Năm 2025, sẽ có đề án đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học

Ngày 11.10, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức hội thảo một số giải pháp đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học ở Việt Nam. Tham dự có Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cùng đại diện các phòng GD-ĐT, trường học trên địa bàn thành phố.

Ngày 11.10, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức hội thảo một số giải pháp đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học ở Việt Nam. Theo Sở GD-ĐT, hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học theo Kết luận số 91-KL/TW ngày 12.8 của Bộ Chính trị.

Phát biểu khai mạc hội thảo, tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nhìn nhận, hiện nay, trên thế giới, nhiều quốc gia đã và đang triển khai thành công mô hình giáo dục song ngữ, đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học. Các quốc gia này đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc nâng cao năng lực tiếng Anh cho học sinh, sinh viên, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập, nghiên cứu, làm việc và hội nhập quốc tế.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng nói rằng, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ sớm ban hành một đề án mang tầm quốc gia về đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học, trong đó có các giải pháp về nguồn lực, cơ chế chính sách, đào tạo bồi dưỡng giáo viên, tạo cơ hội cho giáo viên bản ngữ hợp tác, làm việc tại Việt Nam... Ông Thưởng cũng cho rằng cần 5 trụ cột chính là quản lý nhà nước, các nhà khoa học - chuyên gia, nhà đào tạo (cơ sở giáo dục), nhà trường, nhà doanh nghiệp cùng tham gia hiến kế để thực hiện đề án mang tính quốc gia này.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội thảo

Theo ông Thưởng, đến năm 2025 có thể xây dựng xong đề án này và xác định rõ lộ trình cũng như các giải pháp thực hiện. "Kinh nghiệm thực tiễn của TP.HCM về thực hiện Đề án 5695 (Dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam" theo Quyết định số 5695/QĐ-UBND ngày 20.11.2014 của UBND TP.HCM) cho thấy cần có một chiến lược, một kế hoạch cụ thể…

"Chúng ta cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó xác định các giải pháp trước mắt, lâu dài và đột phá. Như thế, cách làm đồng bộ nhưng phải xác định đâu là giải pháp đột phá, không dàn hàng ngang, nơi nào có điều kiện phù hợp thì thực hiện. Khuyến khích các địa phương có đủ điều kiện như TPHCM sẽ là đầu tàu dẫn dắt, định hướng việc dạy và học tiếng Anh hiệu quả", Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nói.

Ông Phạm Ngọc Thưởng cũng chia sẻ đây là hội thảo quy mô đầu tiên được tổ chức kể từ khi có Kết luận 91 của Bộ Chính Trị. Điều này cho thấy quyết tâm của TP.HCM trong việc tiên phong đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học.

Bên cạnh đó, Ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học tại TP.HCM thì cần có một kế hoạch toàn diện dựa trên công nghệ phù hợp với điều kiện thực tế.

Trong đó, ông Minh đưa ra đề xuất 8 giải pháp để tiến tới thực hiện mục tiêu về ngôn ngữ thứ 2 trong trường học bao gồm:

1. Đầu tư phát triển hạ tầng số: Nâng cấp hạ tầng công nghệ trong các trường học là nền tảng.

2. Triển khai các chương trình tích hợp: Áp dụng các phương pháp tích hợp được hỗ trợ bởi nội dung số cho phép học sinh học tiếng Anh một cách tự nhiên thông qua các môn học khác.

3. Đào tạo giáo viên và phát triển chuyên môn: Giáo viên đóng vai trò then chốt do đó, nâng cao kỹ năng công nghệ và khả năng tiếng Anh của giáo viên là yếu tố quan trọng.

4. Tham gia vào tổ chức các hoạt động giáo dục có yếu tố quốc tế: Tổ chức các chương trình trao đổi văn hóa trực tuyến với các trường ở các quốc gia nói tiếng Anh, khuyến khích học sinh tham gia các cuộc thi quốc tế, tổ chức các cuộc thi quốc tế với sự tham gia của học sinh, các nước trong khu vực, từ đó giúp học sinh làm quen dần với việc sử dụng tiếng Anh trong môi trường học tập.

5. Triển khai các khung đánh giá: Xây dựng các tiêu chuẩn để công nhận đánh giá tiến độ và hiệu quả của việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 tại trường học.

6. Chính sách hỗ trợ: Sự hỗ trợ về chính sách và tài chính của chính quyền: Là yếu tố rất cần thiết để triển khai kế hoạch hiệu quả và bền vững.

7. Bản địa hóa nội dung: Xây dựng tài liệu học tập các môn như giáo dục địa phương, lịch sử địa lý bằng tiếng Anh trên môi trường ảo. Giúp học sinh trải nghiệm một cách chân thực, từ đó hỗ trợ việc tiếp thu kiến thức môn học song song tạo bối cảnh, ngữ cảnh cho việc học tiếng Anh của học sinh.

8. Rút ngắn khoảng cách số: Đảm bảo công bằng trong tiếp cận công nghệ với những khu vực địa bàn còn khó khăn về cơ sở vật chất thông qua việc triển khai các hệ thống hoạt động trên nền tảng đám mây, các giải pháp tận dụng tái sử dụng các thiết bị cũ.

Theo Báo Thanh Niên

  • Kỳ thi V-SAT không phải là bài thi của Bộ GD

    Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa khẳng định không có chủ trương giao Trung tâm Khảo thí quốc gia và đánh giá chất lượng giáo dục xây dựng bài thi V-SAT để các trường sử dụng chung trong công tác tuyển sinh đại học.

  • Trường Đại học Kinh tế quốc dân (NEU) trở thành Đại học

    Ngày 15/11, NEU - trường Đại học Kinh tế quốc dân đã chính thức thành Đại học. Là 1 trong 9 Đại học trên cả nước.

  • Lịch nghỉ tết Nguyên đán 2025 - Tất cả các trường Đại học

    Lịch nghỉ tết nguyên đán Ất Tỵ 2025 của các trường Đại học đã và đang được công bố đến sinh viên. Dưới đây là lịch nghỉ tết âm lịch 2025 dành cho sinh viên của các trường Đại học phía Bắc và phía Nam.

  • Đánh giá năng lực 2025 thi mấy môn?

    Thi đánh giá năng lực 2025 là thi môn gì, gồm mấy môn, đánh giá năng lực thi những môn nào là thắc mắc của rất nhiều bạn học sinh 2K7 - lứa học sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Các em tham khảo ngay dưới đây để có định hướng học và ôn tập nhé.