Miền Tây: Năm học mới với nỗi khó khăn trăm bề

Dù đã cố gắng khắc phục nhưng nhiều học sinh ở miền Tây vẫn phải học trong những trường học không được đảm bảo khiến nhiều phụ huynh rất lo lắng.

NGỔN NGANG NĂM HỌC MỚI

Trường Tiểu học Xuân Hòa 4 (xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách, Sóc Trăng) đang xuống cấp trầm trọng. Một giáo viên cho biết, ngôi trường được xây dựng khoảng 20 năm. Năm 1997, trường được sửa chữa một lần. Hiện nay, các phòng học bị dột khi trời mưa, bàn ghế quá cũ. Cô Nguyễn Thị Kim Xoa, Hiệu trưởng chua xót: “Diện tích trường nhỏ nên không có nhà vệ sinh. Ban giám hiệu động viên người dân mở một lối đi để học sinh đi vệ sinh nhờ. Tội nghiệp các em, mùa mưa, sân trường ứ nước, lớp học bị dột”. Tại huyện Kế Sách, Sóc Trăng, nhiều ngôi trường 20 năm tuổi đã xuống cấp trầm trọng. Trường Tiểu học Xuân Hòa 1, mái tôn đã rỉ sét, cột bê-tông vỡ lộ ra những thanh sắt. Theo thống kê của Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Kế Sách, huyện có gần 10 trường tiểu học và một trường trung học cơ sở xuống cấp nghiêm trọng.


Một điểm trường mới được xây dựng tại vùng lũ huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp

Tại TP.Cần Thơ, nhiều điểm trường xuống cấp. Trung tâm Ninh Kiều có Trường Tiểu học Cái Khế 2 nằm trên đường Cách Mạng Tháng Tám, có 405 học sinh, chia thành hai điểm học (điểm A, điểm B) nằm sâu trong một con hẻm nhỏ, bề ngang khoảng 1,5m. Hiện hai điểm học này đang xuống cấp nặng nề, phòng học chắp vá, tạm bợ, không có sân chơi. Đặc biệt, điểm B của Trường Tiểu học Cái Khế 2 nằm gần sông Hậu thường xuyên bị ngập khi triều cường lên hoặc mưa lớn. Cùng cảnh khó, Trường Tiểu học Cái Khế 1 nằm trên đường Trần Phú có gần 300 học sinh xuống cấp nặng nề. Trong khi đó, dự án xây dựng Trường Tiểu học Cái Khế đã có hàng chục năm qua nhưng tới nay chưa thể triển khai xây dựng vì không giải phóng được mặt bằng và thiếu kinh phí.

Nhiều điểm trường được xây dựng bề thế nhưng không phát huy tác dụng. Nhiều phụ huynh học sinh của Trường THCS Đốc Binh Kiều (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) bức xúc cho biết hai năm qua, dù trường đã được xây mới nhưng con em họ phải học trong những phòng học tạm ngột ngạt, oi bức. Nguyên nhân là do trường mới xây xong đã bị lún sụp nghiêm trọng ở phần nền của tầng trệt nên không thể sử dụng được. Theo hồ sơ thiết kế, dãy phòng bị lún sụp nêu trên có 22 phòng gồm một trệt, một lầu với kinh phí xây dựng 3,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, quá trình đấu thầu, Công ty cổ phần khu công nghiệp Hố Nai trúng thầu với kinh phí xây dựng 3 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành rồi bàn giao vào năm 2008 thì công trình này liên tiếp bị lún sụp. Lo sợ học sinh không được an toàn, đầu năm học 2012 - 2013 nhà trường phải tạm đóng cửa để chuyển khoảng 700 học sinh của trường sang học ở trường tiểu học gần đó. Trường THPT Long Mỹ (huyện Long Mỹ, Hậu Giang) năm học này có 1.900 học sinh, chia làm 45 lớp. Ngôi trường này được xem là trường THPT lớn nhất tỉnh Hậu Giang. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nơi đây đang gặp khó khăn, thiếu thốn trước thềm năm học mới. Trường thiếu 200 bộ bàn ghế học sinh dù đã xin gần ba năm nay vẫn chưa được xem xét. Hiện nhà trường phải phân công các giáo viên sửa chữa chắp vá những bộ bàn ghế “quá đát” để học sinh có đủ bàn ghế ngồi học. Cũng tại trường này, công trình xây dựng 19 phòng học đang xây dựng dở dang, bàn ghế, dụng cụ học tập chưa được trang bị.


