Mức điểm sàn công bố: Dư thừa nguồn tuyển cho các trường

Trao đổi với báo chí ngay sau khi công bố điểm sàn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định, hệ số dịch chuyển năm nay cao hơn rất nhiều nên chắc chắn nguồn tuyển sẽ rất dồi dào. Điều quan trọng là các trường sẽ hút thí sinh như thế nào?

Thứ trưởng Ga cho hay, Hội đồng điểm sàn của Bộ đã họp với 32 thành viên. Sau khi xem xét, cân nhắc tất cả các nguyên tắc xây dựng điểm sàn trong đó gồm việc quy hoạch phát triển nhân lực đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt, chỉ tiêu tuyển sinh, kết quả thi tuyển của các trường cũng như cơ cấu nhân lực các vùng miền. Tại cuộc họp này cũng có sự góp mặt của 3 thành ủy viên Hội đồng đến từ các trường ngoài công lập.

Điểm sàn ĐH năm 2012: khối A,A1-13,0; khối B-14,0; khối C-14,5 và khối D-13,5. Mức điểm sàn CĐ giảm 3 điểm so với sàn ĐH. Điểm sàn công bố không nhân hệ số, chưa tính điểm ưu tiên và khu vực.

Với mức điểm sàn xác định như đã công bố thì hệ số dịch chuyển của thí sinh (TS) cao hơn năm trước. Cụ thể, đối với khối A tỷ lệ giữa số TS dư và TS thiếu là 1,8 lần. Đối với khối B là trên 10 lần và khối C,D là trên 2,5 lần. Với hệ số dịch chuyển lớn như vậy thì các trường sẽ có nguồn tuyển rất dồi dào.

Th

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga. 

Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, với hệ số dịch chuyển lớn như vậy thì chắc chắn cơ hội trúng tuyển của thí sinh sẽ cao hơn nhiều so với năm trước?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Thí sinh trúng tuyển phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Thứ nhất là hệ số dịch chuyển đối với các khối ngành. Thứ 2 là khả năng dịch chuyển của TS từ vùng này sang vùng kia… Để đảm bảo khả năng trúng tuyển của TS cao thì năm nay Bộ GD-ĐT đã có chủ trương cho các trường xét tuyển nhiều đợt, cho TS đăng ký nhiều nguyện vọng, không quy định điểm trúng tuyển NV sau phải cao hơn NV trước. Với cơ chế mềm dẻo như vậy hi vọng các trường sẽ tuyển đủ chỉ tiêu và tất cả các TS có điểm trên sàn có NV học ở các trường ĐH sẽ tìm được chỗ học phù hợp.

Quan điểm của đại diện của các thành viên trường ngoài công lập về mức điểm sàn năm nay như thế nào?

Cả 3 thành viên đến từ các trường ngoài công lập đều hoàn toàn nhất trí với phương án điểm sàn mà Bộ GD-ĐT đề ra. Khi biểu quyết mức điểm sàn ĐH, CĐ thì 100% ủy viên Hội đồng đều thống nhất với phương án đã công bố.

Có một vấn đề đặt ra là mùa tuyển sinh nào Bộ GD-ĐT cũng đảm bảo dư nguồn tuyển nhưng các trường ngoài công lập vẫn luôn gặp khó khăn trong việc tuyển đủ chỉ tiêu, Thứ trưởng có thể giải thích về hiện tượng này?

Với hệ số di chuyển lớn như năm nào cùng với cơ chế mềm dẻo của Bộ GD-ĐT trong khâu xét tuyển thì các trường không khó để tuyển được đủ chỉ tiêu. Vấn đề ở chỗ là làm sao các trường có thể thu hút được TS vào học bằng sự uy tín và chất lượng đào tạo của mình. Có rất nhiều TS trên điểm sàn nhưng lại không đầu đơn vào các trường còn chỉ tiêu thì điều đó chúng ta không thể can thiệp được. Chính vì thế các trường cần phải nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao sức hút đối với TS.

Sau bao nhiêu năm điểm sàn khối C luôn ổn định ở mức 14,0 thì năm nay đã có sự thay đổi là tăng thêm 0,5 điểm. Vậy có phải chăng chất lượng TS dự thi khối C đã được cải thiện?

Trong những năm qua, chất lượng giáo dục các trường phổ thông đã được cải thiện đáng kể nhờ sự đầu tư của nhà nước và sự nỗ lực cố gắng của toàn ngành. Tất nhiên chúng ta không hi vọng nó sẽ có sự thay đổi đột biến được mà phải dần dần. Cụ thể năm nay chúng ta thấy rất là rõ sự chuyển biến này. Ví dụ như ở các môn thi khối C nếu trước đây chúng ta thường hay lo lắng TS không học hoặc học không có hiệu quả thì năm nay kết quả phổ điểm của khối này rất là tốt thể hiện ở chỗ điểm cực đại đối với 3 môn thi của TS là 15,0 điểm (Số thí sinh đạt tổng điểm 3 môn thi là 15 điểm chiếm phần lớn - PV).

Những năm gần đây Bộ GD-ĐT đã có những cải cách rất rõ ràng đối với việc dạy và học cũng như cách thi đối các môn thuộc khối Xã hội nhân văn sau khi có những cảnh báo về chất lượng cũng như việc cân đối ngành nghề. Chính những cải cách đó đã tạo cho HS sự sự hứng thú khi học các môn này. Chẳng hạn như không bắt buộc phải học thuộc lòng nhiều mà chuyển sang suy luận, thể hiện ý kiến cá nhân…

Trong khâu xét tuyển các NV kế tiếp thì thí sinh cần phải quan tâm đến những điểm nào thưa Thứ trưởng?

Có một vấn đề mà các TS cần phải quan tâm đó là năm nay hầu hết các vùng miền tỷ lệ giữa TS dư và chỉ tiêu thiếu của các trường thuộc vùng đó có thể tự cân đối với nhau, chẳng hạn như ở vùng Đồng bằng Sông Hồng, vùng Đông Nam Bộ…Nghĩa là những TS thuộc vùng đó mà không trúng tuyển NV1 hoàn toàn có thể lấp đầy các chi tiêu còn thiếu của các trường còn lại trong khu vực đó. Do đó nếu có sự di chuyển của TS vùng khác đến tham gia xét tuyển thì sự cạnh tranh sẽ cao hơn.

Chính vì thế khi nộp xét tuyển các NV kế tiếp thì TS phải tự nhìn nhận mức chỉ tiêu của các trường phù hợp với khả năng của mình. Tất nhiên TS vẫn có cơ hội rút hồ sơ xét tuyển sau khi đã nộp vào một trường nào đó.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Theo Dan Tri

Group Ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí

Xem thêm tại đây: Điểm sàn đại học cao đẳng

>> Lộ Trình Sun 2025 - 3IN1 - 1 lộ trình ôn 3 kì thi (Luyện thi TN THPT & ĐGNL; ĐGTD) tại Tuyensinh247.com. Đầy đủ theo 3 đầu sách, Thầy Cô giáo giỏi, 3 bước chi tiết: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng đáp ứng mọi kì thi.