Mạnh tay chi tiền triệu...\"giải ngố\" cho trẻ

Sinh viên, thanh thiếu niên, giờ đến cả trẻ nhỏ cũng bị kêu ca là thiếu kỹ năng sống. Đặc biệt là trẻ nhỏ ở thành phố, chúng có thể sử dụng máy tính, truy cập vào mạng internet, biết tiền đô la Mỹ nhưng lại không thể phân biệt được gạo với lúa. Thậm chí, một đứa trẻ năm tuổi được chú ý dạy cách chơi một trò chơi máy tính hơn là đi xe đạp và cách qua đường an toàn. Chúng có thể tự gọi điện thoại cho chị Thỏ Ngọc \"tâm sự\" nhưng lại không biết là phải chào một người lớn khi gặp.

Trẻ học cách làm việc theo nhóm để rèn tính đồng đội, gắn kết tại Tâm Việt. (Nguồn: Tâm việt.edu.vn).

Chi tiền triệu học làm trẻ... bình thường

Trong xã hội hiện đại, đặc biệt ở các thành phố lớn, các lớp học dạy kỹ năng sống được mở và hoạt động tấp nập. Các bậc cha mẹ ghi danh đi học cách dạy con, cách làm vợ làm chồng, cách ứng xử với khủng hoảng. Những thanh niên có chí làm giàu thì ghi danh để chỉ sau ít ngày bỗng ngộ ra được "tôi tài giỏi", "tôi thành người hoàn hảo".

Ai cũng thấy thiếu kỹ năng sống! Thậm chí, đến trẻ nhỏ, cha mẹ cũng phải tìm đến trung tâm để được học những thứ bình thường nhất. Trong khi trẻ con ở nông thôn được cha dạy bơi khi bắt đầu có thể lon ton đi thả trâu và lời chào hỏi là câu cửa miệng của trẻ em nông thôn nếu không muốn bị mắng "Con nhà ai mà miệng câm như hến...", thậm chí, ít giờ sau "thông tin" không chào hỏi người lớn đã "bay" đến tai bố mẹ. Chính vì thế, không ít ông bà ở quê ra thăm con cháu sống tại thành phố không khỏi sốc vì cháu đi học về không thèm chào hỏi ai. Bữa ăn, chúng cắm đầu ăn, ăn xong thì chui tọt vào phòng say sưa với máy tính. Câu chào hỏi trong nhà cứ hiếm dần.

Không chỉ "lười" giao tiếp, "lười" chào hỏi mà không ít gia đình thành phố rơi cùng cảnh ngộ với chị Hoàng Thanh Huyền (Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội). Chị Huyền phụ trách mảng truyền thông cho một hãng dược phẩm, còn chồng làm giám đốc một công ty xây dựng. Sau khi sinh cậu con trai, chị phải mổ cắt buồng trứng. "Cậu ấm" được cả gia đình chiều, mọi việc đều được cha mẹ, người giúp việc làm hết.

Tuy nhiên, cậu ấm dù đã chín tuổi nhưng hễ có khách đến chơi nhà là cu cậu chạy vào phòng. Ăn cơm thì gẩy tung đĩa thức ăn. Chị Huyền cứ nghĩ vài năm lớn, con trai chị sẽ khác. Tuy nhiên, trong bữa cơm gặp mặt mừng nhà mới có bạn bè và tổng giám đốc công ty của chồng đến nhà chơi, con trai chị vẫn giữ thói quen cũ. Chính ông sếp của chồng đã khuyên vợ chồng chị phải xem lại cách dạy con nếu không muốn sau này nhận hậu quả. Xấu hổ, chị Huyền quyết phải bỏ thời gian tìm lớp và bắt con đi học kỹ năng sống.

Cũng trong tình cảnh tương tự, chị Trần Phương Lan (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: "Cô con gái chị bảy tuổi học giỏi nhưng lại rất ít nói, rụt rè trong giao tiếp. Đi họp phụ huynh cho con, cô giáo cũng góp ý là bé ngoan, học tốt nhưng rụt rè quá, hay nói lắp bắp và gãi đầu gãi tai khi đứng dậy phát biểu". Lo sợ con cái lớn lên rồi sẽ cả đời sống dựa vào người giúp việc và chịu thiệt thòi vì thiếu tự tin, các bậc phụ huynh cuống cuồng cho rằng chúng thiếu kỹ năng sống! Họ sẵn sàng chi cả chục triệu đồng để dạy trẻ những điều bình thường nhất.

Theo tìm hiểu của PV, một khóa học về kỹ năng sống với khoảng thời gian năm ngày tại các trung tâm học phí 1.490.000 đồng. Mỗi trung tâm dạy kỹ năng sống thường thiết kế từ 5 đến 6 khóa học với tên gọi như kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, học tập hiệu quả, hoạt động nhóm... Gia đình nào "chịu chi" muốn con mình học đầy đủ những kỹ năng mà theo giới thiệu là chuẩn bị cho trẻ những cơ sở để sẵn sàng thành "công dân thành đạt" tương lai sẽ không có giá dưới chục triệu. Với những khóa học có kết hợp dã ngoại, rèn luyện như quân đội trong thời gian 10 ngày sẽ có mức chi phí tới năm triệu đồng.

Con nhà giàu thi nhau đi "giải ngố"

Mỗi đứa trẻ đến lớp kỹ năng sống sẽ được rèn luyện tính kỷ luật, kỹ năng tồn tại, thoát thân, tình yêu thương với người xung quanh chúng. Mỗi buổi học được thiết kế xen kẽ giữa giảng dạy, thực hành và phát triển kỹ năng từ buổi học. Được chứng kiến một đứa trẻ 7 tuổi đứng lên nói và sử dụng các yếu tố phi ngôn ngữ giống các phát thanh viên chương trình dự báo thời tiết, ít ai biết rằng, lúc đầu đến lớp cô bé còn không dám đứng lên nói tên của mình.

Chị Nguyễn Thị Thùy Dương, giáo viên phụ trách dạy kỹ năng sống cho trẻ tại Trung tâm dạy kỹ năng sống Tâm Việt cho biết: "Những học viên nhí (độ tuổi từ 5 đến 12) tại trung tâm hầu hết là con em gia đình khá giả, có điều kiện tại các thành phố lớn. Nhiều em khi đến với lớp thậm chí đứng lên còn không biết nói gì. Hầu hết các em đều kém về giao tiếp và thuyết trình. Đây là hai khóa học được nhiều phụ huynh chọn lựa cho con".

Phấn khởi sau kỳ học kỹ năng sống bằng một chuyến dã ngoại 10 ngày tại Hải Dương, chị Huyền cho biết: "Bỏ ra một mớ tiền cũng không uổng. Giờ con trai tôi đã biết... gấp chăn, lại còn biết... tự giác dậy đi học. Ngoài ra, cháu còn biết bữa cơm dọn bát, ăn xong biết nhặt đồ bẩn ra chậu rửa cho chị giúp việc. Hai vợ chồng giờ cũng thấy cần dành thêm nhiều thời gian hướng dẫn con những việc nhỏ nhặt như dùng bếp gas, gọi những số điện thoại cấp cứu, chữa cháy, công an khi khẩn cấp".

Mỗi kỹ năng cho trẻ đều phải rèn từng bước. Đặc biệt, các khóa học về kỹ năng giao tiếp được nhiều cha mẹ ghi danh cho con. Trẻ tham gia khóa học này trong thời gian năm ngày sẽ bắt đầu phải học từ việc giới thiệu bản thân, cách làm quen, xin tên, xin số điện thoại và sau đó trẻ sẽ được qua các lớp khác để làm quen với  bạn mới.

"Dạy cho trẻ về tinh thần trách nhiệm có thể là một nhiệm vụ không dễ dàng. Nhưng chúng ta có thể bắt đầu dạy một đứa trẻ về trách nhiệm bằng cách đưa ra công việc cụ thể, chẳng hạn như dọn dẹp chỗ chơi hay phòng ngủ, hoặc là giúp đỡ bố mẹ lau bàn ăn", cô giáo Dương chia sẻ.             

 Dạy kỹ năng cho trẻ phải từ cha mẹ

Theo nhiều chuyên gia giáo dục và tâm lý, cách giáo dục kỹ năng sống tốt nhất cho trẻ là việc giáo dục từ gia đình, là nếp nhà tốt đẹp, cha mẹ tự làm gương cho trẻ. Cha mẹ hãy chỉ cho con làm thế nào để hoàn thành những cam kết bằng cách chính bạn hoàn thành những điều đó. Dạy trẻ cần phải có một quá trình rèn luyện kiên trì bằng chính việc hướng dẫn cho trẻ giao tiếp trong chính gia đình, chăm sóc bản thân và tự hoàn thành công việc được giao. Cha mẹ đừng thay thế trẻ xử lý những tình huống khó khăn. Bởi điều đó sẽ chỉ làm cho trẻ ngày càng dựa dẫm vào người khác.

Đỗ Thơm (NDT)