sĩ, đại học hay cao đẳng.

Trên suốt đoạn đường từ thôn Tú Mỹ về lại Đà Nẵng, câu nói của bà Hạnh cứ hiện mãi trong suy nghĩ: “Bây giờ tụi nó như chim, phải cất cánh bay xa. Mỗi năm vài dịp sum vầy là vui rồi. Tôi còn sức, còn làm ra tiền, không cậy nhờ vào con cháu làm gì. Muốn báo hiếu, hãy sống, làm việc có ích cho xã hội, đất nước là tôi mãn nguyện rồi”.

Theo SGGP