Trường tiểu học nước ngập lênh láng

KHÓ KHĂN TRĂM BỀ

Mặc dù địa phương sử dụng hết kinh phí kiên cố hóa trường lớp nhưng vẫn không thể khắc phục được thực trạng trên. Theo báo cáo của tỉnh Hậu Giang, kế hoạch vốn chương trình kiên cố hóa trường lớp và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 - 2012 chậm, khiến cho nhiều công trình lớp học bị dở dang gây lãng phí. Đến nay, địa phương mới thực hiện xong 837/1.475 phòng học nằm trong chương trình này. Trước nhu cầu cấp bách, tỉnh Hậu Giang đã tạm ứng và sử dụng hết vốn chương trình kiên cố hóa trường lớp của năm 2015 là 107 tỷ đồng nhưng vẫn không đáp ứng được điều kiện thực tế trường lớp xuống cấp. Tại Kiên Giang còn 73 điểm trường chưa có nhà vệ sinh, trong đó chủ yếu là các điểm trường mầm non và phổ thông. Hiện tỉnh có hơn 1.800 điểm trường lẻ (vài phòng học nằm phân tán). Một cán bộ ngành giáo dục khẳng định, nhiều điểm là những phòng học “4 không” (không điện, không nước, không sân chơi, không nhà vệ sinh). Tỉnh nghèo như Trà Vinh, kinh phí đầu tư Đề án xây dựng phòng học cho trẻ 5 tuổi đến trường học 2 buổi/ngày và bán trú mới đạt 70%.

Đồng bằng sông Cửu Long còn 140 xã chưa có trường mầm non độc lập. Các địa phương đã chắp vá bằng cách học chung với tiểu học, phòng học tạm vẫn còn phổ biến. Song song với nỗi lo khó khăn về cơ sở vật chất nhu cầu giáo viên cũng làm đau đầu ngành giáo dục. Một số địa phương dư giáo viên, một số nơi lại thiếu trầm trọng. Thống kê của ngành giáo dục tỉnh Bạc Liêu, nếu giữ nguyên hiện trạng số trường lớp sẽ dư 220 giáo viên. Trong khi đó, tỉnh Kiên Giang đang thiếu khoảng 1.000 giáo viên, chủ yếu bậc tiểu học. Năm học mới sắp bắt đầu, ngành giáo dục khu vực các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang nỗ lực nhưng thực trạng nỗi lo trường lớp xuống cấp, giáo viên nơi thiếu, nơi dư đang là bài toán cho không ít lãnh đạo địa phương.

Theo CA

NẮM CHẮC KIẾN THỨC, BỨT PHÁ ĐIỂM 9,10 LỚP 1 - LỚP 12 CÙNG TUYENSINH247!

Nếu em đang: 

  • Mong muốn bứt phá điểm số học tập nhanh chóng
  • Tìm kiếm một lộ trình học tập để luyện thi: TN THPT, ĐGNL, ĐGTD, Vào lớp 10
  • Được học tập với Top giáo viên hàng đầu cả nước

Tuyensinh247 giúp em: 

  • Đạt mục tiêu điểm số chỉ sau 3 tháng học tập với Top giáo viên giỏi
  • Học tập với chi phí tiết kiệm, đầy đủ theo ba đầu sách
  • Luyện thi bám sát cấu trúc từng kì thi theo định hướng của BGD&ĐT

Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY